Khảo sát địa bàn chùa B.V
Sau khi đưa chúng tôi đi một vòng quanh chùa chú F mời chúng tôi vào chùa: bước lên một cầu thang, chúng tôi tới một gian phòng rộng rãi, sàn nhà làm bằng những thanh gỗ, ở đó có các sư đang ăn cơm. Các sư ngồi trên các sạp cao, có rất nhiều cơm và thức ăn trước mặt các sư. Bên dưới, mọi người ngồi riêng nam nữ, không khí ở đây không mấy ồn ào. Khi chúng tôi bước vào, mọi người ở đây nhìn chúng tôi với ánh mắt rất hiếu kỳ. Tôi cũng theo mọi người vào trong và ngồi bên cạnh một em gái tên L, 17 tuổi đang học lớp 11 tại tỉnh Trà Vinh. Ba má L làm ruộng. Tôi bắt chuyện với em và khi tôi thấy một nhóm người già mặt đồ trắng có cả nam lẫn nữ, đều cạo trọc đầu, tôi hỏi bé L đó là ai thì bé trả lời đó là những người tu thiếp, đàn bà gọi là lục day, đàn ông là lục tà. Trước mặt họ là một bàn thờ nhỏ với một cây nến trắng một cây nhang đang được thắp, hai hàng hoa vạn thọ ảnh phật và có cả bàn thờ không có ảnh phật nhưng có m ột hàng thuốc lá. Trong phòng có hai bàn thờ: một bàn thờ Phật và một bàn thờ những vị sư có chức cao và có cống hiến lớn cho chùa. Bàn thờ này có đèn điện chớp các tháp đồng lớn nhỏ khác nhau, người ta cũng đặt hình ảnh các vị sư và những hàng chữ Khmer. Đang lúc nói chuyện thì có nguời nói trong micaro thứ tiếng khmer và L cùng mọi người vội chắp tay nghiêm túc. Khoảng một phút sau, mọi người lại thư giản bình thường, một lúc sau nữa thì có người đàn ông đứng tuổi phát biểu bằng tiếng Khmer, sau khi hỏi L thì tôi biết ông đang nói về những hoạt động của chùa trong tuần qua. Sau đó, chú F có giới thiệu chúng tôi cho người đàn ông này; cô D phát biểu, có người thông dịch sau đó, mọi người tỏ ra rất thân thiện và cười nói vui vẻ với nhau.
Người đàn ông này tên là K.K. Bác nói với chúng tôi về vấn đề đời sống và phong tục tập quán của người Khmer:“Trước năm 2000, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Từ khi được sự hổ trợ của các chính sách 134,135,141 đồng bào Khmer có sự phát triển khá, thể hiện ở việc hộ nghèo giảm. Người dân sống chủ yếu là nghề nông. Trước đây, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật thấp dẫn đến mức thu nhập thấp, nhưng từ năm 2000, nhờ việc ứng dụng khoa học tốt đã làm cho nắng suất khá và mức thu nhập tăng lên. Năm nay, người dân trúng mùa cộng với trúng giá, cộng thêm được đầu tư vào mua bán nên đầu ra tăng, dẫn đến đời sống một bộ phận người dân được nâng lên. Ý thức đoàn kết giữa lương và giáo, giữa người Khmer – Hoa – Kinh tốt. Phong tục của người Khmer liên quan đến tôn giáo, người Khmer chỉ có một tôn giáo là Phật giáo. Người khmer rất tôn trọng là Phật giáo, thể hiện rõ nhất là vào ngày vô năm ( Chuôn thnăm thmây ). Vào ngày này, mọi người tập trung về chùa cúng bái, vui hội lễ năm mới.”
Người dân Khmer dâng cơm cho sư.
(Ảnh minh họa- Nguồn: Internet).
Lễ hội (okombók) tổ chức phổ biến trong cả nước ở những nơi có nhiều người Khmer ở. Lễ hội này tổ chức hàng năm vào rằm tháng 10. Ở Trà Vinh, người ta tổ chức nhiều trò chơi nhân gian như đua ghe ngo, đá bóng, bóng chuyền, lễ Ka thăm tha tiêng là lễ dâng bông, cúng áo cà xa cho sư trong chùa và một số lễ khác như lễ giỗ.
Chùa B.V xây dựng năm 1642 ( theo bác Kh thì thông tin này có do ban quản trị chùa và hội sư sải đoàn kết yêu nước nghiên cứu). Người Khmer rất tin tưởng và tôn trọng các sư. Họ tin và coi các sư như là người giữ vững văn hóa Khmer thông qua chữ viết, tiếng nói và tất cả phong tục của người Khmer. Trước đây, con trai Khmer 12 tuổi là vào chùa tu để đền ơn cha mẹ. Tu sa di là tu nhỏ để đền ơn mẹ, tì khưu đền ơn cha, tu xong ti khưu thì mới xuất ra để lập gia đình. Trong đây, chùa thuộc hai ấp B. V và N.L nhưng chỉ có mấy người đi tu.
Các ông bà đi thiếp xong mỗi tháng vào chùa bốn ngày 8; 15; 23; 30. Vào những ngày này, người dân tranh thủ đến chùa, nếu không đến được thì họ ở nhà lo cho gia đình. Người dân dâng cơm cho sư với ý nghĩa là nhằm cầu siêu cho các linh hồn đã khuất. Trước đây, khi ông Lục đi khất thực chỉ có người Khmer dâng cơm, nhưng hiện nay có cả người Kinh cũng dâng cơm. Người Khmer và người kinh ngày giỗ cũng mời nhau.
Trước đây, ý thức người dân rất kém về việc học tập. Trước giải phóng, người Khmer được còn xã vận động đến trường nhưng họ cũng tìm cách trốn từ từ. Nhưng đến nay trẻ em đến tuổi đều được đi học. Học sinh cấp I được nhà nước đầu tư tất cả sách vở, tiền học phí. Các thành phần giáo viên, kỹ sư, bác sĩ trong huyện tăng lên đáng kể. Nói chung, người Khmer luôn được vận động giữ vững bản sắc. Tuy nhiên, trên thực tế thì có cái giữ rất tốt và có cái không tốt, ví dụ như người dân đi chùa phải mặc đồ truyền thống của người Khmer nhưng hiện nay mặc đồ như người kinh là phổ biển, chỉ có lễ dâng bông người dân mới mặc đồ Khmer. Về y tế, trước đây khi gia đình có chuyện gì thì người ta thường mời thầy lang, đồng bóng nhưng hiện nay người dân đã đi đến y bác sĩ để được chữa trị.”
Khoảng 8h30 các sư ăn cơm xong, một nhóm phụ nữ bưng thức ăn còn lại của các sư, trái cây và các loại bánh để lại hội trường và chúng tôi được mời ăn. Các loại bánh trái ở đây cũng dễ ăn như: bánh bò, xôi, bánh hỏi, chuối, xoài. Lúc này, chỉ có chúng tôi và những người đàn ông ngồi ăn bánh, uống trà. Cơm được dọn xuống gian nhà bên cạnh (trải chiếu) bày đồ ăn và chúng tôi được mời xuống ăn. Một bên là những ông bà tu thiếp dùng cơm với một không khí thinh lặng. Nhóm chúng tôi ngồi thành hai để ăn cơm, và trong bữa cơm này có rất nhiều các loại thức ăn như: trứng, thịt gà, cua biển, cá nhỏ… được dồn chung vào một chỗ. Chúng tôi được mọi người mời ăn rất nhiệt tình, khi chúng tôi ăn xong. Trong lúc ăn, cô Dung có hỏi về thời gian sư ăn thì có một phụ nữ trả lời: Sư chỉ dùng cơm m ột ngày hai bữa. Từ 13h trở đi các sư vẫn được dùng đường, sữa miễn là không phải cơm. Sau khi ăn cơm xong, chúng tôi được mời lên lại hội trường để uống nước, những người tu thiếp cũng ăn xong thì để nguyên mà không dọn, họ đi lên hội trường ngồi nghĩ. Các bạn trong đoàn chúng tôi và cả các thầy cô cũng tranh thủ đi hỏi các thông tin từ những người trong ban quản trị và những người tu thiếp này.
Khoảng 9h30 tôi và T, Đ được chú P dẫn đến gặp sư cả. Sư cho biết thông tin về sư: sư tên là S.T, 30 tuổi, làm sư cả tại chùa B.V được hai năm. Sư T đi tu từ năm 20 tuổi. Sư T trông rất trẻ, người hơi mập, trắng trẻo, mặc cà sa quấn màu vàng nghệ. Chúng tôi chào hỏi sư và trình bày cho sư về mục đích chúng tôi muốn gặp sư là mong được sư cung cấp những thông tin có liên hệ với thiết chế xã hội truyền thống của người Khmer.
Các sư trong chùa đi lấy bát hằng ngày, trừ bốn ngày trong tháng người dâng cơm vào chùa nên không đi, thời gian khoảng 9h30, các sư được chia theo tổ để đi lấy bát. Chùa có 28 vị sư hiện nay còn 11 sư ở lại chùa, 17 sư khác đi học ở nơi khác. Chùa có 12 tì khưu còn lại 16 là sa di. Trong tổ chia ra hai sư đi một tuần, lúc sư nhiều thì đi hết bảy wện, nhưng sư ít thì đi hai wện là wện ba và wện bốn thôi vì 2 wện này gần chùa. Xa di đi lấy bát từ tổ hai đến tổ sáu, tì khưu đi ngược lại bắt đầu từ tổ sáu (tổ=wện).
Ban quảng trị là người bầu trưởng wện, cũng như ban quản trị, các trưởng wện có nhiệm kỳ ba năm nhưng có thể linh hoạt về thời gian. Trưởng wện là những người có công lo lắng cho chùa, cho sư và không cần thiết phải là người lớn tuổi. Vào dịp cúng ông Tà, ở mỗi wện hàng năm, người ta đều cầu bình an mưa thuận gió hòa, tránh bệnh hoạn. Thông thường, lễ này được làm vào mùa mưa. Trong dịp này, người dân cũng bầu luôn trưởng wện.
T thắc mắc không biết kinh mà vừa nãy các sư đọc khi ăn cơm xong là tiếng gì? Thì sư T trả lời, kinh mà các sư tụng bắng tiếng Ba Ly. Lúc cầu kinh, khi các sư ăn cơm những người tu thiếp đổ nước xuống sàn có ý nghĩa gì? T lại thắc mắc. Sư T trả lời: nhằm thể hiện một điều mà mình nguyện ước. Chúng tôi hỏi thầy về hai bàn thờ trong chùa thì được sư trả lời: đây là bàn thờ những người xây dựng chùa, tháp cốt được xây dựng bên chánh điện là của các sư này, còn các tháp lớn nhỏ trên bàn thờ là chỉ tượng trưng thôi.
Buổi chiều, chúng tôi tới chùa B.S, thuộc ấp B.S dự lễ khánh thành sala. Khoảng 2h30 chúng tôi có mặt tại chùa, không khí ở nơi đây rất rộn ràng, có liên hoan, ăn cơm, văn nghệ, giới thiệu rất nhiệt tình. Ngoài sala được xây mới, thì các cơ sở còn lại của chùa đã cũ rồi. Trong chùa Ba So có hai cái tháp, các tình tiết hoa văn trong chùa rất đặc sắc, cầu kỳ. Ngôi sala mới xây được sơn màu vàng kim rất đẹp và rộng. Có hai hàng người gồm nam nữ thanh niên đứng đón khách từ ngoài cổng. Riêng các sư nơi chùa khác đến được đón tiếp rất long trọng. Các sư được hai sư che lọng và hai phụ nữ bê hoa rước vào trong sala. Đồng thời, người ta cũng mở những hồi nhạc rất trang trọng.
Vào trong ngôi sala, chúng tôi được tiếp nước uống, khách khứa đến dự rất đông và cơm được dọn ra để tiếp hết đoàn này đến đoàn khác.
Chúng tôi ra về khoảng 4h30 khi đã được dùng cơm chùa. Khoảng 6h tối, tôi đang tranh thủ viết nhật ký điền dã thì con út của bà K lên chơi, tôi nói chuyện với chị và chơi với em bé. Lúc đó, bà K cũng lên chơi. Bà K năm nay 72 tuổi có 11 người con, bốn người đã qua đời, chồng bà cũng đã qua đời. Những người con còn lại ai cũng có gia đình. Bà là một phụ nữ có mái tóc bạc ngắn, bà luôn mặc bộ đồ đen ngắn tay. Ở đây mấy ngày, tôi thấy bà làm việc suốt ngày, bà ít khi ngồi nghỉ trong nhà, và tôi cũng chưa thấy bà ngủ trưa bao giờ, bà chỉ ngồi bên bộ bàn ghế đá trong nhà và nhìn ra ngoài, hai hôm nay bà đều vậy. Bà là người lớn tuổi nhất trong dòng họ hiện nay và là trưởng phum hiện tại nhưng bà cho biết là khi hỏi về phum, dòng họ thì chị Út có nhắc bà. Chị con thứ bảy của bà tên là L. Hiện nay, chị đã có gia đình, hai con gái sinh đôi và là chủ tịch hội phụ nữ xã N.T. Chị cho biết số thông tin như: đất ăn chung (si chuôn khuê) là đất đai của dòng họ. Họ của ba chị là họ Kim, mẹ chị cư trú bên chồng vì trước đây ông nội mất không có ai coi nhà nên mới về đây.
Chị Lương 31 tuổi, ngoài là một chủ tịch hội phụ nữ xã với mức thu nhập 1,7 triệu / tháng chị còn là nghề kháp rượu. Một ngày, chị kháp 15 lít gạo (balon sữa bò gạo) cho ra 15 lít rượu với thời gian bốn-năm giờ, tiền lãi 40-50 ngàn (1lít= 10.000đ), chị Lương cho biết người Khmer không trọng nam khinh nữ như người Kinh, con gì cũng được hết. Câu chuyện đang dở dang thì tới giờ ăn cơm tối nên tôi tạm dừng lúc 6h45’.
(Còn tiếp)
25/05/2011
Trần Thị Thuỳ Trang