Thăm “nhà mả” Ba Na và Gia Rai (kỳ 1)

0
1115
Một chuyến đi thôi. Chỉ không đầy hai tháng. Mà đã bảy năm nay rồi. Nhưng tôi cứ nhớ mãi…
Người đưa tôi đi lần ấy là anh Trần Phong, một nhà nhiếp ảnh của Sở văn hóa – thông tin tỉnh Gia Rai – Kon tum. Bấy giờ anh còn trẻ lắm. Nhưng vốn đã ở đây từ tấm bé, anh thuộc đường đi lối lại, biết đâu có “nhà mả” đẹp…Và cứ thế anh dắt tôi đi hầu như khắp tỉnh, đến nhiều vùng cư trú của người Ba Na và người Gia Rai. Ngày, lần lượt thăm các nghĩa trang làng khác nhau, có khi khá xa nhau. Đêm, về ngủ nhà dân ở đâu đó, để uống rượu cần và hỏi chuyện các cụ. Trần Phong có nhiệm vụ rõ ràng: chụp ảnh “Nhà mả” cho Sở Văn hòa thông tin. Còn tôi, được Sở cho phép, chỉ theo Phong, có thể nói là chỉ đi chơi, văn chương hơn một tí là đi thưởng thức.
Lễ hội “bỏ mả” của người Ba Na – Nguồn: Internet
“Cảm giác” đầu tiên, mà cũng là cảm xúc tổng hợp qua cả chuyến đi, nhất là đối với một người như tôi, trước đây chưa hề gặp “nhà mả” của các tộc người Thượng, có thể được tóm vào một chữ “Đẹp”, Đẹp “viết hoa”. Đẹp lạ! Cái đẹp trong mối tương quan vừa đối lập vừa hài hòa giữa nghệ thuật của con người và thiên nhiên còn ít nhiều hoang dã bao quanh.
Chỉ cần xem vài ảnh màu của cuốn sưu tập này, trong đó “nhà mả” dù Ba Na hay Gia Rai, được người chụp ảnh ghi lại trong thế tạm gọi là “hoàn chỉnh” của nó, tôi muốn nói không thiếu chi tiết lớn nào, là đã có thể bước đầu mường tượng ra cái Đẹp ấy. Những mảng mái nhà trắng hay vàng nhạt, có khi chứa đầy đồ ăn, thường là hình học, có khi đan, có khi vẽ, lóe lên vừa phải giữa màu xanh đơn điệu của rừng cây. Những cột gỗ khá cao, với gần suốt thân nhiều trang trí hoặc vẽ, hoặc khắc, có khi được tạo thành khối, vượt quá mái nhà nhiều, tưởng như muốn chọc lên trời xanh, nhưng cuối cùng lại êm đềm dừng chân dưới vòm cây lá. Rồi thì những tượng gỗ bao quanh, ngoài mái “nhà mồ”, dù là đôi trai gái, người ôm mặt khóc, kẻ bế con hay giã gạo…đó là chưa nói đến những tượng mới ra đời gần đây, như người mặc Âu phục, có đi xe gắn máy, thậm chí anh bộ đội: dù là tượng cao, từng pho vẫn có thể được người xem dựa vào hình thể đã ra đời dưới tay người nghệ sĩ, mà quy nó về khối thân cây tròn vốn là chất liệu ban đầu. Nghệ thuật ra đời từ thiên nhiên, vượt lên thiên nhiên, nhưng ở đây cuối cùng lại về với thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên.
Để rồi đây đi vào đôi đồ án trang trí, mong từ đó tạo ra được một ý niệm ban đầu về những gì mà người Ba Na và người Gia Rai gán cho “nhà mả”, cho đám tang, cho cái Chết và cái Sống, hãy nói một lời về lễ thức tang ma. Một lời hết sức ngắn gọn, không  phải vì không đủ chỗ để viết, mà bởi vì tôi chỉ biết có thế thôi, qua vài đêm dài lắng nghe các cụ nói về tang lễ Ba Na.
Người Ba Na tin rằng người từng sống, dù nam hay nữ đều có “hồn” (pơngol): Một hồn chính ở trên đầu, nơi xoáy tóc, một hồn  phụ ở trán, một hồn phụ khác ở bên trong cơ thể. Con người chết đi, xác được chôn vào trong “nghĩa trang” làng (bxat), một cánh rừng nhỏ tiếp sát khu vực cư trú, mà  người ta gọi là “làng ma mới” (ploi atâu nao). Thoát khỏi xác, ba hồn cùng ở lại nghĩa trang, nhưng chỉ vài tháng sau, hồn phụ đã tan ra thành sương móc. Như vậy, tinh linh của người chết, hay “ma”  (atâu), chỉ gồm mỗi một hồn chính.
Dù sao, “làng ma mới” không phải là nơi vĩnh viễn dành cho người chết. Đấy chỉ là một trạm dừng chân, vẫn trong thế gian này thôi, tuy ngoài làng dành cho người sống. Vì chỉ sau chôn cất độ một năm, có khi hơn thế, người chết mới đi một chuyến dài, lần này để vĩnh viễn đến cư trú tại “làng ma” (ploi atâu), mà người Ba Na còn gọi là “cửa tối” (mang lung), thế giới của người chết. Đó là dịp người sống làm  lễ “bỏ mả”. Và qua lễ này làm nổi bật vai trò của ngôi “nhà ma” mà tôi được Phong dắt đi xem cách đây bảy năm.
(Còn tiếp)                                                                                                                                       
                                                                                                               Nguyễn Từ Chi
                                                                         Nguồn: Sách Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.