Khách “mượn” trong đám cưới tại Vĩnh Cửu – Đồng Nai (Kỳ 1)

0
955

Sao hai đứa bây chưa về, lát nữa đãi rồi đó… Giờ đang ở nhà gái, làm lễ sắp xong rồi. Xin về đi. Hôm qua tao nói rồi mà. Về nha mày

Từ năm 2008 đến nay, tôi đã tham dự hai đám cưới của hai anh con cô ruột và là khách mời của bốn đám cưới khác nhưng đến khi đọc và tìm hiểu bài viết “Mời cưới ở Hà Nội và việc quản lý các quan hệ” của Alexander Soucy tôi mới nhận ra, đám cưới ở quê mình có những nét đặc trưng riêng. Nơi tôi ở được xếp vào vùng sâu vùng xa – xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai. Ở đây hàng xóm cũng thường là bà con họ hàng. Mỗi khi nhà có việc hệ trọng như đám tang, đám cưới thì mọi người tương trợ nhau. Tìm hiểu về đám cưới ở đây, tôi thấy yếu tố hỗ trợ thể hiện qua một dạng khách “mượn” đặc trưng. Chính vì hiện tượng này trong thực tế cùng với nội dung bài viết của Soucy tôi quyết định tìm hiểu và trình bày về khách “mượn” trong đám cưới ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Sơ đồ cùng quan hệ ở Hà Nội của Yan (19960 được Soucy (2010) vận dụng cho ta thấy ‘cấu trúc’ của các mối quan hệ và chức năng của chúng khi được xác lập và tái xác lập qua việc mời cưới. Tôi vận dụng ý nghĩa này vào bài viết về đám cưới ở Vĩnh Cửu – Đồng Nai. Nhưng ở đây, trong điều kiện có thể, tôi chỉ làm rõ ý nghĩa này thông qua khách “mượn” và việc “mượn” khách. “Giống mà không giống” là điều thú vị khi khách “mượn” trong bài viết của tôi, xét về ‘nội hàm’ thì thuộc Vùng có ảnh hưởng nhưng về cách thức tham dự và vai trò trong đám cưới thì mang đặc trưng khác biệt. Chính vì thế mà trọng tâm bài viết này của tôi là mô tả về khách “mượn” và những trải nghiệm về vị trí, vai trò của họ trong đám cưới chứ không bao quát việc mời cưới và ý nghĩa của nó như Soucy. Và kết quả đề tài này tôi xem như một ghi chép về hiện tượng xã hội mang tính đặc thù về không gian và thời gian. Thời điểm hiện tại ở Vĩnh Cửu – Đồng Nai, nó là tư liệu về mối quan hệ xã hội và những quy ước về khách “mượn” trong đám cưới. Để thu thập thông tin cho đề tài này tôi sử dụng phương pháp quan sát tham dự và phỏng vấn sâu. Bên cạnh đó tôi cũng đọc tài liệu để có thể so sánh, làm nổi bật nét đặc thù của đối tượng nghiên cứu.

Mỗi khi nhà có việc hệ trọng như đám tang, đám cưới thì mọi người tương trợ nhau.

Khách “mượn” là khái niệm mà tôi sử dụng xuyên suốt bài viết này và trình bày điểm đặc trưng của nó. Việc “mượn” khách cũng thể hiện quan điểm của cả gia chủ và khách được “mượn” trong bối cảnh cụ thể. Trong bài viết, tôi sử dụng thuyết cấu trúc để phân tách khách trong đám cưới thành hai loại: khách mời và khách “mượn”, để làm rõ đặc điểm khách “mượn” trong mối tương quan so sánh với khách mời. Hai tư cách: người “sạc bia” và người nhà cùng tồn tại ở khách “mượn” tôi cũng dùng thuyết cấu trúc làm rõ. Bên cạnh đó, tương ứng với hai loại khách, hai tư cách sẽ có những vai trò, chức năng khác nhau, ở điểm này tôi vận dụng thuyết chức năng. Từ đó, tôi đi đến kết luận, trong một đám cưới tồn tại những quy ước bất thành văn, nếu cư xử “lệch” khung mẫu đó bạn có thể gặp rắc rối. Khách “mượn” với vai trò “sạc bia” là giải pháp tối ưu cho những đám cưới không thuê người phục vụ thức uống đồng thời cũng được xem như người nhà của gia chủ. “Mượn” là hình thức hợp thức hóa việc tham dự đám cưới của một bộ phận khách, để từ đó khách “mượn” hình thành những trách nhiệm và trải nghiệm thú vị trong đám cưới khác với khách mời. Thông qua những điều này, ta thấy quan điểm và những mong muốn của người dân đối với đám cưới.

Để làm sáng tỏ những điều trên, tôi chọn phỏng vấn bốn thông tin viên để thu thập thông tin. Hai thông tín viên, một người nam, 22 tuổi và một người nữ 21 tuổi đều làm công nhân, cung cấp thông tin với tư cách là khách “mượn”. Người nữ đã được mượn đến phụ trong ba đám cưới năm 2006 và 2008, đều là đám cưới anh trai của bạn cô này. Người nam được mượn phụ một đám cưới vừa là anh trai của bạn vừa là hàng xóm, vào tháng 4/2011. Bên cạnh đó, tôi cũng phỏng vấn một người với tư cách là mượn khách đến phụ cho đám cưới của gia đình. Anh này 27 tuổi, là viên chức Nhà nước. Ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cha mẹ là người chủ trì lo liệu đám cưới cho con vì vậy để có thêm thông tin tôi cũng phỏng vấn một cô 51 tuổi, là nội trợ đã từng tổ chức đám cưới cho con năm 2008.
Từ Từ những hiểu biết của bản thân về chủ đề này, tiếp đến là đọc và tìm nét mới của đề tài thông qua kết quả nghiên cứu của Soucy, đặt giả thuyết, lập đề cương và tiến hành phỏng vấn là trình tự tôi đã làm để thu thập và xử lý thông tin. Ba trong số bốn thông tín viên của nghiên cứu này đều là người thân trong gia đình của tôi, còn một người là bạn cùng xóm. Họ người thân quen cho nên tôi tiếp xúc không khó khăn cho lắm và chủ động được thời gian phỏng vấn. Bên cạnh đó, tôi cũng là người trong cuộc, có hiểu biết nhất định về đề tài này nên tôi không mất thời gian cho việc tạo mối quan hệ với thông tín viên mà có thể trò chuyện thẳng vào vấn đề với họ.
Thuận lợi là vậy nhưng trong quá trình phỏng vấn tôi cũng gặp không ít khó khăn. Trước khi tiến hành cuộc phỏng vấn đầu tiên với thông tín viên nam 22 tuổi và thông tín viên nữ 21 tuổi tôi đã thăm dò ý kiến và hẹn giờ cụ thể nhưng người nam có việc bận đột xuất nên trò chuyện với tôi chưa đầy mười phút, người nữ thì thường xuyên “không biết nữa” khi tôi đặt câu hỏi “tại sao?”. Một đặc điểm chung của hai thông tín viên này đó là họ chưa bao giờ phải nói chuyện với ai đó dưới hình thức phỏng vấn thế này. Tuy hỏi những chuyện thường ngày như tán gẫu nhưng một khi liên quan đến học tập, đối diện với cuốn sổ trên tay và chiếc điện thoại tôi đang ghi âm thì họ ngại và nói chuyện đúng chất “phỏng vấn”. Hôm sau, khi trò chuyện lần hai với thông tín viên nữ, tôi không ghi âm nhưng chị này có vẻ ngại hơn vì cho rằng không còn gì để nói. Sáng hôm đó, tôi cũng tranh thủ hỏi thông tín viên nữ 51 tuổi, khá thuận lợi vì cô này cung cấp thông tin trọng tâm cho bài viết của tôi. Đến ngày thứ ba, tôi quyết định phỏng vấn thông tín viên nam 27 tuổi trước vì may mắn hôm nay anh này có ở nhà. Lần này tôi không ghi chép bằng sổ và ghi âm, cố gắng nhớ thông tin và gần như là trò chuyện với cả nhà anh này. Cuộc nói chuyện cho tôi thông tin nhiều chiều vì không chỉ thông tín viên 27 tuổi trả lời mà còn có sự bổ sung cả các thành viên khác trong gia đình. May mắn là sau khi trò chuyện xong với anh này thì thông tín viên nam 22 tuổi cũng liên hệ với tôi để được phỏng vấn. Tôi hoàn thành xong biên bản phỏng vấn với bốn thông tín viên trong ba ngày. Theo tôi, khoảng thời gian này ngắn để khắc phục hạn chế của phỏng vấn viên cũng như khai thác sâu thông tin từ thông tín viên. Tuy thông tin phỏng vấn đáp ứng được cho bài viết thế nhưng việc chọn lọc, liên kết và rút ra kết luận từ những thông tin đó tôi làm còn chậm và chưa khéo léo. Đó là hạn chế lớn và luôn được tôi dần khắc phục qua các bài viết như thế này.

[1] Anh thứ tư, con cô của tôi gọi điện thoại nhắc nhở khách “mượn”, yêu cầu anh này xin nghỉ làm ở công ty để về dự đám cưới anh thứ hai.
 
Mi Thiều

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.