Thế là tôi đã đi “Tây” (hết)

0
871

BBT: Khi gửi bài hồi ký “Thế là tôi đã đi Tây”, bác Trần Thắng có chia sẻ với BTKUXH rằng: “Lúc đầu tôi chỉ định tâm sự với con cháu và người thân trong nhà. Nhưng khi gặp Bảo tàng Ký ức Xã hội, tôi thấy như gặp một người bạn mà mình có thể chia sẻ nhiều về những gì đã qua. (…) Hồi đó không có điều kiện và thời gian để chụp ảnh nên chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp khi kết thúc khóa học. Tôi cũng chỉ giữ được một cái nồi áp suất thôi. Còn tất cả ra bã rồi còn đâu.”.

Mời quý bạn đọc chia sẻ với bác Trần Thắng câu chuyện đi học Liên Xô của mình.

THẾ LÀ TÔI ĐÃ ĐI “TÂY” – kỳ 6

Hồi ký: Trần Thắng
————————

Phần 1 / Phần 2 / Phần 3 / Phần 4 / Phần 5

Đi mua hàng cũng có những chuyện vui, hôm đó tôi và Huấn cùng nhau la cà mấy cửa hàng, tới quầy quần áo lót phụ nữ đã tính qua nhanh, nhưng chợt thấy mấy cô gái dừng lại mua quần lót, tôi bấm Huấn dừng lại xa xa theo rõi. Khi các cô đi rồi tôi kéo Huấn lại xem, cô bán hàng không chú ý bỏ đi. Tôi bàn với Huấn: mấy bà vợ ở nhà toàn lấy vải tự may quần lót, nếu có được vài chiếc loại sợi vải dệt kim thế này này thì thích lắm đây, Huấn đồng cảm ngay và nhất trí mua. May sao lúc đó không có ai, hai thằng kêu cô bán hàng và nói mua mấy cái quần lót, cô ta mở to mắt ngạc nhiên và cố nén cười. Chúng tôi cũng ngượng lắm nhưng ỷ đông nên phớt lờ đi. Cô ấy hỏi mua mấy cái, tôi nhanh miệng nói 20 cái. Cô ta trợn mắt, tròn mồn, còn Huấn cũng ú ớ không biết nói sao. Tôi mở to cái cặp, lùa nhanh mớ hàng vào, đóng lại và rảo bước đi ngay. Về đến nhà hai thằng mở ra xem, đếm và cười rúc rích. Bất ngờ Thạo, Dũng kéo vào và phát hiện, hai thằng reo lên: hàng này hay quá, mua ở đâu đấy? Bọn tôi nói cửa hàng xong thì Thạo và Dũng nói chắc bọn tôi chả dám đi mua đâu, thôi các ông chia lại đi. Nói mãi tôi và Huấn đành phải chia cho mỗi tên 5 cái. Vậy là chẳng còn bao nhiêu, tôi nói với Huấn: đấy thấy chưa tưởng mua nhiều mà bây giờ còn bao nhiêu đâu. Sau này tôi cảm nhận được có lẽ vợ tôi ưng ý nhất là món hàng đó.

Đồng hồ, tủ lạnh, tivi từ Liên Xô – những đồ xa xỉ của thời bao cấp (ảnh minh họa; nguồn: Internet)

Ngày qua ngày trong cái vòng quay ấy khá nhanh, vào dịp đầu năm mới nhà trường thông báo chúng tôi ra yêu cầu để hậu cần học viện đóng giúp cho 8 cái thùng theo kích thước qui định. Người Nga cũng rất cảm thông với chúng tôi. Thậm chí họ còn giúp chúng tôi mua được 8 cái tủ lạnh Saratop và cho gửi ở kho của trường. Nếu không có học viện giúp có lẽ chúng tôi không sao mua được nó, vì thấy người Việt hỏi mua, cửa hàng đều nói hết. Sau mấy tuần chúng tôi đã có thùng, thùng đóng bằng gỗ thông khá tốt. Khi xem và ước lượng chúng tôi thấy có chất hết hàng của mình có lẽ chỉ hết 4, 5 phần của thùng. Thế là việc mang hộ hàng trở nên sôi nổi. Mọi người trao đổi thỏa thuận, chủ yếu là mang hộ hàng trả bằng hàng. Tôi cũng mang hộ khá nhiều nhờ đó có thêm một khoản thu không nhỏ. Ví dụ: tôi chỉ mua được 10 cái chậu nhôm, mọi người gửi tôi mang hộ 20 cái và trả công là 5 cái chậu. Hoặc mang hộ 10 cái nồi áp suất thì được trả công 2 cái…Tính ra thu nhập do mang hộ hàng cũng gần quá nửa. Còn làm sao mang trót lọt mỗi thùng hàng chục cái nồi áp suất, hàng năm chục cái chậu nhôm…thì có người lo lót cho hải quan bến cảng, cũng vài chai Lúa mới thôi, vui vẻ.

Trước hôm về khoảng 1 tuần, học viện cho xe tải chở 8 cái thùng tới Dom 32, thật là 1 ngày hội, không khí náo loạn suốt 1 ngày. Nào là hàng của mình, hàng của anh em gửi…Mọi người xúm vào sắp xếp, chèn lót…cho đến chiều muộn thì tạm ổn. Xe tải của học viện lại chở giúp ra cảng. Hôm sau, tại cảng, các thùng hàng được mở ra cho hải quan khám. Anh chàng hải quan đi một lượt, săm soi nhòm ngó một hồi rồi phẩy tay cho qua. Vậy là xong. Khoảng 6 tháng sau, các thùng hàng này sẽ tới Hải Phòng. Để đưa được thùng hàng này về nhà chúng tôi biết còn qua nhiều cửa ải nữa.

Khoảng đầu tháng 2/1985 chúng tôi lên đường về nước. Tôi xếp 1 vali đồ khoảng hơn 20kg. Có thêm 1 túi xách to tôi nhờ anh em mua cho gần chục kg táo. Hồi đó được ăn táo Tây là quí lắm, tôi tính mua táo về cho mọi người ăn thỏa thích. Giữa mùa đông tìm mua táo đã khó lại đắt nữa nhưng tôi vẫn mua. Ngoài ra tôi để ra khoảng 50 rúp để sau khi vào phòng chờ sẽ mua champa, socola, kẹo, bánh để về liên hoan gặp mặt gia đình. Lúc ra sân bay mọi người thống nhất là mặc quân phục với áo panto bên ngoài, mặc nhiều như vậy vào người vừa thích hợp với thời tiết, vừa nhẹ vali, vừa đàng hoàng nghiêm chỉnh. Vậy nhưng chỉ có 7 người thực hiện, riêng Thạo dứt khoát cất panto đi cho nó mới, thay vào đó anh ta khoác chiếc áo xinhen to đùng, nặng chịch vào người. Áo xinhen là áo khoác mùa đông do học viện phát cho học viên. Khi về nước hầu như mọi người bỏ lại hết vì nó to, nặng, thô ráp, chỉ được cái ấm thôi. Đoàn tôi không được phát nhưng ở tủ của căn hộ có cả chục cái, chúng tôi cứ chọn cái nào vừa là mặc, khi về lại để lại trong tủ đó. Mọi người rất khó chịu nhưng Thạo mặc kệ, hơn thế anh ta còn nhét vào túi trong, túi ngoài áo khoác rất nhiều hàng linh linh để bớt cân của vali. Vẫn chưa hết, khi xuống sân bay ở Mát chúng tôi phát hiện quần áo Thạo bê bết một chất lỏng trắng đục gì đó, hóa ra anh ta bỏ túi cả chục lọ keo, khi bay thay đổi áp suất, keo phun ra khắp người. Thật là bi hài.

Kỳ này về chúng tôi đi máy bay từ Len lên Mát, tôi xin thuốc uống chống say từ mấy hôm trước. Nhờ đó chuyến bay về tôi không bị say, cũng có thể sức khỏe đã được nâng lên rõ rệt. Khi làm thủ tục, tôi cân chiếc vali khoảng hơn 20kg, họ cho qua. Nhưng nhìn chiếc túi xách căng phồng, họ bắt tôi để lên cân và nó nặng hơn 10kg. Họ bắt tôi nộp phạt quá cước 45 rúp, vậy là hết sạch tiền. Tôi đau quá muốn kêu trời mà đành chịu, mọi ý định cho một cuộc gặp mặt vui vẻ đã không thành. Đã thế sau khi nộp phạt xong họ không cho tôi xách theo nữa mà phải gửi hành lý, thế thì nát hết táo chứ còn gì? Hôm sau về nhà số táo tôi kỳ công, tốn kém mang về bị dập nát và hỏng gần hết, chán nhất là ăn chẳng còn mùi vị thơm ngon gì cả, vậy là mất toi gần 100 rúp cho chỗ táo đó. Ngoài ra tôi cũng mua những thứ hơi “vô duyên” như rất vất vả ôm về 1 cái gương treo tường to, hoặc lại mua nồi áp suất loại 4 lít rất khó bán…Còn lại nói chung là khá đáp ứng yêu cầu đề ra.

Sau mười mấy giờ bay chúng tôi đã về tới Nội Bài, khỏi nói cha con vợ chồng gặp nhau mừng thế nào. Có 6 tháng thôi mà tôi cảm thấy như lâu lắm rồi.

Rồi hơn 6 tháng sau, chúng tôi đi Hải Phòng lĩnh thùng hàng về. Lại 1 chuỗi cực nhọc, nhiêu khê, mất 2 ngày 1 đêm vạ vật cho tới khi hàng về đến nhà. Cũng xôn xao, náo loạn dỡ hàng, những người nhận hàng mang hộ cũng đã từ khắp nơi tới chờ chực để lấy. Tôi giải quyết xong mọi việc cũng phải mất cả tuần sau.

Kết quả không đến nỗi nào, ngoài những món quà thiết thực cho mọi người, tôi cũng gần đủ tiền để xây ngôi nhà “mơ ước” đầu tiên. Quà cho mẹ tôi là 1 chiếc đồng hồ treo tường to, có chuông kính kong mà bà rất thích. Các em tôi mỗi đứa 1 cơ số nồi áp suất, bàn là, chậu nhôm… Bố tôi là phim ảnh và các loại ổ cắm, đầu cắm điện mà ông cần. Khi xây nhà gần xong cũng là lúc tôi cạn vốn, vậy là áo bay đã mặc, giày đã đi, mũ lông, áo panto lần lượt ra đi. Tôi nhớ khi thợ kêu hết vôi tôi đã mang chiếc mũ lông ra bán và rất may vừa mua đủ 1 xe vôi.

Trong ngôi nhà mới, có 1 cái bếp nhỏ, tôi đã tận dụng gỗ thùng hàng đóng được 2 cái tủ nhỏ, giữa 2 tủ tôi kê 1 cái mặt bàn đá mài để cái bếp dầu. Vậy là có cái bếp “hiện đại” rồi.

Mỗi khi nhìn con đeo chiếc cặp LX ít người có đi học, ngồi trong ngôi nhà 18 m2 tường xây lợp ngói, tôi thấy mọi cơ cực trải qua thật không uổng phí. Sau này có đất rộng, nhà to, tiền tiêu món lớn, nhưng tôi không thể nào quên cái thủa vất vả, chắt chiu kiếm từng đồng một của hơn 25 năm trước.

Chuyện tôi đi “Tây” là vậy đấy.

Tháng 3 năm 2010

Toàn bộ các phần của bài viết “Thế là tôi đã đi “Tây”” tại đây

Trần Thắng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.