Bùi Giáng & di cảo để lại Lê gia trang – Kỳ 1

0
876
Những ngày yên nghỉ thênh thênh
Lê gia trang ấy nghĩa tình xiết bao
Cỏ cây hồ cá thì thào
Mai sau tâm sự chốn nào nơi đây
Xa trời gần đất tuổi này
Tao phùng đầm ấm những ngày tương giao…
Hẳn nhiều người nhận ra giọng Bùi Giáng trong bài thơ này. Bài thơ được viết năm 1991, tên của nó là “Những ngày yên nghỉ Lê gia trang”, bên cạnh bài thơ tác giả chua thêm dòng chữ: “Tôi về chỗ tôi đã ra đi. Ở đó có một bầu trời xanh”. Câu viết gợi nhớ đến Hoàng tử bé – cuốn sách mà Bùi Giáng dịch xuất thần từ Saint Exupery. Vậy Lê gia trang là đâu mà Hoàng tử bé ấy đã có lúc chọn làm nơi trú chân trong đoạn cuối cuộc hành trình trở về với tinh cầu của mình? Mười bảy cuốn vở chứa đầy di cảo thơ Bùi Giáng được cất giữ suốt 15 năm qua trong một ngôi nhà ở Xóm Gà, Bình Thạnh đã hé lộ thêm đôi điều về một tài thơ trác tuyệt dù luôn miệng “vui thôi mà” nhưng để lại nhân gian những tâm sự buồn quá đỗi…
Bùi Giáng (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Gương mặt đời: “Điên phi thường”
Có thể nói người Sài Gòn nào tuổi trung niên trở lên và thường di chuyển trên đường hẳn cũng có lúc vô tình bắt gặp thi sĩ Bùi Giáng trong hình dáng một người điên lang thang khắp chốn từ Ngã Bảy, Gò Vấp đến Chợ Lớn, An Lạc. Lần đầu tôi nhìn thấy Bùi Giáng là khi ông đang làm cảnh sát công lộ, một chiếc xe hơi chạy qua vội dừng lại, người trên xe bước xuống cung kính “Thưa thầy” rồi mời vị “cảnh sát” lên xe. Về nhà hỏi ba tôi, ông bảo chắc đó là người dịch “Hoàng tử bé”. Tôi nghĩ ba tôi lầm, vì thật khó tin cái người điên lôi thôi lếch thếch ấy lại dịch được những dòng trong trẻo dường kia từ Saint Exupery. Nhưng hình ảnh những người sang trọng ngồi xe hơi gọi một người điên bằng “thầy” khai mở cho trí óc non trẻ của tôi hiểu được rằng phẩm chất thực sự của một con người được ẩn giấu trong bất kỳ một nhân dạng hình hài nào. Lần thứ hai là khi thi sĩ chọn Ngã Bảy để điều khiển giao thông, nghe tiếng huyên náo ngoài đường ba tôi ra xem, lát sau ông dẫn về một người điên với chiếc dép lủng lẳng trên cổ, mời vào nhà uống nước. Áo hai ba lớp, tóc tai rũ rượi vẫn không che được đôi mắt sáng đến kỳ lạ. Người điên im lặng ngồi một lúc rồi đi, vẫn chiếc dép toòng teng như Đạt ma tái thế, tỉnh táo như chẳng phải vừa cách đó ít phút ông làm náo động cả sáu ngả đường. Lần nay thì tôi tin mình vừa diện kiến tác giả “Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại”- cuốn sách tôi từng đánh vật cả tuần lễ mà chỉ hiểu được có vài trang. Lần cuối cùng là khi tôi vừa bước chân vào nghề báo, bắt gặp ông đang ngồi một mình một bàn trong quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng khu Đa Kao, và sửng sốt nghe tác giả “Mưa nguồn” buột miệng ứng họa tức thì một bài thơ lãnh tụ đang được bình từ radio. Đó là Tết năm 1989, hai năm trước khi ông về ngụ tại nơi được thi sĩ gọi là Lê gia trang.
Lê gia trang- nghĩa là nhà vườn của một người họ Lê. Văn phong đặc trưng của Bùi Giáng là sự pha trộn tài tình ngôn ngữ bác học với khẩu ngữ dân gian, từ Hán Việt với tiếng lóng, với thuật ngữ triết học và kinh Phật, với cả những từ…không được thanh tao mấy. Nhiều người cứ ngỡ ông đùa hay điên khi chuồn chuồn châu chấu trong cảm thức ngôn ngữ của ông cũng quan trọng ngang với mọi dạng thức sinh tồn khác của vũ trụ. Nhưng nhớ chăng, “Hoàng tử bé, con cừu ăn đóa hoa, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao! Con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa?”. Cũng nghiêm trọng như thế, khi ông gọi ngôi nhà tôn ở Xóm Gà của nhà quay phim-biên kịch Lê Trác là Lê gia trang.
“Hôm đó, tôi đang đạp xe từ Hãng phim Giải Phóng về ngang ngã tư Xóm Gà thì gặp Bùi Giáng bị xua ra khỏi quán rượu Thọ Nguyên vì không trả tiền rượu chịu, thế là tôi trả hộ rồi rủ Bùi Giáng về nhà uống tiếp. Ông ta nhảy lên yên sau, nhưng ngồi đâu lưng với tôi, và không ngừng múa may quay cuồng”- Ông Trác kể. Cuộc rượu tại nhà ông Trác kéo dài đến…sáu tháng, và thử hình dung một gia đình gồm hai vợ chồng với bốn con nhỏ trong một mái nhà không tươm tất mấy nay lại chứa thêm một người điên đúng nghĩa. “Tôi không quan tâm đến việc ông ta là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư đại học trước 1975, tôi chỉ thấy đó là một người đáng thương, đôn hậu và tử tế”- lý do ấy đủ để gia đình này chịu đựng một người khách luôn có những hành vi kỳ dị, la hét bất thường, chỉ ăn được thức ăn mềm, tắm suốt ngày, thích ra đi ngay giữa đêm khuya và có thể làm thơ bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu…Cuộc gặp tại quán rượu ấy tất nhiên cũng được Bùi Giáng viết thành thơ:
Rượu Thọ Nguyên- nhậu lu bù
Cho đời tàn xế tuyệt mù cuối năm
Rượu vào vắng bặt bóng tăm
Của chim cá với choằm hoằm tử sinh
Đôi phen sực tỉnh thình lình
Hỏi cây cỏ với thể hình người ta
– Ta là quỉ, hay là ma
Hay thần tiên dịch chuyển ra vô cùng
Chuyển vào thực thể mê cung
Dịch vào thể lệ song trùng tồn sinh…
(Rượu thọ nguyên)
Trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, nhà thơ kiêm dịch giả kiêm biên khảo kiêm phê bình văn chương kiêm cảnh sát công lộ tự xưng là Bàng Giúi không ngừng làm thơ, nhiều đến mức lắm khi gia chủ phải khiến ông tiu nghỉu khi kịp giành lại những bức ảnh kỷ niệm của gia đình mà Bùi thi sĩ định lật mặt trái để…đề thơ. Cô bé 9 tuổi nhỏ nhất nhà là người tìm ra giải pháp: cô tặng Bùi Giáng những cuốn tập 100 trang cho ông thỏa thích phóng bút. Khi mười bảy cuốn vở đã đầy thì ông bỏ đi…
Không ai biết mặt TTKH và nhà thơ này chỉ để lại một dấu hỏi, còn Bùi Giáng dù lang thang khắp chốn trước mắt bao người nhưng gieo rắc hàng loạt câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp: Ông điên thật hay giả vờ? Tự học khi nào để có thể dịch được bốn thứ tiếng Anh-Đức-Pháp-Hán? Sáng tác ra sao mà trở thành một trong những tác gia nhiều đầu sách nhất của miền Nam trước 1975: hơn 50 cuốn? Qua lời thuật lại của ông Lê Trác về những gì thi sĩ Bùi Giáng tiết lộ trong sáu tháng ngụ tại nhà ông, có thể chắp nhặt đôi điều giúp được cho giới nghiên cứu văn học sử (xin không nhắc lại những điều đã nhiều người biết): Tên ông lý ra là Bùi Dán, nhưng khi đi làm khai sinh thì nhân viên hộ tịch viết sai thành Giáng. Năm ông lên hai, trong một lần cãi nhau người cha đã giành Bùi Giáng từ tay vợ ném ra cửa, trúng nhằm một cây đinh cắm sâu vào trán, vết thương rất nặng khiến ông chết đi sống lại, nhờ người vú nuôi tận tình chăm sóc mà đến lúc ông lên chín mới lành hẳn. Chi tiết này trùng khớp với “tiểu sử tự ghi” mà Bùi Giáng để lại ở chùa Pháp Vân – Gia Định hai năm sau đó – tháng 8 năm 1993, và phù hợp với vết sẹo trên trán thi sĩ. Như vậy tổn thương ở vùng đầu này có thể là căn nguyên cho chứng điên phát tác về sau. Nghĩ cũng lạ: xưa nay nhiều người tỉnh bị ngờ là điên, nhưng mấy ai điên lại bị người đời nghi là tỉnh như Bùi Giáng. Cũng theo ông Trác thì sau người vợ Phạm Thị Ninh mà nhiều tư liệu đã nhắc đến, Bùi Giáng còn một người vợ hiện vẫn sống ở Hội An, và hai người có với nhau một con gái (?).
Nhiều người thường thắc mắc mỗi khi bắt gặp Bùi Giáng múa may ngoài đường là cái thân hình gầy nhom khô đét ấy lấy đâu ra năng lượng để quay vù vù như một cái chong chóng đủ màu suốt từ sáng đến tối, bất kể nắng hay mưa, thì nay thắc mắc ấy phần nào được giải đáp: Bùi Giáng thường xuyên tập yoga trong thời gian ngụ tại nhà ông Trác, nên có lẽ nhờ đó mà dù ăn rất ít vì răng cỏ không còn bao lắm nhưng thi sĩ chẳng mấy khi bệnh tật và đủ sức uống rượu tì tì. Và cũng đừng tưởng nhà thơ điên này là bẩn nhé: Ông tắm rất nhiều lần trong ngày.
Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi không thể không hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời không mới: “Quả tình tôi không biết Bùi Giáng điên hay tỉnh, vì khi điên thì ông điên dễ sợ, còn khi tỉnh thì thông minh tuyệt đỉnh, trí nhớ phi phàm!”- ông Trác thú thật.
(Còn tiếp)
Hữu Bảo
(Nguồn: http://www.viet-studies.info./BuiGiang_DiCaoLeGiaTrang.htm)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.