Phú Bình là xóm làm lồng đèn gần Công viên Đầm Sen, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cư dân ở đây hầu hết đều là người thuộc làng Báo Đáp, tỉnh Nam Định, một làng nổi tiếng với nổi tiếng với nghề nhuộm giấy cách Hà Nội 90 kilomet. Sau năm 1954, nhiều người dân Nam Định ly hương vào Sài Gòn (tên trước đây của thành phố Hồ Chí Minh), mang theo cả nghề truyền thống của quê hương mình. Lúc nhàn rỗi, những nghệ nhân khéo tay làm những chiếc lồng đèn xinh xắn cho trẻ em đón trăng vào tết Trung thu. Và từ đó, những chiếc lồng đèn hình con bướm, con gà và nhiểu con vật khác ra đời. Đến nay, nghề này đã lan ra các vùng lân cận do lợi nhuận cao.
Lúc nhàn rỗi, những nghệ nhân khéo tay làm những chiếc lồng đèn xinh xắn cho
trẻ em đón trăng vào tết Trung thu.(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Hằng năm, hơn một trăm hộ gia đình ở Phú Bình sản xuất ra khoảng 500 nghìn đèn lồng để cung cấp cho khắp miền nam và miền trung. Các tổ chức từ thiện còn mua đèn lồng làm quà cho các em nhỏ mồ côi và trẻ em lang thang. Dù là một nghề phụ, nhưng nghề làm lồng đèn cũng đem lại cho người lao động một nguồn thu nhập đáng kể. Theo anh Minh, một nghệ nhân làm đèn lồng, một chiếc làm ra mang lại lợi nhuận phân nửa. Nhờ nghề làm ăn phát đạt này, cuộc sống của dân làng ở đây đã khấm khá lên nhiều. Sau vài mùa làm đèn lồng, có người còn tiết kiệm được tiền để mua xe máy hay xây nhà.
Tuy nhiên, nghề này khá cực và tốn thời gian. Ngay sau tết, nghệ nhân làm lồng đèn đã phải mua vật liệu và bắt đầu làm đèn. Tháng bảy là tháng bận rộn nhất, người lao động phải làm ngày làm đêm cho đủ hàng cho mùa thu. Muốn làm một chiếc lồng đèn phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, nghệ nhân uốn các thanh tre mỏng thành khuôn hình như ý. Sau đó, họ dán giấy màu xung quanh khung và trang trí. Mặc dù về mặt nghệ thuật thì trang trí đèn không phải là khó nhưng lại cần kĩ năng và sự tập trung cao độ mới cho ra sản phẩm đẹp mắt.
Ngày nay, do nhu cầu mua đèn lồng ngày càng tăng, các gia đình phải hợp tác lại với nhau theo lối sản xuất dây chuyền. Nhà thì chuyên làm khung, nhà chuyên vẽ trang trí. Những khâu đơn giản thì các gia đình giao cho những người lao động không chuyên muốn có thêm thu nhập.
Các nhà làm lồng đèn ở Phú Bình nói rằng họ đang cố gắng cải tiến mẫu mã, chất liệu và phương pháp sản xuất để sản phẩm có thể cạnh tranh được với các loại đèn của người Hoa bên chợ Lớn- khu phố người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Cũng may cho thợ làm lồng đèn ở Phú Bình là trẻ em Việt Nam hiện nay có xu hướng chuyển “gu” sang đèn lồng nội địa có thắp nến ở bên trong chứ không còn thích các mẫu mã kiểu Trung Quốc.
(Trích Song ngữ Anh-Việt: Tết Trung Thu)