Đời sống giáo viên trong thời bao cấp

0
1686
Tình cờ gặp chú Q, một người quê ở Sóc Trăng lên thành phố Hồ Chí Minh thăm các con, tôi đã làm quen và hỏi chú chuyện thời Bao cấp. Biết được ngày xưa chú là giáo viên, tôi thực sự cảm thấy rất mừng. Từ trước tới giờ tôi chưa  từng được nghe một giáo viên nào kể chuyện thời Bao cấp. Và tôi cũng không biết một giáo viên sống trong thời gian đó ra sao?
Nhắc đến thời Bao cấp, lúc đầu chú Q chỉ cười. Chú nói cái thời đó muốn bắt xe đi đâu chắc phải mất một ngày, cả đi mua hàng cũng vậy, nói chung là lúc nào cũng phải chờ đợi chứ đâu có nhanh chóng như bây giờ. Khi nói chuyện nhiều hơn một chút về cuộc sống người giáo viên trong thời Bao cấp, chú cho biết hồi đó người làm nghề nhà giáo rất khổ. Ngày còn trong thời kì Bao cấp cứ khi nào nói về nghề nghiệp một số người vẫn nói đùa với nhau câu thơ:
Muốn sang thì lấy thợ điện
Muốn diện thì lấy thợ may
Ăn mày thì lấy thầy giáo.
Ăn mày thì lấy thầy giáo(ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Theo lời chú kể, ngày đó nghề giáo rất khổ. Lương nhà nước cấp không bao giờ đủ sống  mà thường là phải xin thêm tiền ở nhà. Khi vừa tốt nghiệp ra  trường, chú Q được phân công dạy học ở huyện Thốt Nốt. Xa nhà, chú sống cùng với các giáo viên khác tại một căn nhà tập thể. Chú nói, gọi là nhà tập thể thôi chứ nhà tập thể ở mỗi trường, mỗi nơi nó lại khác. Ở chỗ chú, nhà tập thể chỉ là một phòng học cấp bốn, nói cấp bốn là còn đỡ chứ thực ra nó còn chưa được cấp bốn. Căn phòng đó được ngăn đôi ra, một bên nam, một bên nữ. Căn nhà tập thể đó tuy nghèo nàn nhưng đã trở thành mái nhà chung của anh chị em giáo viên nghèo. Chú Q kể, nhiều khi không có tiền sống, mấy anh em trong nhà tập thể cùng góp tiền để một người nào đó có thể về quê xin tiền ở nhà mang lên. Thường thì người đó sẽ về nhà của mình khoảng chừng ba ngày, khi trở lại thường là mang theo một khoản tiền nào đó. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng để mọi người cùng trang trải cho cuộc sống. Hôm nào, có anh đi quá ba ngày là mọi người ở lại biết ngày thứ tư chỉ có chết đói. Mà một người nào đó về được nhà mình, có muốn mang lên cái gì cho anh em đỡ tiền mua cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chú Q  kể, mỗi lần về nhà, gia đình chú thường chuẩn bị gạo cho chú mang theo. Chỉ có khoảng 10-20 kg gạo mà mỗi lần  muốn mang đi là mỗi lần khó vô cùng. Muốn không bị bắt lại ở các trạm kiểm soát  phải đi xin giấy phép, mà giấy phép thì không phải chỉ xin một lần ở một nơi là được. Chú nói phải đi xin từ dưới lên trên, làm sao phải được cái mộc đỏ thì mới “ăn tiền”. Chú Q còn nói mình mang có một ít gạo mà cũng bị nghi ngờ này nọ. Có lẽ người ta nghĩ mình đi buôn, mà đi buôn phải buôn nhiều chứ chỉ có ít gạo như mình thì ăn cũng không có chứ lấy gì để buôn.
Đời sống kinh tế thời đó dường như chi phối tất cả mọi thứ. Người giáo viên cũng bị cuốn vào cái vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Thời Bao cấp mọi cái đều khó khăn từ chuyện ăn uống, quần áo cho đến giải trí này nọ. Chú Q nói hồi đó anh em ở trong nhà tập thể chỉ là ở để sống tạm qua ngày chứ cũng không có chế độ của nhà giáo gì. Muốn giải trí thì cũng phải tự mình tìm mấy cái phim trắng đen để xem. Chú nói hồi đó có phim trắng đen để xem là đỡ lắm rồi còn muốn xem phim có màu thì rất khó. Người nào làm quen được với mấy anh trưởng  phòng nông nghiệp này nọ thì mới được xem ké một chút phim có màu. Chuyện giải trí lúc đó chỉ là chuyện hy hữu vì việc lo cho cái ăn còn khó. Hồi đó, người ta phát cơm theo xuất.
Chú kể cho tôi nghe đúng cái từ mà người dân lúc đó dùng khi nói về hạt cơm, bát canh. Hạt cơm lúc ấy nhìn hạt nào hạt ấy như con dòi. Chú nói nhìn hạt cơm to như con dòi là biết nó nở như thế nào. Người ta không nấu bình thường như bây giờ mà cho vào cái chõ để hấp. Họ hấp cho đến khi nào hạt cơm to ra bằng con dòi mới lấy ra, đến khi lấy cơm, múc một chén nhìn thì đầy mà chẳng được bao nhiêu. Còn canh thì nhìn không thấy một “ông sao” nào. Chú giải thích là vì bình thường mình thấy canh có chút váng dầu mỡ, để dưới nắng thường thấy váng mỡ như những “ông sao”. Canh Bao cấp nấu chỉ với nước lã, chẳng có chút dầu mỡ, thịt thà gì nên nói nhìn bát canh Bao cấp không thấy “ngôi sao” nào là vậy. Người ta thường gọi canh hồi đó là “canh toàn quốc” tức là canh toàn nước hoặc có rau thì cũng chỉ là mấy cọng rau dền dại. Có mấy người nói đùa còn chế thơ của Nguyễn Khuyến:
Tô canh lạnh lẽo nước trong veo
Một miếng thịt heo bé tẻo teo.
Hạt cơm, bát canh là vậy, còn cà phê thì chỉ được uống cà phê ngó.
Khi tôi hỏi chú Q về điều gì làm chú nhớ nhất về thời Bao cấp, chú cho tôi biết hồi đi dạy người ta thường có sự phân biệt chú không phải là người Việt như họ. Chú Q vốn là người miền Bắc di cư vào nam năm 1954, giọng nói của chú so với người miền Nam khá khác. Đối với học sinh, các em rất thích vì giọng nói của chú khá chuẩn còn với phụ huynh thì ngược lại. Chú Q nói, ngày đó trình độ dân trí còn thấp, lại trải qua một thời kì dài với sự chia cắt ba miền Bắc, Trung, Nam nên người ta vẫn còn giữ đầu óc phân biệt. Hồi đầu, chú thấy mình hơi gặp khó khăn với thành kiến của phụ huynh. Đa số họ là những người gốc Nam theo đạo Cao Đài, khi nghe giọng nói của chú Q, họ cho rằng chú là người Huế. Theo họ nghĩ người Huế thì khác với người Việt. Các phụ huynh ấy cứ nghĩ ai nói cùng giọng với họ mới là người Việt còn ai khác họ thì không phải là người Việt. Chú Q kể không phải giọng nói mà cả cái văn hóa, tôn giáo họ cũng  đem ra phân biệt. Điều đó làm chú cảm thấy khó khăn nhiều trong việc tiếp xúc với người dân ở đây, đặc biệt trong thời gian chú phải xa nhà. Chú nói mình cũng là người Việt mà không  được xem là người Việt. Cái cảm giác lúc đó rất lạc lõng nhưng chú cũng biết rằng không phải là họ cố ý muốn phân biệt mà là do họ không biết. Dân trí lúc đó thật sự là rất thấp.
Về việc dạy học của chú Q, chú cho biết do điều kiện đất nước lúc đó còn khó khăn, giáo dục không được đầu tư nhiều. Cơ sở vật chất lúc đó rất kém, phòng ốc rất thiếu thốn. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường chia giáo viên dạy theo ca. Vì số lượng học sinh đông mà phòng ốc lại thiếu nên ngày nào cũng phải dạy ba ca: sáng, chiều, tối. Về chất lượng giáo dục, theo chú Q nhận xét, so với trước đây chất lượng bây giờ cao hơn nhiều. Tuy nhiên có một căn bệnh mà giáo dục bị nhiễm từ thời Bao cấp mà cho đến bây giờ vẫn không chữa khỏi đó là bệnh thành tích. Chú nói, hồi đó chất lượng  giáo dục không được quan tâm bao nhiêu còn thành tích thì lại được chú ý rất nhiều. Hầu như lúc nào người ta cũng đề ra chỉ tiêu và cố gắng thu được những thành tích nào đó.
Ngọc Lưu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.