Triển lãm ‘Trẻ em thời chiến’

0
1738
Những bức ảnh vô cùng quý giá có ý nghĩa lịch sử ghi dấu ấn về một thời đã qua đầy gian khổ nhưng vẫn chứa đậm cái chất, cái hồn của con người và dân tộc Việt Nam; nơi những nụ cười tỏa sáng, lòng quyết tâm và niềm đam mê của mỗi con người luôn bừng lên trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.

Trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta, kháng chiến chống chống Mỹ  là cuộc đấu tranh cuối cùng để giành độc lập, thống nhất đất nước. Sau Hiệp định Giơ Ne vơ năm 1954, miền Bắc tạm thời được giải phóng, miền Nam vẫn trong thế kìm kẹp của Ngụy Quân, Ngụy quyền.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, miền Bắc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.

Cuộc sống của hàng triệu đồng bào bị đảo lộn khi chiến tranh ập đến. Với trẻ em, đó quả là một thử thách hết sức khắc nghiệt. Các em buộc phải thích nghi với cuộc sống kham khổ và thiếu thốn, đặc biệt với các em học sinh ở thành phố khi phải sơ tán về nông thôn. Không điện, không nước máy, không có bố mẹ bên cạnh, các em đã nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn.

Sinh ra trong thời bình, được bố mẹ chăm sóc và thầy cô dạy dỗ, được hưởng một cuộc sống an lành và hạnh phúc, các em có biết rằng hơn 40 năm trước, khi đất nước còn chiến tranh những cậu bé, cô bé trạc tuổi các em đã phải sống, học tập, lao động dưới làn mưa bom bão đạn và góp sức cho cuộc kháng chiến?

Có lẽ chuyện học hành là điều đáng nói nhất của trẻ em thời chiến. Nếu thời nay, các em nhỏ được bố mẹ đưa đón đi học trên con đường rộng đẹp, thì các em nhỏ thời chiến phải luồn lách qua các hào giao thông, hầm trú ẩn dài hàng chục cây số để đến lớp học.

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các lớp học phổ thông đều được tổ chức học tập dưới những căn hầm đắp đất vững chắc, khác với những ngôi trường khang trang, sạch sẽ, có những phòng học hiện đại hôm nay. Hành trang đến trường của trẻ em thời chiến không có những chiếc ba lô xinh xắn mà chỉ có sách vở, túi cứu thương cá nhân và mũ rơm đội đầu.

Một tiết học nhiều lần bị “băm nát” bởi tiếng còi báo động máy bay. Các em phải học cách tự băng bó và tổ chức cứu thương; học đan mũ rơm đội đầu; học nấu ăn, tự làm lấy bánh mỳ… Nhưng vượt lên những khắc nghiệt của chiến tranh, các em vẫn chăm ngoan và học giỏi. Không thụ động trước cuộc sống thời chiến, các em đã tích cực tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, góp sức nhỏ vào công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Bởi vậy, ngày hôm nay mỗi chúng ta nên biết quý trọng nền độc lập tự do mà thế hệ cha anh đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu.

Những hình ảnh của hơn 40 năm về trước đang được Bảo tàng phụ nữ Việt Nam trưng bày tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội, từ ngày 20-24/12/2018 nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), có 4 chủ đề: Thích nghi, Học tập, Chung tay và Sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ.

Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của Trường Tiểu học Kim Đồng trong hoạt động đổi mới giáo dục, giúp học sinh có thêm nhiều bài học bổ ích.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, giúp cho các con có những bài học thiết thực về lịch sử và văn hóa của dân tộc. Thông qua những hình ảnh sinh động về học sinh thời chiến các con sẽ cảm nhận thêm được về một thời hào hùng của lịch sử, trân trọng những hy sinh của các lớp cha anh để chúng ta có được nền độc lập, hòa bình ngày hôm nay và phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn để góp sức nhỏ bé cho quê hương, đất nước”.

Trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước sẽ mãi là nơi dân tộc gửi gắm niềm tin yêu và tự hào của mọi thế hệ.
Các bức ảnh “Trẻ em thời chiến” chân thực, sinh động như những thước phim quay chậm, giúp các em hiểu hơn về cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn; những khoảnh khắc đối mặt giữa sự sống và cái chết trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt và cảm nhận được niềm vui từ những điều bé nhỏ, giản dị của tuổi học trò.
Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng say mê với những hình ảnh quý giá về “Trẻ em thời chiến”.
Em Nguyễn Phạm Mai Anh (học sinh Lớp 5A2) viết: “Qua những bức ảnh ấy, em cảm thấy rất xúc động và cảm thương cho các em nhỏ thời chiến. Các em phải tự biết thích nghi, không có cha mẹ ở bên”.
Cô và trò cùng tìm hiểu về “học sinh thời chiến”.
Bạn Tạ Phan Thảo Nguyên (Lớp 5A6) viết: “Em rất cảm phục các bạn nhỏ trong các bức ảnh triển lãm. Không gì có thể ngăn cản được tinh thần hiếu học của các bạn. Tinh thần học tập nỗ lực đó đã góp một phần nhỏ cho đất nước”.
Kiến Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.