Cũng như “bỏ mả”, từ “nhà ma” chỉ là một từ hiểu lầm của người Kinh: người Ba Na bảo rằng đấy là “nhà ma” (hnem atâu). Thực ra, không phải chờ đến lễ “bỏ mả”, nơi chôn người chết mới được che chắn lại bằng một ngôi nhà. Ngay từ khi mới chôn người thân xuống một mảnh đất nhỏ thuộc “nghĩa trang” làng, người ta đã che ngôi mộ mới bằng những nóc nhà đơn sơ nhưng chắc chắn, và bao quanh mảnh đất ấy một hàng rào đủ vững chắc để ngăn thú hoang vào phá phách. Rất tiếc rằng cho đến nay, tôi vẫn chưa rõ ngôi nhà ấy mang tên gì và có đeo đuổi mục đích tôn giáo nào không, ngoài chức năng che mưa, che nắng. Dù sao, nhà ma thực sự với đầy đủ các chi tiết trang trí của nó, chỉ ra đời ngay trước lễ “bỏ mả”, nhằm thay thế ngôi nhà cũ. Mà không phải chỉ ra đời dưới tay của người trong gia đình chịu tang: có thể nói rằng đây là một công trình tập thể, trong chừng mực mà vẽ, đan, đẽo, tạc đều đòi hỏi sức đóng góp của những người khéo tay trong làng, đôi khi cả một số người khác được mời từ vài làng lân cận đến.
Những điêu khắc tại “nhà ma” – Nguồn: Internet |
Chẳng có thể nói gì nhiều về lễ “bỏ mả”, mà tôi chỉ được dự chỉ có mỗi một lần trong hai tháng đi năm ấy. Có nghe các cụ nói điều gì, tôi sẽ cố tóm lại bằng một hai câu. Còn như giờ đây, để chuẩn bị đi vào “nhà ma”, nếu có cần thì cũng cần một ý rất chung thôi: “bỏ mả” không chỉ là lễ, mà còn là hội, hội – lễ lớn nhất của người Ba Na có lẽ, và vì là hội nên thời gian “bỏ mả” trước kia có thể kéo dài đến năm ngày đêm hoặc hơn nữa, lại là dịp lớn để cho số đông người dự hội biểu diễn nghệ thuật: ca- múa- nhạc…
Một chi tiết chẳng mấy quan trọng, mà đến nay vẫn chưa được xác minh cho chắc, nhưng lại liên quan đến ý nghĩa của nghi lễ: theo lời một vài cụ, có thời (?) mà các đêm “bỏ mả” chính là những đêm hoàn toàn tự do đối với trai gái chưa vợ chưa chồng. Và cuối cùng, một hiện tượng ngỡ như đầy mâu thuẫn. “Nhà ma” được dựng lên trước lễ “bỏ mả” với bao công phu như ta vừa thấy, nhưng lại bị “bỏ” đi ngay khi vừa kết thúc, không còn được người nhà chăm lo, bảo dưỡng: mái sập, rào xiêu, cột ngã, hoa văn mờ đi…mặc, cho đến khi toàn bộ khối kiến trúc ấy tiêu tan hẳn. Ta sẽ còn dịp quay về trong chớp nhoáng với hai mâu thuẫn còn nêu trên, sau khi đã điểm qua vài đồ án trang trí trên “nhà ma”.
Hơn một tháng đi, ngày nào cũng xem, cũng ngắm, tuy hỏi được ít thôi, như thế hoàn toàn chưa đủ để từ ấy rút ra tí gì về ý nghĩa của hoa văn đã gặp. Có thể nói lên cảm xúc tại chỗ, cũng có thể đưa ra một bảng thống kê các đồ án khác nhau, còn như ý nghĩa, trước hết là ý nghĩa tôn giáo, thì…! Mà thiếu nó, còn làm sao hiểu được “nhà ma” trong khung của tang lễ? Nói thế, để người đọc thông cảm cho rằng những gì tôi viết ra ngay sau đây chỉ là cảm giác ban đầu.
Chỗ tập trung hoa văn nhiều nhất trên “nhà ma”, cả Gia Rai và Ba Na, theo tôi là đường nóc.
Trong trường hợp Ba Na, trên đường ấy, một đồ án hình học thường hiện lên ở vị trí trung tâm, có khi ở nhiều nơi, đặc biệt hai đầu nóc: đó là một vòng tròn, thường thủng ở giữa, bao quanh là những tia nhỏ. Chỉ nhìn qua thế thôi, dù chưa kịp hỏi han gì, ai cũng có thể tạm đoán rằng đấy là hình “mặt trời” (mặt anar). Trong không ít trường hợp, kèm theo “mặt trời” là một hay nhiều hình liềm, mà người bản địa gọi là “mặt trăng” (mặt khoi).
Cũng gắn với tường nóc, mặt trời còn hiện lên dưới một dạng có phần khác. Từ hai đầu cùng của đường ấy, nhô ra ngoài những mảnh gỗ có phần cong và vểnh lên, đôi khi vểnh lên như thẳng đứng thường mang tên “tia mặt trời” (xđrăng măt anar), vì kết thúc mỗi mảnh ấy là vòng tròn có tia đã nói trên, có điều rằng các tia này không tự hạn chế quanh vòng, mà còn được cắm vào dọc hai đường biên của mảnh gỗ, khiến người xem có cảm giác đang đứng trước một con vật bò sát lớn: mà quả thực, vì tên gọi “tia mặt trời” có khi thay bằng một từ ghép khác, “đuôi rồng” (tiông prao).
Ngoài “mặt trời”, và đôi khi cả “mặt trăng”, đường nóc của “nhà ma” Ba Na còn phô ra một số hoa văn hình học khác nữa mà tôi ngỡ cũng là “mặt trời”, dù cho chúng mang tên khác. Trong số ấy, nổi bật nhất, vì gần với hình mặt trời nhất, là ba đồ án sau đây: “khiên” (khêl), “hoa mướp” (pkao diêm), “lớn”, hay “chính” (brơng).
(Còn tiếp)
Nguyễn Từ Chi
Nguồn: Sách Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người