Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơm

0
1253

Sài Gòn hoa lệ, có sông bao bọc nhưng ít ai nghĩ giữa thành phố phát triển lại có một làng chài nhỏ. Gọi là xóm chài thì đúng hơn khi chỉ còn vài ba hộ gia đình ở giữa cầu Bình Triệu cũ hình thành cách đây hơn 40 năm, thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM.


Người dân xóm chài kể lại, lúc huy hoàng, nơi đây tụ tập hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ. Nhưng dần dần do nước sông ô nhiễm, cá không còn nhiều, người ta bỏ đi hết, chỉ còn vài ba gia đình vẫn ở lại cho đến tận bây giờ.


Hơn 40 năm về trước, người dân từ miền Bắc di cư vào Nam, sinh sống ở khúc sông này. Lúc đó cá tôm nhiều, họ sắm ghe thuyền vừa làm nơi sinh hoạt cho gia đình, vừa làm phương tiện đánh bắt cá. Lâu dần, nhiều người biết đến nơi này, đến đây neo đậu rồi biến thành xóm chài đông đúc. Sau này mới thưa dần vì cá không còn nhiều nữa.

Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơm - ảnh 2

Xóm chài chỉ còn lại vài ba con ghe neo đậu

Hiện tại, xóm chài chỉ còn 3 hộ gia đình sinh sống. Ngoài đi quăng lưới, họ còn phải làm thêm nhiều việc mới có đủ rau mắm qua ngày.  Mọi sinh hoạt đều diễn ra ở trên chiếc ghe nhỏ, từ ăn uống cho đến tắm giặt. Tùy theo con nước, theo tháng, có khi những người đàn ông ở xóm chài phải đi từ sớm tinh mơ, có khi phải đi đêm tối để quăng lưới. Có điều, lưới nặng thì ít, lưới nhẹ thì nhiều.

Người ta thường ví số phận của người làm chài lưới cũng giống như những con thuyền, trôi nổi, bấp bênh. Nhưng có lẽ vì đời cha làm chài, nghèo khó, không cất nổi một ngôi nhà trên cạn, không lo nổi cho con ăn học tới nơi tới chốn. Thế nên, cha làm chài lưới, con cũng theo nghiệp bắt cá tôm.

Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơm - ảnh 3



Hai anh em nhà ông Minh

“Ngày xưa ở nhà bố mẹ cũng đi ghe, cũng làm nghề cá ở dưới Cát Lái. Rồi sau này về đây, mới gặp được ông xã rồi cưới nhau, ở đây làm nghề này từ năm 1977 đến nay luôn”, cô Nguyễn Thị Hinh chia sẻ.

Hai anh em ông Minh – ông Chiến dù đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có vợ. Hai anh em người đi quăng lưới, người ở nhà thổi cơm. Cuộc sống không có bàn tay chăm lo của người phụ nữ nên cũng có phần nào khó khăn hơn. Trong một lần đi làm ban đêm, ghe ông Chiến bị đâm nát, người cũng bị thương nên yếu dần nên không thể tiếp tục đi quăng lưới với anh trai.

Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơm - ảnh 5

Ba Chúc và ông Minh cùng nhau đi quăng lưới

Ông Minh thường đi đánh cá với ông Ba Chúc. Ông Minh chèo ghe, ông Ba Chúc quăng lưới. Có hôm ghe rỗng trở về, thế là gánh nặng cơm áo ngày mai trở nên nặng nề hơn. Ba Chúc được người dân xung quanh đặt cho cái tên rất oai, “hiệp sĩ rái cá”, bởi lẽ ông đã cứu được rất nhiều người tự tử, có khi không kịp thì lại vớt xác lên ghe chở vào bờ. Từ đầu năm đến giờ, ông đã cứu được hơn 20 người.

Mấy người đàn ông ở xóm chài ai cũng đã bên kia sườn dốc của cuộc đời, việc quăng chài cũng khó khăn hơn, nhiều đêm phải trở về với chiếc ghe rỗng…

Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơm - ảnh 6

Bà Hinh nuôi thêm vịt chuẩn bị cho ngày Tết

Ông Nguyễn Văn Chúc tâm sự: “Bữa nào làm được nhiều tiền thì ăn ngon một tí, làm không có tiền thì ăn dở tí, cần hạt gạo để hai vợ chồng ăn, rau củ bậy bạ sống qua ngày là được rồi”.

Có lẽ, giấc mơ một lần đổi đời để con cháu không còn phải lênh đênh sông nước vẫn luôn hiện hữu trong từng giấc ngủ của những người dân xóm chài.  Dù lạc quan, chịu khó rau mắm sơ sài cho đủ bữa thì ngày dài cũng trôi qua. Thế nhưng ai mà chả mong con cháu mình sẽ không bấp bênh sông nước như đời mình đã từng. 

Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơm - ảnh 7

Ông Chúc chở khách kiếm thêm tiền

Báo Thanh Niên

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.