Một thoáng Hà Nội – Kỳ 1

0
847
Chuyến về quê vừa qua, tôi có dịp ở Hà Nội được hơn một tuần. Đi và về Hà Nội nhiều lần, nhưng không bao giờ dám nhận là mình biết Hà Nội. Mỗi lần ghé qua là mỗi lần học hỏi. Do đó, chỉ dám nói là một thoáng Hà Nội mà thôi… Không biết có ngoa ngôn chăng nếu nói rằng một trong những thành quả lớn nhất trong lịch sử cận đại là đất nước được thống nhất. Sau 25 năm chia cách, cuối cùng thì Việt Nam cũng thống nhất. Không còn Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nữa, chỉ đơn giản là Việt Nam. Sau 25 năm đánh nhau chí chết và ngăn cách bởi “hàng rào chủ nghĩa” (ngoại lai), những người Việt hai miền lại gần nhau hơn, biết nhau hơn, và thân nhau hơn.  Dù còn vài bất đồng ý kiến, nhưng tôi vẫn nghĩ cái công thống nhất đất nước của các vị cách mạng thì chắc nhiều người đồng ý.
 
“Không biết có ngoa ngôn chăng nếu nói rằng một trong những thành quả lớn nhất trong lịch sử cận đại là đất nước được thống nhất” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
 
Tôi cũng nằm trong cơn lốc xoáy của lịch sử mà có cơ duyên biết đến Hà Nội từ những năm sau 1975. Tôi đến Hà Nội lần đầu vào năm 1977 hay 1978 (không còn nhớ chính xác nữa). Thuở đó tôi cùng với ba đồng nghiệp khác đi công tác (thật ra là đi dự lớp tập huấn chuyên môn) ở Hà Nội. Chúng tôi đi bằng chiếc xe Ford Falcon cũ kĩ do “Mĩ Ngụy” để lại, nhưng dưới bàn tay tuyệt vời của người thợ Việt Nam, chiếc xe cũng chở chúng tôi từ Nam ra Bắc. Chuyến đi ngang qua cầu Hiền Lương, ghé qua Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, để các bạn ghé thăm nhà, rồi sau cùng là Hà Nội. Ấn tượng còn đọng trong tôi là thời đó, miền Bắc còn nghèo lắm. Tôi còn nhớ bưu điện Vinh chỉ là một mái nhà lá. Thành phố buồn thiu, trống trơn, chẳng khác gì Bắc Hàn ngày nay. Đến nhà anh bạn ở Thanh Hóa, đó là một căn nhà nhỏ, chật hẹp, trong nhà chẳng có gì đáng kể cả (theo cái nhìn của tôi lúc đó). Vì thấy tôi là người Nam ra, nên gia đình anh bạn quyết định thiết đãi tôi. Nhưng khổ nỗi nhà nghèo quá, gạo thì không đủ, thậm chí cái nồi nấu cơm cũng chẳng “chỉnh chu” chút nào cả. (Sau này tôi biết được rằng người nhà phải đi mượn cái nồi nấu cơm ở hàng xóm về nấu cho chúng tôi ăn).  Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn xúc động . Đến Thái Bình, xe vào một thị tứ, mấy em bé đen đúa chạy theo xe, vì hình như chúng chưa bao giờ (hay ít) thấy xe hơi trong đời. Có vài em thậm chí còn nhảy lên mui xe làm tài xế méo mặt. Lại có vài em lăng xăng ngửi xăng! Tôi hết sức ngạc nhiên. Không ngờ miền Bắc nghèo khó đến như thế!
 
Nhưng sự ngạc nhiên của tôi tăng đến đỉnh điểm  khi đến Hà Nội. Trước khi đi, tôi háo hức lắm, vì nghĩ mình sẽ ghé thăm một nơi gọi là “Ngàn năm văn hiến“.  Tôi sẽ ghé qua Chùa Cầu Đông để xem ngày xưa chàng Tú Uyên và nàng Giáng Kiều gặp nhau ở đâu. Trong tâm tưởng của tôi thời đó, qua Thạch Lam, Hà Nội là nơi thanh lịch, là vùng đất văn hiến, là những tà áo dài thướt tha để thi sĩ Quang Dũng phải Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (và nghe nói sau này phải khốn đốn vì mấy câu thơ kiểu này!). Nói chung là ước vọng và ý nguyện thì nhiều lắm, vì các nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ đã gieo cho tôi cái dấu ấn tưởng tượng tuyệt vời về Hà Nội, đã đưa tôi phiêu bồng ở một chốn huyễn tưởng. Kì vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Lần đầu “đối diện” với Hà Nội, tôi thất vọng hoàn toàn. Đó là một thành phố (hay thị trấn) thiếu sinh khí. Đó là  một Hà Nội cổ kính, loang lổ, nhếch nhác, và ảm đạm.
 
Hoàn toàn khác với Sài Gòn.  Sài Gòn nhộn nhịp và vui tươi bao nhiêu, thì Hà Nội im lặng và ảm đạm bấy nhiêu. Đường phố Hà Nội dạo đó rất ít xe ô tô, mà có thì toàn là xe khối XHCN rất xấu xí, cục mịch. Xe gắn máy cũng rất ít, và thay vào đó là xe đạp nhiều. Người đi đường có vẻ lầm lũi, không vui, hiếm thấy những khuôn mặt rạng rỡ. Chẳng thấy “dáng kiều thơm” nào cả; tất cả phụ nữ hình như chỉ có một kiểu mặc duy nhất: quần đen ngắn trên mắt cá, áo sơ-mi trắng dài tay, tóc dài, trông rất Tàu và … rất buồn cười.  Nam thì quần fatigue, đội nón cối, dù họ chẳng phải là lính tráng gì cả. Hình như người Bắc thích nón cối. Nói tóm lại, chẳng có cái gì gây ấn tượng đẹp cho tôi cả, ngoại trừ hồ Hoàn Kiếm làm tôi thấy có cảm tình với Hà Nội một chút. Suốt hai tuần ở Hà Nội, tôi chẳng đi đâu, chán ơi là chán, chỉ chờ ngày về Sài Gòn. Lúc đó, tôi mới thấm và hiểu cho mấy bác đi tập kết nhất quyết đòi về Nam. Ấn tượng của tôi về Hà Nội thời đó phải nói là rất negative, và tôi bắt đầu nghi ngờ những gì mình đọc trong Tự lực văn đoàn. Hay nghe những bài nhạc của các vị nhạc sĩ, tôi cảm thấy như là họ – nói theo tiếng Anh là – đã take me for a ride (hay nói lịch sự là lường gạt).
Nguyễn Văn Tuấn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.