Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ cuối: Ngôi chùa trong sinh hoạt tinh thần của người Khmer

0
1158
Nói đến đời sống tinh thần của người Khmer, người ta không thể không nhắc đến ngôi chùa và những sinh hoạt của cộng đồng gắn liền với Phật giáo Nam tông. Có thể nói đây là nét văn hoá truyền thống đặc thù của xã hội người Khmer, nó có ảnh hưởng và chi phối một cách sâu sắc đến đời sống của những người Khmer ở vùng nông thôn. Phật giáo Nam tông, hay nói cụ thể là ngôi chùa đối với người Khmer nói chung không chỉ đảm nhận chức năng tôn giáo mà còn được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu về giáo dục, sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hoá của cư dân trong ấp. Theo truyền thống, con trai người Khmer được gởi vào chùa để học chữ và học giáo lí cho đến năm 12 tuổi thì xuất gia, và thời gian tu bao lâu tuỳ ý. Đối với các hộ gia đình nghèo, việc người con trai đang lớn trở thành lao động chính trong gia đình phải xuất gia đi tu không phải là một vấn đề lớn. Khi được hỏi trong nhà có người đi tu có thấy mất đi một lao động không, bà Thạch Thị Lân trả lời: “Mất thì mất nhưng đi tu là cái duyên tình ý của người ta, người ta đã muốn đi tu thì phải cho đi ”.

“Nói đến đời sống tinh thần của người Khmer, người ta không thể không nhắc đến ngôi chùa và những sinh hoạt của cộng đồng gắn liền với Phật giáo Nam tông.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Việc người con trai đi tu, mặc áo nhà Phật được cả cộng đồng người Khmer kính trọng. Sự kính trọng đó không phải chỉ được biểu hiện khi người đó còn tu qua thái độ cung kính cúi chào mà cả khi người đó đã trở về và lập gia đình qua cách thức xưng hô. Chú Út Son nói: “Người đi tu khi trở về nếu nhỏ tuổi hơn cha mình thì được gọi là Lục mịa, nếu lớn hơn cha mình thì được gọi là Lục thum còn với người không tu, người ta chỉ gọi là pù, có nghĩa là chú.” (chú Út Son, phỏng vấn ngày 25/5/2010).
Trước đây, để tránh không bị bắt đi lính, thanh niên Khmer đi tu rất nhiều. Hiện nay, số thanh niên đi tu và có thời gian tu lâu năm ngày càng ít đi. Một trong những nguyên nhân được bà con ở đây giải thích là vì đi tu đời sống khắc khổ nên khó có người chịu được. Việc này cho thấy, điều kiện kinh tế phát triển, đời sống vật chất ngày càng nâng cao có ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn lựa có tiếp tục tu và sống đời sống khắc khổ hay không. Những gia đình giàu có, điều kiện vật chất đầy đủ thì con cái của họ khó có thể tu lâu được. Ngược lại, những người con trai của các gia đình nghèo lại có thời gian tu dài hơn. Bác Út Son giải thích : “Con nhà giàu khó tu, còn con nhà nghèo coi vậy chứ mà tu được vì từ nhỏ đã quen chịu khổ”. Cũng theo nhận định của bác Út Son vốn là thành viên của ban quản trị chùa cho biết: “Đối với việc quyên góp cho chùa, đặc biệt là những dịp có đám tiệc hoặc phải xây dựng gì trong chùa, mình đi quyên góp tiền của người nghèo dễ hơn của người giàu. Người ta giàu chứ mà không nhiệt tình đóng góp bằng mấy người nghèo đâu. Người ta không có tiền có khi người ta còn phải đi mượn nhưng mỗi lần đóng góp là người ta đóng góp rất nhiều, có khi còn hơn cả mấy người nhà giàu.” (chú Út Son, phỏng vấn ngày 25/5/2010).
Hỏi thăm về vấn đề này đối với những tín đồ Phật giáo có hoàn cảnh nghèo thì được biết đây là những cơ hội để họ tích đức cầu mong cho kiếp sau họ không còn cơ cực, nghèo khổ. Họ còn nói bỏ tiền vào chỗ nào thì sợ mất chứ bỏ vào chùa thì không sợ mất, vì theo quan niệm của họ, tiền bạc, lúa gạo, công sức họ bỏ ra để dâng cho sư sãi cuối cùng cũng là của họ kiếp sau. Điều này cho thấy trong tâm thức của người Khmer có một sự tính toán, trao đổi với thần thánh, đồng thời niềm tin vào số kiếp đã được định sẵn cũng rất quan trọng. Họ dựa vào hoàn cảnh thực tế của họ là có đất hay không có đất để biết được mình đang ở kiếp giàu hay kiếp nghèo. Khi được hỏi, mỗi lần thắp hương dâng Phật thường có ước nguyện gì, chị Thạch Thị Dự trả lời:“Mỗi lần cầu nguyện, cô cũng chỉ cầu nguyện cho kiếp sau mình thoát cảnh nghèo, có đất có ruộng như người ta để khỏi phải đi làm mướn. Lần nào đi chùa chị cũng cầu xin có từng đó.” (chị Thạch Thị Dự, phỏng vấn ngày 24/5/2010).
Mặc dù người dân Khmer, đặc biệt là người dân nghèo đi làm mướn tin rằng họ không thể thay đổi số phận của mình mà chỉ có thể trông chờ vào sự thay đổi của kiếp sau thì trong họ vẫn có một số người thể hiện lòng khao khát thoát nghèo ngay tại kiếp này. Bằng chứng của những mơ ước đó được thể hiện trong việc họ thường xuyên mua vé số, ao ước được tham gia vào chương trình Vượt lên chính mình để thoát nghèo hoặc đi cúng Bà Chúa Xứ, mộ Cô Năm,… Nói về việc mua vé số, bà Thạch Thị Sa Giêng nói: “Chừng nào nghe người ta trúng là mình đi mua à. Nghe người ta trúng cũng nôn nao, cũng muốn trúng dữ lắm chứ, ai cũng muốn giàu có, sung sướng, chứ nghèo cực thấy mồ.” (bà Thạch Thị Sa Giêng, phỏng vấn ngày 25/5/2010). Còn nói về việc đi hành hương và cúng Bà Chúa Xứ, mộ cô Năm, núi ông Cấm,… chị Thạch Thị Dự cho biết: “Mình đi chùa là để tích đức cho kiếp sau, còn đi bà với cô Năm là để vái xin cho kinh tế trước mắt. Kiếp mình bây giờ nghèo thì vào chùa mình cũng chỉ xin cho hết kiếp này, kiếp sau cho mình có ruộng đất làm ăn như người ta còn mình thắp nhang vái bà, bà phù hộ cho mình ăn nên làm ra. Nhiều người được bà giúp lắm, chỉ có dân nghèo mới hay đi xin phù hộ, chứ người ta có đất thì cần gì.” (chị Thạch Thị Dự, phỏng vấn ngày 24/5/2010).
Như vậy có thể thấy, mặc dù có ước mơ thoát khỏi kiếp nghèo, người dân ở đây vẫn không tin được là tự họ có thể làm giàu được mà chỉ có nhờ vào sự may mắn hoặc sự phù hộ của thần thánh. Theo họ, muốn giàu có thì không có cách nào khác là phải chờ đến kiếp sau. Suy nghĩ và định kiến này vô hình trung tạo ra một tâm lí tự ti, mặc cảm, gây cản trở không nhỏ đến ý chí vươn lên, tự lực làm giàu của bà con.
Lưu Thủy
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.