Hiểu biết về giới tính của nam thanh niên một ấp vùng sâu

0
928

BTKUXH – Sự thiếu hiểu biết và hiểu lệch lạc về vấn đề giới tính của những thanh niên trẻ, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa là một điều đáng lo ngại hiện nay. Điều này đã được thể hiện qua những ghi chép điền dã về những cuộc nói chuyện với nam thanh niên ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai của bạn Khai Tâm – sinh viên lớp NH07 khoa Nhân học – ĐH. KHXH&NV TP.HCM.  Sau đây là những ghi chép mà bạn Khai Tâm gửi về cho Bảo tàng Ký ức Xã hội.

Kỳ 1: Tìm hiểu địa bàn nghiên cứu

Địa bàn nghiên cứu

Địa bàn mà tôi muốn nhắc đến ở đây là tổ 3, ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tôi có mặt ở đây với vai trò đồng hành với các sinh viên năm II khoa Nhân học trong chuyến thực tập tự túc kéo dài 10 ngày trong kì hè vừa qua. Có thể nói đây là một vùng đất khá mới mẻ và thú vị đối với các sinh viên. “Phức tạp” là từ được sử dụng nhiều nhất để nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương.

Cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 100km về phía Đông, xã Mã Đà là xã vùng sâu vùng xa, thuộc diện nghèo nhất của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Chỉ có một tuyến xe duy nhất từ Bến xe miền Đông đi Lí Lịch là chạy ngang qua khu vực mà nhóm sinh viên nghiên cứu. Cách thị trấn Vĩnh An , huyện Vĩnh Cửu 15km, chiếc xe dừng lại tại đầu đường. Đoàn sinh viên phải đi tiếp một đoạn đường gần 7km với hai bên đường là rừng cây thuộc khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Rất may mắn là đoàn có hai thành viên đi xe máy nên đoàn di chuyển từ từ vào địa bàn nghiên cứu chính dễ dàng hơn.

Con đường vào xã Mã Đà. Ảnh: Lê Ngọc Kim Ngân, Nguồn: Zing

Địa bàn nghiên cứu chính là Tổ 3, Ấp 4 xã Mã Đà, nơi có diện tích là 1098 ha, với 450 hộ sinh sống. Nơi đây nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên di tích Vĩnh Cửu, do đó, đất đai đều thuộc sở hữu của khu bảo tồn. Đất đai của cư dân nơi đây đều không có sổ đỏ mà chỉ có một bản hợp đồng giao khoán đất của Khu bảo tồn với thời hạn là 50 năm để cư trú và sản xuất. Các hoạt động xây dựng sửa chữa nhà kiên cố đều bị hạn chế, thậm chí là cấm. Vì thế sẽ chẳng bất ngờ gì khi ở đây hầu hết là những ngôi nhà lợp bằng lá, tôn tạm bợ. Cũng có một số ít ngôi nhà được xây bằng gạch. Tuy nhiên việc sửa chữa, xây cất đề phải xin phép Khu bảo tồn với điều kiện sẽ phải phá bỏ không bồi thường khi có lệnh di dời. Đến nơi, tôi còn chứng kiến không ít ngôi nhà sàn bằng gỗ được dựng lên từ những năm 90, khi mà vùng này vẫn còn là vùng rừng núi với các loại thú dữ vào tận trong làng.

Đời sống kinh tế

Kinh tế nổi bật ở đây là nông nghiệp trồng xoài và đánh bắt cá dưới lòng hồ Trị An. Diện tích xoài chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp của vùng và đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Hàng năm thu nhập trung bình có thể đạt là 100 triệu/ha. Ngoài ra, ở vùng cũng trồng một số cây ngắn ngày như bắp, khoai mì nhưng với diện tích nhỏ. Tuy nhiên, chính sách bảo tồn cũng hạn chế việc thử nghiệm và thay đổi giống cây trồng tại địa phương.

Hồ Trị An là mọt nguồn sống quan trọng của người dân xã Mã Đà. Ảnh: Lê Ngọc Kim Ngân, Nguồn: Zing

Lòng hồ Trị An là cơ sở nuôi sống hàng chục gia đình sống quanh năm trên các bè với việc đánh bắt cá và nuôi cá bè. Việc đánh bắt cá ở đây phụ thuộc vào sự lên xuống của con nước.Vào những mùa nước cạn, cư đân có thể sử dụng khu vực long hồ để trồng các loại cây ngắn ngày giúp tăng thu nhập. Ngoài ra người dân ở đây cũng bắt đầu việc nuôi baba, bước đầu có những thành công nhất định.

Điều kiện sinh hoạt

Địa bàn tọa lạc cách xa khu trung tâm hơn 10km nên có thể nói khu vực này bị cô lập với các vùng khác. Từ đó nảy sinh một số vấn đề khá mới mẻ đối với tôi như việc chợ cách đó hơn chục cây số nên mỗi buổi sáng đều có một chiếc xe máy chở các thực phẩm vào đây để bà con trong làng ra mua. Hay việc đồng bào Công giáo muốn dự lễ phải đi đến nhà thờ gần nhất cách đó 25km. Vì thế, chủ nhật hàng tháng đồng bào họp nhau tại nhà một ông trùm để mời linh mục đến làm lễ.

Một thực tế đáng nói là khu vực này nằm gần hồ thủy điện Trị An nhưng lại không có hệ thống điện. Hàng ngày, một số các tiệm tạp hóa hay karaoke chạy máy phát điện để hoạt động. Các hộ gia đình gần đó mắc nhờ điện còn các gia đình ở xa hơn thì không thể mắc điện nhờ được. Vì vậy, khu vực này chỉ có điện khoảng lúc từ 7h đến 9h tối. Có thể nói đây là thời điểm đám sinh viên chúng tôi trông đợi nhất. Có điện để chúng tôi sạc điện thoại, xem tivi, hay tranh thủ viết nhật kí điền dã. Còn ban ngày họ không sử dụng điện hoặc dùng các bình ắc quy. Điều này tạo nên sự giới hạn trong việc tiếp cận thông tin và tăng thêm sự cô lập của vùng. Cũng cần phải nói thêm là tuy bị cô lập về mặt địa hình và thiếu các kênh thông tin nhưng các gia đình ở đây hầu hết đều có tivi, xe máy. Dịch vụ karaoke, bida là những dịch vụ đầu tiên xuất hiện ở đây nhưng không nhiều.

An ninh đáng báo động

An ninh của địa phương cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Các bộ phận anh ninh, chính quyền địa phương phải gióng lên hồi chuông báo động về an ninh tại đây. Các thanh niên trong vùng thất nghiệp hoặc làm việc theo mùa nên thường xuyên rảnh rỗi, tụ tập cờ bạc rượu chè rồi gây ẩu đả. Trong thời gian 10 ngày lưu lại đây, chúng tôi đã chứng kiến chỉ trong một ngày đã xảy ra 2 vụ đánh nhau, đốt nhà. Một ngôi nhà cháy rụi hoàn toàn với tổng tài sản lên đến 40 triệu đồng. Thậm chí người đốt nhà cầm dao rượt các lực lượng an ninh và người dân có ý định dập tắt đám cháy. Chỉ đến khi lực lượng công an huyện xuống trấn áp và dùng súng chỉ thiên cảnh cáo thì đám cháy mới dược dập tắt.

(còn tiếp)

Khai Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.