Bằng thanh âm đa dạng, độc đáo, các loại nhạc cụ dân tộc sẽ góp phần nâng giá trị và sức hấp dẫn của hai di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn
Những đường phố cổ kính và gần gũi của đô thị cổ Hội An, các ngõ quê dọc theo đồng lúa bạt ngàn của huyện Duy Xuyên dẫn về khu đền tháp Mỹ Sơn vào hai ngày 7 và 8-9 sẽ ngập tràn âm sắc trang nghiêm và rạo rực của các loại nhạc cụ cổ truyền tiêu biểu đến từ ba miền đất nước. Hội vui độc đáo này là điểm nhấn thú vị của chương trình “Nhạc cụ dân tộc và xe cổ – Hành trình di sản” chào mừng 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Một tiết mục trình diễn nhạc cụ cổ truyền của người vùng núi phía Bắc tham gia chương trình Ảnh: Thiên QuangDi sản mà không có âm nhạc thì sẽ thiếu cái hồn của nó. Âm nhạc, đặc biệt là thanh âm xưa cổ, sẽ giúp di sản có thêm chiều sâu, dễ ở lại lâu trong đời sống cộng đồng. Đó là một trong những lý do thôi thúc chúng tôi tổ chức chương trình này.
Hơn 60 loại nhạc cụ truyền thống, chắt lọc từ tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc được trình diễn bởi hơn 200 nghệ nhân, diễn viên thuộc nhiều dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hòa quyện cùng hơn 150 xe hơi, xe máy, xe đạp có niên đại xa xưa, thanh âm vang ra từ nhạc cụ sẽ phác họa thêm một góc nhìn độc đáo về chiều sâu nội tâm của hai di sản được thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ.
Đây là một dụng công hướng đến sự giao thoa văn hóa – nghệ thuật giữa các báu vật có niên đại xa xưa với điểm chung là phương tiện phục vụ đời sống và làm thăng hoa trí tuệ, tình cảm. Giữa xe và nhạc cụ – giữa phương tiện di chuyển giúp đôi chân đỡ vất vả và công cụ làm thăng hoa xúc cảm – tưởng không có điểm tương đồng nhưng kỳ thực, trong sâu thẳm, chúng lại có mối quan hệ thiết thân, bền chặt. Tất cả đều nhằm phục vụ đời sống, đều hướng đến mục tiêu làm cho con người vui hơn, hạnh phúc hơn, đều thấy đời tươi đẹp và quý giá hơn lên.
Để có được chương trình này, các thành viên Ban Tổ chức đã cất công sưu tầm, tìm hiểu tại nhiều nơi, từ vùng cao phía Bắc đến các thôn bản hẻo lánh phương Nam, các buôn làng hiểm trở cao nguyên. Hòa trong âm sắc đa dạng và đầy quyến rũ của từng nhạc cụ tiêu biểu, công chúng sẽ nhận ra kho tàng âm nhạc đặc sắc, không trộn lẫn, không pha tạp của từng dân tộc, từng cộng đồng. Đó là tài sản vô giá góp phần làm nên bản sắc văn hóa của từng vùng đất nói riêng và tinh hoa của cả đất nước nói chung. Bằng tài năng và nhiệt huyết của nhiều thế hệ nghệ nhân, diễn viên, kho tàng quý báu ấy không hề mai một, được lưu giữ vững bền trong đời sống và hiện diện sinh động trong công cuộc phát triển đất nước.
Xuất hiện hôm nay trong không gian cổ kính của hai di sản còn in đậm dấu tích tâm hồn và sức sáng tạo của các bậc tiền nhân đất Quảng, thanh âm của nhạc cụ cổ truyền sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, chiều sâu nội tâm của xứ sở địa linh nhân kiệt. Từ tiếng đàn đá có tuổi thọ hàng ngàn năm đến tiếng sáo trúc, đàn cò, đàn bầu, cồng chiêng, tơ-rưng, giai điệu từ các nhạc cụ sẽ dắt người xem về với cội nguồn dân tộc, đến gần hơn với các giá trị đạo lý, rung cảm hơn với nghĩa tình Việt Nam. Sẽ hiện rõ bóng dáng cha ông trên hành trình mở mang bờ cõi, nhắc nhớ về tình tự, lòng bao dung, sự sẻ chia, độ lượng. Một vẻ đẹp huyền bí, thiêng liêng sẽ hiện hữu khi thanh âm dào dạt kia từ dàn nhạc cụ len vào từng mái ngói xanh rêu của phố cũ, tan cùng sắc nâu trên lưng tháp cổ ngã màu. Cảm hứng về cái đẹp miên viễn và giá trị vô tận của hai di sản sẽ càng thêm ngọt ngào, giúp con người thêm tự tin, hào sảng được sống và lao động trên vùng đất đặc biệt này.
Đưa nhạc cụ truyền thống và xe cổ vào không gian thiêng liêng của Hội An và Mỹ Sơn, các nhà tổ chức xem đây là nghĩa cử trả ơn đối với trí tuệ, công sức của tiền nhân, đồng thời là một nhắc nhở với thế hệ tương lai: Cách trả ơn tốt nhất là ra sức giữ gìn, tôn tạo để giá trị các di sản không mai một!
LINH CHÂU
Nguồn: http://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/am-xua-tren-cung-duong-di-san-20190904092813126.htm