Ngột ngạt và lâng lâng với lăng tẩm Huế (kỳ cuối)

0
852
Tôi đã nói đến “không gian” và “cái lâng lâng trong không gian”. Đây không chỉ là hậu quả, mà đồng thời còn là nguyên nhân. Đây chính là niềm bí ẩn-nếu quả thật có tí gì ẩn trong cái cảm giác thư thái, cái duyên dáng nhẹ nhàng điểm chút máu mê, toát lên từ cái khu lăng ở Huế, ngoài lăng Khải Định. Ở đây có một  mối thông quan thường xuyên giữa thiên nhiên và kiến thức. Từ tự nhiên đến văn hóa: núi-rừng-vườn-lăng. Xa là núi. Gần hơn là rừng, nhưng là rừng đã khai phá, rừng thưa, rừng thấp thoáng bóng nhà và bóng người. Bao quanh kiến trúc lăng là vườn nhưng là vườn  cây to, vườn còn giữ chút ít hơi hướng của rừng. Áp sát kiến trúc lăng, đã lấn vào kiến trúc lăng, ngay trên sàn gạch, hai bên sân, trên thềm điện, thềm đình là hồ sen, là chậu hoa và những cây đại mà người Huế gọi là cây sứ… Cứ từng bước một như thế, từ xa đến gần, môi trường thiên nhiên tuần tự thấm vào các cửa đóng kín mít, cứ thế mà ngự giữa các đình cao lộng gió. Mái nhẹ, cột gầy, dáng đình lênh đênh, thềm điện lè tè, từng ấy không đủ để chống lại sức thẩm thấu từng giờ, từng phút của núi-rừng-cây-lá. Và rốt cuộc, cả mái, cả cột, cả tường và thềm, cả cây rừng và trời mây, như rủ nhau hòa lại để lồng ngược vào bóng nước hồ sen.
Toàn cảnh lăng Minh Mạng. (Ảnh: minh họa-Nguồn: Internet)
 Khi không gian bên ngoài luồn vào không gian kiến trúc, kéo kiến trúc về với thiên nhiên. Kiến trúc nhập vào thiên nhiên, góp phần tổ chức lại không gian chung. Dọc trục thần đạo, các công trình kiến trúc của một khu lăng trải ra theo tiết tấu: Cổng-Sân-Đình-Sân-Điện-Sân. Tiết tấu này, tôi từng gặp ở Văn Miếu và những ngôi nhà kiểu cổ truyền của “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”. Trong cả ba trường hợp, sân đóng một vai trò quan trọng. Đây là nơi trời-mây ùa vào trung tâm của kiến trúc. Trên những mảnh sân con ngăn nếp này với nếp kia trong các ngôi nhà dân dụng cổ truyền của Hà Nội cũ, tôi còn gặp những bể nước có non bộ, đặt trước bình phong giả đắp trên tường vôi. Chỉ một màu trời xanh trong đáy bể, mà  tôi tưởng như ngôi nhà vốn thiếu ánh sáng, bỗng bừng hẳn lên, tưởng như bất ngờ được hít một hơi dài của khí trời lộng bên ngoài. Những bể nước này hẳn thay chân các hồ sen trên sân Văn Miếu và trong các khu lăng ở Huế. Nhưng cũng chính tiết tấu nói trên lại cắt toàn bộ không gian của một tổng thể kiến trúc bao quanh sân. Sự cắt xén đó thu nhỏ kích thước của thiên nhiên lại, hạ bầu trời xuống gần tầm con người, thuần hóa không gian. Cách tổ chức này khác hẳn so với bố cục của khu đền Ăng-co, chẳng hạn. Ở đây, trong một môi trường văn hóa lấy thần thoại vũ trụ của Ấn Độ giáo làm khung tư duy, không gian là một khối trời lồng lộng, không bị cắt xén. Nối trời với đất trong cái không gian nhất thể ấy, là năm tòa bảo tháp mà đỉnh nhọn như xuyên vào khoảng xanh, bốn tòa ở bốn phương, tòa cao nhất ở trung tâm và tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ Mê-ru. Cũng may, khác với Văn Miếu và nhà kiểu cổ ở Hà Nội, các khu lăng ở Huế không bị hai dãy tường thành quá gần kẹp hai bên theo chiều dọc, do đó còn hút được vào trong lòng kiến trúc nhân tạo đôi tí hoang dã sót lại của vườn cây và rừng thưa kề cận. Có lẻ chính vì thế, theo lời các bạn đồng hành của tôi mà lăng tẩm ở Huế-với mọi nhược điểm, hay, ít nhất với những gì chưa ưa mắt lắm của mỹ thuật Nguyễn-vẫn tiếp tục, hơn thế, còn tôn thêm cái gì đó “rất ta”  trong nghệ thuật cổ truyền của ta: cái cân đối (giữa thiên nhiên và văn hóa), cái hài hòa (giữa con người với trời đất).
Có buông mình trong không gian của các khu lăng khác thì mới thấm cái thiếu của lăng Khải Định. Ở đây, ở khu lăng cuối cùng này của các vua dòng họ Nguyễn, không gian chỉ được chú trọng trong chừng mực thiên nhiên được dùng làm nền để đẩy công trình kiến trúc được nổi bật lên. Lăng Khải Định được xây trên sườn một trái đồi con, và nhìn xuống một  thung lũng hẹp. Vị trí này tương tự vị trí của Vạn Niên, lăng của vua Tự Đức. Nhưng nếu ở Vạn Niên, thung lũng được biến thành một hồ rộng , với nhà hóng mát và với một hệ thống giả sơn nhô lên từ giữa dòng nước, thì thung lũng nhỏ đối diện với lăng Khải Định lại bị kiến trúc sư nào đó thời ấy bỏ mặc trong hoang vu, chắc hẳn vì vai trò của nó chỉ là đề thêm cao nữa chỗ đứng của lăng vua. Ở đây, kiến trúc nhân tạo đóng vai trò hầu như độc tôn, tự tại với trang trí vách tường lòe loẹt đến mức “quá lố” của nó, còn những khoảng trống giữa hai công trình kiến trúc thì quá hẹp, không dành  kẽ hở cho trời-mây lọt vào đủ để cải tạo không gian kiến trúc. Cái ngột ngạt của lăng Khải Định cũng là ở chỗ đó.
Nguồn: Sách Nguyễn Từ Chi- Góp phần nghiên cứu văn hóa và  tộc người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.