Chuyện đường phố – kỳ cuối

0
883
Đi được một đoạn ngắn, tôi thấy trên vỉa hè có một bé gái khoảng 10 tuổi đội nón bảo hiểm đứng ngó ra đường, vẻ mặt buồn buồn. Tôi thấy bên cạnh em còn có một tập giấy đựng trong bao, trong đó tôi thấy có một quyển sổ liên lạc. Tôi đi ngang qua em và thấy vẻ mặt của em có vẻ sợ sệt hay buồn buồn gì đó. Tôi bước qua rồi lại lùi lại để hỏi chuyện. Tôi hỏi xem em đi với ai và đang chờ ai? Nhưng cô bé quay đi, không trả lời, khuôn mặt cũng không biến sắc. Những người đứng ở tiệm quần áo gần đó nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống hay tò mò gì đó. Tôi vừa quê vừa hoảng bước đi thật nhanh. Trẻ con bây giờ cũng chẳng ngoan ngoãn như xưa. Mà chắc cũng tại nó sợ người lạ bắt cóc này nọ. Nó im lặng như thế cũng tốt. Tôi thì không có ý xấu gì chứ nếu gặp kẻ xấu thì cũng chẳng biết chuyện gì xảy ra. Tôi nhớ là cái cụm từ gọi là “cơ chế phòng thủ” mà khi đi nghiên cứu trong thành phố tôi đã một lần được nghe. Cụm từ ấy đại loại là những người ở thành thị luôn có một tâm lý phòng thủ, sợ bị lừa gạt nên mỗi khi gặp điều gì mới họ đều rất dè dặt, thậm chí là lạnh lùng. Có lẽ đứa bé kia cũng đã hình thành ít nhiều cái “cơ chế phòng thủ” ấy chăng?
Những người ở thành thị luôn có một tâm lý phòng thủ, sợ bị lừa gạt nên mỗi khi gặp điều gì mới họ đều rất dè dặt, thậm chí là lạnh lùng” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet

 

Tôi sải bước nhanh hơn với nhịp trống bùng bùng trong bụng. Tiếng trầm của cơ chế phòng thủ ở đứa bé, tiếng bổng của hình ảnh bà cụ lạc lõng giữa đường phố sầm uất đều ngưng hẳn trong đầu tôi khi tôi thấy cảnh tượng phía trước mắt. Giữa dòng người nhộn nhịp xe qua lại, giữa tiếng còi bim bim inh ỏi xin đường ở vòng xoay Công trường Dân chủ, một dáng hình bé nhỏ nhưng quen thuộc lại lọt thỏm. Vẫn là hình ảnh của người phụ nữ  trong bộ đồ cũ kĩ, khuôn mặt hiền từ đau khổ, ra hiệu xin quá giang…
Tôi  thấy một vài nhà đốt vàng mã, dâng cúng bánh kẹo ở trên đường, lâu lâu lại có nhà tung gạo ra đường. Chắc hôm nay là ngày người ta cúng cô hồn. Tôi cảm nhận được đôi chân tôi không những mỏi mà còn đau nữa. Ngó xuống, tôi thấy chân mình bị xước ở giữa ngón chân cái và chân trỏ do đi dép xỏ ngón. Cố gắng thêm chút nữa vì còn một đoạn nữa thôi là về tới nhà rồi.
 
Tôi quẹo vào đường Chấn Hưng. Con đường này nổi tiếng với thịt chó. Bước vào đường này là nghe thấy mùi thịt chó. Dọc đường là những quán thịt chó, bún thịt nướng. Người đi ngang qua đều bị chèo kéo vào quán. Trời lại bắt đầu mưa râm râm. Bên trong các quán là những bàn nhậu được bày la liệt thức ăn hòa với những âm thanh loạn xạ của tiếng cụng ly, tiếng dzô dzô và cả tiếng chửi nhau nữa. Bên ngoài, ở một góc tối ven đường, một đứa bé gái khoảng 10 tuổi đang ngồi bệt xuống đất dùng hai ngón tay bốc những mẩu mì tôm trong cái bọc. Bên cạnh em là một bà cụ già mù trên 60 tuổi. Dưới chân em là chiếc gậy của bà cụ. Tôi vụt ngang qua. Tôi chẳng buồn nhìn rõ xem mặt mũi đứa bé ấy ra sao, cũng chẳng muốn quan tâm bà cụ ấy có chạy kịp khi trời đổ mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn không?
Tôi về đến nhà lúc 8h45 phút sau hơn hai tiếng đồng hồ lết bộ trên đường phố Sài Gòn. Phải chăng tôi cũng đang khép lòng mình lại? Tôi có làm đúng không? Bà cụ già mù và em bé gái có chạy đi trú mưa kịp khi trời mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn không?

Khai Tâm
Các bài liên quan:
 
 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.