Việc hiếu nghĩa của người Khmer (kỳ cuối)

0
834

Báo hiếu trong lễ tắm cho ông bà.

Những nghi lễ thể hiện việc báo hiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer ở Trà Vinh phần lớn là hướng về những người đã khuất để dâng thức cúng và cầu chúc cho vong hồn những người đã khuất sớm được siêu thoát, sớm được đầu thai. Nhưng trong nghi lễ tắm cho ông bà thì sự báo hiếu lại hướng về những người đã sống, những bậc cao niên trong cộng đồng. Các nghi lễ khác cũng chủ yếu là được tổ chức trong chùa, còn nghi lễ tắm cho ông bà thì được tổ chức tại gia đình các phật tử.
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
 Lễ tắm cho cha mẹ, ông bà của người Khmer trong ngày Tết Chol Chnam Thmay có ý nghĩa gắn liền với nghi lễ tắm tượng Phật. Những người Khmer quan niệm rằng: tắm có thể tạo lên sự thanh khiết, trong sạch cho cả thể xác và tâm hồn, tạo lên cho con người sự minh mẫn. Trong sự tích về Đức Phật trước khi đắc đạo, người đã ngâm mình dưới một dòng suối để gột rửa bụi trần, gột rửa đi những gì không trong sạch để hướng mình tới sự thanh khiết. Vì vậy, trong ngày tết người ta thường tắm cho Phật để luôn giữ cho Phật được sạch sẽ. Trong khi tắm Phật, họ lại quan niệm rằng nếu lấy nước từ trên mình của Đức Phật chảy xuống để rửa mặt thì sẽ gặp nhiều may mắn vì nước đó mang theo phước từ trên mình của Đức Phật. Từ ý nghĩa đó, người Khmer muốn tắm cho cha mẹ mình để cầu phước cho cha mẹ trong năm mới.
Nghi lễ tắm cho cha mẹ thường được thực hiện sau lễ tắm Phật, nguyên nhân là do người ta sẽ lấy nước từ trên người Đức Phật về pha cùng với nước tắm cho cha mẹ để tăng thêm phước cho cha mẹ. Tuy nhiên, việc này cũng không quy định thời gian cụ thể là khi nào, có thể thực hiện nghi lễ này trước hoặc sau lễ tắm Phật.
Nước dùng trong lễ tắm cho cha mẹ được nấu ấm, pha thêm cánh hoa, dầu thơm và mời các vị sư đọc kinh chúc phúc vào trong nước. Nếu có nước tắm Phật để pha vào thì càng tăng thêm phước cho người được tắm. Trước khi thực hiện tắm cho cha mẹ, gia đình phật tử phải chuẩn bị một vài chiếc ghế, tùy thuộc vào số lượng người già trong gia đình hay trong xóm. Sau khi ghế được xếp thành một hàng ngang, con cháu mời những người già trong gia đình và có thể là cả những người già trong cùng khu xóm tới ngồi vào những chiếc ghế đó. Sau đó, con cháu quỳ xuống trước mặt những người già xin phép: “Bữa nay chúng con xin phép cha mẹ và quý bà, quý ông cho chúng con được tắm cho cha mẹ và ông bà trước hết là để cầu phước cho ông bà và mừng tuổi cho ông bà”.
Khi được sự cho phép của những người cao tuổi, con cháu bắt đầu tắm cho ông bà. Thường thì đối với người cao tuổi, người Khmer thường nấu nước ấm, dùng để lau người, lau mặt hoặc rửa chân tay. Hành động tắm trong nghi lễ này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đó là biểu tượng cho sự gột rửa những u minh, tội lỗi, tham sân si để cha mẹ đạt đến được sự thanh thoát.
Sau khi đã tắm cho cha mẹ xong, các con cháu trong nhà cùng quỳ xuống trước mặt cha mẹ để nhận lỗi, họ sẽ nói ra những điều mà trong một năm qua họ có cố ý hay vô ý làm cho cha mẹ phiền lòng. Sau đó, họ sẽ nói những lời hứa hẹn trong năm tới và mong cha mẹ thứ lỗi. Những bậc cao niên cũng nói ra những điều gì đó mà mình làm chưa đúng đối với con cái và mong con cái bỏ qua.
Cuối cùng, con cháu cùng chúc cho cha mẹ mình luôn có sức khỏe và gặp nhiều may mắn. Những người cao niên cũng chúc cho con cháu của mình có một sức khỏe tốt và tuổi thọ giống như bản thân họ.
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.