Bài viết này ra đời từ các cuộc điền dã của tôi trong nội đô và vùng ven Hà Nội trong mấy năm vừa qua. Công trình của tôi có hai trọng tâm: người trí thức Hà Nội và đơn vị gia đình với tư cách là một tập thể cùng tạo ra và chia sẻ những ký ức. Tôi tin rằng người ta có thể học được nhiều điều từ việc nghiên cứu đời sống gia đình trong bối cảnh ở Hà Nội, và khi làm việc đó người ta có thể bổ sung vào khối lượng tài liệu đang ngày càng nhiều lên về các loại hình quan hệ gia đình cùng các “mối quan hệ” khác như là những lãnh vực cho hành động và sự tích cực chủ động của các chủ thể năng động[1].
Bài viết này đề cập đến mức độ chủ động tích cực (agency) mà các gia đình có được thông qua thâu lượm và sử dụng một loại tri thức cụ thể đã tích lũy lâu đời, bao gồm cả tri thức gia đình lẫn tri thức lịch sử về thế giới bên ngoài. Luận điểm chính của tôi là: các quá trình ghi nhớ tập thể và kiến thức lịch sử chung có thể sản sinh ra một hình thức của tính chủ động tích cực – một năng lực chung nhằm có được một đời sống đạo đức có mục đích và năng động – mà những gia đình thuộc vài loại đặc biệt có thể đạt được và giữ gìn với thời gian. Việc hiểu về gia đình ở những khía cạnh này – như là một đơn vị có mục đích và hành động – không có nghĩa là quan hệ huyết thống và hôn nhân sẽ gạt bỏ các hình thái tập thể khác vốn định hình thế giới xã hội hiện đại ở Việt Nam. Điều đó cũng không hàm nghĩa là người Việt Nam thiếu năng lực cảm nhận thế giới với tư cách những cá nhân năng động, đủ khả năng ngẫm nghĩ về mình và suy tư có phê phán về các chuẩn mực và quan hệ quyền lực vốn ràng buộc hành động của họ.
Gia đình là một tập thể cùng tạo ra và chia sẻ những kí ức (Ảnh minh họa) |
Thay vào đó, cái mà tôi đề xuất là một cách tiếp cận cho phép chúng ta nhìn quan hệ hôn nhân và huyết thống dưới một ánh sáng khác với những cách tiếp cận vốn chỉ coi gia đình đơn thuần là sự phản ánh các ngoại lực, như trong những công trình bàn về gia đình với tư cách là đối tượng phê phán theo tinh thần cải cách, hay như một sản phẩm của những diễn ngôn ngoại sinh (externally generated) về bản sắc. Mối quan tâm của tôi gắn với quan tâm của những nghiên cứu gần đây vốn tìm hiểu những câu chuyện về đời sống gia đình, coi đó là một biểu hiện của mục tiêu quốc gia và biểu hiện của đức hạnh, mặc dù tôi sẽ làm rõ rằng từ bên trong gia đình, người ta có nhiều cách thức khác nhau để tạo dựng và đôi khi nói ngược lại những câu chuyện này[2] .
Quan niệm của tôi coi gia đình như một tác nhân ký ức có liên quan với việc ngành nhân học tái phát hiện công trình của Halbwach về ký ức xã hội của tập thể. Ông cho rằng các quá trình ghi nhớ ký ức là một sự tái tạo mang tính tập thể hơn là thuần tuý cá nhân đối với những điều đã nếm trải, và những tác phẩm ông viết về điều đó đã trở thành cơ sở để tranh luận về hoạt động tưởng tượng vốn hợp thức hóa bản sắc và các mối liên kết của thời hiện đại, chẳng hạn việc kiến tạo các huyền thoại về vị thế quốc gia[3]. Nhưng không nên giới hạn quan niệm về một tập thể ghi nhớ trong phạm vi các câu chuyện kể của nhà nước. Khi xác định khía cạnh năng động của các quá trình ghi nhớ, nhất là tầm quan trọng của sự tương tác biểu cảm đối với việc tạo ra và tiếp nối ký ức, ý tưởng của Halbwach cũng làm sáng tỏ trường hợp các gia đình của giới trí thức. Tôi muốn nói đến tầm quan trọng của việc chia sẻ và trình bày biểu cảm những thông tin về tiểu sử cá nhân là nét nổi bật ở giới trí thức Hà Nội.
Khi nói đến các kiểu loại gia đình khác nhau, và nét riêng của giới trí thức ở cấp độ đời sống tình cảm chung, tôi không định phân biệt các loại gia đình trí thức hay nông dân hoặc thậm chí gia đình “hiện đại” một cách giản đơn. Tôi cũng không ngụ ý rằng chúng ta hiểu gia đình trí thức chỉ đơn thuần là những đơn vị mang tính công cụ cho hoạt động kinh tế và sinh con đẻ cái, mặc dù việc trao truyền những nguồn lực vật thể và phi vật thể, bao gồm cả bằng cấp học vấn lẫn hàng hóa vật chất, giữ vai trò trung tâm trong những câu chuyện mà những người mà tôi phỏng vấn – tức người cung cấp thông tin cho tôi – vẫn kể. Điều tôi đang muốn nói là những chuyên gia về Việt Nam có thể học hỏi thêm từ những nghiên cứu tìm hiểu cách thức một số gia đình, đặc biệt là những gia đình thương nhân, thợ thủ công và gia đình làm nghề dịch vụ, triển khai cả các nguồn lực vật chất lẫn văn hóa để giữ gìn (và đôi khi thách thức) nét riêng trong một số loại truyền thống gia đình nhất định[4].
Những trường hợp nêu ra ở đây thuộc loại gia đình rất cụ thể mà người ngoài và bản thân họ đều coi là có chung một di sản rất đặc sắc về học vấn, ngôn ngữ và công danh. Hầu hết họ kết hợp những di sản quý giá này với một truyền thống yêu nước mạnh mẽ. Hầu hết những gia đình mà tôi tìm hiểu đều có những bậc trưởng thượng từng phục vụ Việt Minh trong lĩnh vực kỹ thuật và văn hóa. Họ cũng mang tinh thần toàn cầu, tri thức của họ về thế giới rộng lớn bên ngoài thu lượm được nhờ đi khắp đó đây ngay từ những năm đầu sau thời độc lập và thường là trước đó nữa. Một trong những nét quan trọng của đời sống gia đình trí thức Hà Nội là đều quen biết với những nơi chốn trên toàn cầu mà tôi tin là có thể mô tả một cách chính xác là phe xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới[5].
Những người làm việc với tôi thường nói “Chúng tôi xuất thân từ gia đình trí thức”. Họ cũng nói về gia đình mình cùng các gia đình khác là có truyền thống trí thức, nghĩa là họ thành đạt về học vấn cả trong các ngành nghệ thuật lẫn khoa học, chứ không chỉ ở sự theo đuổi của những “trí thức sáng tạo” (Ninh 2002: 33)[6].
Mặc dù điều này vẫn còn là một thực tế tương đối mới mẻ trên báo chí quốc gia nói chung, nhưng các nhật báo như Nhân Dân, Tuổi Trẻ vẫn thường đăng bài ca ngợi các cá nhân người trí thức cũng như những gia đình trí thức. Các bài này thường nêu ra trình độ học vấn lycée (trung học Pháp) thời trước khi đất nước giành được độc lập của những người này, và coi đó như khúc dạo đầu vinh quang cho cuộc đời tràn đầy những thành tựu ái quốc. Người ta có xu hướng xác định đơn vị gia đình mà ta đang xét một cách rất rộng rãi, bao gồm những họ hàng nội tộc và những người thân tộc khác cũng như họ hàng thông qua hôn nhân, kể cả họ hàng của vợ hoặc chồng, cũng như họ hàng nội ngoại và họ hàng thông qua hôn nhân của vợ và chồng của con mình[7].
Những gia đình như vậy cũng được chứng tỏ là hiện đại và có đạo đức cao thông qua việc nhấn mạnh rằng các quan hệ tình cảm và gắn bó của họ không thu hẹp ở đơn vị gia đình Khổng giáo cổ điển, tức “dòng họ”. Trái lại, các mối quan hệ “gia đình” gồm những quan hệ của một hộ vốn được tạo dựng nhờ những cặp vợ chồng bình đẳng trong hôn nhân theo tình yêu hiện đại. Như vậy, một biến thể cụ thể của gia đình hiện đại mang tính khai sáng này – tức gia đình trí thức – được coi như một đơn vị đạo đức mẫu mực nhiều đời, hiện thân cho kho báu đặc sắc về trí tuệ và văn hóa của quốc gia, và triển khai vốn quý này vì lợi ích chung. Họ làm thế thông qua tinh thần hiến dâng cho cả gia đình lẫn quốc gia, và họ được rèn luyện về kỷ luật trí tuệ chính từ di sản của cả đàng bố lẫn đàng mẹ, và có được tình yêu và ý chí hi sinh từ ảnh hưởng mạnh mẽ không kém từ hộ gia đình nơi sản sinh ra họ[8].
Điều toát lên từ những câu chuyện đó là sự tiếp nối những cuộc sống gia đình mẫu mực này sẽ có lợi cho sự tiếp nối của quốc gia theo thời gian. Cụ thể hơn, người ta bảo độc giả rằng chính tinh thần yêu thương và nuôi dưỡng gia đình đó đã nâng đỡ hành động của những người đã phục vụ các nhu cầu của quốc gia bằng cách sử dụng có hiệu quả các kỹ năng trí tuệ, và cần thừa nhận tinh thần ấy như là sự tiếp sức trong cuộc sống mới “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của quốc gia. Tuy những điều riêng tư mà người cung cấp thông tin cho tôi kể lại có liên quan đến những cách quan niệm như trên, nhưng họ không đơn thuần lặp lại hay chấp nhận các câu chuyện kể chính thống.
[1] Công trình của Lương Văn Hy về sự năng động sáng tạo trong cách đề cập đến con người (1988; 1989; 1992) đã truyền cảm hứng cho tôi quan tâm đến động thái và tính chất kiến tạo của bản sắc gia đình Việt Nam. Dưới đây tôi sẽ nói kỹ hơn về ký ức và chuyện kể; và những tác phẩm chủ chốt về quá trình ký ức là của Hue Tam Ho Tai (chủ biên) 2001 và Kwon (2006 và 2008).
[2] Về những vấn đề trong cách hiểu hiện nay về tính chủ động sáng tạo trong những tác phẩm của các nhà nhân học về hành động và khái niệm về bản thân (selfhood), xin xem Laidlaw 2002.
[3] Halbwachs (1925 và 1980 [1950]); xin xem thêm Berliner (2005); Carsten (2007); Giebel (2004); Hue Tam Ho Tai (2001).
[4] Về gia đình thương gia, xin xem Oxfeld (1992); Falzon (2004); Ho (2004, 2006). Về các dự án cải cách gia đình xin xem Malarney (2002). Tôi không dùng thuật ngữ người cung cấp thông tin để ngụ ý sự trích dẫn một chiều các “dữ liệu” từ những chủ thể bị động; hoàn toàn không phải thế, vì cuộc điền dã của tôi là với những người tham gia vào các quá trình suy ngẫm tích cực về những câu chuyện về những trải nghiệm cá nhân và quốc gia.
[5] Khi nói phe xã hội chủ nghĩa, tôi muốn nói những mối quan hệ và những viễn tượng không chỉ giới hạn trong các quốc gia thuộc Hội đồng tương trợ kinh tế, mà bao trùm những lý tưởng và lời tuyên bố của những người trước đây và hiện nay vẫn tin vào khái niệm một cộng đồng đạo đức trên quy mô thế giới mà các quốc gia và các cá nhân nuôi dưỡng trên cơ sở tình đoàn kết cách mạng và “quan hệ hữu nghị xã hội chủ nghĩa” lâu bền. Xin xem Bayly (2007).
[6] Những ấn phẩm mô tả gia đình trí thức theo cách này bao gồm những câu chuyện về vị giáo sư nhân học tiên phong Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995) là người có các bậc tiến bối được một công trình gần đây coi là thuộc “gia đình trí thức yêu nước”; người cha bác sĩ của ông đã từng là Thứ trưởng Bộ y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Trần Tú 1996: vii). Những người tôi biết đã định nghĩa khoa học rất rộng, giống như ở Pháp và Liên Xô cũ, và đều coi cả bằng cấp về khoa học lẫn các ngành nhân văn là dấu hiệu về sự tu dưỡng trí thức.
[7] Xin xem Malarney (2002: 16-17). Ở đây tôi dựa trên sự phân tích của Lương Văn Hy (1988; 1989; 1992) về cảm nhận về gia đình của người Việt Nam rằng nó bao gồm cả dòng họ xuyên thời gian với sự tôn trọng tiền bối nam giới theo truyền thống thờ tổ tiên theo Khổng giáo, lẫn những nhóm họ hàng song phương (bilateral kindred) có giới hạn về mặt thời gian thông qua quan hệ của cha mẹ và anh chị em. Hầu hết những người kể chuyện cho tôi nghe đều xuất thân từ những gia đình trung lưu, tiêu biểu cho trí thức thời kỳ thuộc địa trong thế kỷ XX, với học vấn trung học cơ sở, hiếm khi có học vấn trung học phổ thông hay đại học. (Marr 1984: 26-41 và 2003; Trịnh Văn Thảo 1990).
(Còn nữa)
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thu Hằng và Lương Văn Hy