Theo sách Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất (1) thì tờ báo đầu tiên có ra số xuân là Nam Phong tạp chí, số xuân Mậu Ngọ – năm 1918. Nguồn: Tuổi Trẻ. |
Có ý kiến cho rằng tờ báo đầu tiên trong làng báo Việt Nam có ra số đặc biệt kỷ niệm xuân là tờ Phụ Nữ Tân Văn xuân Canh Ngọ, ra năm 1930. Lý do của những người tìm kiếm tờ báo xuân đầu tiên mà bỏ qua tờ Nam Phong tạp chí là vì cho rằng đến nay không ai còn thấy tờ báo xuân ấy nữa.
Ngay cả trong tập sách Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất (NXB Trẻ tổ chức bản thảo và xuất bản tháng 6-2006), nhóm các tác giả sở dĩ xác định Nam Phong tạp chí là tờ báo đầu tiên có tổ chức làm báo xuân như một số đặc biệt kỷ niệm một dịp đặc biệt là do dựa vào một câu của Vương Hồng Sển trong quyển Thú chơi sách: “Nam Phong có cả thảy hai trăm mười một cuốn vì tết 1918 có cho ra một tập riêng, toàn thơ văn có giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt vậy”.
Dựa theo đó, các tác giả sách Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất khẳng định: “Đây được xem là tờ xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam”. Bên cạnh đó, các tác giả sách còn kể thêm tờ báo xuân thứ hai là Đông Pháp thời báo năm 1928, Thần Chung xuân Kỷ Tỵ 1929, Phụ Nữ Tân Văn xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận xuân Tân Mùi 1931… Như vậy, thứ tự ai trước ai sau trong số các tờ báo xuân đầu tiên trong làng báo Việt Nam đã được xác định rõ ràng.
Theo cái sự “nếu không lầm” của cụ Vương Hồng Sển thì Nam Phong ra số xuân đầu tiên vào năm 1918, và theo thứ tự ấy thì Phụ Nữ Tân Văn xếp hàng thứ 4, ra số xuân năm 1930, đứng sau các sự kiện làm báo xuân của Nam Phong tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, và cách số xuân của Nam Phong tạp chí những 12 năm. Lý do “không ai còn thấy tờ Nam Phong tạp chí xuân 1918” của giới nghiên cứu là có thể chia sẻ.
Ngay cả đến năm 2006, nhóm các tác giả sách Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất cũng chỉ có cứ liệu từ cụ Vương Hồng Sển, chứ phần xác định tờ báo xuân đầu tiên sách này cũng không in hình số xuân đang bàn của Nam Phong tạp chí năm 1918. Nhưng cho đến nay, khi học giới trong và ngoài nước đã lần lượt số hóa các bộ báo cũ và quan trọng thì việc tìm kiếm và hệ thống lại các số Nam Phong tạp chí cũng nằm trong không khí này. Nay, chúng tôi xin giới thiệu và khảo tả sơ nét về bản chụp bìa số xuân đầu tiên của Nam Phong tạp chí, các bài viết đầu tiên của Phạm Quỳnh và tòa soạn Nam Phong.
Toàn bộ số xuân Nam Phong tạp chí có 126 trang, bìa màu có vẽ hình hai ông Thọ cầm biển Đinh Tỵ và Mậu Ngọ chào nhau. Bài đầu tiên ký Nam Phong, có tựa là “Kính chúc hoàng thượng và quan toàn quyền”, cuối bài có câu “Đại Nam Khải Định hoàng đế vạn tuế”.
Bài tiếp theo ký tên Phạm Quỳnh, có nêu lý do của việc Nam Phong quyết định ra số xuân. Đó là vì Nam Phong bấy lâu phê phán lối hư văn, chủ trương lập ngôn “thiên trọng sự thực hơn là sự phiếm”, nên không chú ý đến “lối văn chương tiêu khiển”. Nay Phạm Quỳnh cho rằng “nhưng cái thái độ nghiêm khắc tuy ngày thường là phải, mà gặp những thời tiết vui vẻ, như hội tân xuân này, đối với cảnh, đối với người, đối với lòng hoan hỉ của mấy triệu quốc dân, tựa như gẩy khúc đàn sai dịp (2) vậy”.
Sau đó, Phạm Quỳnh nói cụ thể hơn: “Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai dịp với khúc đàn chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”.
Sau bài của Phạm Quỳnh dài hai trang là bài của tòa soạn Nam Phong dài bốn trang, cũng nhân không khí báo xuân nhắc lại phận sự làm dân trong một nước sao cho tiến bộ… Như vậy, số xuân của Nam Phong tạp chí đúng là số đặc biệt, ra riêng số tết năm 1918, số tết này nằm giữa số 8 (tháng 2-1918) và số 9 (tháng 3-1918). Về nội dung thì chủ trương nói chuyện vui vẻ, khác phong cách thường ngày của tờ tạp chí chuyên bàn những chuyện nghiêm túc.
Lam Điền (theo Tuổi Trẻ)