Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam

0
873
Mộc bản triều Nguyễn là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in thành sách vào đầu thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20 ở nước ta. Nội dung của khối tài liệu mộc bản này rất phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Mộc bản triều Nguyễn ra đời cùng với hoạt động của Quốc Sử Quán, vừa là phương tiện in ấn, vừa là “chế bản”để in sách và ghi chép các sự kiện của triều đình, từ các chiếu, chỉ, dụ… của nhà vua, cho đến các sách quốc sử, sách chuyên khảo về lịch sử, chính trị xã hội, giáo dục, địa chí, pháp chế, văn hóa giáo dục, quân sự, quan hệ quốc tế, văn học nghệ thuật… Bản chính của những văn bản này được gọi là châu bản. Vào năm Tự Đức thứ hai (1849), triều Nguyễn đã cho xây dựng “tàng bản đường”, để lưu trữ khối mộc bản khổng lồ này.
Mộc bản triều Nguyễn (Nguồn: Internet)
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34618 tấm, in ra khoảng trên 150 đầu sách quý. Có những cuốn rất quý như “Hoàng Việt luật lệ”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam Thực lục chính biên”, “Đại Nam Thực lục tiền biên”,… Đặc biệt trong số các mộc bản đó có những bản có nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Sách “Đại Nam Thực lục tiền biên”  còn ghi chép chi tiết về các sự kiện đã xảy ra từ các thời chúa Nguyễn Hoàng đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1588-1777). Sách cho biết quần đảo Hoàng Sa “còn đảo là Vạn Lý Hoàng Sa” thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi có 130 bãi cát. Trên các bãi cát ấy có giếng nước ngọt và nhiều sản vật quý như đồi mồi, ba ba, ốc hoa, vích… Triều Nguyễn Đằng Trong cho lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sung vào. Hàng năm, từ tháng ba đến tháng tám, đội Hoàng Sa có nhiệm vụ ra quần đảo Hoàng Sa lượm sản vật để về nộp cho triều đình.
Một trong những nét độc đáo của Mộc bản là chất liệu dùng để chế tác, chúng là gỗ. Đây là một loại gỗ khá đặc biệt. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về loại gỗ thường được sử dụng là “gỗ cây nha đồng, tục danh là sống mật, thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi”. Ngoài ra còn có một số loại gỗ khác như thị, lê, táo… Những loại gỗ kể trên có đặc điểm chung là vừa mềm vừa mịn, dễ dàng cho việc khắc chữ một cách sắc nét và khi in ra giấy, sẽ cho nét chữ đều và đẹp.
Trải qua 143 năm dưới triều Nguyễn, Mộc bản đã được bảo quản, lưu trữ và đưa vào khai thác như một nguồn tài liệu để tham khảo và nghiên cứu phục vụ tầng lớp quan lại trong triều và các sĩ tử tham gia vào các kỳ thi do triều đình tổ chức. Mộc bản triều Nguyễn là khối tài liệu chính văn gốc, độc bản, không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị lớn về mặt nghệ thuật, thư pháp và kỹ thuật in ấn thời bấy giờ. Đây là kho tư liệu quý, hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu lịch sử nước ta thời kỳ cận đại và là nguồn tư liệu lịch sử khẳng định quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với biển đảo Hoàng Sa. Hiện nay, Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản với những trang thiết bị hiện đại nhất. Cùng với các tài liệu lưu trữ khác, phiên bản của những tài liệu Mộc bản này đang được trưng bày tại khu biệt điện Trình Lệ Xuân cũ, nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia số 4 tại Đà Lạt.
Sau Mộc bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội là di sản văn hóa thứ hai của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Hiện nay, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội còn lưu giữ 82 tấm bia, ghi lại lịch sử của 82 khoa thi Tiến sĩ dưới triều Lê-Mạc. Tấm bia đầu tiên được dựng vào năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử của khoa thi Tiến sĩ năm 1442 và tấm bia cuối cùng được dựng năm 1780, ghi lại lịch sử của khoa thi Tiến sĩ năm 1779.
Bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu gốc, độc nhất, được chính các triều đại phong kiến Việt Nam tổ chức ghi khắc lại trên đá. Nội dung của những bài văn bia đã thể hiện rõ tư tưởng hiếu học, trong nhân tài và tôn vĩnh những nhân tài đã đỗ đạt trong các kỳ thi. Chính vì những lẽ ấy, bia Tiến sĩ có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 300 năm dưới triều Lê-Mạc (1484-1780) và phác họa cho chúng ta một bức tranh khá toàn diện về tình hình khoa cử của nước giai đoạn này.
Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám những năm 1945
(Nguồn: Internet)
Nét độc đáo của bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là bên cạnh danh sách những người đã đỗ khoa thi Tiến sĩ trong mỗi kỳ thi, thì phần lớn nội dung của các bài văn bia bao hàm nhiều thông tin quan trọng như ngày, tháng, năm dựng bia, họ tên, chức vụ của người soạn, người khắc chữ và nghệ nhân chế tác bia. Nghệ thuật thư pháp (chữ viết), hoa văn trang trí và phong cách tạo dáng bia, rùa đội bia… đều mang đậm dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng nên đã cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu chính xác, trung thực để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật nước ta từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Nội dung của những bài văn bia còn thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng về giáo dục, đào tạo và tuyển chọn nhân tài của Nhà nước thời Lê-Mạc và lịch sử cụ thể của mỗi kỳ thi. Hơn thế nữa, hầu hết các bài văn bia này đều do những doanh nhân văn hóa và trí thức của đất nước biên soạn nên chúng đều là những tác phẩm văn học rất có giá trị và nội dung của nó có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Ví như trên bia Tiến sĩ đầu tiên dựng năm 1484, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442, đời vua Lê Thánh Tông có đoạn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh và lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước xuống thấp. Bởi vậy, các bậc thánh đế minh vương không ai là không lấy việc sử dụng và tuyển chọn nhân tài là việc đầu tiên”.
Có thể nói, với những giá trị trường tồn của hai Di sản tư liệu thế giới đặc sắc độc nhất và nguyên vẹn ấy,Mộc bản triều Nguyễn và Hồ sơ bia đá các khoa thi Tiến sĩ thời Lê-Mạc xứng đáng trở thành di sản chung của toàn nhân loại. Chúng ta có quyền tự hào vì những di sản độc đáo của dân tộc đã và đang được thế giới công nhận. Hy vọng rằng trong tương lai với sự nỗ lực giới thiệu và quảng bá, nhiều di sản văn hóa khác của Việt Nam cũng sẽ được thế giới biết đến và tôn vinh.
Lê Thị Tuyết
(Tạp chí Di sản của Hàng không Quốc gia Việt Nam, tháng 5-6 năm 2010)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.