Hồi ức một quận chúa – Kỳ 2: Bản án xét xử Vua Duy Tân

0
932
Thượng thư Hồ Đắc Trung

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), sư bà Diệu Không có viết tập hồi ký Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung (chưa xuất bản). Về sự kiện sau ngày vua Duy Tân bị bắt vì cuộc khởi nghĩa vũ trang do Quang Phục Hội khởi xướng bị bại lộ, sư bà kể:

Kỳ 1: Mối tình đầu của vua Duy Tân

“Thân sinh tôi (ông Hồ Đắc Trung) Thượng thư bộ Học, được vua Duy Tân tin cẩn, nên trong cuộc khởi nghĩa đó không khỏi bị liên can. Lại thêm một mảnh giấy quyến do 2 ông Trần Cao Vân và Thái Phiên từ trong ngục tử hình nhờ “cụ Ngáo” đao phủ thủ lúc bấy giờ chuyển tận tay cho Thầy tôi nhưng không may lọt vào tay người Pháp. Trong mảnh giấy ấy có ghi 2 câu đối như sau:

“Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Nỡ để cô thần tử nghiệt

Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc sơn hà còn đó, miễn cho thánh thượng sinh toàn”

“Vì mảnh giấy này mà Thầy tôi bị bắt giam mấy ngày ở tòa Khâm sứ để điều tra. Nếu không nhờ vua Duy Tân giải cứu ắt Thầy tôi đã phải chung số phận với 2 ông Trần, Thái.

“Sau đây là lời khai của vua Duy Tân khi bị Pháp cật vấn:

“Hỏi: Ngài nghĩ sao về mảnh giấy quyến này?

“Đáp: 2 ông Trần, Thái làm việc lớn không thành sợ tôi bị tử hình nên cầu cứu với ông Hồ Đắc Trung.

“Hỏi: Vì lẽ gì trước đây Ngài từ hôn với tiểu thư họ Hồ? (tức Hồ Thị Chỉ-TDT)

“Đáp: Vì tôi thương ông Hồ Đắc Trung đông con sợ ông ấy bị liên lụy. Vả lại, các đồng chí của tôi khuyên tôi nên tránh gia đình ấy để bảo mật.

“Hỏi: Vì lẽ gì 2 ông Trần, Thái lại bảo đưa mảnh giấy này cho ông Hồ Đắc Trung?

“Đáp: Vì ông Hồ Đắc Trung hay cứu người như đã cứu 42 nhà cách mạng ở tỉnh Quảng Nam năm 1908 trong vụ dân “xin xâu” trong khi ông đang làm tổng đốc tỉnh ấy.

“Hỏi: Ngài có bảo đảm ông Hồ Đắc Trung vô tội trong vụ khởi loạn này không?

“Đáp: Tôi xin hoàn toàn bảo đảm cho ông ấy”

(Diệu Không – Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung)

Cũng về sự kiện này, trong cuốn hồi ký Đường thiền sen nở sư bà còn cho biết về lời khai của 2 ông Trần, Thái với người Pháp về lý do 2 ông gửi mảnh giấy quyến có ghi 2 câu đối cho ông Hồ Đắc Trung: “Vì khi ở trong lao ở Quảng Nam, chúng tôi có hứa với cụ Hồ Đắc (tức Hồ Đắc Trung lúc bấy giờ là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam-TDT) sau mười năm mới hoạt động (để đổi lại sự tự do-TDT). Nay tuy mới sáu năm, nhưng gặp cơ hội tốt: Pháp đã thua Đức, giao hàng vạn cây súng vào tay người Việt sắp đi đánh thuê, nếu nhà vua (Duy Tân) cho một lời chiếu để quân lính quay súng lại, thì nhất định người Pháp phải rời khỏi Việt Nam. Vì vậy mà chúng tôi (2 ông Trần, Thái) đã xin gặp Ngài ở hồ Tịnh Tâm và định ngày khởi nghĩa. Không ngờ có người phản bội chỉ điểm, nên Ngài bị bắt. Vậy chúng tôi xin hoàn toàn chịu tội”. (1)

Chính nhờ có 2 bản khai với người Pháp như trên mà Thượng thư Hồ Đắc Trung được thoát nạn. Song người Pháp còn giao cho ông 2 nhiệm vụ trước khi trả ông. Một là: “Phải kiếm cho người Pháp một ông vua khác, đừng có đầu óc cách mạng”. Hai là: “Phải thảo tờ trình về cái án của vua Duy Tân”. Về nhiệm vụ thứ nhất, cụ bà Hồ Đắc Trung gợi ý: “Vậy cái ông Hoàng(2) mà tôi thường gặp ở chùa Tây Thiên là rể cụ Trương Như Cương đó, con người thích đeo vòng, nhẫn như đàn bà đó, ông nghĩ sao? Ông Cụ tôi mừng quá nói: ừ phải, khi vua Đồng Khánh mất ông còn nhỏ quá nên họ không tôn lên thay mà tôn vinh vua Thành Thái rồi Duy Tân là con cháu Ngài Dục Đức”(3). Sau đó ông Hồ Đắc Trung đưa vấn đề ông Hoàng Cả (Bửu Đảo) ra bàn được triều đình nhất trí và người Pháp cũng chấp nhận ngay. Ngay sau đó Bửu Đảo được tôn lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916).

Còn về nhiệm vụ thứ 2, sau khi đưa ra bàn bạc ở triều đình, tất cả các quan Thượng thư đều nhất trí ủy quyền cho Thượng thư Hồ Đắc Trung thảo tờ trình với yêu cầu không để cho vua Duy Tân phải gánh tội chết. Ông Hồ Đắc Trung đã nhớ lại 2 câu đối của các ông Trần, Thái viết từ trong ngục và ông đã nhận ra lời gửi gắm của 2 nhà cách mạng sắp bị tử hình này là khuyên ông nên đổ hết tội cho họ và phải cứu cho được mạng sống của vua Duy Tân (miễn cho thánh thượng sinh toàn). Ngay sau đó ông đã tập trung mọi tinh lực “bỏ cả cơm nước, viết suốt đêm” để hoàn thành “bản án”của Nam triều gửi cho người Pháp xét tội vua Duy Tân có nhan đề: “Vọng thính sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc” (nghe lời dua nịnh, làm cho xã tắc lâm nguy). Theo sư bà Diệu Không nhớ lại bản án đại khái như sau: “Vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh, song còn cạn nghĩ, bị bọn người mưu phản kích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội Ngài rất nặng, song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình. Đứng về phía Chính phủ Bảo hộ thì Ngài can tội “phản nghịch” nhưng đứng về phía chính phủ Nam triều thì Ngài là một ông Vua biết thương dân và được lòng dân. Như vậy luận về tội thì quả thật Ngài có tội với người Pháp, còn đối với nhân dân Việt Nam thì Ngài không có tội gì cả.

“Vậy nên xét tình mà chỉ truất phế Ngài và để cho Ngài được tự do về với danh nghĩa một ông Hoàng tử như trước. Như vậy lòng dân mới khỏi oán thán Chính phủ Pháp là khắc nghiệt” (Diệu Không-Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung).

“Bản án” có lý, có tình hơn nữa còn ẩn giấu lời răn đe người Pháp đừng quá nặng tay với vua Duy Tân mà phải lãnh hậu quả như trên đã được người Pháp chấp nhận. Vua Duy Tân phải nhận tội đi đày nhưng vẫn giữ danh vị hoàng tử.

Trúc Diệp Thanh (trích dẫn và giới thiệu)
Nguồn: Thanh Niên

(1,3) Trích cuốn Đường thiền sen nở (NXB Lao Động, 2009)
(2) Chỉ Hoàng tử Bửu Đảo (còn gọi là ông Hoàng Cả) hoàng tử trưởng của vua Đồng Khánh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.