Trường Sa qua các chỉ dụ của triều đình nhà Nguyễn là một mảng khá phong phú và hệ thống giúp chúng ta có thể hình dung được vai trò của triều Nguyễn trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên trên quần đảo Trường Sa và sự nguy hiểm của nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa.
(Ảnh: minh họa- Nguồn: Internet)
Tờ lệnh của tộc hộ Đặng ở đảo Lý Sơn (tư liệu của TS. Nguyễn Đăng Vũ) được gia đình cất giữ hơn 200 năm. Tờ lệnh của vua Minh Mạng ban vào năm 1834 cử thủy binh Lý Sơn đi thu lượm sản vật ở Hoàng Sa (Trường Sa) và đo đạc, vẽ bản đồ. Trong đó, ghi rõ tên tuổi của những người tham gia chuyến này như Đặng Văn Siểm, Võ Văn Hùng, Võ Văn Công, Dương Văn Định, Ao Văn Trâm… Tờ lệnh cũng ghi rõ cách tổ chức binh thuyền thành hải đội nhiều chiếc, thời gian đi từ mùa biển êm sau tết và nhiệm vụ quan trọng của một số người như Võ Văn Hùng, Đặng Văn Siểm ở Lý Sơn là làm đà công (cầm lái) và dẫn đường.
Văn khao lề thế lính Hoàng Sa năm Tự Đức thứ 20 (1867): đội Hoàng Sa được lập dưới thời Chúa Nguyễn “ với 70 tân binh của hai làng An Vĩnh và An Hải đi bằng năm thuyền câu ra biển. Họ được cấp mỗi người sáu tháng lương và một chiếc chiếu, ba sợi dây mây, bảy nẹp tre và một thẻ bài để ghi danh tánh, để nếu rủi ro có xảy ra và thả xuống biển may ra nếu trôi dạt vào bờ có người vớt chôn và biết tên họ.” Dùng thuyền buồm để tuần tra canh phòng tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cứ tháng hai âm lịch ra đi đến tháng tám âm lịch lại dong buồm trở về đảo Lý Sơn”. Hàng vạn binh phu đi làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ít người qua được sóng to bão lớn quay về nhà bình yên. Triều đình cho soạn Văn khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ những binh phu hy sinh tính mạng bảo vệ tổ quốc.
Hiện nay, theo truyền thống, người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ Văn khao lề thế lính Hoàng Sa, Trường Sa từ 16 đến 20 tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ, ghi công những người đã hy sinh bản thân mình vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thiêng liêng. Văn khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là một bằng chứng thể hiện hoạt động bảo vệ lãnh thổ quốc gia của triều đình nhà Nguyễn mà còn có ý nghĩa nhắc nhở hậu thế “uống nước nhớ nguồn”, Tổ quốc ghi công những con người dám xả thân vì tổ quốc. Văn khao lề thế lính Hoàng Sa còn cho thấy sự hy sinh gian khổ của dân tộc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn quốc gia, bởi:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây ước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.
Dù hiểm nguy, gian khổ, hy sinh mất mát, triều đình nhà Nguyễn và những binh phu Việt Nam (Đại Nam) luôn ý thức về việc bảo vệ vùng biển của tổ quốc.
Trách nhiệm hành xử của quốc gia đã đặt chủ quyền trên đảo được thể hiện trong hai Bản tấu của Thủ ngữ Đà Nẵng về việc cứu hộ thuyền buôn của tài phú Pháp Edouard bị nạn do vướng phải đá ngầm ở Hoàng Sa (đề ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng 11 (1830) “Thuyền buôn của tài phú Pháp Edouard, thuyền trường Đô-ô-chi-li, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thủy thủ đoàn, ngày 20 rời cảng Đà Nẵng đi Lữ tống (Lucon) buôn bán. Giờ Dần ngày 27, Edouard và 11 thủy thủ đi trên chiếc Sam bản lớn cập cảng nói rằng: Canh hai, đêm 21, ở phía Tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước uống đi cứu hộ, giờ Ngọ đã gặp và đưa họ về cảng.”
Châu bản triều Nguyễn, từ năm 1830-1847 thuộc các triều Minh Mạng (1820-1840) và Thiệu Trị (1840-1847) đề cập trực tiếp đến địa danh Hoàng Sa, thuộc địa phận nước ta. Nội dung các châu bản cho thấy có sự thông tin rất thường xuyên giữa triều đình Nguyễn và quần thần thông qua các văn bản hành chính là dụ (chỉ thị của vua) và tấu (báo cáo của quần thần) về việc vẽ họa đồ, tuần tra, cắm cột mốc quần đảo Trường Sa, các hình thức thưởng, phạt đối với những người hoàn thành và không hoàn thành chức phận của mình.
Trần Hạnh Minh Phương
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa