Hai thằng bạn thân thời thơ ấu

0
836

BTKUXH – Những năm đầu của thập kỉ cuối cùng của thế kỉ 20, gia đình tôi di cư tạm thời theo ông bà ngoại về vùng tứ giác Long Xuyên (An Giang) làm ruộng do đời sống kinh tế khó khăn và một vài bất đồng trong đại gia đình nhà bên nội.

Hình ảnh một chiếc máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Thời gian đó, vùng tứ giác Long Xuyên đất thì rộng, người thì thưa nên chưa có nhiều thay đổi về môi trường mà sau này có dịp về thăm lại tôi thấy tiếc. Đó là dòng nước của các con sông quanh khu vực cầu số 5 trên tỉnh lộ 941 (nối xã Vĩnh Bình và Vĩnh An, huyện Châu Thành) rất trong đến nỗi có thể thấy cát dưới đáy sông (vì sông không sâu lắm), dù khi mùa lũ về thì cũng đục nhưng chỉ tức thời và không ai lấy làm buồn vì bắt được rất nhiều cá. Còn đồng ruộng phía sau lưng chợ xã thì bạt ngàn bốn phía, di chuyển chủ yếu bằng ghe nhỏ trên những “con đường nước” thẳng tắp mà hai bên đường chỗ nào cũng là đồng ruộng, xa xa mới thấy một vài ngôi nhà. Sở dĩ tôi dùng từ “sau lưng” là bởi vì so với mặt đường tỉnh lộ 941 thì nó nằm phía sau khu dân cư tại điểm cầu số 5.

Một quãng tuổi thơ của tôi được đắm chìm trong cái không gian trong lành đó, ngút ngàn đồng quê đó. Tôi nhớ mãi những buổi đi thăm đồng để được coi những cái bẫy cá, hay đi mót củ năng sau một vụ xới đất chuẩn bị gieo trồng, và đi xem một rẫy dưa hấu hoặc một khóm dưa hoàng kim mọc dại. Thỉnh thoảng còn đi hái một loại cây mà khi bóp phát ra tiếng kêu rắc rắc vui tai. Có những chiều nào đó còn ngồi coi khói đốt đồng màu lam bay phất phơ y như trong nội dung bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” mà hồi tôi còn nhỏ rất thịnh hành đến nỗi tôi thuộc làu từ đó đến giờ. Cậu út tôi cũng trong thời gian này mà làm quen và sau này cưới mợ út tôi, một người phụ nữ nông dân miền Nam đẹp và có duyên.

Những ký ức này sẽ còn được khơi gợi lại trong một dịp khác, vì ở đây tôi muốn nhấn mạnh và tập trung vào hai người bạn thân thời thơ ấu của mình. Một thời gian dài tôi đã không thể liên lạc với hai người bạn này, tôi hi vọng khi họ đọc được những ký ức này, họ sẽ nhớ đến tôi và tìm cách liên lạc được với tôi.

Thời con nít, tôi không nhớ mình có những người bạn nào, vì chưa kịp học hết lớp mẫu giáo đã bị cô giáo đuổi về vì lì lợm khó bảo và rất sợ cô (và cũng làm cô sợ?). Sau đó đi theo gia đình long đong đi xứ khác nên cũng chẳng có mấy ai là bạn.

Nhớ cái ngày đầu theo ba mẹ và em gái (nhỏ hơn tôi hai tuổi) đi trên chiếc ghe nhà (vừa là ghe vừa là nhà) từ Trà Ôn rong ruổi dặm đường sông nước đi qua xứ Châu Thành và dừng lại ở đó, đối với tôi đó là một cái gì đó lạ lẫm và mới mẻ lắm. Ngay trước bến đậu của ghe nhà tôi, là một cây me keo to lớn nép dưới chân cầu số 5, kế bên là một cái chòi lá của ông già bán xăng dầu mà có lần ổng vô tình làm cháy nguyên thùng xăng làm tôi thấy xót và tiếc thay dùm cho ổng.

Ngày đầu bước chân từ ghe lên bờ, ở cái xóm chợ nhỏ bé chỉ chừng mấy chục hộ dân và vài cơ sở thương mại đó, tôi gặp thằng bạn đầu tiên: Trần Quốc Thanh. Mấy đứa nhỏ gặp nhau vô tư lắm, câu đầu tôi hỏi “Mày tên gì?” thì sau đó tôi đã hỏi lại lần nữa vì quên. Mà mấy đứa nhỏ trong xóm cũng tò mò muốn biết cái thằng mới tới này ở đâu tới mà ở trên ghe không giống tụi nó.

Phan Tuấn Quốc
Sài Gòn, ngày 7-9-2010

(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.