Bùi Giáng & di cảo để lại Lê gia trang – Kỳ cuối

0
1317
Chân dung thơ: Nhiều sầu muộn
Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết dùng lời lẽ hồn nhiên đối đáp với trẻ nhỏ. Rất nhiều khi, đóa Tường Vy nhỏ là cô con gái út của ông Trác và nhà thơ cuồng đã có những đoạn đối thoại thường xuất hiện trong các tập di cảo như những ốc đảo xanh giữa sa mạc chữ:
Tường Vy bất chợt bần thần
Hỏi ông Bàng Giúi: “Ông gần hay xa?
Ông về trong cõi người ta
Ông là kẻ lạ hay là người quen?”
(Tường Vy chất vấn)
Đáp rằng: có lẽ ông quên
Hoặc là có nhớ rồi quên mất rồi
(Đáp lời Tường Vy)
Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết hì hục khiêng từng hòn đá nặng về xếp thành giả sơn tặng gia chủ, để cảm tạ cái ơn đã dám “rước về riêng một thằng điên” như trong bài thơ mà Bùi Giáng đặt tựa là “Thần tiên Trác Cẩm gia đình”:
Gia đình rất mực thần tiên
Rước về riêng một thằng điên phi thường
Từ trên tới dưới tượng mường
Tượng mơ như mán như mường tường minh
Đầu tiên rất mực gập ghềnh
Tương cầu cảm ứng ưu phiền cảm ưu
Y ư nghệ- du ư ngưu
Tần thân sư tử dê cừu liếm la
Mím môi miệng mỉm răng nhe
Rằng tần thân ấy nghìn nghe ra ngoài
Bao dong tiếp cận gà choai
Láng giềng vịt bé tình hoài Tường Vy
Trong bài này, câu thơ cuối ban đầu là “Láng giềng vịt bé tình hoài Cẩm Vân” đã được tác giả gạch bỏ chữ “Cẩm Vân” (tên vợ ông Trác), để thay bằng “Tường Vy”: Có bao nhiêu người tỉnh biết giữ lễ để không bước qua cái ranh giới mong manh giữa cợt đùa và sỗ sàng như Bùi Giáng?
Trong mười bảy cuốn thơ Bùi Giáng viết trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, vẫn là những câu thơ mang tính nhị nguyên: đầu tiên – cuối cùng, hỏi – đáp, một – muôn ngàn, sát na – thiên thu, đi – về… Vẫn là những cái tên kỳ nữ Kim Cương, Bạch Tuyết. Vẫn là Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu và những câu thơ tâm đắc nhất của chính mình từ các tập Mưa nguồn, Lá Hoa cồn, Màu hoa trên ngàn… Nhưng rải rác đó đây giữa những lời bỡn cợt quàng xiên lại chen những tâm sự buồn quá thể, của một người thường giữa khuya thức giấc nhớ chuyện xưa: “Nhớ thương từng phút từng giây. Những mùi hương cũ tàn phai bao giờ” (Giữa đêm), “Buồn vui như thể thân mình. Ai chia nửa máu ai giành nửa xương…” (Buồn vui như thể), “Xưa kia một tỉnh mười say. Bây giờ mười tỉnh một say một mình…” (Ăn năn)… Bài thơ dài nhất tìm thấy trong số di cảo này (cũng là bài thơ dài nhất của Bùi Giáng – được tác giả ghi chú đến hai lần, đầu và cuối bài là “Bài thơ dài nhất (122 câu)” cũng thật buồn với cái tựa “Quá khứ của anh”, mở đầu bằng: “Anh đau đớn nhưng không bao giờ khóc. Nuốt lệ vào cho vĩnh viễn thương yêu…”.
Đinh Cường : Để nhớ Bùi Giáng – sơn dầu trên giấy 18 x 24 in
(Nguồn: Internet)
Hàng trăm bài thơ để lại trong những cuốn vở học trò như một thứ nhật ký tiết lộ nhiều điều về một nhà thơ vốn lắm giai thoại nhưng ít ai tường tận thân thế. Nó cho biết Bùi Giáng trong quá khứ có lúc ở tù:
Nằm đây nhớ phố bên ngoài
Nhớ chân trời mộng tình hoài lang thang
Nhớ trăm vạn, nhớ muôn vàn
Từ thân yêu tới điêu tàn nhớ nhung
Đường qua ngôn ngữ cuối cùng
Đường thân thiết gọi điệp trùng trùng điên
(Niềm đau ở tù)
Từng đi Đà Lạt đóng phim:
Nó sắm cho ta nhiều áo quần
Đóng phim rất mực cuộc thênh thang
Cuộc chơi kỳ vĩ thông Đà Lạt
Trăng núi muôn vàn dội dư vang
Giao hưởng thần tiên nhớ mãi ngày
Tuyệt trù thy vận nở đầu tay
Trần gian như thể thiên đường vậy
Vĩnh biệt muôn vàn nhớ mảy may
(Nhớ mãi một lần)
Rồi từng bị gãy tay, từng bị công an làm khó dễ, từng có những mối quan hệ bí hiểm từ thuyền quyên kỳ nữ đến giới đầu đường xó chợ… Để cuối cùng, hình ảnh hiện lên khi đọc xong tất cả những di cảo này là một chân dung sầu thảm chẳng có chút liên hệ gì với một người điên thường quay cuồng la hét giữa đường phố trong một cơn phấn khích bất tuyệt. Rất nhiều những giai thoại vẽ nên một Bùi Giáng thi sĩ tự do tuyệt đối, không thê triền tử phược, không hệ lụy áo cơm. Nhưng những gì ông để lại trong ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm 482 Lê Quang Định này là chân dung hai mặt của một kẻ hò hét nhảy nhót ban ngày để lặng lẽ thức giấc trong đêm nhìn trăng ngậm ngùi hoài nhớ về một thời xa xưa tươi đẹp và mơ về một mùa Lễ hội sau cùng. Trong những di cảo này hay lập đi lập lại những từ “một cõi đi về” và “Lễ hội”. Cõi người ta thì đã rõ, còn Lễ hội nào vậy? Có phải miền đất mà các tôn giáo đều nói đến, nhiều triết gia từng tưởng tượng ra, được thi nhân Đông-Tây truyền tụng như lời sấm truyền về nơi con người tìm thấy lại địa đàng đã mất?
Đọc xong tất cả những di cảo ấy, có cảm giác như vừa xem lại một cuốn phim của Charles Chaplin: bật cười rồi chợt thấy mắt cay… Nếu không tin, bạn hãy thử đọc cùng tôi lời của một người từng gặp nhiều khổ đau mất mát (vợ mất, nhà cháy, mắc bệnh nan y…) nhưng chưa có lúc nào ngừng yêu thương cuộc đời:
Hỏi: Bình sinh mi yêu thương ai nhất?
Đáp: Tao yêu thương nhất là những cô gái giang hồ.
Hỏi: Vì sao như vậy?
Đáp: Hà tất phải hỏi vì sao.
Hỏi: Vì sao không phải hỏi?
Đáp: Vì bởi từ lâu những đứa như Nguyễn Du, Đỗ Mục, Gerard de Nerval…đã đưa ra lời giải đáp quá sức thỏa đáng rồi.
Hỏi: Đồng ý. Thế thì bây giờ tao xin hỏi tiếp: Mày yêu nhất là gái giang hồ, còn yêu thứ nhì- đệ nhị yêu đương- thì mày yêu ai?
Đáp: Đệ nhị yêu đương tao yêu vu vơ những đàn bà tình cờ gặp gỡ ngoài đường – thường là những phụ nữ da dẻ đen thui, ngồi im lìm bên vệ đường bán mua cái gì chẳng rõ.
Hỏi: Vì sao mi yêu chúng nó?
Đáp: Vì tao biết tâm hồn họ mênh mông.
Hỏi: Mênh mông như thế nào nói nghe chút ít thử.
Đáp: Đại khái như thế này: Khi thấy tao đi ngang qua họ hỏi tao: “Ông già đi đâu đó? Ông có đói không?”. Tao hỏi lại: “Cô hỏi như thế làm gì?”. Cô ta đáp: “Nếu ông đói thì con cho ông ăn chút ít. Con bán xôi, bán cơm tấm – bán bún riêu – bán bánh bèo – bán xoài chuối – ông thích ăn thứ gì?”…
(Đệ tứ đối thoại)
Chủ nhân của ngôi nhà đang lưu giữ 17 tập di cảo này là một nhà quay phim-biên kịch-đạo diễn kỳ cựu. Ông sinh năm 1930 tại Hải Dương, năm 1956 học lớp biên kịch khóa 1 trường Điện ảnh Sài Gòn, từ 1960 sang Nhật tu nghiệp nghề đạo diễn trong hãng phim Dei Ei của Kurosawa, sau đó về nước làm một số phim ngắn chủ yếu là phim thời sự, làm diễn viên đóng vai Hamlet trong kịch W. Shakespeare, đóng Thành Cát Tư Hãn trong kịch Vi Huyền Đắc, là người có công phát hiện các kịch sĩ Trần Quang, Tâm Phan…Năm 1973, ông có chân trong đoàn quay phim của chính quyền Sài Gòn ghi hình hội nghị Paris. Năm 1975, khi vợ chồng ông từ Pháp về, căn nhà họ ngụ tại Xóm Gà này còn trơ trọi giữa bãi tha ma, nhưng họ vẫn trụ lại nơi đây với niềm tin vào cuộc sống mới…Sau đó ông công tác tại Hãng phim Giải phóng cho đến lúc nghỉ già, từng cộng tác làm nhiều phim được trao giải Bông sen bạc, từng dự liên hoan phim quốc tế tại CHDC Đức, Hà Lan…. Tài năng nhưng bất đắc chí, cũng bởi hai chữ mà nhà biên kịch Nguyễn Hồ dùng để gói gọn tính cách ông Trác trước khi đưa tôi đến giới thiệu với ông: “tiết tháo”. Nay cuối đời, sổ hưu không có, bảo hiểm các thứ càng không, nhưng tính khí xưa của những ngày ông cám cảnh mà dắt về một người điên làm khổ vợ con thì vẫn nguyên vẹn.
Ông Trác rất miễn cưỡng khi trao cho chúng tôi 17 cuốn thơ Bùi Giáng, dẫu biết nó là tài sản chung của công chúng yêu thơ, như món quà muộn mà bảy năm sau khi thi hào rời cõi người ta mới phát lộ. Bởi ông không muốn bất kỳ ai hiểu lầm chữ “duyên” mà ông tìm thấy cùng Bùi Giáng trong quán rượu Thọ Nguyên năm ấy. Ông cũng từ chối mọi cơ hội được đền bù cho công lao gìn giữ những tập di cảo quí giá kia trong hơn mười lăm năm.
Nhiều đêm, tôi lắng nghe tiếng gõ rao mì nay đã hỗn loạn vì cuộc mưu sinh thúc bách chứ không còn khoan thai đều đặn như nhịp phách ngày xưa trong tay những người đồng hương Quảng Nam của Bùi Giáng, rồi băn khoăn có phải thời đại của những con người không sống theo nhịp mưu sinh như thế đã vĩnh viễn qua đi?
Hữu Bảo
(Nguồn: http://www.viet-studies.info./BuiGiang_DiCaoLeGiaTrang.htm)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.