Dự án “Di sản ký ức: Thành phố của tôi”: Một dòng sử học bình dân

0
1055

Dự án sẽ đem lại nhưng câu chuyện kể về những mảnh ký ức, mảnh lịch sử khác nhau của TP Hồ Chí Minh, cho ta thấy một lịch sử bình dân về thành phố này. Ảnh: Baotankyuc.

Lâu nay, việc nghiên cứu, viết lách, xuất bản về các giá trị di sản dường như chỉ thuộc về một số ít những người có chuyên môn. Bằng cách tiếp cận khác là đưa đại chúng thành nhân vật chính trong quá trình gìn giữ di sản, dự án Di sản ký ức: Thành phố của tôi do Viện Social Life – một viện nghiên cứu độc lập tại TPHCM, đã góp phần phá vỡ điều đó và tạo ra một dòng sử học “bình dân”, trao cho đại chúng cơ hội cất lên tiếng nói về nơi chốn mà mình gắn bó.

Gìn giữ di sản bằng không gian tương tác mới

“Mỗi thời khắc của xã hội đều có khả năng trở thành một thời khắc của lịch sử. Ta phải là nhân chứng lịch sử”, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife), chia sẻ căn nguyên vì sao ông lại cùng đồng nghiệp đứng ra thành lập dự án này. Nhắc đến ước muốn làm “sống lại” những tranh luận học thuật trong quá trình tiếp nhận các hệ hình phương Tây ở Việt Nam thời kỳ hậu thuộc địa của TS. Phạm Văn Quang (trường ĐH KHXH&NV TP HCM), anh cho rằng, không chỉ cần những tài liệu về lịch sử học thuật miền Nam Việt Nam thời kỳ đó mà còn cần cả thông tin từ các “nhân vật chính”, những người từng sống, trải nghiệm trong giai đoạn đó. Thậm chí, nó cũng có giá trị tương đương với cái tài liệu “chính thống” trong khả năng tái hiện không gian học thuật, anh nhận xét thêm.


Do đó, kể từ năm 2019, Viện Social Life đã tiến hành dự án Di sản ký ức: Thành phố của tôi với mục tiêu tạo ra một không gian tương tác có sự tham gia của những người bình thường nhất nhưng đang giữ những mảnh ký ức khác nhau, những góc nhìn khác nhau về lịch sử thành phố nơi họ sống. Dự án bao gồm ba hoạt động chính. Một là, tập huấn, đào tạo cho các bạn trẻ phương pháp tiểu sử học thông qua việc quan sát, lắng nghe, cảm nhận và ghi chép lại những câu chuyện về vùng đất và con người Sài Gòn. Lúc này, những số phận cá nhân ấy sẽ được đặt trong quãng đường xã hội; hai là hỗ trợ các bạn đi thực tế quan sát, ghi chép những câu chuyện về di sản ký ức; ba là tuyển chọn, biên tập và xuất bản ấn phẩm Di sản ký ức: Thành phố của tôi.


Không gian tương tác mà dự án tạo ra cho đại chúng, ở đây chủ yếu là những người trẻ, sẽ góp phần tạo ra một dòng sử học “bình dân”, giúp nó tồn tại một cách bình đẳng bên cạnh dòng sử học “chính thống”. Đặt dự án trong bối cảnh đối thoại đồng nghĩa với việc ai cũng có thể kể được một câu chuyện mang tính lịch sử, việc không chỉ nhà nghiên cứu mới có thể làm được. PGS. TS Nguyễn Đức Lộc ví von, lúc này cặp mắt của nhà sử học cũng cùng hướng với cặp mắt của người dân.


Để thực hiện dự án này, Viện Social Life đã tiến hành khảo sát 100 bạn trẻ ở lứa tuổi từ 15 -35, có tới 72% bạn trẻ được hỏi có nhu cầu tìm hiểu về di sản thành phố Hồ Chí Minh. Có tới 37 bạn thực sự quan tâm đến dự án và muốn tham gia trực tiếp thực hiện dự án, kể cả việc cung cấp số điện thoại, email để nhóm liên hệ khi dự án khởi động. Nhu cầu này sẽ rất cao nếu khảo sát với cỡ mẫu lớn hơn.


Dĩ nhiên, dòng sử học “bình dân” này không phải không có những nhược điểm của nó bởi quan điểm của mỗi người khi bàn về quá khứ sẽ có những độ chênh nhất định. Tuy vậy bản thân việc kể lại một câu chuyện về những gì đã qua, chúng ta của hiện tại sẽ có khả năng khái quát và đánh giá lại những sự kiện của quá khứ. Vấn đề này từng được Westbury và Dennett viết trong Mining the Past to Construct the Future: Memory and Belief as Forms of Knowledge, những gì chúng ta hồi tưởng là sự tái cấu trúc của những gì chúng ta từng trải nghiệm, và nó “được hình thành nhờ những mục tiêu và tri thức của chúng ta về thế giới”1. Mặt khác, tính xác thực của câu chuyện còn bị chính trí nhớ của người kể ảnh hưởng, thậm chí một số kí ức thời thơ ấu có thể một phần hoặc hoàn toàn là do thêu dệt nên. Elizabeth Loftus của Đại học California, Irvine đã chứng minh rằng những kí ức đầu tiên của chúng ta thường là hỗn hợp của hồi tưởng chính xác, lời tường thuật của những người khác và cả những cảnh tượng được dựng lên bởi tiềm thức 2.

Chợ Bình Tây, TP HCM.


Chợ Bình Tây, TP HCM.

Trước khía cạnh này, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng, “gọi là ‘hư cấu’ cũng được mà gọi là kiến tạo cũng được. Lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn không phải là lĩnh vực thực chứng luận. Cũng nhân vật ấy nhưng với 10 cuộc phỏng vấn, chúng ta sẽ có được 10 câu chuyện khác nhau bởi nó bị yếu tố cá nhân con người chi phối. Do vậy theo quan điểm của anh, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng cách gọi là ‘Sự hòa quyện của các đường chân trời’. “Mỗi người là một đường chân trời, và khi chúng ta đối thoại với nhau, thì chúng ta đi đến một điểm chung nào đó.”


Với những kinh nghiệm này, Viện Social Life hướng dẫn những người tham gia một số phương pháp kiểm chứng độ xác thực. Nói cách khác, dòng sử học bình dân ở đây không được hiểu theo nghĩa là dòng sử học dân gian, bởi nó sẽ vẫn phải đi theo một trật tự khoa học, các bước tiến hành vẫn phải được tuân thủ.


Cốt lõi là phát triển cộng đồng yêu di sản


Một trong những khó khăn của các dự án phi lợi nhuận, đó chính là vấn đề kinh phí, kinh phí để tiến hành dự án, kinh phí để duy trì hoạt động… Để giải quyết bài toán này, dự án sẽ kêu gọi tài trợ dành cho mạng lưới phi lợi nhuận. Phần kinh phí này sẽ được chia cho 5 nhóm (mỗi nhóm khoảng 10 bạn) để các bạn làm dự án, làm thành quỹ để các bạn sử dụng. “Bản thân Social Life không thể làm hết được, nhưng ở đây là 5 nhóm, các bạn sẽ tạo thành một mạng lưới để lan tỏa nhiều hơn nữa. Và khi đã kêu gọi được cộng đồng tham gia, nếu làm tốt, thì chính quyền cũng sẽ tham gia.” PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.


Theo dự kiến, sau khi dự án hoàn thành, từ 100 bạn trẻ ban đầu, Viện Social Life sẽ đào tạo ra được khoảng 50 bạn trẻ có khả năng nghiên cứu, có khả năng tự kể câu chuyện về thành phố và lan tỏa được niềm đam mê dành cho lịch sử, văn hóa. Văn hóa là một câu chuyện lâu dài và liền mạch, chúng ta luôn phải dựng xây và tiếp nối không ngừng. Chính vì vậy, dự án này mang trong mình tham vọng về một hành trình lâu dài, nơi mỗi người sẽ là một hạt nhân lan tỏa những giá trị văn hóa đến cho mọi người.
Nói cách khác, sản phẩm cuối cùng của dự án không chỉ là ấn phẩm để xuất bản, mà quan trọng hơn chính là vì chính con người và gìn giữ ký ức của họ về nơi chốn.

.


PGS.TS Nguyễn Đức Lộc.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc kể câu chuyện về lần ông tham quan một ngôi nhà cổ: “Mình thấy các chuyên gia người Ý vào ngôi nhà đó, bắt đầu bóc dần các lớp sơn. Bức tường ấy có mười mấy lớp, mỗi chủ nhân sau sơn đè lên một lớp. Sau rồi người ta bóc tách ra, cuối cùng phát lộ ra một bức tranh tường tuyệt đẹp, vô giá. Đời sống xã hội mình cũng vậy, cứ lớp người này qua đi, lớp người khác tới, cứ hết đời này sang đời khác. Tự nhiên có những cái giá trị văn hóa, những cái hay ho bị che lấp. Việc mình đi tìm hiểu là mình bóc dần, theo nghĩa hình ảnh, giống như những nhà khảo cổ học, giống như những người phục hồi bức tranh tường. Thì đời sống xã hội mình cũng vậy. Ta phải là nhân chứng lịch sử, ta không chỉ chứng kiến, mà ta còn phải cảm được. Mỗi thời khắc của xã hội đều có khả năng trở thành một thời khắc của lịch sử.”

Tham khảo:
[1] Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự, Trò chuyện cùng Dương Ngọc Dũng – tình yêu, tôn giáo và triết học – một trường hợp góp phần vào nhân học đối thoại, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ

[2] Ferris Jabr (2014), This is where your childhood memories went, Tạp chí Nautilus, số 16 – 2014.

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/than-thoai-sisyphuskhuoc-tu-hi-vong-vao-tuong-lai-mo-mit-bang-vuon-toi-tu-do-noi-tai/2019091204041621p1c879.htm

Anh Thư




LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.