Ngày ấy… ngày ấy anh Trí còn tóc xanh. Xanh đen. Anh gầy hơn bây giờ nhiều, mái tóc dày và cổ lộ hầu càng nhấn mạnh hai cánh tay dài ngoằng. Nhưng dưới mắt tôi lúc bấy giờ, dưới mắt cậu học sinh thành tín là tôi ngày ấy, anh là hiện thân của nghệ thuật, là cánh cửa mở ra một vườn trái sực nức hương xa, mà tôi ngập ngừng chưa dám bước vào. Mỗi lần anh khuỵu chân để hạ khổ người lênh khênh xuống cho vừa tầm một bức tranh đặt cách xa ba thước, nghiêng đầu về bên trái, bên phải, rồi vừa nheo mắt vừa dịch dần cho đến khi đôi kính cận thị dày cộm áp thật sát mặt tranh-đó là cách xem tranh của anh ngày ấy-thì tất cả chúng tôi, những người học trò tập hợp vào sang chủ nhật trong xưởng vẽ của anh đặt trên gác cửa hiệu bách hóa ỡ Ngã Giữa, đều nín lặng chờ đợi kiên nhẫn. Như chờ người mở cổng. Như chờ cánh tay sẽ quàng tay chúng tôi dắt vào vườn trái.
(Ảnh: minh họa- Nguồn: Internet) |
Anh không phụ những phút chờ đợi của chúng tôi. Thành phố quê tôi ngày ấy chỉ có ba họa sĩ. Một là thầy giáo dạy vẽ tại trường tôi học, mà chúng tôi quen xem là một thầy giáo giữa bao nhiêu thầy, cô trong trường. Người thứ hai từ xa đến, tạm dừng ở Huế một hai năm, để rồi lại ra đi. Cho chúng tôi, với chúng tôi chỉ còn anh Trí nữa thôi. Ra trường rồi, anh làm có mỗi một việc: vẽ, vẽ trong cái thế giới riêng của anh, trên căn gác bấy giờ còn trần truồng và vắng lặng ở Ngã Giữa. Anh đã dành hàng bao nhiêu buổi, kéo dài hàng tháng, tính lẻ tẻ e đến hàng năm, để chép tranh thờ. Anh không muốn vẽ như nhà trường đã dạy anh. Anh muốn nhìn chuyện đời và sự vật bằng con mắt riêng của anh.
Với tranh thờ, anh cố quay về nguồn gốc để tìm cho ra con mắt ấy. Kết quả đầu tiên, hồi tôi mới quen anh, là một số tranh khổ vừa và khổ bé, với những hình ngồ ngộ, “tưng tửng”, có khi ra sức cô đọng bằng nét bút tỉnh giản gần như của trẻ con, khi lại cố tình màu mè một tí, đôi tí bằng một bút pháp rắc rối hơn, mang hồi âm của tranh thờ. Và nhào tất cả lại là những hòa sắc biến đổi từ tranh này qua tranh kia, nhưng ít nhiều đều được chắt lọc từ lối ghép màu có phần quái đản của một số tranh Mẫu. Đặc biệt, anh hay dùng một sắc độ lục, mà có người vẽ đương thời gọi là “lục tàu”. Trong nhiều trường hợp anh gắn cho sắc độ ấy một chiều thăm thẳm.
Tranh thời ấy, anh Trí chỉ còn giữ có mấy bức. Hầu hết bị mất mát trong khói lửa những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng trí nhớ bằng mắt của tôi còn giữ được gần nguyên cho đến tận nay một trong những bức tranh tôi yêu nhất của anh ngày đó. Toàn bộ Bờ Hồ thu lại trong một khuôn hẹp. Hồ Gươm chỉ còn lại một khoảng nhỏ tím sâu, với một vài vệt son vừa đủ để gợi lên cầu Thê Húc. Nhưng hồ và cầu chỉ mới là cái khung, cái khung hư huyễn của một không gian xa lắc. Đánh dấu cái hư huyễn ấy, còn có một gốc liễu rũ rất cách điệu, rất giản lược và một bong si lục, dưới đó lủng lẳng những ngựa giấy và đồ mã quá khổ. Nhưng bao quanh cái không gian đã hướng về cõi âm ấy, là không gian thực hơn của cuộc sống bình dị, cuộc sống hằng ngày quanh Bờ Hồ…Là một chiếc ô tô, là một đôi vợ chồng, là một chú bé. Chỉ chừng đó thôi, cho không gian thoáng hẳn lên, để đối lập với cái đặc, cái đầy và sâu của khoảnh nhỏ không gian Hồ Gươm. Góp phần vào độ thoáng ấy, không chỉ có độ thưa của hình họa mà còn có hòa sắc cố tình phơn phớt, và nhất là còn có bút pháp vẽ hình nữa. Xe và người được thể hiện tròn tròn, tuy hơi bẹt với đường viền đen cẩn thận bọc lấy từng mảng màu nhạt, như lối vẽ của trẻ con khéo tay. Gò gẫm mà vẫn thoải mái, như đồ chơi bình dân bằng sắt tây ở Hàng Thiết thời ấy.
Nhưng “cái đinh” của bức tranh, cái neo mắt người xem ngay từ tích tắc đầu tiên, chính là nhân vật được đặt giữa trung tâm tranh, ngay giữa lòng tranh một sĩ quan Nhật khệnh khạng lê kiếm giữa đường, trong khi ô tô và những nhân vật khác ngoan ngoãn đi sát vỉa hè, trên vỉa hè. Cũng là nét bút của trẻ con, nhưng không “tròn trịa” nữa mà gãy góc, thô vụng, cố tình thô vụng, có mấy nét thôi mà cũng không bắt vào nhau thực khớp, phần nào cũng có “tung tóe” ra, như nhỡ tay, nhỡ bút… Người Nhật ấy không dính dáng gì đến khoảnh nhỏ không gian hư huyễn của Hồ Gươm. Đã đành! Nhưng điều làm tôi thú hơn, thú mãi là y cũng không khớp nổi vào không gian xung quanh y, không gian tưởng như có y trong đó, không ăn nhập gì với chiếc xe và những người đi bộ khác. Mà không chỉ riêng bởi phong cách hình họa. Còn một lý do khác nữa, lý do không gian. Tuy đứng giữa lòng tranh, không nhích quá xa các nhân vật khác, viên quan võ Nhật vẫn chiếm lĩnh một không gian biệt lập, vì người vẽ đã đặt y lên một không gian riêng dành cho y, không liên quan gì đến mặt phẳng của những hình khác, quá lắm thì chỉ cắt các mặt ấy ở những giao tuyến bị bắn xa đến vô cực, ra bên ngoài khung tranh.
(còn tiếp)
Nguồn: Sách Nguyễn Từ Chi- Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người.