Khách “mượn” và những quy ước trong việc “mượn” khách.
Đám cưới tại xã Bình Lợi cũng như trong huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai có hai hình thức: đãi tiệc tại nhà hàng và đặt tiệc đãi tại nhà[1]. Hình thức đặt tiệc đãi tại nhà bao gồm hai loại. Thứ nhất, gia chủ thỏa thuận với bên nhận nấu tiệc để người bên họ phục vụ thức ăn và thức uống cho khách mời trong đám cưới. Lúc này gia chủ sẽ phụ thêm cho họ một khoản chi phí (tùy thích) để bồi dưỡng người đãi nước[2]. Loại thứ hai là nơi nhận nấu tiệc chỉ cung cấp người phục vụ thức ăn, không có người phục vụ nước uống. Trường hợp này, gia chủ phải tự tìm người phục vụ thức uống. Bên cạnh sự hỗ trợ từ họ hàng trong gia đình[3], nếu thiếu người hoặc gia chủ sợ ít người, phục vụ thiếu sót thì họ lựa chọn giải pháp là “mượn” bạn bè, xóm giềng. Khách “mượn”[4] là những người không được mời đám cưới bằng thiệp và đương nhiên họ không mừng cưới bằng tiền[5]. Họ được gia đình gia chủ “mượn” đến phụ đãi nước[6]. Về hình thức, họ đều là khách của đám cưới tuy nhiên, khách mời sẽ đi tiền còn khách “mượn” sẽ hỗ trợ gia chủ bằng công sức phục vụ.
Căn cứ vào nhu cầu cần hỗ trợ của đám cưới mà người chủ trì đám cưới – cha mẹ cô dâu hoặc chú rể sẽ yêu cầu con cháu trong nhà “mượn” bạn bè đến phụ sau khi đã trừ ra số người trong họ hàng có thể phụ đãi nước. Khách “mượn” được liên hệ trực tiếp qua điện thoại. “Mượn” qua điện thoại là liên hệ chủ yếu đối với dạng khách này. Bên cạnh đó, tối trước hôm đãi tiệc mặn tại nhà chú rể, gia chủ cũng có làm một bữa cơm gia đình và khách “mượn” cũng được gọi tới dự. Bữa ăn này (thông thường là nhậu) mang ý nghĩa chúc mừng chú rể ngày mai chính thức lập gia đình nhưng cũng mang tính ví von “chia tay thời độc thân”. Thành phần tham gia chủ yếu là bà con họ hàng. Họ ăn uống, nhậu và nói chuyện tới khuya rồi có thể ngủ lại tại nhà gia chủ. Bởi khách “mượn” là người thân quen với một vài thành viên hoặc cả gia đình gia chủ nên thường được mời tham dự buổi tiệc này. Nếu khách “mượn” còn là hàng xóm thì càng không thể thiếu.
“Khách “mượn” là người thân quen với một vài thành viên hoặc cả gia đình gia chủ nên thường được mời tham dự buổi tiệc này.” (Hình minh họa – Internet)
Nhìn bên ngoài khách “mượn” giống như bồi bàn vì việc của những người này là cầm xô đựng nước đá, đồ khui bia đến từng bàn phục vụ thức uống khi khách đến. Những công việc này được gọi là “sạc bia”. Nhưng bên trong, một khi gia chủ chọn “mượn” họ tức là hai bên ngầm hiểu về những công việc cũng như trách nhiệm của nhau. Gia chủ tin tưởng xem họ như người trong gia đình và mong đợi họ không chỉ hỗ trợ việc phục vụ mà còn giúp gia chủ quản lý, tránh hao phí về số lượng thức uống. Bên cạch đó, khách “mượn” cũng mặc định cho mình “nghe mượn là biết việc mình phải làm”[7], phải nhiệt tình và có trách nhiệm. Trong đám cưới năm 2008 mà Đẹt được “mượn”, gia chủ đãi tiệc ở hai nhà khách đặt hai bên lề đường. Mặc dù trời mưa nhưng nhóm khách “mượn”, trong đó có Đẹt vẫn phải chạy qua lại hai bên để phục vụ nước cho khách[8]. Cũng nói thêm, đám cưới ở đây, nếu khách được mời bận việc hoặc xét thấy gia chủ không đủ thân để họ trực tiếp đi thì sẽ nhờ con cháu hoặc người khác đi dự dùm. Trong trường hợp trời mưa cũng vậy, khách mời có thể không trực tiếp tới dự đám cưới nhưng khách “mượn” thì vẫn tiếp tục công việc đãi nước của họ. Không hề có sự ràng buộc về thuê mướn và họ ở lại, làm tròn nhiệm vụ chỉ vì mối quan hệ, tình nghĩa với gia chủ. Điều này không có nghĩa là mối quan hệ chỉ đáp ứng nhu cầu một chiều. “Chuyện mình tới phụ lúc nào cũng dậy (vậy) hết, người ta dìa (về) hết còn anh em trong gia đình ngồi lại với nhau”[9] để ăn uống, nhậu và trò chuyện sau đám cưới. Đây có thể gọi là đền đáp lại sự hỗ trợ của khách “mượn’ nhưng cũng mang ý nghĩa một bữa ăn gia đình, khẳng định vị trí của khách “mượn’ đối với gia chủ cũng như thắt chặt tình nghĩa giữa hai bên. Về phía gia chủ, sau khi ước lượng số khách mời họ sẽ đặt số lượng bàn tiệc tương ứng, trong đó, đặt dư ra vài bàn (một đến ba bàn) để cho họ hàng và khách “mượn” ăn uống sau đám cưới. Gia chủ xem đó là việc quan trọng và phải làm thật chu đáo vì khách “mượn” phụ “đãi xong cũng phải cho người ta ăn một bữa cho đàng hoàng”[10].
Cả gia chủ và khách “mượn” đều biết rằng, nếu “mượn” người phụ thì gia chủ không phải chi thêm một khoản tiền cho việc thuê người phục vụ. Thế nhưng, ý nghĩa không nằm ở lợi nhuận kinh tế. Ở đây, khách “mượn” đến phụ không công nhưng thay vào đó họ được đãi ăn uống. Tính trong thời điểm hiện tại, một người phục vụ được trả công 80000 đồng/đám cưới so với một bàn tiệc có giá 1.000.000 – 1.100.000 đồng/10 người ăn thì gia chủ sẽ “lỗ”. Cho nên thỏa thuận này mang tính gởi gấm trách nhiệm, sự tin tưởng để khách “mượn” phụ gia đình quán xuyến việc phục vụ trong đám cưới hơn là ý nghĩa kinh tế mà ta dễ ngộ nhận.
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về khách “mượn”, tôi rút ra được những quy ước mà cả gia chủ lẫn khách đều phải tuân theo. Nó giống như một khung mẫu để gia chủ biết khách nào phải mời, khách nào nên “mượn” và khi nào nên vừa mời vừa “mượn” một ai đó. Nó cũng quy định, ai sẽ mời khách mời và ai nhờ khách “mượn”. Đó là cả một sự đúc kết được mọi người trong nghiên cứu của tôi tuân theo, nếu người nào cư xử “lệch” khung này sẽ “rất kỳ”[11], bị “trách mốc”[12] và hậu quả xấu nhất là tổn hại đến quan hệ hai bên. Việc mời và “mượn” theo thông lệ sẽ dễ dàng cho việc “trả”[13] sau này, không mắc nợ. Theo đó, “đám cưới của ai người đó mời”[14]. Khách dự đám cưới ai thì người đó phải “trả” lại khi được mời (bất kể là bạn cả anh em khác trong gia đình)[15]. Tức là đối với bạn bè đồng trang lứa của mình, cô dâu, chú rể phải trực tiếp mời, nếu có “mượn” thì cũng chỉ nhờ bưng quả cưới. Cô dâu, chú rể chỉ có thể “mượn” những người quen biết nhỏ tuổi hơn đến phụ đãi nước. Đối với những người quen lớn tuổi hơn thì cô dâu/chú rể sẽ không mời và càng không thể “mượn” người “vai anh mình sạc bia”[16]. Trong trường hợp khách “mượn” là bạn của anh hoặc em của cô dâu, chú rể thì người có quan hệ trực tiếp với khách “mượn” sẽ liên hệ nhờ họ phụ. Còn khách mời thì dù có quen với anh em trong nhà thì cô dâu, chú rể cũng phải là người trực tiếp mời.[17]
Mi Thiều
[1] Ngoài ra một số gia đình cũng mượn sân bãi ở Ủy ban, Nhà văn hóa,.. nếu nhà không có chỗ đãi và không có điều kiện đãi ở nhà hàng. Dạng này cũng được xếp vào hình thức thứ hai.
[2] Có một số nơi nhận nấu đám cưới “chuộng” khách hàng có thể không tính thêm phí phục vụ này để được gia chủ giới thiệu nấu cho những đám tiệc khác.
[3] Chủ yếu là con cháu, anh chị em họ hàng.
[4] Ở đây, riêng từ “mượn” có thể hiểu theo nghĩa nhờ vả.
[5] Tiền mừng cưới luôn được để trong thiệp mời đám cưới, không thiệp đồng nghĩa với việc không cần đi tiền. Vùng này rất hiếm đi đám cưới bằng quà tặng.
[6] Có trường hợp, nam được “mượn” đến để giữ xe cho khách mời.
[7] Tí, 22 tuổi, công nhân.
[8] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.
[9] Tí, 22 tuổi, công nhân.
[10] Năm, 51 tuổi, nội trợ.
[11] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.
[12] Tí, 22 tuổi, công nhân.
[13] Anh Ba, 27 tuổi, viên chức Nhà nước giải thích chỗ này: mỗi người chỉ cưới một lần, nếu anh A mời bạn của mình là B đến dự đám cưới của anh trai mình là C (có thể), đám cưới của A lại mời B nữa, trong trường hợp anh trai C lại không chơi với B thì sẽ mắc nợ vì có thể người C không được B mời lại trong đám cưới của B. Có vẻ sòng phẳng thế nhưng ý nghĩa được nhấn mạnh ở đây là nếu “lệch” khỏi cái khung thông thường thì người trong cuộc sẽ rơi vào rắc rối.
[14] Anh Ba, 27 tuổi, viên chức Nhà nước.
[15] Đám cưới thì ai nhận tiền mừng người đó trả. Còn đám tang, bạn của ai cúng người đó trả thay vì người gia chủ có người mất.
[16] Tí, 22 tuổi, công nhân.
[17] Ngoài ra cũng có trường hợp ngoại lệ, khi mối quan hệ thân thiết, nhập nhằng hơn, cũng có thể mời hoặc “mượn” khách trên đây đề cập. Những trường hợp đó gia chủ phải khéo léo song song với việc khách mời/ “mượn” cũng phải hiểu ý.