Trong lần đi đề tài gần đây, tôi được sắp xếp vào khảo sát bản hỏi đại trà hộ của một cụ ông năm nay đã gần 90 tuổi. Ông sống một mình trong căn chòi được xây nhờ trên đất của người em. Các con của ông đã ra riêng hết nhưng hẳn là vẫn chu cấp tiền cho ông hằng tháng. Hôm ấy tôi đến đúng ngày rằm, vừa đến nhà thì ông cũng vừa đi chợ về.
Ông đi mua hoa, về trưng trên bàn thờ vợ. Có lẽ vợ ông mất sớm, vì ông kể lần nào đứa cháu nhỏ của ông lên thăm cũng đều chỉ tay về phía tấm ảnh trên bàn thờ hỏi “chị nào vậy nội?”. Trong phiếu khảo sát hộ của ông cách đây mười hai năm, ông đã ở một mình; trong phiếu khảo sát cách đây bảy năm, ông cũng ở một mình; và hiện tại, ông vẫn ở một mình.
Nhưng chỗ ở của ông từ ấy đến nay có thay đổi. Trước đây ông ở giữa ruộng, con cái sợ ông “chết bất tử, không ai hay, để sâu kiến nó tha” nên mới để ông về ở gần người em cho có người coi ngó. Thấy tôi loay hoay với bản hỏi của ba đợt khảo sát khởi đầu từ 12 năm trước, ông cười cười “lần sau mà có khảo sát nữa chắc chú không gặp được tui đâu, lúc đó tui chết rồi”…
Thật đơn giản cho cuộc đời! Sự đơn giản đến mức làm ta bị ấn tượng và khiến ta phải ngẫm nghĩ nhiều về nó.
Thỉnh thoảng phương pháp điền dã của Nhân học mang lại cho bạn những cảm xúc hoang mang và nghẹn ngào như thế. Nếu bạn trong một lần trò chuyện với ai đó, và thấy có sự thấu cảm khởi lên mạnh mẽ vì hoàn cảnh của họ thì hãy giữ nguyên ở đó, đừng suy nghĩ hay phân tích gì. Bạn đang cảm nghiệm thực tại, chỉ một lần trong đời, vì sau đó nó sẽ trôi tuột về quá khứ. Lý luận vào lúc này chỉ làm cho thực tại mà bạn cảm nghiệm trở nên méo mó và giả tạo. Toàn bộ sự thấu cảm mới là quan trọng vào lúc này, nó làm bạn quên đi sự hiện diện của mình ở đó. Trong căn chòi ấy chỉ còn ông cụ với những kỷ niệm đang sống lại.
ký ức của người kể và trở thành một với chính người kể. Ảnh: face trần dự phong |
Còn người nghe thì như đang hòa vào những mảnh vụn ký ức của người kể và trở thành một với chính người kể. Thời gian của câu chuyện được bắt đầu từ quá khứ trong khi thời gian của hiện tại thì như đang dừng lại.
Đến khi bạn như bị mất hút vào bối cảnh thì không còn nhà nghiên cứu, không còn khách thể, chỉ còn chuỗi câu chuyện và sự nhập thân của cả hai vào trong chuỗi câu chuyện đó.
Nhưng thực tế bạn cũng biết, bạn không mất đi đâu cả, bạn vẫn ở đó, người nghiên cứu vẫn ngồi trong căn chòi lá với ông cụ già và thời gian chẳng bao giờ đợi ai.
Bạn chỉ vừa bước ra ngoài chính bạn và dấn thân vào cuộc sống của người khác, đúng hơn là cuộc sống mà bạn và người khác đang cùng sống.
Bạn vượt qua những cái đã quy định bạn: sở thích, thói quen, tập quán, chuẩn mực, tri thức; vốn tạo ra hàng lớp lớp “cũi” định kiến ngăn bạn đến với người khác và đến với cuộc sống. Vậy là trong tích tắc, có thể bạn không nhận ra, bạn trở nên tự do với chính mình – sự tự do mà một cuộc cách mạng từ bên ngoài khó có thể giành lấy được.
Táo bạo hơn, bạn sử dụng sự tự do đó để xâm lấn một cách ôn hòa và nhẹ nhàng vào lãnh địa cuộc sống của người khác. Người nghiên cứu cảm nhận rõ như thể mình đang trải qua sự cô đơn của vợ mất sớm, của con ở xa, của tuổi già nhưng lại lạc quan trong giây phút hiện tại và bàng quang – hay thậm chí là an bình trước cái chết.
Điều thú vị ở điền dã là vậy. Nhưng sau khi cuộc tiếp xúc kết thúc, nếu bạn dừng lại ở những trải nghiệm bạn đã có thì chưa thể gọi là Nhân học. Hãy vượt ra ngoài, và hãy dấn thân. Vượt ra những trải nghiệm thú vị đó và tỉnh táo với chúng; vì bạn cần chúng như những dữ liệu để từ đó bạn “sản xuất” ý tưởng. Một lần nữa, bạn cần phá bỏ những định kiến của bản thân và xã hội để đưa ra những góc nhìn và lý giải mới cho điều mà bạn đã thấy và đã nghe. Dữ liệu thì hữu hạn nhưng ý tưởng là vô hạn, hãy tận dụng tất cả khi cảm thấy hợp lý và củng cố lập luận, dẫn chứng thật tốt để tăng khả năng thuyết phục cho những ý tưởng đó. Khi đã hoàn thành công việc, đừng đứng ở đó. Hãy vượt ra ngoài những ý tưởng đó đi, nó đã cũ rồi. Hãy mạnh dạn dấn thân vào những ý tưởng và những cách lý giải mới. Chỉ bằng cách đó bạn mới không là người lạc hậu và thừa thải.
– Quay lại đi, tôi muốn biết học Nhân học ra để làm gì?
Nhiều sinh viên Nhân học có những lo âu về nghề nghiệp khi học ngành này, nhất là các sinh viên năm đầu. Tôi cũng đã từng như vậy. Tôi biết rõ công việc chính mà Nhân học đào tạo là nghiên cứu khoa học; và có lần tôi đã không cam tâm, muốn tìm cho mình một lối đi khác. Nhưng không vì trải nghiệm đó mà tôi biết được ngoài nghiên cứu khoa học thì học ngành này ra để làm gì.
Nếu bạn đặt vấn đề như thế thì chẳng ai có thể liệt kê công việc cụ thể cho bạn. Hãy vượt ra ngoài suy nghĩ đó. Nếu bạn học Nhân học thì bạn đã là Nhân học, và chúng ta là một. Khi bạn tốt nghiệp, bạn tìm được công việc gì thì hẳn nhiên đó là câu trả lời, học Nhân học ra làm công việc đó. Nếu bạn thất nghiệp? – Chẳng sao, học Nhân học ra thất nghiệp.
Bạn học Nhân học, bạn là Nhân học, bạn như thế nào thì Nhân học như thế ấy. Câu trả lời ở trong bạn, trong tương lai và sự nghiệp của bạn. Thật đơn giản. Điều quan trọng là sự dấn thân. Hãy đi cùng và hòa hết mình vào như thể lần sau sẽ không gặp được nó, vì nó đã “chết rồi”.