Khoảng thời gian cuối cùng lưu lại Ucraina là những ngày tranh thủ đi lang thang khắp phố phường Kiev, các khu di tích, bảo tàng… Hôm nào cũng đi đến mỏi nhừ hai chân mới lết về nhà. Ở Ucraina nói chung và Kiev nói riêng có một số lượng bảo tàng rất lớn và phong phú về mọi thể loại: Bảo tàng sinh thái tự nhiên, Bảo tàng quốc gia về hội họa, Bảo tàng nước, Bảo tàng đồ chơi, Bảo tàng các báu vật lịch sử, Bảo tàng về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Bảo tàng các di sản văn hóa, Bảo tàng thuốc, Bảo tàng về lịch sử sân khấu, điện ảnh, nhạc cụ dân tộc, những bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của các tác giả lớn như Puskin hay Taras Shevchenko v.v…
Góc trưng bày kỷ vật về cuộc chiến tranh Việt Nam |
Với hơn 60 bảo tàng lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vô cùng phong phú, có thể nói Kiev là điểm đến rất lí tưởng cho những ai muốn tìm tòi khám phá về đời sống văn hóa tinh thần đa dạng và giàu bản sắc của dân Slavơ nói chung xưa kia và dân tộc Ucraina ngày nay. Mỗi khi đến thăm các bảo tàng hoặc khu di tích, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những em nhỏ được bố mẹ dẫn đi tham quan, hoặc những tốp học sinh được giáo viên giới thiệu những bài học lịch sử ngay trong bảo tàng. Thiết nghĩ đó là những bài học sống động và dễ ghi nhớ nhất!
Trong số những bảo tàng mà tôi có dịp đến thăm trong suốt gần bảy năm học ở đất Kiev này, chỉ đến trước khi từ giã Ucraina lên đường về nước, tôi mới đặt chân đến Bảo tàng chiến tranh, và ở đây tôi đã có những phút giây xúc động thật sự.
Bước chân vào gian đầu tiên của Bảo tàng là nơi tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống vì cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Giữa bức tường lớn là hình ảnh đoàn quân trở về trong khói bụi mịt mù, với dòng chữ đập vào mắt tôi; “Chúng con đã trở về, nhưng không trọn vẹn. Xin lỗi Đất Mẹ!” Một thoáng nghẹn ngào cho những người đã mãi mãi không còn được trở về với Tổ quốc nữa. Họ đã ngã xuống ở những chiến trường xa xôi, vì tự do và hòa bình trên toàn thế giới.
Gian phía trong là nơi trưng bày những kỉ vật, bằng khen, huân chương vì đóng góp của các chiến binh Xô-viết trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của rất nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới, như Trung Quốc, An-giê-ri, Cu Ba, Hàn Quốc, Mông cổ v.v… Và thật là một sự ngạc nhiên thú vị, trong gian phòng đó, tôi đã tìm thấy một góc nhỏ của quê hương. Giữa lòng Ucraina rộng lớn, lần đầu tiên tôi đọc được những dòng chữ tiếng Việt thân thương, những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… cùng với các kỉ vật tuy giản dị nhưng đậm tình nghĩa mà các chiến sĩ Xô-viết đã mang theo về Tổ quốc trong ca khúc khải hoàn.
Một bức thư khác, tuy câu chữ chưa xuôi, nhưng chứa đựng cả một tấm chân tình. Bức thư có đoạn: “Nikolai thân mến! Vậy là anh quay trở về Liên Xô và sống cách tôi rất xa. Tôi sẽ rất nhớ anh….” Đọc đến đây, tôi lại nhớ đến một chương trình rất cảm động với tựa đề “”Đồng đội ngày gặp lại”, được phát trên VTV4 về cuộc gặp gỡ của các cựu chiến binh Việt Nam và Ucraina. Họ gặp lại nhau và ôm nhau khóc. Những gương mặt trẻ trung ngày nào, nay đã hằn lên những nếp gấp của thời gian. Nhưng trong trái tim của những người lính ấy là cả một tình thương mến bao la không bao giờ thôi thổn thức.
Với bài viết này, tôi chỉ mong được dâng một bó hoa nhỏ đặt lên mộ những chiến binh Xô-viết – những Anh hùng vĩ đại đã mãi mãi ngã xuống trên những chiến trường xa xôi vì hạnh phúc, hòa bình nhân loại. Tổ quốc Việt Nam ghi công các anh, dân tộc Việt Nam vô cùng biết ơn và tự hào về các anh – những người bạn, người đồng chí đã dâng hiến cho chúng tôi cả cuộc đời, cả tình yêu và ước mơ tuổi trẻ…
Diệu Hương – Kiev
Nguồn: Vietinfo