“Nhà ma” Gia Rai (xang atâu) có thể đa dạng hơn, so với cũng ngôi nhà ấy của người Ba Na. Càng đa dạng khi mà một mộ thôi có thể là nơi chôn nhiều người chết. Còn về trang trí trên đường nóc, thì trong trường hợp Gia Rai lại có những cảnh sinh hoạt của con người, chủ yếu cảnh uống rượu cần, mà ngôi nhà Ba Na có thể ít có hơn. Nhưng khác biệt chính giữa hai bên, theo tôi lại là mặt sau đây: nếu như người Ba Na nhấn mạnh “mặt trời”, thì người Gia Rai, trái lại nặng về “mặt trăng” mà họ gọi là “mlan”. Không phải “mặt trời” không hề có mặt trong kho trang trí Gia Rai. Qua chuyến đi ngắn ngày theo Phong, tôi đã một lần gặp trên đường nóc “nhà ma” Gia Rai một vòng tròn nhỏ có tia bao quanh: một người địa phương tình cờ qua nghĩa trang vào lúc ấy cho biết rằng đó là “mặt trời” (hrơi). Nghe nói có một số trường hợp tương tự tại những vùng tiếp xúc giữa hai tộc. Ngoài ra “tia mặt trời” Ba Na cũng có mặt trong kiến trúc thuộc nghĩa trang Gia Rai, dù mang tên khác: tên “raugiơng” (ktoanh), khi nhô ra từ đâu cùng của đường nóc “nhà ma”, tên “tay thần” (tngan yang), khi xuất hiện thành nhiều cặp trước phần cao của thân cột lễ.
Đây là thời điểm giao thoa giữa Sống và Chết, từ Chết trở về với Sống, giữa cảnh chết mà chuẩn bị cho cuộc sống – Nguồn: Internet |
Dù sao, giữa hai đồ án “mặt trời” và “mặt trăng” của người Gia Rai thì mặt trăng là chính yếu và phô ra hai dạng “trăng khuyết” và “trăng tròn”. Nó có ở những ba nơi: trên đường nóc “nhà ma”; trên cột chính nhô lên cao từ giữa đường nóc; và đôi khi cả trên các cột phụ ứng với bốn góc và đường cạnh của ngôi nhà.
Một chi tiết chung cho cả Ba Na và Gia Rai: trên đường nóc hoặc trên mái của ngôi “nhà ma”, thường xuất hiện, có khi đôi ba lần, một hình tượng đơn giản, nhưng là một loại đường, với chiều ngang khá dày, đều đặn cong lên cong xuống vài lần. Đồ án ấy, người cả hai tộc đều gọi là “thân (con) trăn” (Ba Na : khăn tung; Gia Rai: khăn đông).
Mặt trời và mặt trăng nói lên thế giới bên trên của vũ trụ, con trăn, vật bò sát là biểu tượng của thế giới bên dưới. Sự có mặt da diết của cả “mặt trời”, “mặt trăng” và “thân trăn” trên các kiến trúc gắn với nghĩa trang Gia Rai và Ba Na khiến tôi ngỡ rằng từ những đồ án trang trí ở đây muốn nhắc lại một quan niệm cổ truyền về vũ trụ, từ đó hẳn có thể lọc ra một số điểm tương đồng giữa cách nhìn của hai tộc người. Càng thế, khi mà trên “nhà ma” kiểu mái cao của người Gia Rai, thường hiện lên hình vẽ một cây to, khó phân định mà tôi cứ tạm cho là cây vũ trụ.
Còn cột lễ chính mà tôi chưa hề được các cụ giảng cho một lời, phải chăng đấy là trục vũ trụ, trong chừng mực mà thân nó chìa ra, trên phần cao, những cặp hình mặt trời. Trong một trường hợp duy nhất, khi theo Phong ghé vào một nghĩa trang Gia Rai, tôi đã mừng rỡ nhận ra một vừng trăng lưỡi liềm trên đỉnh cao của cột ấy.
Vũ trụ cổ truyền được nhắc lại trong đám tang, giữa cảnh chết. Điều đó không có gì lạ, trái lại phổ biến hầu khắp mọi tộc. Vì đám tang không chỉ là Chết mà còn là Sống nữa. Người Mường ở miền Bắc nước ta, chẳng hạn, tin rằng người chết lại quay về với tuổi thơ, và chính vì thế mà trong một số trường hợp gia đình chịu tang phải treo một đồ chơi trước bàn thờ người đã mất. Hơn thế nữa, theo họ, người ấy còn phải lên trời chịu một lần xét xử của “vua trời”, trước khi vĩnh viễn về nơi cư trú cuối cùng của mình. Như vậy, cõi Chết vẫn liên quan đến cõi Sống, còn liên quan đến các vùng ngoài trần thế. Không lạ rằng “đẻ đất, đẻ nước”, một tang ca lớn của người Mường, lại dành phần mở đầu cho việc kể lại, chuyện khai thiên lập địa từ thưở khởi nguyên của vũ trụ, qua đó mà có dịp dẫn ra một số thế giới khác nhau. Còn về các tộc Thượng, trong số đó có người Ba Na và người Gia Rai, thì từ các nhà nghiên cứu của ta, từ năm 1975 đến nay, chưa đi vào khía cạnh này trong cuộc sống của họ. Dù sao, ít nhất ta cũng biết rằng, dưới mắt các tộc ấy, có hai thế giới đối lập, nhưng vẫn song song với nhau: một dành cho người sống và một dành cho người chết. Đó là chưa nói đến một quan niệm của người Ba Na, mà có nhà nghiên cứu thời trước đã đưa ra : người chết bất đắc kì tử bị thần linha bắt về thế giới bên trên làm tôi tớ cho các vị.
Cái chết, như vậy chỉ là một nhát cắt nhỏ liên tục nối tiếp nhau trên dòng sông bất tận. Cho nên không gì đáng ngạc nhiên nếu như những đêm “bỏ mả”, ít nhất cũng theo lời vài cụ, từng là những đêm hoàn toàn tự do, như ta đã biết đối với trai gái chưa vợ, chưa chồng: đây là thời điểm giao thoa giữa Sống và Chết, từ Chết trở về với Sống, giữa cảnh chết mà chuẩn bị cho cuộc sống. Cũng vậy, về đôi nam nữ trần truồng thường chiếm vị trí quan trọng nhất giữa các tượng gỗ bao quanh “nhà ma”.
Chi tiết cuối cùng mà các cụ cho biết có thể giúp ta hiểu thêm “nhà ma” và hội “bỏ mả”. Trong những ngày đêm hội lễ, mọi người, kể cả các cụ già, đều vui chơi nhảy múa, chỉ mỗi một người không được tham gia vào đó: chồng góa hay vợ góa của người chết. Phải chờ đến chiều ngày cuối, sau khi đã được các cụ làm tẩy uế cho, qua một cuộc tắm rửa bên bờ suối, người ấy mới kể là người không còn gắn bó gì với người đã mất nữa, và bắt đầu có mặt lại trong cuộc vui chung. Rồi hội lễ kết thúc. Người chết đi về thế giới khác. “Nhà ma” bị “bỏ” ngay từ lúc đó. Chính vì vậy mà tôi ngờ rằng kiến trúc ấy, với bao chi tiết cầu kì, cả với số của cải có giá trị mà người sống chia cho người thân của mình đã mất, từ phút hội lễ chấm dứt, không còn được xem là vật thể của thế gian nữa, trái lại chỉ là hình ảnh của nơi người chết đến cư trú ở thế giới bên kia. Nó đã cùng người chết về thế giới bên kia.
(Còn tiếp) Nguyễn Từ Chi
Nguồn: Sách Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người.