Trong công cuộc chiến đấu của lực lượng Cách mạng, trận đánh giải phóng miền Nam lan từ Sài Gòn đến Bình Dương, quân ta chuẩn bị cho trận đánh quyết định trước một tháng, đào địa đạo ở khắp nơi, chuẩn bị mọi thứ, do không phải là đấu tranh chính trị như Cách mạng tháng Tám năm 1945, mà đây là chiến tranh vũ trang, súng đạn rất nguy hiểm.
>>> Ký ức thời chiến: “chiến tranh đặc biệt” tại Sông Bé (phần I)
>>> Ký ức thời chiến: “chiến tranh đặc biệt” tại Sông Bé (phần II)
Ngoại nói trong nhà dân ai cũng có đào hầm địa đạo sẵn như ở quê mình, mà hầm rộng hơn, sâu hơn nhiều, vì ở quê chỉ để nấp thôi, còn đây thì hầm là nơi sinh hoạt mọi thứ. Trước trận đánh quyết định, mọi người ai cũng chuẩn bị mọi thứ, bà ngoại kể, bà chuẩn bị lương thực để những ngày diễn ra giao tranh, cả gia đình phải trốn xuống hầm sống, ở trên rất dễ bị đạn pháo bắn chết, ngoại phơi khô bánh mì, dự trữ rất nhiều ăn đủ trong vòng nhiều ngày, được người trong nhà thông báo là Việt Cộng sẽ tràn về giải phóng, việc chuẩn bị thức ăn kéo dài cả tuần.
Khu vực ông ngoại đang bị giam được giải phóng trước, ông ngoại chạy về nhà cùng gia đình. Bắt đầu trận đấu, pháo cả hai bên bắn nhau dữ dội, người dân phải nhanh chóng nấp suốt dưới hầm, tiếng pháo, mặt đất rung chuyển suốt ngày đêm và kéo dài đến 3 ngày. Tất cả mọi người trong gia đình ông cố, công bà ngoại, 2 cậu đều ở hầm sinh hoạt. Ngoại nói, trong hầm rất tối, khó nhìn thấy, rất cực khổ, khó khăn.
Lúc ngoại kể đến đây, mẹ em liền hỏi vậy hai cậu còn nhỏ mà không sợ tối, không khóc à, bà ngoại nói lúc đó không ai biết sợ gì hết, phải ráng chịu chứ sao. Em nghe mà nể phục ý chí sống kiên cường của mọi người trong thời buổi gian khổ, mưa bom đạn lạc. Pháo của quân ta bắn vào thành công binh, lúc trước là chốt của giặc, nhưng lại bắn lạc đạn, bay rất nhiều vào nhà dân, còn quân Nhà nước thì bắn 2 bên đường nhằm ngăn chặn quân ta tiến công với quan niệm “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót” và như vậy, người dân phải chịu hai luồng pháo nữa, rất nhiều người dân chạy không kịp phải bỏ mạng. Xác người chết nằm la liệt khắp mọi con đường,mọi ngóc ngách: quân địch, quân ta và dân thường. Mỹ-Ngụy cho xe ủi toàn bộ xác người xuống sông Bạch Đằng. Ngoại nói: “Xác người mà như gì vậy, ủi xuống hết, ghê rợn”.
Sau 3 ngày chiến đấu,nghe tin quân ta giành thắng lợi, mọi người đều vui mừng, từ trong nhà, dân ta đổ ra đường mít tinh, hưởng ứng chiến thắng của Cách mạng. Ngoại kể ngoại thấy nhiều người chạy vào kho lương thực của địch lấy gạo về, nhiều lính Ngụy cởi đồ lính, áo lính, quăng súng vì sợ bị bắn. Lúc sau khi Việt Cộng vào tiếp quản thì ngăn mọi người lại, không cho lấy gạo nữa. Có nhiều người rủ ngoại đi lấy, mà ngoại không biết trong đó như thế nào, không dám đi lấy. Khi em hỏi cảm nghĩ của ngoại như thế nào về khoảng thời gian đó, ngoại nói lúc đó khó khăn, trận chiến đấu vô cùng ác liệt, đạn pháo bay vào nhà người dân, giết người không thương xót, vậy mà lúc đó ai cũng có ý chí vượt qua mạnh mẽ, không thấy sợ gì, giờ nhớ mà thấy sợ, rồi lúc biết tin thắng lợi, mọi người đều rất vui mừng, đánh đuổi được giặc ngoại xâm, chấm dứt chiến tranh, thoát khỏi những trận mưa bom, mưa đạn khủng khiếp.
Riêng em, đó giờ, học trong sách sử, em được học về những trận đánh của quân dân ta,nhưng chủ yếu là khái quát, nên khó mà có thể hình dung được hết những hình ảnh chiến tranh khốc liệt như bây giờ được tận tai nghe ngoại kể, giờ thì được nghe bà ngoại kể rất rõ cuộc sống đời thường của người dân trong trận đánh, và còn biết tâm lý của người đã từng trải, từng sống trong chiến tranh, em thực sự rất khâm phục đức tính chịu thương, chịu khó, vượt qua tất cả, dù giữa chiến trường bom đạn, xác người chất núi, khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng nhân dân ta đều kiên trì vượt qua, chiến đấu anh hùng, đặt niềm tin vào Đảng, vào Cách mạng, và vì miềm Nam ruột thịt. Sau khi giải phóng, lực lượng Cách mạng vào tiếp quản, ông ngoại được thả tự do và trở về nhà.
Tiếp tục ở Thủ Dầu Một một thời gian, mặc dù không còn chịu sự cai trị của Mỹ-Ngụy nhưng miền Nam nước ta mới giành độc lập hoàn toàn, với bàn tay trắng phải xây dựng lại cuộc sống sau những mất mát, hư hại do chiến tranh tàn phá, ngoại nói: “nói giải phóng vậy chứ, mới được độc lập mà, còn khổ lắm”. Ông ngoại ra tù, đi làm thuê ở xưởng gạo, bà ngoại thì tiếp tục đi làm công chánh, nhưng cuộc sống cũng phần nào tốt hơn, không còn chiến tranh, không phải hồi hộp vì sợ bom đạn như trước nữa, yên tâm hơn, có thêm ông ngoại giúp đỡ trong việc kiếm thêm thu nhập.
Ở Thủ Dầu Một được một năm kể từ khi giải phóng, năm 1976, ông ngoại lo lắng cho phần đất ông bà để lại ở quê nhà nên gia đình quay trở về Chánh Phú Hòa. Miền Nam mới giành độc lập, ở quê còn nghèo hơn, đất đai thưa thớt, đời sống nhân dân còn khó khăn. Đất hoang và rừng còn nhiều, bao phủ một vùng rộng lớn, đất canh tác ruộng thì ít.
Nhưng không nhiều người dám đi khai phá, những tàn tích chiến tranh, bom đạn trong chiến tranh vẫn còn đâu đó dưới lòng đất, nên ít người đi khai phá đất làm ruộng. Do lúc trước Mỹ-Ngụy đô hộ, phần lớn mọi người đi làm thuê, làm mướn, không có đất riêng của nhà, ông bà ngoại cũng không ngoại lệ. Ban đầu về nhà, gia đình không có đất canh tác, phải đi mướn của người ta, do nhà còn nghèo, không có trâu bò để cày, kéo xe. Ông bà ngoại cũng phải đi mướn trâu về cày đất, nếu không có trâu thì phải lao động hoàn toàn bằng chân tay. Bà ngoại nói đất ruộng lúc đó phèn nhiều khó trồng lúa, đất lầy chiếm phần lớn diện tích.
Lúc này, bà ngoại đã sinh mẹ em là cô Nguyễn Thị Kim Liên và dì Út em nên gia đình càng đông, càng có nhiều miệng ăn, cần nhiều lương thực hơn. Mẹ em đã chứng kiến tình cảnh lúc đó, mẹ nói: “Dưới ruộng đất lầy đi mà lún tới cổ, đỉa thì nhiều quá chừng, lúc nhúc, dài dài mà nhiều nhìn y như bánh canh vậy, ớn lắm”. Em nghe mẹ nói mà không khỏi rùng mình, những con đỉa bám vào chân mình mà hút máu, ông ngoại nói nhất là mấy con đỉa trâu, cắn vô là không nhả, nếu không cẩn thận mà bứt ra thì mất miếng thịt luôn chứ chẳng chơi, phải lấy muối hay xà bông mà tách nó ra, không là đứt thịt, máu chảy không ngừng lại được là chết như chơi, bị đỉa cắn là máu không tự cầm được. Từ trước đến giờ em chưa thấy con đỉa ngoài đời, mà nghe vậy cũng thấy sợ. Bình thường cấy lúa thì khom người, do lầy nhiều, lún xuống nên phải ngồi mà cấy lúa.
Về sau, gia đình mua được đất và biết được đất ông bà tổ tiên để lại nữa, nhà có đất riêng cũng thuận tiện hơn. “Là nông dân cực khổ lắm, mà lúc đó còn khó khăn hơn nữa, khoa học – kĩ thuật không có, không phổ biến như bây giờ, mọi thứ đều tất cả làm bằng sức người, công cụ thô sơ giống như trong phim con coi vậy đó”, bà ngoại kể em nghe.
Sáng 3 giờ, bà ngoại thức dậy nấu cơm, ông ngoại dậy nấu nước nóng pha cà phê uống cho đỡ buồn ngủ, và uống cà phê dần trở thành như một thói quen của những người già ở vùng nông thôn, sáng dậy là phải uống cà phê cho đỡ buồn ngủ, đỡ “ghiền”.
Ăn sáng xong rồi bà ngoại đem cơm theo ra đồng, đủ cho mọi người ăn cả ngày, vì nhà cách ruộng, rẫy khoảng 10 kilômet, sáng ông bà ngoại đi bộ ra đồng, làm việc quần quật đến 12 giờ trưa mới ngừng tay nghỉ ngơi, ăn cơm, lấy sức để chiều khoảng 1 giờ lại tiếp tục công việc, làm việc đến 7 giờ tối thì về đến nhà. Hồi đó hoàn toàn không có điện, chỉ thắp sáng bằng dầu hôi. Một ngày làm việc mệt mỏi, vất vả, hầu như nhà chỉ là nơi nghỉ ngơi, ai cũng đều mệt nên ngủ rất sớm, ăn cơm xong là nhà ai cũng tắt đèn đi ngủ.
Đến giờ em còn thấy ông bà ngoại còn thói quen ngủ sớm nhưng không sớm bằng lúc trước vì giờ có nhiều chuyện gia đình phải lo hơn nhưng ông bà ngoại không thể bỏ thói quen ngủ sớm được. Cậu hai, cậu ba cũng lớn nên ở nhà giữ mẹ và dì Út em, cậu hai là anh cả nên lo hết việc trong nhà từ nấu cơm, quét nhà, giặt đồ, mẹ nói lúc đó thấy thương cậu hai lắm, ông bà ngoại cũng yên tâm đi làm. Gia đình rất nghèo, không có tiền cho con trong nhà đi học, không biết được con chữ.
Ngoại nói nhà cửa cũng không phải xi măng, gạch đàng hoàng như bây giờ, cũng như trước giải phòng, mái nhà lợp bằng tranh, vách đất, đất bùn ông ngoại tự đi lấy về rồi trộn với rơm, tự xây vách nhà,cột nhà bằng cây tự đào lỗ chôn, xem đơn giản vậy chứ nhưng kiên cố, ít nhất cũng có nơi che nắng che mưa cho cả gia đình.
Việc đồng áng cũng gặp nhiều gian khổ, sâu hại nhiều tràn lan, chưa có thuốc trị sâu bệnh, phải ráng mà chịu, sâu đục thân làm chết rất nhiều lúa, hay bám lên thóc mà hút lấy sữa, mất hết chất dinh dưỡng của gạo, không thu hoạch được.
Mùa màng thất bát, còn gặp lũ lụt. Tháng 10 là tháng thu hoạch lúa mà năm đó lại gặp lụt, lúa bị cuốn trôi hết, mọi năm thu hoạch được 30 – 35 vạ lúa, nhưng năm đó lại thu chỉ được 3 vạ lúa, nhà ai cũng vậy, thiếu thốn lương thực. Đói kéo dài day dẵng, nhà ngoại phải ăn cơm độn với khoai mì, khoai lang, củ nần ông ngoại đi đào trong rừng. Mẹ nói trong bữa cơm, ông bà ngoại lựa cơm cho hai cậu và mẹ với Út ăn, ông bà ngoại ăn củ, luôn nói “đủ gạo ăn mà” hay “ba má no rồi, mấy con ăn đi”, mẹ rưng rưng nước mắt mà kể em nghe, “thấy thương ông bà ngoại lắm”.
Cuộc sống khó khăn nhưng trong nhà luôn nhiều tiếng cười, đầm ấm, yên bình, ông bà luôn cố gằng làm việc, động viên các cậu, mẹ và dì. Mọi người trong xóm cũng không hơn gì, ai cũng xanh xao, gầy ốm. Được một thời gian, theo chỉ định của Nhà nước ta, địa phương lập tập đoàn, thu hồi đất ruộng của mọi nhà, sau đó chia đất theo đầu người, cho từng gia đình, lúc trước ai không có ruộng nay đã có ruộng, mỗi người khoảng một ha, nhưng chia đất tốt xấu thì không đều, nhà nào đất màu mỡ thì thu hoạch được nhiều lúa gạo hơn, nhà nào đất khó canh tác thì có ít gạo, đi mua gạo,còn vải thì tập đoàn bán cho từng gia đình, nhưng là vải không tốt, cả xóm chỉ có một loại vải. Nhà ông bà ngoại còn trồng đậu, tỉa đậu, tập đoàn mua rẻ, có tiền mua thêm gạo.
Sau một thời gian do không mang lại hiệu quả nhiều nên tập đoàn bị giải thể, mọi người trở về ruộng đất nhà mình canh tác như cũ. Về bệnh tật thì chính quyền bán thuốc, mà thời đó thuốc chưa được tốt, không trị được dứt bệnh, uống thuốc một thời gian không hết thì trị bằng những phương thuốc dân gian, làm việc quá sức, mắc nhiều bệnh. Để mở rộng thêm diện tích đất, mọi người đi khai phá rừng, chiếm đất riêng cho gia đình, nhưng chiến tranh đi qua, để lại nhiều vết tích chiến tranh, nhiều người đi phá rừng đạp phải mìn nổ tung người, chết không toàn thây. Nếu may mắn thì phát hiện ra “mìn ximo”, bom B40, báo cho chính quyền xuống gỡ ra đem về khu lưu trữ bom đạn tránh gây nguy hiểm cho người dân.
Còn nhiều trường hợp, muốn lấy sắt để bán thêm tiền, đã cưa bom, nổ chết nhiều người, và đến bây giờ vẫn còn nhiều trường hợp như vậy. Ba, bốn năm sau ông bà ngoại bán được bớt ruộng đất, mượn tiền thêm của bà con trong gia đình, mua được một cặp trâu, cuộc sống ngày càng tốt hơn, có trâu cày bừa, năng suất, hiệu quả tăng cao. Trả lời câu hỏi của em, bà ngoại nói cảm xúc của mình về cuộc sống trong thời kì hòa bình lập lại, sau năm giải phóng miền Nam. “Lúc đó cũng đỡ khổ hơn rồi, thoát khỏi cảnh chiến tranh, không còn thấp thỏm lo sợ chiến tranh, bom đạn. Mà cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, đất nước mới thành lập lại mà, phải xây dựng lại từ đầu, cũng như con thấy đó, mấy tàn tích, bom đạn chiến tranh còn làm chết nhiều người dân mình, y tế, trạm xá đồ chưa nhiều, bệnh tật hoành hành, không sướng như bây giờ. Bởi vậy, giờ con phải ráng học tốt để có công việc làm đàng hoàng, cuộc sống sau này đỡ khổ, phải biết thương ba mẹ, thương em con, mai mốt lớn chăm sóc ba mẹ, còn ông bà thì già rồi sống nay chết mai. Con phải biết tự chăm sóc mình nữa”.