Phần trên của bài viết này đã đề cập đến một số vấn đề lớn về thời gian do việc trưng bày đặc biệt này nêu ra, ví dụ như việc “giai đoạn hóa” thời bao cấp, những ý nghĩa lịch sử của thời kỳ này và mối quan hệ với những trần thuật đã tồn tại trước đây, và những điều mà vấn đề này bộc lộ qua cách các bảo tàng ở các nước xã hội chủ nghĩa trình bày về quá khứ cho công dân của mình và những đối tượng khác. Mục tiêu của phần còn lại của bài viết này sẽ chuyển sang một vài khó khăn trong “thời bao cấp” và kinh nghiệm sống của người Việt Nam khi họ nghĩ ra những cách để giải quyết những khó khăn này. Những chi tiết đó làm nổi bật những cái có thể đạt được khi những nét văn hóa quen thuộc được xử lý như một phạm trù của nghiên cứu dân tộc học. Có lẽ ví dụ tốt nhất có thể đưa ra là hòn đá được trưng bày ở cửa vào của trưng bày đặc biệt vì nó đã làm mờ đi sự phân biệt của Hoskins giữa “vật thể có tính tiểu sử” và “vật thể có tính lịch sử.”
Cảnh xếp hàng thời Bao cấp (Ảnh: minh họa-Nguồn: Internet)
Trong thời bao cấp, người dân Hà Nội đã sử dụng một loạt các vật dụng hàng ngày để đánh dấu chỗ của mình trong khi xếp thứ tự mua hàng tại các trung tâm mậu dịch. Trong đó, vật được sử dụng nhiều nhất là một viên gạch đỏ. Chính vì thế những vật dụng này được gọi là “gạch xếp hàng” (1). Hòn đá này, thay vì được đặt dưới đất như các đồ vật khác cùng chức năng, lại được đặt trên một giá trưng bày màu vàng đất trong tủ kính cao hơn một mét và bọc trong một hộp kính Plexi.
Sự thay đổi từ một hòn đá sang một chức năng khác được thể hiện rõ hơn nữa bởi lời chú thích bên cạnh chỉ ra những điểm riêng biệt và cho biết thêm chi tiết về nguồn gốc của nó. Theo lời chú thích, ông Mai Xuân Hải là chủ nhân của hòn đá này. Để phân biệt được hòn đá của mình với những hòn đá của người khác, ông Hải đã khắc tên mình vào sườn của hòn đá, cùng với số 127, số nhà của cửa hàng mậu dịch nơi ông Hải, một nhân viên đã về hưu của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm đã từng đi mua gạo trong thời kì bao cấp (2). Lời chú thích cũng cho biết sau đó, hòn đá đã được đưa vào bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Tiến, chủ nhân của một bộ sưu tập hiện vật khá lớn của thời kì khó khăn này. Nói chung, cách hòn đá này được trưng bày cũng như lời chú thích bên cạnh cho chúng ta thấy giá trị lịch sử của hòn đá không chỉ giới hạn ở chức năng trong quá khứ hay “lí lịch” cá nhân nó đã tích lũy trong nhiều năm, mà còn ở đặc tính của nó. Theo một nhân viên trong quỹ Ford thì điều này không khác mấy so với những hiện vật được trưng bày trong các bảo tàng nghệ thuật hiện đại khắp thế giới (3).
Một điều khá ngạc nhiên là hòn đá này không gây ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa những người Việt về giá trị “thực” của nó: đó là vật dụng bình thường hay một vật thể có tính nghệ thuật. Tuy nhiên, hòn đá đã gợi ra nhiều cuộc thảo luận dài giữa những người đến thăm bảo tàng. Ở một chừng mực nào đó, những cuộc thảo luận này xuất phát từ sự trình bày trang trọng, khác hẳn với cách người ta thường dùng những vật thể cùng loại. Hơn nữa, vị trí của hòn đá ngay tại cửa ra vào của khu trưng bày làm cho nó không thể bị bỏ qua. Vậy mà, cả hai yếu tố này có lẽ đều không quan trọng bằng việc hòn đá này có vai trò gợi lại trí nhớ. Đối với nhiều người Việt đã có tuổi, hình ảnh hòn đá mang lại những ký ức và những cảm xúc đã được ngủ yên về thời bao cấp. Nhiều người đã quay sang con cháu, bạn bè, hay khách vãng lai kể chuyện về cuộc sống thường nhật ở thủ đô trong thập kỷ này. Một trong những câu chuyện hay được kể tới nhiều nhất là tác động của việc xếp hàng đến cuộc sống của họ – một chủ đề mà tôi sẽ đề cập tiếp theo.
Chiếm hữu thời gian (Seizing Time)
Như các học giả về chủ nghĩa xã hội đã cho thấy, sự thiếu thốn triền miên không phải riêng của Việt Nam mà là hậu quả tất yếu của nền kinh tế kế hoạch tập trung do quyền lực của hệ thống đó nằm trong việc thu gom tất cả các nguyên vật liệu có thể phân phối lại để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ trong một tương lai không xác định (4). (Tất nhiên những tổn hại về hạ tầng cơ sở do cuộc chiến tranh chống Mỹ (1959 – 1975) gây ra cũng như cấm vận do Hoa Kì dẫn đầu (1975 – 1994) đã làm tình hình tồi tệ hơn). Bất chấp sự phổ biến và tính nghiêm trọng của những thiếu thốn này, những nhà nghiên cứu nhân học chưa chú ý nhiều đến những ảnh hưởng lớn hơn của chúng đối với những mối quan hệ giữa con người với nhau hoặc, như tôi sẽ nhấn mạnh dưới đây, những đối phó của con người với chúng.
Katherine Verdery đã đưa ra một trường hợp ngoại lệ. Bà mô tả việc những thiếu thốn triền miên đã tạo điều kiện cho nhà nước xã hội chủ nghĩa “chiếm hữu” thời gian của dân bằng cách bắt họ phải xếp hàng, một quá trình bà gọi là “nhà nước hóa” (etatization) thời gian lao động (5). Theo Verdery, quá trình này làm tăng giá hàng tiêu dùng nhưng lại không gây ảnh hưởng gì tới giá nhân công. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là việc bị chiếm đoạt thời gian này gây nên rất nhiều khó khăn cho mọi người trong việc tìm mua đủ lương thực, làm tròn bổn phận của mình với người khác, kiếm thêm thu nhập (hợp pháp hoặc bất hợp pháp), và dành thời gian cho bạn bè và người thân. Hậu quả là nhân dân ở đô thị không thể lập kế hoạch cho cuộc sống hàng ngày, và càng khó để họ có thể trở thành những con người thân thiện (social beings).
Mặc dù được rút ra từ công cuộc nghiên cứu tại Ru-ma-ni, những nhận xét của Verdery có thể áp dụng được với các nước xã hội chủ nghĩa khác, kể cả Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhớ rằng việc xếp hàng chỉ là một hoạt động gây lãng phí thời gian dễ nhận thấy nhất. Ví dụ, trong bối cảnh Việt Nam những áp lực lớn về mặt tư tưởng để thực thi các nguyên tắc về “bình quân chủ nghĩa” và “chủ nghĩa bình quân” tại những nơi làm việc. Bình quân chủ nghĩa đòi hỏi mọi người phải được đối xử như nhau, bất chấp tuổi tác, giới tính, giai cấp xã hội, hay vị thế chính trị. Chủ nghĩa bình quân yêu cầu mọi người phải được thưởng như nhau, bất chấp sự chênh lệch về lượng và chất của những đóng góp của họ cho đơn vị (6). Như lời phát biểu dưới đây cho thấy, những áp lực này thường dẫn đến những hậu quả vô lý.
Ý thức về bình quân, hoặc về sự phân chia công bằng, dẫn đến nhiều chuyện buồn cười. Ví dụ, tôi nhớ khi đơn vị của mẹ tôi được thưởng hai cái xe đạp. Lúc đó vào khoảng năm 1979. Điều không may là đơn vị của mẹ tôi lại có đến 60 người, và nếu chỉ có hai cái xe đạp thì đến 58 người chẳng được cái gì. Vì vậy, người ta tháo rời các bộ phận của hai cái xe này ra. Đúng là như vậy đấy. Mỗi người được một phần của chiếc xe, phần nào thì tùy thuộc vào chức vụ của họ trong đơn vị. Có nghĩa là, nếu anh là cán bộ có chức vụ cao thì anh có thể được cái ghi đông hay cái yên. Vì mẹ tôi vẫn còn trẻ, mẹ tôi chỉ được nhận bốn cái vòng bi! Tất nhiên có mỗi bốn cái thì chẳng làm được cái gì hết cả, thậm chí bán cũng không được. Vì thế mẹ tôi mang chúng về nhà, tra dầu mỡ cẩn thận và cất kỹ. Bà biết rằng thể nào mấy cái vòng bi của cái xe đạp đang dùng cũng bị hỏng và lúc đó bà sẽ có cái thay thế (7).
Vì mọi người đã nhận thấy một cách rất nhanh chóng cái lợi cho chính họ trong việc dành dụm tích trữ những đồ vật vụn vặt (ví dụ như vòng bi), hoặc dùng làm phụ kiện thay thế những gì hỏng hóc hay dùng để đổi chác, nên sự thiếu thốn ngày càng trở nên trầm trọng.
Nghề mới (New “Occupations”)
Có lẽ một sự kiện thú vị hơn và ít được nghiên cứu là những cơ hội kiếm tiền mà những thiếu thốn đã tạo ra cho những người có thể cung cấp những loại hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế kế hoạch không thể cung cấp. Theo những người có tuổi sinh sống tại Hà Nội mà tôi đã có dịp nói chuyện tại trưng bày ở VME, có khoảng 40 “nghề” đã xuất hiện trong thời kì bao cấp, trong đó nhiều nghề chỉ chuyên sửa chữa những vật dụng mà trước thời bao cấp có thể sửa chữa hoặc mua mới một cách dễ dàng. Lúc này, do không có những bộ phận thay thế, nhiều người đã phải chi li theo kiểu “cân đong đo đếm để chi”. Dưới đây là ba ví dụ điển hình.
Thợ bơm mực bút bi là những người chuyên bơm mực vào ống nhựa khi mực hết, với mức thu nhập khiêm tốn (Ngô Hiên 2007). Bởi giấy và mực đều hiếm trong khi họ cần dùng nhiều nên các nhà văn rất ưa thích dịch vụ này. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng nhờ nghề này để có bút viết, và đã sáng tác một bài thơ châm biếm về những nghề loại này:
Dán áo ni-lông ngoại
Bơm mực bút chì bi
Gia công qui gai xốp
Lộn cổ áo sơ-mi
(Huỳnh Đường 2007).
Vải để may quần áo rất hiếm và chẳng bao giờ đủ cho nhu cầu nên một cái áo hoặc một cái quần thường được sử dụng từ 5-7 năm. Có người có sáng kiến may áo từ túi vải đựng bột mì và lộn cổ áo để sử dụng được lâu hơn (Bảo tàng Dân tộc học trưng bày một bộ tấm trải giường làm từ bao vải đựng đường do Cuba xuất khẩu sang Việt Nam). Có người lại thích áo ni-lon vì khi rách không những có thể lộn trái rồi mặc mà còn có thể dán lại được nếu rách. Quần cũng được cắt ra và quay ống khi không còn nhuộm để che những chỗ bạc màu được nữa và khi hai đầu gối không thể vá được nữa.
Xe đạp thời này được coi là đồ xa xỉ, và như câu chuyện về những chiếc vòng bi trên đây đã cho thấy, mọi người thường giữ gìn xe rất cẩn thận để có thể dùng được lâu (8). Vì lý do đó, nhiều người nhanh chóng học cách đắp lốp và ghép những đoạn xăm chưa hỏng với nhau khi chúng không còn vá được nữa, rồi khi các răng đĩa và líp đã mòn cũng tìm cách tự tay làm bánh răng. Trong những việc đó, cái khó nhất là lộn xích xe đạp đã hỏng để dùng lại. Việc này cần đến những người thợ sửa xe ở lề đường.
Ba nghề này và những nghề tương tự thường được coi là vô hại về mặt chính trị vì chúng giúp mọi người có thể sống qua ngày mà không cần gì nhiều. Có một số nghề khác lại bị coi là có vấn đề về tư tưởng vì chúng làm xóa mờ một ranh giới tưởng tượng giữa những việc làm hợp pháp và bất hợp pháp. Mặc dù các học giả vẫn không thống nhất được về mối liên hệ giữa “kinh tế chính thức” và “kinh tế thứ hai” (kinh tế chui) (Creed 1998; Lampland 1995; Nagengast 1991), chúng ta cần đưa ra hai nhận xét sau. Thứ nhất, “kinh tế chui” không chỉ là những địa điểm nơi những hoạt động bất hợp pháp diễn ra, ví dụ những ngõ nhỏ bên cạnh chợ Đồng Xuân, thường được nói đến trong tiếng Việt là “chợ đen” mà là mạng lưới nối các địa điểm được thực hiện xuyên qua và xung quanh những cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa, những nơi tạo nên nền kinh tế chính thức (9). Thứ hai, những người dân bình thường thường xuyên tham gia vào những mạng lưới này. Thực ra, họ chẳng còn lựa chọn nào khác nếu muốn có được những nhu yếu phẩm tối cần thiết, vì chúng chẳng bao giờ có qua những kênh “bình thường” do việc khan hiếm triền miên. Việc quan tâm đến cả hai vấn đề trên sẽ khiến chúng ta có thể vượt qua được những quan điểm luân lý hẹp hòi về những hành vi kinh tế không được hay lắm đối với chế độ, nhằm nghiên cứu đầy đủ hơn những thực tế thường ngày của chủ nghĩa xã hội đang thực sự diễn ra và những vấn đề đạo đức tình huống do chủ nghĩa xã hội tạo nên tại Việt Nam và những nơi khác (Verdery 1996: 19-38).
Tôi không muốn nói những hành vi phạm pháp khác như tham ô, biển thủ, buôn lậu, hoặc lãng phí không phải là không xảy ra thường xuyên. Trên thực tế nhiều chiến dịch học tập để bài trừ những tệ nạn này ở nông thôn cũng như thành thị cho thấy những hiện tượng này cũng phổ biến (10). Tôi chỉ muốn nói rằng việc tìm hiểu những hành vi này ở những giác độ khác nhau sẽ mang đến những công cụ quan trọng và còn ít được sử dụng để hiểu được cách mọi người quan niệm và định vị thế nào về “nhà nước xã hội chủ nghĩa”, và cán bộ, chính sách và những thủ tục hành chính đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống thường nhật trong thời kỳ này (Gupta 1995: 375 – 402). Những mối quan tâm như vậy vẫn có ý nghĩa đến ngày nay. Hơn thế nữa, cả hai đều cần thiết để đạt được một sự hiểu biết rõ ràng hơn về cách “quản trị” trong thực tế (actually existing governance) đã thay đổi và không thay đổi thế nào trong hai thập kỷ qua.
(1) Khẩu phần tem phiếu cho cán bộ công nhân viên ở thành thị được quyết định dựa theo nhiều tiêu chuẩn: nghề nghiệp và chức vụ, cũng như số thành viên trong gia đình và độ tuổi của trẻ em. Thông thường thì bẩy mươi phần trăm của lương tháng là tem phiếu, còn ba mươi phần trăm còn lại là tiền lương.
(2) Ghi chép điền dã (July 2006).
(3) Phỏng vấn với một cán bộ chương trình của tổ chức Ford, tiến sĩ Michael DiGregorio (Hanoi, tháng 7 2006).
(4) Để xem một phân tích điển hình, xem János Kornai (1980). Cho dù có những nghiên cứu như vậy, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu so sánh hơn để làm rõ những gì đặc thù trong bối cảnh Việt Nam. Để xem chi tiết về những lợi ích của việc nghiên cứu quá trình địa phương hóa, xem Dirlik (1988).
(5) Bà sử dụng thuật ngữ này thay vì “quốc hữu hóa” nationalization” để nhấn mạnh rằng những quan tâm và nhu cầu của quốc gia xã hội chủ nghĩa rất khác với những quan tâm và nhu cầu của quốc gia (nation) hoặc “nhân dân” ở Rumani.
(6) Áp lực hòa đồng còn bao gồm cả khía cạnh bề ngoài. Một người đàn ông kể lại việc ông ta bị triệu tập trước đại đội phê bình vì bộ râu lởm chởm. Mấy anh cán bộ cho rằng đó là một hình thức chống đối về mặt chính trị trong khi sự thật là người đàn ông này không có đủ tiền để vừa mua dao cạo râu vừa mua lương thực (Duy An 2006).
(7) Phỏng vấn (22/5/2000).
(8) Mặc dù xe đạp Thống Nhất của Việt Nam có lẽ là phổ biến nhất, nhưng xe đạp Pơ-giô của Pháp lại được yêu chuộng nhất vì kiểu dáng cũng như chất lượng. Xe đạp của Đức (Đi-a-măng) xếp thứ hai, sau đó đến xe đạp Tiệp (Fa-vô-rit), xe đạp Trung Quốc (Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu) và rồi đến xe đạp Liên Xô. Nhiều người phàn nàn rằng xe đạp sản xuất tại Liên Xô và các nước Đông Âu quá to (680 mm) nên khi đi không được thoải mái. Thứ tự xếp hạng của các xe dựa vào các lời nhận xét của khách tham quan trước chiếc xe đạp Pơ-giô được trưng bày tại bảo tàng Dân tộc học.
(9) Một ví dụ điển hình là việc làm khoán. Xem B. Kerkvliet (2005), MacLean (2007).
(10) Cái lệ dùng hàng tiêu dùng để cầu cạnh cán bộ phổ biến đến độ một số câu nói đi vào ngôn từ hàng ngày; thí dụ đối với người cần cầu cạnh trong khu vực nhà nước thì: Sông Cầu nói đâu bỏ đấy , Samit nói ít hiểu nhiều, Ba Con Năm (555) vừa nằm vừa ký (Vũ Quốc Túy 2007).
(Còn tiếp)
Ken MacLean
Người dịch: Hương Ly
Nguồn: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học