Lời gửi lại cõi tạm…

0
912

BTKUXH: Bác Hoàng Ngọc Hùng – một võ sư VOVINAM (môn võ truyền thống của Việt Nam) đang sinh sống ở Đà Nẵng, người tham gia giảng dạy môn võ này trong lực lượng an n inh nhân dân sau năm 1975 có gửi cho chúng tôi cái “kho [bài viết] nho nhỏ cho gia đình” của mình để cùng chia sẻ với mọi người. BTKUXH xin đăng dần một số bài viết của bác.

Chúc bác sống vui với “cõi tạm” này và toàn vẹn mọi điều bác gửi gắm lại khi rời xa..

CHÚC THƯ – ĐIỀU ƯỚC

Phòng khi sau này không truyền tin được, nay tôi (Hoàng Ngọc Hùng) trao người thân điều ước này:

1. CHỮA BỆNH: Nếu tôi không tự đi tiêu, đi tiểu được thì từ đó thời gian chữa bệnh liên tục cho tôi không quá ba tháng. Bấy giờ, không dùng thực phẩm gốc động vật, nên xay nhỏ thức ăn. Cắt móng tay hằng tuần. Sau 3 tháng, nếu thầy thuốc kết luận là bệnh chưa giảm thì hãy giúp tôi dừng ăn, chỉ uống nước gạo lứt rang cho đến khi tôi rời cõi tạm.

2. BÁO TỬ: Ngay sau khi tôi qua đời thì làm thủ tục báo tử, thông báo với Trường đại học Y – Huế để hiến xác; trường sẽ làm các biện pháp lưu xác tại nhà để tổ chức lễ tang theo thời gian quy định. Sau lễ tang, trường Y sẽ nhận xác tại nhà và đưa về trường sử dụng cho sinh viên học tập – gia đình không đi theo xác. Ngay trong ngày tôi vừa mất, nếu ảnh hưởng đến lễ cưới của con cháu thì gửi xác tại phòng lạnh để lễ cưới được tổ chức theo kế hoạch của đôi trẻ. Sau ngày cưới, việc tổ chức lễ tang nên tạo thuận tiện cho đôi vợ chồng mới hưởng vui trăng mật (như tôi đang vui được rời cõi tạm).

3. LỄ TANG: Báo tang trên 1 tờ báo địa phương, photo (A0) cột báo tang và trang chúc thư này để treo trước phòng lễ tang. Nếu có khách viếng nào thắc mắc về hình thức tang lễ thì mời đọc chúc thư (photo) thay lời giải thích. Trong phòng tang lễ chỉ có chân dung ảnh người quá cố và không thêm ảnh, tượng nào khác. Chú ý: Không tang phục (chỉ dùng băng tang). Đành phải dùng bát nhang nhưng không nhận lễ bái (lạy). Khi tôi qua đời dưới bất cứ hình thức nào, người thân hãy mừng tôi được:

Dừng làm khách trọ trần gian
Chia tay cõi nhọc nhẹ nhàng rong chơi

Do đó, lễ tang cho tôi sẽ là LỄ TANG VUI. Hãy góp vui với tôi bằng âm nhạc (tránh làm ồn hàng xóm); mượn nhạc Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, dân ca Việt, CD nhạc Phật giáo (hoà tấu), thánh ca Tin lành, bài hát Hướng đạo, nhạc phim (Ngã ba Đồng Lộc, Tiếu ngạo giang hồ) và các DVD Hoài Linh, Tấn Bo, Kiều Oanh,… cho lễ tang. Có góc sân khấu nhỏ và guitar thùng, organ,…cho những ai thích hát tặng nhau; có đầu chiếu, TV cho người thích phim Trong LỄ TANG VUI này, nếu có ai đó khóc thì tôi rất không vui. Đừng say ! Nhưng ai thích thức uống và mồi gì thì cứ dùng. Chuẩn bị món chay cho người ưa chay.

4. THỪA KẾ: Di sản vật chất tôi để lại có thể là không có gì, ít, nhiều; nếu có thì ưu tiên thanh toán chi phí lễ tang. Hãy để dịch vụ pháp lý quyết định việc xác định và thừa kế theo luật pháp – đừng bận trí vì loại việc này. Nếu có người hưởng quyền thừa kế muốn tặng tài sản thừa kế cho người có quyền thừa kế khác cũng nên thực hiện sau khi có quyết định (của Cty tư vấn pháp lý) để tránh lỗi kiêu ngạo.

5. TƯỞNG NIỆM: Hằng năm, tổ chức “NGÀY TỘC” trọn ngày Thứ Bảy tuần cuối tháng Tám. Một trong các mục đích chủ yếu ở NGÀY TỘC là giúp mọi người nhớ lại (có kiểm tra nhé) gốc tích dòng tộc, tôn ti trật tự từng bà con đang sống, khích lệ thành tích năm học trước và chuẩn bị năm học mới của những người đang học (con, cháu, dâu, rể; cháu dâu, cháu rể); cá nhân sinh hoạt tốt trong gia tộc, địa phương, cơ quan, xã hội,…; gia đình có tỷ lệ thành tích cao nhất; cá nhân học tập tốt không kể tuổi. Trước khi ăn trưa, chụp ảnh lưu niệm (toàn thể). Cuối ngày, có nhận xét sinh hoạt NGÀY TỘC vừa qua, gửi ảnh lưu niệm, quà cho người vắng mặt, phân công chuẩn bị cho năm sau. Trong tiệc cuối chiều, nên dùng một chai bia nhỏ cho người 18 tuổi trở lên; khi cần biểu quyết hãy theo đa số người này. Vệ sinh đất trại và treo vài gói quà trên cây trước khi ra về.

6. LÀM NGƯỜI:

– Với mình: Trước tuổi 20 phải tập nhịn thở vài phút, nhịn khát nhiều giờ, nhịn đói vài ngày, nhịn nói vài tuần vẫn bình thản (nhưng đại tiện mỗi ngày từ 1 lần trở lên mới vui). Sớm mai thức dậy uống ly nước bự và tập xoắn thân. Trước khi ngủ đêm nên nhớ lại chuyện trong ngày và chuẩn bị những việc nên làm vào hôm sau. Hàng ngày, nếu tai mắt còn xài được thì nhớ thể dục cho trí bằng nhìn, nghe, đọc.

Nên tìm hiểu sâu về Khổng giáo, văn hoá kinh thánh Tây Phương và các qui luật cơ bản của phép biện chứng (duy vật) cách cẩn thận và khiêm tốn không chỉ 1 lần. Trong những dịp tròn 10 năm tuổi (20 tuổi, 30; 40; 50;…) nên dành đủ giờ để học lại.

– Với người: Hiểu rằng ai cũng có nết tốt – cần quan sát để mô tả được nết ấy và sẵn lòng học tập cũng như khen ngợi, tôn vinh. Ai cũng được vay ơn tam tài (đất, trời, người); tài trí hay danh lợi quyền đều là vay cả. Vay (cái “ơn”) thì gắng trả (cái “ích”) qua việc “giúp ích” (gia đình, cộng đồng). Đã “giúp” thì phải “ích” cho người.

– Với đấng tối cao: Chỉ thờ Trời bằng tấm lòng. Không thờ (hoặc lạy, vái) các vật vô sinh, hữu sinh (sống, chết) hoặc ảnh, tượng nào; chào di ảnh người chết thì cúi đầu.

Người viết sinh ngày 14/9/1956 tại Huế.

1997, Gấu co [nickname của người viết] ra chúc thư, xác định “Lúc nào rời cõi tạm cũng …OK!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.