Mấy hôm nay, báo chí cứ ầm ĩ về việc khối C ngày càng thưa thớt. Tôi mang thân phận là một cựu sinh viên ngành Nhân học, trường ĐHKHXHNV nghe cũng thấy đụng đến “tự ái tộc người”. Không biết từ bao giờ, bản thân tôi thấy mình gắn bó với ngành học. Nhân học nghe như chính là mình, mình là Nhân học. Nghe ai nói về Nhân học, tôi như đang nghe điều gì đó rất đỗi thân thuộc. Gặp ai đó học Nhân học, tôi thấy họ gần gũi như một người thân. Tình cảm ấy có bị mang tiếng là quá khích không nhỉ? Để có được sự gắn bó ấy không phải là việc ngày một ngày hai.
(Ăn chơi cùng nhóm bạn, ảnh do tác giả cung cấp)
Có lẽ tôi học khối C là một định mệnh. Từ cấp I lên cấp III, môn văn vẫn là môn tôi giỏi nhất và thích nhất. Cấp I và cấp II chỉ lo học và chơi nên tôi chẳng cần suy nghĩ nhiều. Cả năm, tôi hết ăn rồi chơi, đến mùa thi thì chơi rồi học. Môn học nào cũng khó như nhau. Toán thì nhức đầu với những con số, Văn thì dằng dặc những bài thơ học thuộc lòng. Có lẽ sự phân biệt ban A, ban C chỉ bắt đầu khi vào học cấp III. Tôi lơ ngơ khi làm hồ sơ xét tuyển vào trường “có tiếng” trong huyện. Tôi ngớ người khi thầy cô hỏi vào ban A hay ban C. (Trường tôi là một trong bốn trường của tỉnh thí điểm phân ban). Tôi chỉ nghe phong thanh rằng ban C là học văn, sử, điạ nhiều hơn. Ban A thì học nhiều toán, lý, hóa. Tôi chẳng ngần ngại khi chọn ban C. Sau này tôi mới biết rằng một số bạn trong lớp chọn ban C vì không đủ điểm vào ban A. Điểm vào ban C thấp hơn 2 điểm so với ban A.
Chắc vì lẽ đó mà lớp tôi bị một giáo viên mắng một câu mà đến giờ tôi còn nhớ: “Chuột chạy cùng đường”. Mọi người cho rằng học yếu, điểm thấp muốn vào “trường điểm” này chỉ còn cách nộp vào ban C may ra còn được vớt. Tôi lờ mờ hiểu ra sự phân biệt ban A và ban C rõ ràng như thế nào. Các học sinh lớp A1 được xem là các học sinh ưu tú, mỗi năm là có dịp thi loại để sàng lọc học sinh, còn lớp C1 thì chuyển các học sinh giỏi ở các lớp C khác vào học. Trong khi lớp A1 được xem là lớp tuyển được thầy cô ưu ái thì lớp tôi lại được mệnh danh là lớp “nguồn”. Tức là “ ngu + ồn”. Tôi nói những điều vui vui trên để thấy rằng ngay từ thời phổ thông ban C đã bị phân biệt đối xử như thế nào. Những khóa sau tôi, người học ban C được xem là thiểu số và là “cộng đồng dễ bị tổn thương nhất”.
Học ban C thì phải thi khối C, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng cái đương nhiên ấy chỉ là đương nhiên với tôi và ba bạn khác mà thôi. Lớp 45 người chỉ 4 người nộp hồ sơ khối C, 41 người còn lại nộp hồ sơ khối D và các khối khác. Có lẽ cũng chẳng bất ngờ vì khối C quá ít trường tuyển sinh. Ngoài tâm lý khó tìm được việc làm sau này, các học sinh tỉnh lẻ như tôi còn sợ bị “dội” bởi các học sinh thành phố. Thế là chính ban C cũng đã quay mặt lại với khối C. Riêng tôi, một bộ hồ sơ duy nhất mã ngành 606, tên ngành Nhân học, trường ĐHKHXHNV được tôi nộp đi. Cái duyên với Nhân học bắt đầu từ ấy…
(Còn nữa)
Khai Tâm
(Nh07, Khoa Nhân học)