Tháp Bà Ponagar Nha Trang

0
1674
Quần thể di tích Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao, bên cạnh cầu Xóm Bóng và cửa sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km đường bộ.
Tháp Bà Ponagar  – Nguồn: Internet
Tháp Bà Ponagar được xây dựng từ giữa thế kỉ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII dưới vương triều Panduranga thuộc vương quốc cổ Champa. Nơi đây là trung tâm tôn giáo, thờ nữ thần Ponagar (Người Mẹ xứ sở của dân tộc Champa) và cũng là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Quần thể di tích nằm trên đồi cao 20 m so với mặt nước biển, có diện tích 57000 m, cách bờ biển khoảng 200m. Từ trên đỉnh đồi có thể nhìn bao quát hầu như toàn bộ thành phố Nha Trang. Nơi đây còn có nhiều cây cổ thụ lớn khoảng vài trăm năm tuổi.
Quần thể tháp có một số tên gọi khác nhau nhưng thường được gọi là Tháp Bà Ponagar Nha Trang hoặc Tháp Bà Thiên Y A Na Nha Trang.
Gọi Tháp Bà Ponagar là tên của tháp cao, đồ sộ nhất. Trong ngôi tháp này thờ  Bà Pô I Nư Na Gar (Người Mẹ xứ sở của dân tộc Champa cổ)
Gọi là Tháp Thiên Y A Na vì khi người Việt vào vùng đất mới sinh sống (1653) thấy nữ thần Ponagar gần gũi với tín ngưỡng thờ mẫu của mình nên đã sáng tạo ra tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu.
Cụm di tích này có giá trị tiêu biểu nhiều mặt, như: lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo và cảnh quan môi trường.
Hiện nay, di tích Tháp Bà còn giữ được những công trình kiến trúc tương đối hoàn chỉnh so với các công trình đền tháp Champa còn lại trên đất nước Việt Nam bao gồm:
Tháp Cổng nằm ở hướng đông, sát đường 2/4 do người Pháp phục dựng lại từ đầu thế kỷ XX. Đây là một khối nổi khá dày, dựa theo mô típ kiến trúc Chăm, bên trên có dòng chữ “Tháp Thiên Y Thánh Mẫu”.
Khu vực  Mandapa nằm giữa triền đồi, có diện tích 4000 m2. Đến nay chỉ còn lại những hàng cột lớn hình bát giác xây bằng gạch (trong bia ký Chăm gọi là mandapa), đằng sau là cầu thang đi lên các ngôi tháp phía trên.
Khu vực đền tháp nằm trên mặt bằng đỉnh đồi, diện tích trên 6000 m2, hiện còn 4 đền tháp : Tháp Chính (hay còn gọi là Tháp Bà – Tháp Ponaga – Dinh Bà); Tháp Nam (Dinh Ông); Tháp Đông Nam (Dinh Cố) và Tháp Tây Bắc (Dinh Cô Cậu).
Trên khu vực này hiện còn ba tấm bia bằng đá, trong đó có hai bia viết bằng chữ Hán, do Phan Thanh Giản dưới triều Tự Đức cho khắc vào năm 1856, kể về sự tích Thiên Y A Na, một bia do quan đầu tỉnh Khánh Hòa cho dựng vào năm 1881 và một bia bằng chữ quốc ngữ mới được dựng vào năm 1972, dịch lại nội dung sự tích Thiên Y A Na từ bia của Phan Thanh Giản. Tháp Chính nằm ở phía ngoài cùng là ngôi tháp kiểu bình đồ hình vuông, có bốn tầng, cao hơn 23 m. Đây là ngôi tháp có quy mô lớn nhất, mang những đặc trưng cơ bản, tiêu biểu nhất của một ngôi tháp Champa truyền thống. Bên trong tháp là điện thờ Bà.
Điện thờ là một gian hình vuông, mỗi bề là 6,10 m, nền được lát bằng gạch, chính giữa đặt bàn thờ và tượng Bà. Tượng là nữ thần Poniard – một người phụ nữ ngồi trên đài sen, hai bàn chân gác lên nhau. Chân phải đặt trên bàn chân trái. Tượng được tạc từ một khối đá nguyên khối, khá lớn và sau lưng là một tấm tựa hình lá đề. Đáng tiếc là chiếc đầu nguyên bản của tượng thần không còn nữa, thay vào đó là chiếc đầu được phục chế sau này bằng gỗ mít và được phủ bằng một lớp sơn. Tuy nhiên, những gì còn lại ở những pho tượng này vẫn là một tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Tấm tựa hình lá đề, nhô cao hơn đầu tượng, được trang trí những hình động vật, hoa lá, những dải hoa văn hình học rất mềm mại và sinh động. Phần đỉnh nhô lên cao là hình cái đầu và mặt thủy quái  Macara kéo dài với hai mắt lồi ra.
Toàn bộ pho tượng và tấm tựa này được đặt trên một bệ  Yoni khá lớn  bằng đá. Với kiểu dáng và bố cục như trên, bệ thờ là bộ Linga – Yoni  hoàn chỉnh hoặc có thể coi tượng nữ thần là một MukhaLinga âm tính. Và đây cũng chính là hình ảnh của vị thần chủ toàn bộ khu  đền tháp.
Ngoài ra, hai bên bàn thờ chính còn có bàn thờ hai người con của Bà.
Như vậy, cho đến nay, tháp Chính là một ngôi tháp có quy mô lớn nhất, còn khá nguyên vẹn so với nguyên gốc ở khu di tích tháp Bà Nha Trang và đây cũng là ngôi tháp Chăm điển hình nhất với bình đồ vuông và nhiều tầng mái.
Tháp Nam, thường gọi là tháp Ông – Dinh Ông, đây là đền thờ thần Shiva (cũng là thờ Ông – chồng của Bà). Tháp  cao gần 15 m. Bên trong là gian điện thờ hình vuông, đặt một bộ Linga – Yoni bằng đá.
Tháp Đông Nam (Dinh Cố) là ngôi tháp nhỏ nhất, có một tầng, cao hơn 7 m, mang phong cách kiến trúc Chăm truyền thống. Nơi đây thờ bộ Linga – Yoni bằng đá. Tháp có vẻ đẹp cổ kính, hài hòa trong tổng thể kiến trúc đền tháp nơi đây.
Tháp Tây Bắc (Dinh Cô Cậu) nằm khuất phía sau tháp Chính, còn tương đối nguyên vẹn nhất so với các ngôi tháp khác. Tap cao hơn 9m, là một kiến trúc đặc sắc của nghệ thuật Chăm.
Ngoài ra, di tích còn lưu sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng: Sắc Thiên Y A Na, Sắc Thanh Linh Thuần Đức Linh Thần từ Minh Mệnh thứ 3 (1822) đến Khải Định thứ 9 (1924).
Trên Tháp Bà còn nhiều bia ký, được viết từ năm 784 cho đến cuối thế kỉ XIII. Chữ viết ở đây được sữ dụng bằng chữ Phạn (sanscrit) và chữ Chăm cổ. Một số bia vẫn chưa dịch được nội  dung.
Hàng năm, lễ hội Tháp Bà Poniard được tổ chức hết sức trọng thể từ ngày 20 đến 23 tháng ba âm lịch (ngày chính là ngày 23/3), lễ hội thu hút hàng vạn du khách và khách hành hương, trong đó có rất nhiều đồng bào Chăm về tham dự.
Trong lễ hội có múa Bóng, trò chơi dân gian, ca múa hát, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Hành hương về với Tháp Bà, sau khi thắp hương tưởng nhớ công  đức của Người Mẹ xứ sở và chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc Chăm độc đáo, du khách có thể nhìn ra bốn phía để thu gọn phong cảnh thành phố Nha Trang vào tầm mắt. Hướng Đông là mặt biển xanh ngắt với cây cầu uốn mình qua cửa biển và tàu thuyền tấp nập ra vào. Hướng nam là thành phố đầy màu sắc với dãy Đồng Bò xanh ngắt phía xa. Hướng Tây là dòng sông Cái Uốn lượn sau những hàng dừa như một bức tranh thủy mặc dưới bóng chiều tà. Hướng Bắc là những ngọn núi mờ ảo. Du khách như đường chìm đắm trong khí thiêng của cõi âm linh và thả hồn về bốn phương non nước hữu tình. Thật khó nơi nào có được vị thế tuyệt diệu như nơi đây để có thể nhớ mãi về Nha Trang.
Hoàng Quý
Nguồn: Khánh Hòa- Di tích danh thắng tiêu biểu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.