Dự án đầu đời – Kỳ 2-a: Đời sống cư dân vùng biển Bến Tre

0
1737

BTKUXH – Mặc dù chuyến đi đã kết thúc hơn một tuần rồi, nhưng cảm xúc trong tôi vẫn còn khá sâu đậm. Có lẽ chuyến đi ấn tượng vì tôi đã học hỏi được rất nhiều. Đó không phải là những bài học lý thuyết nhưng là những trải nghiệm cuộc sống, qua đời sống của chính những con người chất phác nơi mảnh đất biển này.

Kỳ 1: “Chóng mặt” trong buổi tập huấn

1. Đời sống kinh tế và xã hội của cư dân vùng biển

Trước tiên, tôi phải cảm ơn người bạn cùng phòng của tôi, với tôi, chị thật giỏi và có rất nhiều điều tôi muốn học hỏi.

Ngày 24/8 đến “Bãi Nghêu” (địa danh nơi chúng tôi trọ), tôi được xếp ở chung phòng với chị N. Chị là sinh viên cùng ngành Nhân học với tôi, nhưng là đàn chị vì chị đã tốt nghiệp năm vừa rồi. Chị là một người dễ thương, chăm chỉ và rất giỏi. Chị là một người con Hà Tây, và vẫn còn mang nặng tư tưởng truyền thống “phụ nữ là phải công, dung, ngôn, hạnh”. Vì thế, chị rất chăm chỉ, chu đáo và luôn nhìn trước được nhu cầu của mọi người trong đoàn để “ra tay” giúp đỡ. Không chỉ học theo những nhân cách của chị, tôi còn được chị hướng dẫn tận tình trước khi xuống phỏng vấn người dân. Đây không phải là lần đầu chị tham gia dự án này, nên chị cũng có nhiều kiến thức về vùng biển này. Tôi cảm thấy mình thật may mắn.

Chị giải thích cho tôi về những thành viên đánh cá trên một chiếc ghe. Thường trên tàu có ba thành phần: một là tài công hay còn gọi là người lái tàu, hai là tài cải hay là người sửa máy, và cuối cùng là bạn, hay chính là người thủy thủ trên tàu. Chị còn giải thích cho tôi những từ ở vùng biển này như cào đơncào đôi. “Đôi” hay “đơn” ở đây là để chỉ số chiếc thuyền đánh cá. Cào đôi là đánh cá bằng hai chiếc thuyền: thuyền lớn gọi là cái cái, thuyền nhỏ gọi là cái đực. Thuyền lớn chứa khoảng bảy, hay tám người, thức ăn và tất cả “chiến lợi phẩm” thu được, còn thuyền nhỏ thì chỉ chở khoảng ba, bốn người. Hai chiếc thuyền này sẽ đi song song, cào (lưới) sẽ được căng từ thuyền này đến thuyền kia, và khi hai chiếc thuyền chạy song song thì “chiến lợi phẩm” sẽ nằm gọn trong cào. Chiến lợi phẩm bao gồm cá, tôm, mực, cá phân (cá nhỏ)… Còn cào đơn là đánh bắt chỉ với một chiếc thuyền. Tôi hứng thú nghe chị chỉ dạy. Chị còn dặn tôi “Đừng hỏi tàu này bao nhiêu CV (như câu hỏi trong bản hỏi đã ghi)?”. Nếu hỏi như thế người dân sẽ không hiểu, mà phải thay CV là “mã lực” hay “ngựa”. Càng nghe chị dặn dò, tôi càng hứng thú hơn để chuẩn bị tinh thần cho buổi chiều đi gặp người dân.

Sau khi nghỉ trưa, đúng hai giờ chiều, chúng tôi tiến hành xuống cộng đồng để phỏng vấn. Do chỗ chúng tôi làm việc cách nhà trọ khoảng 5km, nên chúng tôi vừa phải mượn xe máy đi, vừa nhờ chị T – cán bộ xã dẫn đi. Hôm nay chúng tôi làm việc tại ấp An Thựng, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Đây là một vùng đất xa lạ đối với tôi. Nếu như Lâm Đồng quê tôi chỉ toàn làm nông nghiệp, thì nơi đây hầu như không có gia đình nào làm nông nghiệp mà chỉ làm nghề biển: đánh cá hoặc chế biến cá khô. Có lẽ chính vì vậy nên những kiến thức bản địa nơi đây thực sự lạ lẫm đối với tôi. Chú S (52 tuổi) – trưởng ấp cung cấp cho tôi một thông tin rất thú vị: Ban ngày thì người ta thường cào mực, còn ban đêm thì cào tôm, cá. Bởi vì ban đêm mực nổi lên mặt nước không cào được, còn cá và tôm lại trầm xuống đáy nên đêm thì cào tôm, cá, còn ban ngày thì ngược lại, cá và tôm nổi lên trên bề mặt, mực lại trầm xuống đáy, nên người ta thường bắt mực ban ngày. Có ánh sáng thì thường mực sẽ lên gần mặt nước và người ta thường câu mực. Nhiều ngư dân ở đây cũng cho biết “câu mực” là việc mà những người bạn trên thuyền thường làm khi rảnh rỗi. Ngoài ra, cư dân ở đây còn có thêm một hình thức kinh tế đặc trưng là tham gia hợp tác xã nghêu. Mỗi hộ được khuyến khích vào hợp tác xã, và chỉ phải đóng duy nhất 400 000 đồng. Sau đó, hợp tác xã sẽ đầu tư nuôi nghêu, và bán rồi chia tiền cho bà con. Những đợt ít nghêu thì bà con chỉ được chia vài chục ngàn trên một hộ, có những đợt trúng, hợp tác xã chia cho mỗi hộ cả triệu đồng.

“Nơi đây hầu như không có gia đình nào làm nông nghiệp mà chỉ làm nghề biển: đánh cá hoặc chế biến cá khô”. (Ảnh: Anh Vu)

Khảo sát thực tế hai ấp giáp nhau thuộc xã An Thủy, chúng tôi đã thấy được hình thức đánh cá đặc trưng của mỗi ấp. Tuy ở cả hai ấp, người đàn ông thường đi biển, nhưng ở Tiệm Tôm hay chính là ấp An Thựng thì cư dân chủ yếu “đi cào”, còn ở ấp An Thới thì cư dân lại thường tham gia “đi lưới đèn”. Hai hình thức này khác nhau ở chỗ: cào thì kéo lưới bằng máy, và càng xuống phía đáy thì ô lưới càng nhỏ nên cào sẽ bắt cả các loại thủy sản lớn và nhỏ, thậm chí họ còn bắt được cá phân (cá nhỏ xíu để làm phân bón) và ruốc (con tôm non, nhỏ, màu trắng, mềm), đi cào thì năng suất cũng cao hơn. Còn lưới đèn thì kéo bằng tay, lỗ lưới lớn nên chỉ bắt cá lớn và năng suất thường không cao bằng đi cào. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho đời sống của bà con ở An Thựng khá giả hơn so với ở ấp An Thới. Tôi cũng thắc mắc tại sao bà con ở An Thới không đi cào để có đời sống khá giả hơn? Nhưng chị H giải thích rằng An Thới không gần cảng như bên An Thựng, nên họ không đi cào, mà chỉ bắt cá đèn thôi.

Đan lưới ở ấp An Thới (Ảnh: Anh Vu)

Đề cập đến việc nhà nước cấm các loại dụng cụ đánh cá, chú H cho tôi biết đáy (lưới) từ 1-1,2 tấc sẽ bị cấm vì lưới này sẽ bắt cả những con cá nhỏ, như vậy sẽ tiêu diệt hết các loài cá; còn đáy 2 tấc trở lên thì nhà nước cho phép đánh bắt. Đặc biệt, theo lời chú H thì một vài gia đình nghèo, đánh bắt quy mô nhỏ vẫn sử dụng loại đáy mùng – đây là loại đáy bị cấm vì sẽ bắt toàn cá con. Hầu hết những người được hỏi đều biết bằng nhà nước cấm hình thức đánh bắt bằng cách chích điện và chất nổ, vì những hình thức này sẽ giết hết cá, tôm, thậm chí nhiều con chưa chết, bơi đi nhưng cuối cùng cũng chết trên biển và làm ô nhiễm nguồn nước. Cô M (46 tuổi) cho biết: “Ai chích điện hay dùng chất nổ nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 5 đến 6 triệu”. Chú T (55 tuổi) còn nói với tôi rằng không được bắt cá bằng te, xiệp, đâm, chĩa… Vì cá sẽ chết ngay tại môi trường nước, và gây ô nhiễm nguồn nước.

Cư dân ở đây sống dựa vào nghề biển, nên họ rất lo lắng khi tháng bão đến. Vào những tháng bão, từ tháng 8 đến tháng 1, họ thường ở nhà không đi biển. Nếu vẫn lênh đênh biển thì họ cũng luôn lo lắng, và thường xuyên theo dõi thông tin trên đài. Một vài chiếc ghe thì trú bão ở Sông Đốc – Cà Mau hay ở Kiên Giang. Mùa bão người ta còn gọi là mùa Chướng, mùa Nam hay là mùa Nghịch. Điều làm tôi thấy thú vị nhất đó là nhiều tàu thuyền lưu trú tại Cà Mau trong mùa bão và quen bạn gái rồi đám cưới tại đây luôn (Trường hợp của gia đình chị T (26 tuổi) và anh H (28 tuổi).

Một số hình ảnh:

Làm khô cá ở ấp An Thựng, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre:

(còn tiếp)

Anh Vu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.