Khôi phục lại giá trị của “thời bao cấp” (kỳ 1)

0
1224
Đám trẻ chạy ùa xuống cầu thang dẫn vào một khu trưng bày đặc biệt của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhưng không bước qua cửa mà dừng lại ngay ở một trưng bày nằm phía bên trái cửa ra vào, dựng cảnh một đoàn ma-nơ-canh cỡ người thật đang xếp hàng chờ mua gạo bằng sổ. Đám trẻ này, tất cả đều ở tuổi dưới 15, không tỏ ra mấy quan tâm đến bức ảnh đen trắng với cảnh hàng người xếp hàng ở Hà Nội “thời bao cấp” (trong khoảng thời gian 1975 – 1986) treo trên tường phía trên đám ma-nơ-canh. Chúng cũng chẳng có vẻ băn khoăn gì khi nhìn thấy hàng chữ viết trên đó: “Mặt nghệt như mất sổ gạo”. Trên tất cả các khía cạnh, sự so sánh này chẳng có ý nghĩa gì với chúng, bởi hầu như toàn bộ các phương diện của cuộc sống thường ngày ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thay đổi từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986 (1). Bọn trẻ thực ra lại đang bàn cãi sôi nổi về một thứ chúng thấy thiếu trong cảnh này – đó là cô mậu dịch viên đứng đằng sau quầy của cửa hàng gạo. Khi mấy người lớn, bố mẹ ông bà của đám trẻ vừa tiến đến, chúng phấn khích hỏi, tuy giọng vẫn còn khá băn khoăn, rằng tại sao có nhiều người xếp hàng mà chẳng có ai bán hàng cho họ? Câu hỏi này làm người bà cười lớn và giải thích cho bọn trẻ rằng, trong thời bao cấp, việc xếp hàng vài tiếng đồng hồ để chờ mậu dịch viên, mong sao cho họ quay trở lại làm việc trước khi hết giờ và mong sao không hết hàng là chuyện diễn ra hàng ngày (2). 
Cuộc trưng bày “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp” (1975-1986). (Ảnh: minh họa-Nguồn: Internet)
Câu chuyện này không chỉ xảy ra riêng với gia đình này. Trên thực tế, những thứ được trưng bày tại triển lãm này là một nguồn suy tưởng và bàn luận về cuộc sống thời bao cấp cho khoảng 285.000 người đã đến thăm triển lãm từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2006 cũng như những người được biết đến triển lãm này qua báo chí (3). Tuy nhiên, ý nghĩa của những trao đổi này vượt quá những dạng thức ghi nhớ khác nhau về văn hóa vật chất mà “thời bao cấp” tạo ra (4).
Bài viết này cho rằng cuộc trưng bày đặc biệt của Bảo tàng và những bình luận văn hóa xã hội do nó tạo ra tại bảo tàng, trên báo chí và Internet đã làm rõ những điều chưa được chú ý đến trong lịch sử chính thống của Việt Nam vào cuối thế kỷ XX: những trải nghiệm sống của những người dân bình thường ở Hà Nội trong thập kỷ đầu tiên sau ngày thống nhất (5). Quá trình đang được diễn ra này tưởng niệm những trải nghiệm trước đây được coi là riêng tư và biến chúng thành những trải nghiệm chung. Nói theo cách khác, cuộc trưng bày đặc biệt này đã góp phần biến thập kỷ này thành một “thời kỳ” đặc thù (distinct), trong khi trước đó thời kỳ này không có một cái tên hoặc một mối liên hệ rõ nét đến những sự kiện đến trước hoặc đến sau nó. Kết quả của sự phát triển này là những người Việt Nam bình thường bây giờ có thể thảo luận những ý nghĩa lịch sử của cuộc sống thường ngày của họ trong thời bao cấp một cách hết sức công khai, cái mà trước đây chưa từng xảy ra (6).
Ở một mức độ nào đó, sự biến đổi này đã diễn ra thông qua một sự ảnh hưởng lẫn nhau phức tạp mà cuộc trưng bày này đã tạo ra giữa “vật thể có tính tiểu sử” (biographical objects) và “vật thể có tính lịch sử” (history objects) (Hoskins 1993, 1998, 2006). Theo Hoskins, vật thể có tính tiểu sử là những vật thể đánh dấu một mối quan hệ hết sức riêng tư với một quá khứ được cá nhân hóa; với bản chất của mình, chúng là biểu tượng của tính cá nhân và vì thế được coi là “cái neo cho một chủ thể tự lịch sử hóa (self-historicizing subject) ở chỗ chúng có thể trở thành trọng tâm cho sự thuật lại của một loạt các trải nghiệm, và đôi khi chúng có thể đảm nhận vai trò của một vật đại diện” cho chủ thể (xem thêm Albano 2007) (7). Ngược lại, Hoskins giải thích vật thể có tính lịch sử về bản chất thường có tính tổng hợp hơn nhiều; hơn thế nữa, chúng được coi là dấu hiệu vật chất của một trải nghiệm chung và góp phần vào việc định nghĩa và gợi ra một khoảnh khắc hoặc giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó (xem thêm Blum 2000; Berdahl 1999) (8). Vài ví dụ của hai loại vật thể tại cuộc trưng bày này sẽ được đưa ra trong những phần sau của bài viết. Tôi muốn nói đến hai phạm trù của vật thể ở đây để giới thiệu một chủ đề lớn hơn của cả bài viết này: những quá trình văn hóa – xã hội mà thông qua đó những dạng khác nhau của thời gian (temporality) được xây dựng, trải nghiệm và hiểu (Munn 1992; Kaneff 2004:8-10). Nhu cầu cho những nghiên cứu dân tộc học về những thời gian khác nhau là vô cùng cấp thiết trong bối cảnh các nước đang có chuyển biến lớn. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Trong hai mươi năm qua, Nhà nước và người dân Việt Nam đã theo đuổi một loạt các chiến lược khác nhau để vượt qua sự cô lập về mặt văn hóa, tri thức, kinh tế và chính trị mà hơn một nửa thế kỉ chiến tranh và sự bất đồng về hệ tư tưởng gây nên. Những nghiên cứu trước đây phần nhiều đã đánh giá quá trình bình thường hóa này như một bước tiến lên phía trước (9). Vì vậy đã có việc nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới, mặc cho một số nghiên cứu gần đây cũng nêu lên một số phong tục thói quen trước Cách mạng có xu hướng trở lại, đặc biệt là những hình thái tôn giáo đại chúng (popular forms of religious expression). Như tôi đã nói ở trên, bài viết này lại đề cập đến một quá trình bình thường hóa khác: cụ thể là sự khôi phục của “thời bao cấp” từ một quá khứ bị ngoại biên hóa (marginalized) đến một quá khứ “khả dụng.” Tôi cũng cho rằng, việc xem xét kỹ lưỡng quá trình đặc thù này sẽ đưa ra những ý tưởng quan trọng cho một số lĩnh vực, trong đó có cả tiềm năng về lý thuyết và phương pháp của các nghiên cứu dân tộc học về những cái quen thuộc về mặt văn hóa ở Việt Nam.
Phần tiếp theo sẽ đưa ra thêm một số ý kiến của tôi về sự khôi phục của “thời bao cấp”. Sau đó, tôi sẽ quay sang vấn đề “xã hội hóa” của sản xuất văn hóa trong thời kỳ đổi mới và ảnh hưởng của nó đến khả năng hiểu được ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội nhà nước (state socialism) và “tổ hợp triển lãm” (exhibitionary complex) (Bennett 1995) mà chủ nghĩa xã hội tạo ra trước khi có những đổi mới. Việc thảo luận tuy khá trừu tượng nhưng rất cần thiết này sẽ được nối tiếp bằng một loạt các điển cứu (case studies) ngắn được rút ra trực tiếp từ cuộc trưng bày đặc biệt này và/hoặc từ việc cuộc trưng bày này đã được tiếp nhận như thế nào. Mỗi điển cứu này làm nổi bật tình huống chính trị diễn ra trong thời bao cấp và cách những người dân bình thường đối phó với những tình huống này. Để kết luận, bài viết của tôi đưa ra một vài hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.
(1 ) Hai từ “đổi mới” thường được dich sang tiếng Anh thành “làm mới” hoặc “cải tiến”, và nói đến một loạt các cải cách bắt đầu từ Đại hội Đảng lần VI vào tháng 12 năm 1986. Ban đầu quá trình Đổi mới mô phỏng theo những cải cách ở Trung Quốc. Tương tự như ở Trung Quốc, Đổi mới ở Việt Nam khuyến khích việc phát triển kinh tế nhưng ngăn chặn những thay đổi lớn trong chính trị và văn hóa. Ở thời điểm hiện nay, cụm từ này đã bao gồm một loạt các cải cách trong các lĩnh vực khác, với mục tiêu thúc đẩy nhiều hình thái của sự trách nhiệm (“accountability”) của cá nhân và tập thể khác hẳn so với các giai đoạn trước. Đáng tiếc là giai đoạn hai mươi năm này, với những nhịp điệu khác nhau và những hình thái văn hóa có tính hỗn hợp, chưa được nghiên cứu kĩ lưỡng.
 (2 ) Tôi rất biết ơn TS. Frank Proschan đã chia sẻ câu chuyện này (Thảo luận cá nhân, Bình Châu, 16/12/2007).
 (3 ) Bài viết này dựa vào kết quả nghiên cứu ở Hà Nội vào tháng 7-8/2006 và thông tin điền dã ở Việt Nam từ năm 2002 đến 2005.
 (4 ) Văn hóa vật chất thường được định nghĩa là việc nghiên cứu một cộng đồng hay xã hội cụ thể thông qua những vật thể của cộng đồng/xã hội đó, và từ nghiên cứu này, chúng ta hiểu về những giá trị, ý tưởng, thái độ và giả định hiện hành tại cộng đồng/xã hội đó (Tilley and et al. 2006).
 (5)Để tham khảo các thảo luận có liên quan, xem nghiên cứu của Kerkvliet về ảnh hưởng của chính trị thường nhật đến quá trình chuyển đổi nông nghiệp (2005).
 (6) Phần lớn người nói tiếng Việt đều nhắc đến cuộc xung đột này với cái tên “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Tuy nhiên, tên gọi này bỏ qua vai trò quan trọng của hơn một chục quốc gia khác nhau trong giai đoạn chiến tranh lạnh cũng như bản chất khu vực của nó. Về vấn đề đời sống thường nhật, xem de Certeau (1984).
(7) Trao đổi bằng email với tác giả (6/5/2008).
 (8)Từ in nghiêng trong bản gốc. Sđd.
 (9  Ví dụ, những nhấn mạnh gần đây vào quá trình “hiện đại hóa” có thể được hiểu như một nỗ lực nhằm theo kịp các nước thường được coi là “phát triển” hơn. Những mối quan tâm tương tự ảnh hưởng đến việc các ngành khác nhau nghiên cứu ở những chỗ nào và đến những loại câu hỏi những ngành này đưa ra (Fabian 1983).
 (Còn tiếp)
Ken MacLean
Người dịch: Hương Ly
Nguồn: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.