Gia đình trí thức Hà Nội (kỳ 2)

0
825
Tính chất chủ động sáng tạo hay năng lực chia sẻ nói trên là điều nổi trội nhưng vẫn đang được bồi đắp nuôi dưỡng bằng những ký ức của cá nhân các thành viên trong những gia đình trí thức [1]. Tôi thật sự tin rằng ý tưởng coi gia đình như một tác nhân sống có mục đích, biết chia sẻ vốn liếng trí tuệ như một khối tài sản đạo đức tập thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lý tưởng hóa truyền thống lâu dài của tinh thần quốc gia của Việt Nam. Những lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được đông đảo người dân nêu ra như là hiện thân của những phẩm chất dân tộc đặc sắc này. Tôi sẽ trở lại điểm này dưới đây khi tập trung vào phân tích tầm quan trọng của việc những người cung cấp thông tin cho tôi trong lúc kể chuyện đều gọi Chủ tịch là Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc và thế giới bên ngoài, và là hiện thân của những phẩm chất gia đình cao quý về mặt đạo đức – những phẩm chất vốn giữ vị trí thiết yếu đối với đời sống trí thức trong và ngoài nếp nhà.
Chuyện kể là một biểu hiện của đời sống đạo đức và tính tích cực chủ động 
(Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những dịp kể chuyện đối với việc tạo ra ý thức về bản sắc gia đình, nhất là thành công của những người tôi phỏng vấn trong việc lưu trữ những trải nghiệm cuộc sống thông qua việc kể chuyện. Điều này kéo theo hàng loạt quá trình khác nhau, kể cả việc chia sẻ và trao truyền dữ liệu chuyện đời. Một mặt, các yếu tố của nó chỉ ra các nét đặc trưng trong những thành đạt về sự nghiệp của những cá nhân đáng kính. Đồng thời việc trình bày nó ra đã xác nhận những mối chân tình qua đó các gia đình trí thức giữ gìn cuộc sống và bản sắc của mình như là nơi nuôi dưỡng những người phục vụ quên mình cho quốc gia và thế giới bên ngoài.
Hành động kể chuyện và những dịp kể chuyện mà tôi muốn nói tới ở đây bao gồm cả những hoạt động như là tiến hành các cuộc gặp gỡ để tưởng niệm hay xuất bản những tập sách được chính thức chấp thuận để tưởng nhớ các bậc lão thành xuất chúng [2]. Quan trọng ngang như vậy là những cuộc trao đổi thân mật vốn là trung tâm trong cuộc điền dã của tôi ở Hà Nội. Trong những dịp này, người ta phát biểu cho họ hàng và những người khác về một di sản về sự thành đạt. Sư thành đạt này vừa mang tính chất gia đình và vừa là dấu ấn của nhiều mạng lưới và quan hệ khác vốn xác định nên những đức tính của một người yêu nước và “người hiện đại” xã hội chủ nghĩa giác ngộ.
Dự án này của tôi xây dựng trên nền tảng đào tạo kết hợp của tôi cả về nhân học lẫn sử học để đóng góp vào cách hiểu của nhân học về ký ức và sự truyền tải nó thông qua các quá trình kể chuyện của cá nhân và tập thể [3]. Nó cũng phản ánh mối quan tâm chung đến hai lĩnh vực then chốt vốn thu hút sự chú ý của các nhà nhân học ở bên trong cũng như bên ngoài Vương quốc Anh mà tôi chia sẻ với các đồng nghiệp của tôi ở Cambridge: đó là việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội và thị trường hóa trong bối cảnh những nước đã từng và vẫn đang chính thức theo xã hội chủ nghĩa, cùng việc nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và di sản văn hóa xã hội ngày nay của nó. Tại Cambridge, những quan tâm này đã tạo ra sự tương tác giữa các nhà nhân học với các nhà khoa học xã hội khác, và những người làm việc với các quan tâm này nhấn mạnh rằng cần thừa nhận tính tích cực chủ động về đạo đức của những người mà chúng tôi nghiên cứu [4]. May thay cho chúng tôi là công việc của chúng tôi trong lĩnh vực này đã tạo ra sự cộng tác có hiệu quả với các học giả nước ngoài, nhất là các nhà nhân học xuất sắc từ Việt Nam.
Phần còn lại của bài viết này dựa trên những quan tâm nghiên cứu hiện nay của tôi, nhất là nghiên cứu về hoạt động kể chuyện. Ở đây tôi gắn kết với tư duy đương đại coi chuyện kể là một biểu hiện của đời sống đạo đức và tính tích cực chủ động, và đặt ra cho nhà nhân học những câu hỏi quan trọng về mức độ mà câu chuyện kể sẽ phản ánh sáng kiến chủ động của cá nhân hay tập thể, những sáng kiến đối lập với những huyền thoại sẵn có từ trước, với tri thức chính thống và với các cơ cấu mang tính chất tiền định khác [5].
 [1]     Khảo sát của tôi về gia đình dựa trên Malarney (2002), Rydstrom (2003); Schlecker (2005); Stafford (1995, 2000); Yan (2003). Về cảm xúc như một năng lực quan trọng trên phương diện đạo đức với những hàm ý cá nhân và chính trị, xin xem Marsden (2007). Mối quan tâm của tôi đến những ý tưởng của người Việt Nam về cảm tình như là một thước đo năng lực đạo đức dựa trên những công trình như Wikan (1990) và Trawick (1992).
[2]     Ví dụ: Nhiều tác giả (2002) và Nguyễn Kim Nữ Hạnh (2003).
[3]     Với tư cách là người từng nghiên cứu Ấn Độ, tôi đã xem xét bước đầu những khả năng để so sánh nhân học thông qua câu chuyện về những trải nghiệm tương phản của “người hiện đại” trong giới trí thức Ấn Độ và Việt Nam. Khi bàn đến ý tưởng về phe xã hội chủ nghĩa thế giới, tôi vay mượn từ Pollock (1998) và từ công trình của các nhà nhân học về cuộc sống và cái nhìn thế giới (cosmopolitanism) (Humphrey 2004; Ho 2002 và 2004). Một quan sát chủ chốt của những công trình gần đây theo chiều hướng này, bắt nguồn từ mối quan tâm tổng quát hơn đến hai kiểu bản sắc cộng đồng “đóng” và “mở”: đó là có một số dạng người đi đó đi đây nhiều, sống cuộc đời dịch chuyển và di động rày đây mai đó ở những nơi rất xa, [nhưng lại] có thể gắn bó chặt chẽ với quê nhà của mình. Có thể mô tả những người này là “người có cuộc sống rất thế giới nhưng gắn bó với địa phương” (local cosmopolitans) (Ho 2004), và “công dân linh hoạt” (flexible citizens) (Ong 1998). Tôi cho rằng người trí thức hiện đại của phe xã hội chủ nghĩa đã sống cuộc đời rày đây mai đó ngang như vậy trong một thế giới mênh mông và phức hợp đầy những di động hữu ích, trong đó các gia đình và quốc gia triển khai và sử dụng tri thức như một công cụ có mục đích đạo đức để xác lập những quan hệ xuyên khoảng cách thời gian và địa lý rất lớn.
[4]     Quan điểm của chúng ta với tư cách nhà dân tộc học trên thực địa rất trái ngược với cách tiếp cận của những nhà lý thuyết vốn viết về cái gọi là những “hậu thuộc địa” như là môi trường cho những diễn ngôn nô dịch [chịu ảnh hưởng của thực dân], nơi thể hiện hiệu ứng của quyền lực giám sát, và những thực tiễn tri thức khác phi cá nhân hóa và không mang tính chủ thể.
[5]     Về chuyện kể trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa/hậu xã hội chủ nghĩa, xin xem Skultans (1998) và Borneman (1995); cũng xin xem tìm hiểu của ông về tiền bạc và ký ức trong bối cảnh những sáng kiến hàn gắn [chiến tranh] của Đức (2002).
              (Còn tiếp)
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thị Thu Hằng và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.