Bút ký của một nhà khoa học Việt kiều (phần 2) (chưa đăng)

0
774

Li dn của GS. Nguyễn Đăng Hưng:

Sau bài bút ký đọc tại Hội thảo mùa hè Franfurt tháng 8/1989 (nhưng bản thảo đã thai nghén từ 1979), tôi bắt đầu thường xuyên đi lại Việt Nam và hăng hái đề xuất những dự án có tài trợ quốc tế (Cộng đồng các đại học quốc nói tiếng Pháp trụ sở tại Canada, chính phủ Bỉ) dùng cho việc đào tạo cán bộ giảng dạy ở cấp đại học. Từ 1989 cho đến 1995 (năm tôi đổi hướng đề xuất các dự án lớn, khánh thành trung tâm đào tạo thạc sỹ EMMC tại ĐH Bách Khoa, TP HCM) tôi đã triển khai không dưới 10 dự án nhỏ giá trị khoảng 20 ngàu USD mỗi năm, những dự án con dùng cho việc về Việt Nam làm sê-mi-na và hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu khoa học về ngành tính toán số cơ học bằng phương pháp hiện đại rời rạc hóa không gian và thời gian qua máy tính.

Tôi bắt đầu bắt nhịp với đời sống văn hóa xã hội Việt Nam trong giai đoạn cởi trói văn hóa văn nghệ theo ý kiến của tân tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, giai đoạn tướng Trần Độ phụ trách tuyên giáo và nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Bài bút ký thứ hai sau đây viết ra trong cái không khí đổi mới tư duy ấy.

Tôi đã gởi bài này cho nhà báo Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và Bà Kim Hạnh với dũng khí mà ta được biết, đã cho đăng trên Tuổi Trẻ Chủ nhật (số 7-90 25/2/1990, trang 7 và trang 21), sau khi cắt bớt những đoạn « chưa thích hợp » : tạp nghi 1,2,4,5.

Phải nói 20 năm đã qua nhưng nội dung bài này vẫn là thời sự và những lo âu của tôi trước đây nay hiện nguyên hình với sự tác hại mà báo chí lề trái cũng như lề phải đồng loạt khám phá và đăng tải : bằng dỏm, lớp dỏm, liên kết dỏm tổ chức thành hệ thống !…

Sài gòn ngày 19/8/2010

Tạp ghi 1.

Vâng, Sài gòn ngày nay có nhiều đổi thay.

Có người công an đổi ra làm chủ tiệm phở và cũng có người chủ gánh phở trở về làm chuyên gia!

Tôi đã nghe và đọc về thân phận của anh Vũ Đình Cung, người chuyên viên điều khiển không lưu tài ba của phi cảng Tân Sơn Nhất. Câu chuyện về anh rất được các giới sĩ phu trong nước bàn tán trong năm qua. Hãy nghe anh Cung nói về mình:

« … Khi cầm tờ giấy báo cho nghỉ việc, tôi vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Bởi vì là sau giải phóng thời gian hơn năm năm được lưu dụng, tôi đã rất nổ lực trong công việc, nhưng có lẽ điều này cũng chưa đủ sức để tạo một niềm tin! Sau gần ba mươi năm làm việc, giờ về nghỉ chưa biết phải làm gì, những tuần lễ đầu để khuây khỏa, tôi thường đạp xe đi thăm những người bạn cũ trước đây cùng đi học ngành không lưu tại Đài Bắc, tại Mỹ và sau này cùng làm việc chung. Cũng chẳng gần được mấy ai vì hầu hết đều đi ra nước ngoài… Một ít còn lại thì sống bằng đủ các nghề và cũng đang chờ ngày xuất cảnh. Họ an ủi và khuyên tôi nên chọn con đường như họ. Với tâm trạng lúc đó, lời khuyên ấy không thể không làm tôi suy nghĩ. Nhưng tôi đã không tính cách ra đi. Phải kiếm cách sống cho gia đình… Cuối cùng một người bà con đang buôn bán ở chợ An Đông gợi ý tôi xuống đó mở một xe phở bán thử. Bỗng dưng trở thành anh bán phở, ngày ngày mang chiếc xe đạp, dề trắng trước ngực, lặt rau, rửa tô, dọn bát tới lui giòn rã chào mời…

Thời gian trôi đi, tưởng đâu đã yên ổn suốt đời với chiếc xe phở thì bỗng một hôm đọc trên báo thấy có một bài viết về chuyện của mình, người viết là một đồng nghiệp trẻ cũ. Tôi ứa nước mắt, hóa ra vẫn còn người nhớ đến mình! … Sau đó khoảng chừng nữa tháng, một hôm tôi vừa ở chợ An Đông về thì có một vị ở Tổng cục Hàng không đến nhà thăm và ngỏ ý mời tôi vào làm việc trở lại. Tôi hết sức phân vân, một sự e dè lẫn chút tự ái trong tâm trạng… Sau bao đêm trằn trọc, hình ảnh chiếc xe phở thân quen đã giúp gia đình tôi qua những ngày lao đao… cùng bầu trời xanh… những cánh bay màu trắng làm tôi chập chờn trong giấc ngủ. Có một điều gì sâu thâm tự đáy lòng nhắc nhở tôi hãy đừng vì một điều gì cả mà hãy vì quê hương còn nghèo khó của chúng ta. Ngày 15.3.1988, mất đi gần mười năm, tôi đã trở lại nơi làm việc cũ. Tôi được biết là trong thời gian qua, Tổng cục Hàng không phải mướn chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện, hằng tháng phải trả cho mỗi người từ sáu ngàn đến tám ngàn đô-la!… Tôi tiếp tục công việc tại đài chỉ huy sân bay, hằng ngày huấn luyện nâng cấp cho các kiểm soát viên, dạy nghiệp vụ tại trường Hàng không và viết tài liệu huấn luyện… Lương hàng tháng tám mươi ngàn đồng tất nhiên không thể nào bằng tiền lời của một tháng bán phở, nhưng nó có một giá trị khác… ».

Vâng, đất nước chúng ta ngày nay vẫn còn lại những hình ảnh tiêu biểu mới, lời nói cởi hết tấm lòng, chân thành và cảm động. Nhưng khắc nghiệt thay những tấm lòng ấy, những tài ba ấy chưa có địa vị xứng đáng trên đất nước họ, trong ngành nghề chuyên môn của họ. Họ mới “được phép” hành nghề thế thôi, làm gì so sánh được với các chuyên gia chánh trị của nền chuyên chính vô sản !

Tạp ghi 2.

Anh Cẩn bạn tôi phải đạp xích lô để kiếm ăn qua ngày, anh Vũ Đình Cung người chuyên viên tài giỏi phải đi bán phở để sống, tôi tự hỏi còn biết bao nhiêu chất xám khác còn ở lại Việt Nam đã bị mai một qua thời gian? Và ngay cả khi được nhà nước lưu dụng, chắc gì cuộc sống tối thiểu của những vốn quí kia được đảm bảo? Những ngày ở Sài gòn tôi thường nghe một nghịch lý không mường tượng ra nổi: Cậu bé vá ruột xe đạp trên lề đường ngày nay thâu nhập khá hơn lương chánh thức của một nhà giải phẫu ruột cho con người !

Nghĩ đến các nhà giải phẫu Việt Nam không thể không nhắc đến “hạnh phúc muộn màng” của những nhà thầy thuốc của ca mổ tách cơ thể hai cháu Việt – Đức, một thành tựu khoa học có tầm mức quốc tế thực hiện tại Sài Gòn trong tháng 10 năm qua (1988), hạnh phúc muộn màng vì những nhà giải phẫu này được đào tạo trong chế độ cũ đã chờ đợi bao năm mới có được chỗ đứng trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hãy để bác sĩ huyết học Nguyễn Văn Bình kể chuyện mình [2] :

“Làm thế nào à… từ lúc đi học tập cải tạo về, để không lạc hậu với thế giới huyết học bên ngoài, tôi phải chèo chống, xoay xở đủ các kiểu. Thí dụ mỗi lần có đồng nghiệp nước ngoài đến trung tâm, tôi bám sát họ, trao đổi vặn vẹo, moi móc xem ngành huyết học của họ đang làm những gì, có giống mình không… Hoặc tìm đến thư viện để đọc tài liệu cho đỡ tủi… ».

Hay bác sĩ Ngô Tôn Liên, chỉ huy kíp gây mê gồm mười lăm chuyên viên trẻ :

” (Các chuyên viên trẻ)… tâm sự với tôi: Thưa thầy, đâu phải tụi em không biết rằng mỗi bác sĩ phải là sinh viên trong suốt cuộc đời, nhưng tụi em còn biết làm sao đây, tài liệu nước ngoài mắc quá, đồng lương của tụi em lo ngày hai bữa chưa đủ lấy chi mua sách. Nghe các em nói thương mà lòng trào nước mắt”.

Còn bác sĩ Võ Văn Thành phụ trách tách xương làm thơ tặng vợ sau mười lăm năm chung sống :

“Mười lăm năm chung sống

Làm phật ý em nhiều

Lòng băng khoăn tự hỏi

Biết anh còn đáng yêu

. . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Lòng anh thôi đã chọn

Nơi này làm quê hương

Dẫu nhọc nhằn đau khổ

Dẫu nơi này khó khăn

. . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Hương Ngọc Lan vẫn tỏa

Bình dị giữa đêm thanh

Trong tình yêu xứ sở

Có em và có anh…”

Vâng, vẫn còn nhiều, còn đông ở quê hương chúng ta những người tài, những người hiền, những người tử tế. Có vết thương trong lòng họ chỉ có thể có được niềm an ủi của những buổi “hạnh phúc muộn màn”, nhưng thân phận của họ không phải là điều làm cho tôi lạc quan hôm nay. Đây cũng là nỗi lo ngại thấm thía của nhà soạn kịch tài ba vừa quá cố, Lưu Quang Vũ qua trang viết cuối cùng của bản kịch “CHIM SÂM CẦM KHÔNG CHẾT” [3] :

“… Có lẽ cái gì quí thì ngày càng hiếm, càng ít dần như giống lúa Tám thơm, thứ vải làng Quang, không khéo rồi mất hẳn, loài cà cuống không còn, do đồng ruộng bón nhiều thuốc sâu, hoặc do bị bắt đến diệt giống. Cái quí, cái đẹp thường khó sống, hoa Thủy tiên dễ chết, cỏ gấu gà nảy nở khắp nơi. Lẽ đời là thế…”

Tạp ghi 3.

Không thể được, không thể có phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật nâng cao đời sống nếu nhà cầm quyền không trân trọng sử dụng những chuyên gia, thức giả biết việc, biết làm, nếu không đặt để họ ở những vị trí thật sự có trách nhiệm, có quyết đoán. Mà trân trọng sử dụng chất xám phải chăng trước tiên là chất xám sở tại, có mặt tại Việt Nam. Vì rằng hơn ai hết họ nắm rõ môi trường cụ thể của địa bàn Việt Nam. Sử dụng chất xám một cách trân trọng đúng nghĩa là không câu nệ, không thành kiến, không lý lịch phiền hà, không phân biệt quá khứ, thành phần, không hỏi tra từ đâu về, từ đâu đến…

Sử dụng chất xám đúng đắn cần mẫn không nhầm lẫn người có bằng cấp và người biết việc, biết làm. Thật vậy, có thể có trường hợp bằng cấp cao nhưng vào kỹ thuật chưa quen nghề, chưa biết việc. Ngược lại có trường hợp biết làm thực hành nhưng không được theo đuổi học trình nên thiếu bằng cấp cao. Trong một nước chưa có cơ sở kỹ thuật, kỹ nghệ hiện đại, theo thiển ý của tôi, nên ưu tiên cho người biết việc để đáp ứng hiệu năng sản xuất. Chuyên viên quốc tế cũng rất cần thiết nhưng họ không làm gì được nếu không có chuyên viên sở tại điều hành đúng mức, theo dõi thường xuyên, quyết đoán công việc cụ thể.

Chuyên viên, kỹ thuật gia, người trí thức có yêu cầu ưu tiên không thể không có được là không khí cởi mở, dân chủ, có điều kiện phát biểu ý kiến tự do, tôn trọng sự thật, tôn trọng cái hay, cái đẹp, cái đạo lý. Trong một khung cảnh như vậy, vàng thau mới không lẫn lộn, chánh tà mới được phân biệt và những tệ đoạn trù dập, bao che, trấn áp, bảo thủ, hẹp hòi, trục lợi, trục quyền, sẽ dần dần lui vào bóng tối. Và tôi thẳng thắn đề nghị bãi bỏ quan điểm giai cấp công nhân hẹp hòi loại trừ chuyên gia trí thức ra ngoài giá trị tiên tiến trong xã hội, gây ra những sứt mẻ, mặc cảm phi lý vì nói cho cùng người kỹ sư, vị bác sĩ, nhà văn học là những người lao động, người thợ có học trình dài, có năng khiếu, có trí thức rộng, là những đầu tàu của thời đại phát triển kinh tế, kiến thiết mở mang đất nước trong kỹ nguyên hòa bình ngày nay.

Tôi cũng đề nghị cho về nghỉ ăn lương hưu trí những cán bộ bàn giấy đã không biết việc lại chẳng có kiến thức văn hóa, kỹ thuật, ngày ngày chỉ lặp đi lặp lại những chỉ thị cứng nhắc, những nguyên tắc cũ rích, những nề nếp chậm tiến, không làm được gì còn trù dập ngăn cản, chèn chia địa vị, làm nản lòng người có thiện chí. Quan điểm “vừa làm vừa học” đang bị lớp người kia lợi dụng cho lợi ích cá nhân, bè nhóm phe phái họ. Bởi vì phải thành thật mà nói rằng quan điểm này không có gì là kinh tế và rất nguy hiểm cho chính trị nếu nhìn xa. Thật thế, phải học, phải biết việc trước mới làm được việc. Làm được việc qua kinh nghiệm mới làm giỏi hơn. Không học gì cả mà vẫn muốn làm thì chắc chắn là làm không khá, làm sai, mất công, tốn của, phí thì giờ, chẳng đem lại được gì cho xã hội. Bởi vì đã làm sai thì chỉ có kinh nghiệm của chuyện làm sai, làm sao thấm thía được kinh nghiệm của cách làm đúng. Bởi vì hể sai thì có thể tại trăm, ngàn lý do mà đúng thì chỉ có một cách thôi ! Ngoài ra, đã làm bậy mà vẫn tiếp tục làm, vẫn có vị trí chủ động, có tài khoản, vẫn sai khiến được người khác thì xã hội còn gì là đạo lý, công bằng, đất nước còn gì là xây dựng, phát triển… Tại sao một người lái xe tầm thường trên đường phố Sài gòn phải có bằng cấp nghĩa là phải học lái, phải thực hành trước, trong lúc một ông giám đốc xí nghiệp, cơ quan, vụ trưởng sự vụ lại không cần học lực, không cần chuyên môn, không cần hiểu biết !

Gần đây, những cơ sở đại học, trường cao đẳng đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh đã có phần nào tính tự quản về tài chánh, về giao dịch bên ngoài. Nhiều trường đại học tự bầu ra Hiệu trưởng. Tính tự quản về nhân sự, chọn lựa cán bộ giảng dạy, chọn lựa sinh viên giỏi gởi đi du học là điều rất quan trọng. Thật thế, tự quản về nhân sự là điều kiện cơ bản cho chất lượng của nền giáo dục. Chọn lựa một cán bộ giảng dạy của một ngành phải qua xét đoán của những bậc đàn anh, kinh nghiệm hơn, có tăm tiếng trong nước hay quốc tế trong ngành đó. Chánh quyền chỉ có việc chuẩn y đề nghị của hội đồng quản trị cơ sở chứ không thể xen ý kiến vào với bất cứ giá nào. Không lẽ chọn một giáo sư ngành điện lại phải qua quyết định của đảng bộ gồm mấy vị thợ điện đảng viên bỏ nghề mấy chục năm nay !

Tạp ghi 4.

Ngành cơ học toán tính chất rắn của tôi trong thập niên sáu mươi có phát giác ra một nguyên lý thực tiễn sau đây. Muốn giải đáp những bài toán phức tạp của những môi trường liên tục ta có hai phương thức chọn mô hình đối ngẫu với nhau: mô hình tĩnh thiên về cân bằng và mô hình động thiên về thích nghi. Khi đã chọn lựa mô hình đúng nguyên tắc rồi thì giải đáp gần đúng tương ứng sẽ tiệm cận giải đáp chính xác với điều kiện là độ tự do của toàn bộ mô hình thể hiện thực tế ngày càng tăng lên. Nhiều khi ngẫm nghĩ thử tái tạo lý luận suy diễn vào môi trường xã hội loài người thấy cũng không phải hoàn toàn phi lý. Tổ chức xã hội chủ nghĩa, ít ra từ những buổi sơ khai, tương đương với mô hình tĩnh. Nó thiên về tính công bằng và tuyệt đối công bằng chưa phải là giải pháp lý tưởng bởi vì áp dụng một cách độc đoán những biện pháp bình quân tập thể sẽ dẫn đến sự khô cứng của xã hội, bóp chết dân chủ, xâm phạm tự do cá nhân, điều kiện của sự phát triển hài hòa của xã hội. Tổ chức xã hội tư bản tương đương với mô hình động. Nó thiên về dân chủ và có dân chủ không có nghĩa là đã đảm bảo được công bằng, tự do vì dân chủ quá trớn sẽ dẫn đến tình trạng vô chánh phủ, vô tổ chức, bất công xã hội… Sự lựa chọn một trong hai mô hình không thành vấn đề, cái quan trọng là tạo điều kiện để các thành viên trong xã hội ngày càng thêm có tự do trong sinh hoạt văn hóa, kinh tế, chính trị điều kiện căn bản cho việc gặt hái những kết quả của lao động, đưa xã hội phát triển, tiến lên ngày càng gần lại xã hội lý tưởng… Tóm lại, theo suy diễn ấy, có dân chủ mà không có tự do thì không đảm bảo được công bằng, có công bằng mà không có tự do thì không thể thực hiện được dân chủ.

Ở Việt Nam ngày nay, việc căn bản và cấp bách của công cuộc đổi mới là mở rộng tự do: kinh doanh, ngôn luận, báo chí, hội họp, đi lại, lập hội lập đảng, vân vân…

Tổ chức phát động một cách thích nghi tự do cá nhân, tự do tập thể là điều kiện đưa đến mở rộng dân chủ, thay đổi cơ chế, thoát ra khỏi những bế tắc, khô cứng, cằn cỗi bấy lâu.

Tạp ghi 5.

Cao trào đổi mới, mở rộng dân chủ, công khai thông tin, nói lên sự thật, ngay những sự thật cay đắng nhất, đau đớn nhất phát động từ năm 86 đã mở một kỷ nguyên mới cho xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chính nét dũng cảm này của Đảng Cộng sản đã giúp thâu phục lại phần nào lòng tin của nhân dân, đặc biệt là giới tri thức.

Vụ cách chức Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, việc phong trào nói thẳng, nói thật của báo chí bị khựng lại, việc can thiệp gần đây của các vị lãnh đạo nhằm uốn nén đường lối văn nghệ theo sơ đồ cũ làm cho có cảm tưởng rằng lực lượng bảo thủ, trì trệ, địa vị, công thần, cục bộ trong đảng tuy không đông nhưng vẫn còn giữ những vị trí trọng yếu và công việc phát triển kinh tế, chỉnh đốn chính trị sẽ còn lắm chông gai !

Vâng, Sài gòn hôm nay có nhiều đổi thay. Tuy nhiên công cuộc đổi mới có gì không đồng điệu, lại toát ra nét gượng gạo, ngập ngừng và có thể nói đang khựng lại tại chỗ. Buông cái cũ không nở, mở cái mới lại không xong. Ở Sài Gòn những ngày Tết Kỷ-Tỵ năm qua, tôi có cảm tưởng Việt Nam ngày nay như một con tàu đang vượt qua biển lớn. Sóng gió dữ dội, bánh lái tàu quá nặng, bộ máy tàu lại cồng kềng choán hết chỗ, khách đi phải nép sát vào nhau, không cách di động, hết phương cựa quậy! Vị hoa tiêu lại nhắm hướng theo cái la bàn quá cũ mua từ thế kỷ trước, kim chỉ hướng mờ mờ ảo ảo, không biết đâu mà rờ! Thậm chí cũng không đánh giá đúng cảnh huống hiểm nghèo sóng cao, gió lớn, không biết rõ vị trí hiện tại của con tàu, địa hình địa vật chung quanh, cứ việc nổ máy cho to, cho nhanh, cho mạnh, cho vững chắc tinh thần, nhưng thật ra tàu đi vòng vo tam quốc, không biết chừng nào mới thấy bờ! Hành khách đã lỡ lên tàu phải liều lĩnh phóng xuống biển xanh mong lội thoát lên tàu khác. Vị hoa tiêu vừa cáu tiết, vừa hoảng hốt cứ nghĩ giản dị là thay dầu bằng xăng “super” thì mọi chuyện đều xong. Khốn nỗi không chóng thì chầy bị đốt nóng quá sức chịu đựng, máy sẽ bị lột dên hay nổ tung gây ra thảm họa, thiệt người, mất của chứ chẳng không !

Ngày trước trong những năm áp dụng chánh sách tả khuynh, giáo điều, chất chứa nhiều phương thức thô bạo học hỏi từ chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Staline thì tiếp thu nhanh và thực hành lẹ lắm. Nào ban cải tạo trung ương, ban cải cách địa phương, ban kiểm tra, ban chỉnh huấn vân vân… đi từng khu phố, từng làng xã, từng quận lỵ phân lọc, tố giác, tiêu diệt vân vân… Ngày nay đổi mới sao có gì rụt rè, chập chửng, nửa tối, nửa sáng. Thật vậy, tìm mãi không thấy ban tham mưu nào đưa ra đường lối rõ rệt, không thấy ai trong vị trí lãnh đạo đặt ra những vấn đề cốt lõi làm nền tảng chiến lược cho công cuộc đổi mới. Vài bài viết, đôi lời phát biểu, lúc thì hâm hâm nóng lúc thì lạnh như tiền, lắm khi trống đánh xui kèn thổi ngược, trước sau mâu thuẫn của các vị lãnh đạo, tôi có cảm tưởng như những con én đứt đuôi, gãy cánh, không tài nào đem lại ngọn gió xuân đừng nói chi đến việc thể hiện chiến thuật, chiến lược trước mắt và lâu dài của công cuộc đổi mới !

Hiện tượng khủng hoảng của trí tuệ, khan hiếm của trí tuệ hay lẫn tránh của trí tuệ trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản ?

Dĩ nhiên là rất khó đọc được ở Sài Gòn những suy nghĩ đổi mới có tầm mức của những nhà lãnh đạo Liên Xô, chẳng hạn như của ông Alexandre Iakovlev [4] :

“… Chỉ có kẻ yếu hèn mới sống bằng huyền thoại, bằng dốt nát… Phải nói sự thật về quá khứ bởi vì quá khứ là kim chỉ nam của tương lai. Nếu chúng ta không có dũng khí để suy niệm về con đường đã đi qua, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt ! Viết lại cho trọn vẹn những trang giấy trắng của lịch sử là làm một công việc đầy cay đắng và đau thương. Thực hiện việc này cần những bàn tay trong sạch, những thái độ đạo đức không khoan nhượng, những lập trường khách quan khoa học, và cần không nên nóng vội… Thói quen nghi kỵ người tri thức, nề nếp ức đoán đổ tội cho họ là những di sản dứt khoát chúng ta phải gạt bỏ hôm nay…”

Tạp ghi 6.

Nét rõ nhất hiện nay ở Việt Nam là chánh sách đổi mới về kinh tế, chánh sách mở cửa giao tế với bên ngoài đặc biệt là với người Việt ở hải ngoại. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì sau mười mấy năm thất bại triền miên về kinh tế, mức sống người dân đã đi đến chỗ cùng cực trong những năm tám mươi, việc thay đổi chánh sách kinh tế là vấn đề sống còn, cơm áo, không những của người dân mà của những người khác ngồi bàn giấy chỉ tay năm ngón, sống dựa trên sức lao động sản xuất trực tiếp của người dân. Rất tiếc là để thoát ra bối cảnh thê thảm “nhân dân giả vờ làm việc, cán bộ giả vờ làm báo cáo, nhà nước giả vờ trả tiền lương”, việc đổi mới chỉ dừng lại ở những biện pháp đơn thuần hành chánh : “cho phép”, “cho nhập”, “cho đi về”, “thôi không cho”, vân vân…

Trước những tệ nạn chợ đen hoành hành, những thảm trạng bè nhóm phe phái dựa quyền cậy thế công ty ăn mánh ăn ký với nhau trong vòng “bí mật”, trước hiện tượng cường hào, ác bá mới đang nổi lên ở thôn quê, trước những lỗ trống khổng lồ của ngân khố nhà nước, trước sự kiệt quệ trầm trọng của xã hội công cuộc đổi mới tất phải đòi hỏi những giải pháp đích thực còn là những trái cấm, còn vướng đọng đâu đây trong vòng cấm địa của tâm tư những vị lãnh đạo Việt Nam hiện nay, rất kiên cường suốt cuộc đời mình vì cách mạng, nhưng ngạc nhiên thay, rất thiếu can đảm trước những huyền thoại, những không tưởng, những giáo điều hằn sâu trong ký ức từ ngày thoát ly đi theo lý tưởng và vẫn đeo đuổi họ ròng rả mấy thập niên nằm gai, nếm mật ở bưng biền !

Thật vậy, đổi mới thật tâm đòi hỏi một sự táo bạo về chánh trị và một cuộc cách mạng của tư duy.

Bởi vì đổi mới đòi hỏi trả lời thẳng thắn những câu hỏi bức thiết sau đây :

– Dân chủ, tự do, công bằng, quyền làm người, làm công dân, xã hội đa cực phải chăng là giá trị căn bản của xã hội loài người hay chỉ là đồ trang sức của thực dân, đế quốc ?

– Nhà nước pháp trị, cơ chế phân quyền, có đối trọng, đối lập là yêu cầu tất yếu của một nhà nước tiên tiến hay chỉ là sản phẩm xa xỉ của chế độ tư sản thối nát suy đồi ?

– Tự do kinh doanh trong luật lệ, cạnh tranh thị trường trong khung cảnh lành mạnh phải chăng là những phạm trù cần thiết của một nền kinh tế năng động hay chỉ là mầm mống xấu xa của xã hội tư bản người bóc lột người ?

Tạp ghi 7.

Việt Nam ngày nay là ốc đảo nghèo đói trong khung cảnh Đông-Á-Thái-Bình-Dương đang phát triển nhảy vọt trên con đường thịnh vượng giàu sang.

Tìm ra câu giải đáp nghiêm chỉnh và hợp lý, hợp tình cho những câu hỏi trên là khai phá thêm cho mình vùng đất màu mỡ tốt tươi của loài người, là đoạn tuyệt với con đường mòn không lối thoát, là trước hết, làm vơi đi phần nào trách nhiệm lịch sử trước sự kiện đau lòng ấy của đất nước hôm nay.

Tôi xin mượn lời ông Alexandre Iakovlev thay cho lời kết [5] :

“Lịch sử đã qua khó lòng đổi khác được nhưng chúng ta có thể đổi mới được khi đã nhận thức rằng bạo lực chỉ kéo theo bạo lực, rằng con người tự do không thể đào tạo bằng roi, bằng vọt, rằng người cách mạng chân chính không thần thánh hóa cách mạng mà chính là những người biết làm cách mạng khi cần, biết thi hành cải cách khi thực tế đòi hỏi.

Và trong thời điểm hôm nay, thực hiện cách mạng tư duy là con đường duy nhất cho phép chúng ta thoát ra khỏi cảnh gian trá thường xuyên, ra khỏi nếp sống mất niềm tin và phi đạo lý. Vâng, cách mạng tư duy chân thật là hoài bảo của công cuộc đổi mới và sự nghiệp lịch sử ấy không dễ gì thực hiện một sớm một chiều…”

Nguyễn Đăng Hưng

(Bắt đầu viết từ cuối tháng 3.89, sửa chữa và bổ sung vào cuối tháng 7.89)

Thư mục.

1. Cao Vũ Huy Miên, “Điều lẽ không nhắc đến trong mùa xuân”, Sài gòn Giải phóng – Xuân Kỷ-Tỵ, trang 12 (1989).

2. Minh Thu, “Hạnh phúc muộn màng”, Tuổi Trẻ – Xuân Kỷ-Tỵ, trang 13 (1989).

3. Lưu Quang Vũ, “Chim Sa Cầm không chết”, Cảnh 1, Tuổi Trẻ – Xuân Kỷ-Tỵ, trang 24 (1989)

4. A. Iakovlev, Bài phát biểu đọc ở Lituanie, đăng lại trong Sovietskaia, ngày 16.8.88

5. A. Iakovlev, Bài phát biểu tại “Journée du Bicentenaire à Moscou”, ngày 11.7.89

* Chân thành cảm ơn GS. Nguyễn Đăng Hưng đã cho phép đăng lại tại Bảo tàng Ký ức Xã hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.