Hồi ức một quận chúa – Kỳ 5: “Ngôi chùa trong vòng ngắm của mật thám”

0
862

Huế chào đón làn gió mới của Cách mạng tháng Tám 1945 chưa được bao lâu thì bị quân đội Pháp quay lại đánh chiếm lập lại chế độ cai trị. Pháp và tay sai ráo riết truy lùng bắt bớ những ai tình nghi đã theo Việt Minh, số người trong giáo hội Phật giáo cũng không ngoại lệ.

Ni trưởng Diệu Không

Một trong số hòa thượng có uy tín bị chúng bắt và tra tấn dã man là Hòa thượng Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Linh Mụ. Trước đây, Hội Phật học do bác sĩ Lê Đình Thám, một tu sĩ và là một nhân sĩ nổi tiếng làm chánh hội trưởng. Khi Pháp quay trở lại Huế, ông Lê Đình Thám được Chính phủ Kháng chiến mời ra Bắc, Hòa thượng Đôn Hậu thay làm chánh hội trưởng. Hòa thượng Đôn Hậu bị bắt và Pháp tuyên bố sẽ đưa ra xử bắn đã làm rúng động tăng ni phật tử Huế trong đó có sư Diệu Không. Sư đã trực tiếp gặp tên trùm mật thám Pháp đấu tranh để Hòa thượng Đôn Hậu được đưa từ nhà lao của Sở Mật thám sang giam tại lao Thừa phủ. Sau đó, sư có ý kiến nhờ ông Nguyễn Khoa Toàn, bà Từ Cung và bà Nam Phương (1) can thiệp để giải cứu cho Hòa thượng Đôn Hậu được trở về lại chùa Linh Mụ.

Năm 1949, sư Diệu Không bỏ tiền riêng, sử dụng một phần đất thuộc sở hữu của họ tộc Hồ Đắc do sư quản lý ở Dương Xuân Thượng (Thủy Xuân, Hương Thủy, Thừa Thiên) liền kề vùng đất có ngôi chùa Trúc Lâm (cũng do Hồ Đắc hiến tặng cả chùa và đất) để xây dựng ni viện Hồng Ân là nơi sư trụ trì, đào tạo nhiều thế hệ đệ tử và cũng là nơi sư sống những năm cuối đời. Những năm đầu ở Hồng Ân, sư Diệu Không là đối tượng tình nghi của mật thám Pháp vì sư có nhiều thư từ từ miền Bắc gửi vào thăm hỏi. Nhiều ngôi chùa ở Huế xây dựng ở vùng đồi núi xa đô thị địch tạm chiếm, nơi giáp ranh với vùng tự do nên thường là nơi du kích ẩn náu để hoạt động, nơi tiếp tế thuốc men, lương thực cho lực lượng vũ trang cách mạng, nơi cứu chữa thương binh sau các trận giao chiến với địch. Ni viện Hồng Ân cũng lọt vào tầm ngắm của mật thám địch song nhờ các sư cô hoạt động kín đáo và nhờ sự đùm bọc của quần chúng nên địch không có chứng cứ để bắt bớ.

Cùng chị ruột xin tự thiêu

Sau ngày Mỹ lật đổ Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, tình hình Phật giáo miền Nam càng tồi tệ. Để báo động cho trong nước cũng như thế giới về tình hình Phật giáo miền Nam bị Mỹ ngụy đàn áp dã man, lãnh đạo giáo hội Phật giáo miền Nam chủ trương kêu gọi vận động phong trào “vị pháp vong thân” (quên mình vì Phật pháp). Tại Huế, sư Diệu Không cùng người chị ruột là sư bà Diệu Huệ (bà Ưng Úy) đã viết đơn tình nguyện được tự thiêu và được lãnh đạo Phật giáo tỉnh Thừa Thiên cho phép. Hai sư đã vào Sài Gòn trình đơn thư xin tự thiêu lên các hòa thượng ở chùa Ấn Quang. Hai ngày sau, hai bà được chùa Ấn Quang cho biết: Hòa thượng Thích Quảng Đức sẽ tự thiêu trước. Biết đây là chủ trương đã được lãnh đạo giáo hội cân nhắc, bàn bạc kỹ, hai sư bà đành chấp nhận.

Cùng với việc đứng trong hàng ngũ tăng ni, phật tử đấu tranh cho sự tồn tại của Phật giáo, sư Diệu Không đã cùng các Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Nhất Hạnh… xây dựng Đại học Vạn Hạnh. Sư còn để thời gian công sức dịch nhiều bộ kinh Phật từ tiếng Pali sang tiếng Việt. Là nhà thuyết pháp có tài hùng biện, Sư đã tổ chức nhiều cuộc thuyết giảng ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế với hàng nghìn người mỗi lần. Sư còn viết nhiều luận văn khuyến tu, đề cao nữ quyền, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Là nhà thơ thiền nổi tiếng, Diệu Không đã sáng tác thơ từ những năm đầu thập kỷ XX với hơn 500 bài thơ đăng rải rác trên các báo của Phật giáo (năm 2007 NXB Thuận Hóa đã in cuốn Diệu Không thi tập với 238 bài thơ, câu đối do Diệu Không sáng tác). Những năm 60, sư bà Diệu Không được giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên tôn vinh làm ni trưởng và cũng là ni trưởng có uy tín hàng đầu trong giới nữ tu ở miền Nam.

Đầu năm 1975, cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam diễn ra được sư bà Diệu Không, người trực tiếp chứng kiến, mô tả: “Một niềm vui chưa từng thấy khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Anh em giải phóng cũng như dân chúng reo cười khắp đường phố Sài Gòn. Già trẻ lớn bé đua nhau đi đón bộ đội. Chúng tôi tổ chức khao quân. “Vạn Hạnh” tổ chức thành 4 đoàn gồm các mẹ, chị em phụ nữ, thanh niên, các phụ lão góp nửa triệu đồng mua bánh kẹo, trái cây chở trên 4 xe camion. Đi đầu có các biểu ngữ hoan nghênh quân Giải phóng. Đi đến gần dinh Độc lập có người ra đón, khách, chủ hàn huyên, khóc cười lẫn lộn, và xúc động tưởng niệm kẻ mất, người còn. Ba mươi năm đấu tranh không ngừng mới có ngày nay, là ngày độc lập thực sự của đất nước, nhân dân ta…” (2). (còn tiếp)

Trúc Diệp Thanh
(trích dẫn và giới thiệu)

(1) – Nguyễn Khoa Toàn: tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ, thuộc dòng họ Nguyễn Khoa nổi tiếng ở Huế. Bà Từ Cung và bà Nam Phương, tức Hoàng Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương trước đây, tuy lúc này không còn chế độ quân chủ nhưng Bảo Đại được Pháp cho làm “Quốc trưởng” nên tiếng nói của 2 bà cũng có trọng lượng.

(2) – trích Hồi ký của sư bà Diệu Không – Đường thiền sen nở (NXB Lao Động -2009)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.