Ký ức thời bao cấp: Một thời rất thương – Kỳ 2

0
1830
Thời ấy, tập thể giáo viên chúng tôi (lúc này đã trên mười người) hầu hết chưa có gia đình cho nên chúng tôi có điều kiện để toàn tâm toàn ý với đám học trò của mình. Những buồn vui của chúng tôi đều đến từ học trò. Nhưng có lẽ buồn hơn cả là những đợt giao quân đi nghĩa vụ. Vì là một xã anh hùng nên các em lại tiếp bước các anh để đi vào chiến trường Tây Nam  hay biên giới phía Bắc đang hồi ác liệt.
 
Đám giáo viên nữ chúng tôi sợ đến nỗi không dám có mặt trong các buổi lễ ấy. Có lần đến dự, chúng tôi không cầm nổi nước mắt khi các em đưa tay vẫy chúng tôi rồi bước lên xe. Cứ hình dung mới hôm qua đây thôi, các em còn đứng trước lớp, trước bảng để trả lời bài, hôm nay đã phải mang súng ra chiến trường… Hôm đó về nhà tập thể, chúng tôi bị “kiểm điểm” vì đã khóc. Ai lại đưa chiến sĩ lên đường mà thiếu “khí thế” như vậy, “rõ là mất quan điểm!”.
 
Tôi luôn nghĩ, chính những năm tháng ở đây đã cho tôi hiểu thế nào là tình thầy trò, thế nào là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời một nhà giáo. Bạn có tin không, hồi đó chỉ cần thay chủ nhiệm từ lớp này sang lớp khác (giữa năm học) là cả thầy lẫn trò đều khóc. Mãi sau này, trong sự nghiệp giảng dạy của mình, cũng nhiều lần thay đổi lớp chủ nhiệm như thế nhưng tôi thấy tình thầy trò không còn được sâu đậm như trước nữa.
 
Đó là một chuỗi ngày thật vô tư, thật đẹp, chưa có bóng dáng của “cơm áo gạo tiền”! Tháng tháng chúng tôi đã có 13 cân vừa gạo vừa mì lát với 50 đồng bạc. Bọn độc thân chúng tôi cũng chẳng biết có nhu cầu nào khác. Chỉ có điều hơi vất vả vào mùa mưa vì phải đi mua gạo cho tập thể. Hai người dậy lúc ba, bốn giờ sáng, đạp 20 cây số, đến nơi để xếp sổ cho sớm. Rồi 20 cây số đạp về với mấy trăm ký gạo, mì. Trời mưa to, qua hai cánh đồng trống, gió giật mạnh đến nỗi dắt xe mà sợ gió “bốc” luôn cả người lẫn xe gạo đi. Về đến trường khoảng hai, ba giờ chiều, đói, mệt là điều đương nhiên. Bây giờ thỉnh thoảng vẫn có ai đó ví von “Mầy làm gì mà mặt mầy như đồ mất sổ gạo vậy?”. Không biết các bạn trẻ có hình dung ra được cái “nhu cầu sống” duy nhất của chúng tôi là gì chưa?
“Cứ hình dung mới hôm qua đây thôi, các em còn đứng trước lớp, trước bảng để trả lời bài, hôm nay đã phải mang súng ra chiến trường…” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
 
Đến những năm say này, khi đã có gia đình thì phương tiện đi lại của chúng tôi vẫn là chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp chở bốn: chồng đèo vợ phía sau bồng đứa nhỏ, đứa lớn thì ngồi ở một cái yên sắt móc ở ghi đông phía trước. Còn vỏ ruột xe thì khỏi phải nói, cả năm mới được phân phối một chiếc. Nhưng không phải lúc nào cũng mua được, có khi lại “nhường” cho bạn để có thêm vài đồng, trong khi vỏ xe của mình thì đang “quấn” tạm bằng một lớp cao su khác, chờ ngày nó “đình công” rồi hãy tính sau.
 
Tôi còn nhớ hồi năm 1976-1977, lương Cao đẳng Sư phạm ra trường là 38 đồng 4 hào. Lương “lưu dung” của tôi là 42 đồng. Mỗi tháng được 300 gram thịt tem phiếu. Thông thường, chúng tôi có ba cách sử dụng tiêu chuẩn ba lạng thịt ấy như sau: Người thì mua hẳn ba lạng mỡ về rán lấy nước mỡ, để dành xào rau muống cho “sang”; người khác (như tôi) thì gom lại để dành lúc giỗ, tết để có được hai, ba ký thịt đủ làm cỗ. Thế nên, với ba lạng thịt mỗi tháng, hầu như không còn ai biết đến nhu cầu “ăn thịt” là gì!
 
Đó là ăn, còn mặc thì tôi không còn nhớ rõ là tiêu chuẩn mỗi năm được mấy mét vải. Chỉ biết hồi đó sang nhất là vải “xi-mi-li” (của Liên Xô hay Trung Quốc gì đó). Tiêu chuẩn này chỉ phân cho cán bộ lãnh đạo thôi, còn giáo viên “trơn” như chúng tôi thì không. Đó là loại vải cứng, hơi bóng mặt, dùng để may quần Tây (hồi đó gọi là quần Âu). Có được chiếc quần loại này là sang hết chỗ nói! Diện bộ này, rồi cưỡi một chiếc xe đạp “Phượng hoàng”, vai đeo một cái đài nhỏ (radio), thế là cực kỳ hoành tráng. Cũng từ đó mà trong dân gian đã có câu: “Một người làm việc bằng hai, để cho cán bộ có đài, có xe”.
 
Những gia đình trẻ như chúng tôi cũng có cách để “diện Tết” riêng. Mỗi năm may một chếc quần Tây thì hai vợ chồng phải mua một loại vải giống nhau để khi cắt may nó sẽ dư ra đủ một cái quần nhỏ cho con (khoảng năm, sáu tuổi). Thế là vợ chồng con cái đồng bộ.
 
Nhìn chung, trong mắt những công nhân viên chức như chúng tôi hồi đó (kể cả nhân dân) thì các mậu dịch viên ở các cửa hàng là “oách” nhất, “sang” nhất. Với đám người hàng ngày xếp hàng chen lấn, cãi cọ nhau từ hai, ba giờ sáng để chờ được mua vài lạng thịt, chai dầu, lít mắm,… thì quả thật những người được nắm quyền “sanh sát” kia được chúng tôi nhìn ngắm một cách đầy thèm muốn, ước ao. Hàng tháng khỏi phải chen lấn, chầu chực mà lại được hưởng các tiêu chuẩn tốt hơn. Bởi thế mới có câu: “Thủ kho to hơn thủ trưởng”.
 
Trên đây vừa là chuyện của một người, cũng là chuyện của nhiều người. Cái thời mà xét ở tầm khái quát hơn, có lẽ Báo “Ong đất” của Bungary đã “vẽ” lại một cách đúng đắn nhất, trung thực nhất, khiến mỗi chúng ta không thể không gật đầu và suy ngẫm.
 
            “Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc
            Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương
            Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống
            Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống
            Ai cũng sống nhưng ai cũng không hài lòng
            Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay “nhất trí”!
           
Trở lại với bản thân tôi, có lẽ các bạn, nhất là những người cùng thế hệ, các bạn đã phần nào “mỉm cười” và chia sẻ với tôi quá khứ một thời mà tôi đã cho là rất “thiêng”, rất “thương” và rất đáng trân trọng. Còn với các bạn trẻ, các bạn sẽ nghĩ đó là những câu chuyện cổ tích. Nhưng vẫn là những câu chuyện cổ tích hết sức thú vị, bởi các nhân vật trong đó là có thật và cũng đang sống quanh ta. Mong rằng những câu chuyện “cổ tích” ấy sẽ sống mãi, sẽ được kể cho nhau nghe, để cùng tìm thấy bóng dáng của con người Việt Nam, của đất nước Việt Nam, của một thời khó quên.
 
Tháng 2 năm 2011
Diệp Thị Mỹ Thạnh,
Thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.

 

Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.