BTKUXH – Những nghệ nhân xưa hiện nay không còn làm nghề dệt chiếu. Bóng dáng của chiếc chiếu cói cũng không thường xuất hiện ở hai bên đường Phạm Thế Hiển như trước. Làng nghề dệt chiếu Bình An đã mất đi những hình ảnh cụ thể. Nhưng trong tâm thức của những người nghệ nhân xưa, nghề chiếu vẫn tồn tại thông qua những câu chuyện, những ký ức và những trải nghiệm về nghề chiếu.
Câu chuyện về chiếc go dệt cũ – Một biểu tượng văn hóa
Từ khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu về nghề dệt chiếu cói ở Bình An, tôi đã có ý muốn xin hoặc mua lại chiếc go dệt và thanh văng cói mà những người nghệ nhân đang sử dụng, để lưu giữ lại cho mình những kỷ niệm về chuyến nghiên cứu này. Gia đình bà Xuyến đã cho tôi những thứ tôi cần. Đó là một chiếc go dệt cũ và một thanh văng để dệt loại chiếu một mét. Chiếc go dệt này từ lâu đã không còn được sử dụng để dệt chiếu nữa. Nhưng qua lời kể của những người thợ làm trong xưởng chiếu nhà bà Xuyến thì chiếc go này đã làm được mấy ngàn đôi chiếu và qua rất nhiều người sử dụng. Đó là một chiếc go màu đỏ và trơn bóng, những lỗ go đã mòn đi do sự cọ sát của những dây đay trong quá trình làm việc của nó suốt một khoảng thời gian khá dài. Tôi cảm cảm thấy tự hào vì mình đã nhận được một hiện vật chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử của nghề dệt chiếu ở Bình An.
- Chiếc go dệt chiếu cũ và một thanh văng để dệt loại chiếu một mét. Ảnh: Quốc Việt
Năm ngày sau khi kết thúc đợt điền dã cuối cùng của cuộc nghiên cứu này, tôi mang chiếc go dệt và thanh văng về chỗ ở của mình. Khi đi dọc con đường Phạm Thế Hiển đoạn từ số nhà 2019 đến nhà thờ Bình Thái, tôi đã nhận được những cái nhìn chăm chú, sự chỉ trỏ và những lời bàn luận của những người dân ven đường. Tôi nghe được một lời nói: “Chúa ơi! Cái gì thế kia? Chẳng phải là cái go dệt chiếu hay sao?” của một người bán vé số. Đi được một quãng, có người hỏi tôi: “Cháu ơi! Đi sửa go phải không? Bây giờ ở đây chỉ còn có một mình nhà ông Bắc thôi. Nhà ông ấy ở gần đây, cháu phải đi ngược lại.” Tôi cảm ơn bà rồi tiếp tục đi tiếp, một người đàn ông chừng 50 tuổi cuộn tròn tờ Tuổi Trẻ trên tay chỉ về hướng tôi và nói với mấy người đang ngồi uống cà phê với nhau: “Ba mươi năm rồi mới thấy lại, ngày xưa cái này ở đây đâu có thiếu, nhà nào chả có. Thế mà…”.
Sự xuất hiện của chiếc go trên đường Phạm Thế Hiển khiến mọi người ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên đó vì một hình ảnh quen thuộc từ lâu đã vắng bóng, bỗng nhiên lại xuất hiện lại trong đời sống của họ. Một ý tưởng chợt nảy sinh trong suy nghĩ của tôi “tôi có thể sử dụng chiếc go dệt này để tiếp cận những nghệ nhân và những câu chuyện về quá khứ của họ”. Theo Clifford Geertz thì một biểu tượng có thể “…thiết lập những tâm trạng và động cơ mạnh mẽ, rộng khắp và bền lâu trong con người bằng cách đề ra những khái niệm về một trật tự chung của sự tồn tại…”. Trật tự chung của sự tồn tại này được hiểu như là một không gian lịch sử xã hội tồn tại trong tâm thức của những người nghệ nhân dệt chiếu năm xưa. Tôi tin với chiếc go dệt, tôi có thể củng cố niềm tin của những nghệ nhân không còn dệt chiếu vào công việc mà chúng tôi đang thực hiện.
Tôi không mang chiếc go dệt và thanh văng về nơi ở của mình, mà đi vào một quán cà phê ven đường, nơi những người đàn ông trên năm mươi tuổi đang ngồi uống nước và trò chuyện với nhau về chiếc go tôi đang mang trên tay. Tôi làm quen được ông Tính (54 tuổi), ông Khiển (54 tuổi) và ông Khang (57 tuổi) cùng với hai người còn lại mà tôi không biết tên, nhưng họ cũng tham gia trò chuyện và kể về những ký ức của chính bản thân họ trong khoảng thời gian mà gia đình họ còn làm nghề dệt chiếu cho tôi nghe. Tất cả họ đều là những người sinh ra và lớn lên ở làng dệt chiếu Bình An, cùng chứng kiến được sự phát triển và suy tàn của nghề dệt chiếu truyền thống tại đây.
Theo chú Khiển: “Cái này chứ còn cái gì nữa! Ngày ấy nó là chiếc cần câu cơm của tụi tôi, cầm tới go là có tiền xài liền”. Chính trong quá trình lao động, ngày ngày, những người dân Bình An đã dùng chiếc go để làm ra sản phẩm phục vụ cho những nhu cầu kinh tế của họ. Để rồi hai mươi năm sau đó, khi nhìn thấy lại chiếc go dệt chiếu, những hình ảnh về quá khứ lại được hiện lên một cách sinh động. Chiếc go dệt chiếu – một công cụ lao động đã trở thành một biểu tượng văn hóa và định hướng cho nghệ nhân nhớ lại nghề dệt chiếu và những kỉ niệm của bản thân họ.
Những tuổi thơ trên chiếc chiếu
Khi nhớ về nghề dệt chiếu truyền thống ở Bình An, kỷ niệm đầu tiên mà những nghệ nhân kể lại chính là những kí ức tuổi thơ của họ. Những kỉ niệm đó không chỉ của riêng những người đàn ông trong quán cà phê, mà còn nhiều người khác như: bà Mai làm nghề bán nước mía; bà Huệ – người ở trọ trong nhà bà Xuyến; bà Lý làm nghề bán bánh mì. Bên cạnh những hình ảnh về tuổi thơ của những nghệ nhân trong quá khứ, thì hiện nay ở Bình An còn những đứa bé đang lớn lên từng ngày trên chính chiếc chiếu của gia đình chúng.
Ông Tính (54 tuổi) nhớ lại: “Làm chiếu à, bây giờ còn ai làm nữa, nhưng mà ngày xưa nhà tôi làm hai giàn lận. Lúc còn bé, bốn anh em là trai hết, nghịch lắm, chiếu dệt xong, còn chưa ghim nữa. Mấy đứa lôi ra quấn hết vô người lăn qua lăn lại. Tối đó, ông (ba chú Tính) đi làm về lôi mấy anh em ra, bắt nằm ra chiếu, ông lấy mấy cái văng cói ngắn ngắn quất chan chát, vậy mà chẳng hết được nghịch ngợm”.
Ông Khang tiếp chuyện: “Ngày đó, dọc cái đường Phạm Thế Hiển này, hai hàng chiếu chạy suốt cả mấy cây số. Mấy đứa còn nhỏ, ông bà thường không cho ra nơi bờ sông còn lại chơi chỗ nào cũng được, mà chỗ nào cũng có chiếu. (…).Còn nhỏ cũng phải giúp ông bà nữa, lúc chưa cầm được cái go thì văng cói vô cho bà dệt, không thì lặt cói.”.
Một câu chuyện khác: Lúc đó ông Khiển mới có bảy tuổi, đang chơi bên cạnh cụ (mẹ chú Khiển), thì ông bị vấp chân vào dây đay, ngã đập dầu vào chiếc go dệt, khiến cho đầu sưng tấy lên. Ông bị đau đầu và ốm mất mấy ngày liền, nhưng khi hết đau, lại tiếp tục đùa giỡn. Ngày đó bạn bè, những người cùng tuổi và hơn kém ông một hai tuổi xung quanh nhà rất đông. Họ cuộn cả những chiếc chiếu đang phơi ven đường để đào lỗ chơi bi, chơi đánh đáo khiến cho người lớn phát cáu rồi chửi ầm lên, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Ngoài những người tôi gặp trong quán cà phê, bà Huệ (56 tuổi) – người ở trọ trong dãy trọ nhà bà Xuyến cũng chia sẻ những kỉ niệm của bà: : “Ngày đó tôi phải làm chiếu từ lúc sáu tuổi”. Lúc đó bà Huệ còn nhỏ quá nên không dệt dược, nhưng bà giúp làm việc nhà như quét dọn nhà cửa mỗi khi mẹ bà kết thúc một ngày dệt chiếu. Ngoài ra, bà còn giúp mẹ của bà phân loại cói, nhặt riêng ra cói dài, cói ngắn để làm những loại chiếu to nhỏ khác nhau.
Bên cạnh những hình ảnh trong quá khứ thì vẫn còn có những hình ảnh của hiện tại liên quan đến tuổi thơ của con người và những chiếc chiếu. Đó là hình ảnh những đứa cháu trong những gia đình còn đang làm nghề dệt chiếu truyền thống.
Lần đầu tiên của chúng tôi đến Bình An là vào khoảng tháng tư năm 2009, một hình ảnh mà tôi cảm thấy khá ấn tượng đó là hình ảnh đứa trẻ con trai cô Hà nhảy tung tăng trên giàn chiếu trong lúc mẹ nó đang làm việc. Đó là đứa con đầu của cô Hà – con dâu ông Giáp, lúc đó cô đang mang bầu đứa thứ hai. Sau gần một năm, chúng tôi trở lại đứa con lớn thì chạy nhảy cùng những đứa trẻ quanh xóm, còn đứa nhỏ cô đặt nằm ngửa nên trên giàn chiếu và nó ngủ say trên đó. Xung quanh không gian rộng lớn của xưởng dệt chiếu, những đứa trẻ ở gần đó chơi đùa, chạy nhảy. Bất ngờ, một đứa trẻ khóc thét lên do chạy vấp vào cọc nêm của giàn chiếu và một người phụ nữ ra vỗ về nó bằng câu hờn trách bâng quơ với chiếc cọc nêm – “chiếc cọc nêm không có mắt”.
Cháu nội của bà Chính năm nay mười tuổi, ngoài thời gian đi đến lớp thì đứa bé chỉ chơi quanh quẩn bên cạnh bà Chính. Trong nhà, nơi làm việc của cô Kính và cô Anh có một chiếc ti vi đặt cạnh giàn đay. Lúc thì Đứa bé qua chơi với bà ở gian ngoài, lúc thì vào bên trong chỗ giàn chiếu xem ti vi, thỉnh thoảng nó có cầm chổi giúp hai bác quét dọn căn phòng.
Tuồi thơ của những đứa trẻ bây giờ và những người nghệ nhân mà tôi phỏng vấn đều có những điểm chung. Hai thế hệ này cùng lớn lên xung quanh những không gian dệt chiếu và cùng chứng kiến công việc dệt chiếu của những người thân của họ. Tuy nhiên cũng có sự khác biệt giữa hai thế hệ của hai thời đại khác nhau.
Đối với tuổi thơ của những người nghệ nhân xưa, ngoài việc chứng kiến và tham gia vào công việc với những người xung quanh thì họ còn được những người lớn tuổi kể cho nghe những câu chuyện về nghề chiếu và lịch sử của cộng đồng.
Bà Lý kể lại: “Khi còn nhỏ, lúc bố tôi đi làm xưởng gạo, nhưng buổi nào cũng vậy, ông thường dắt tôi qua nhà mấy người hàng xóm chơi, vừa hút thuốc lào vừa ngồi tán gẫu. Tôi sinh ra ở đây nhưng vẫn còn được nghe về mấy câu chuyện ngày nhà mình ở ngoài Bắc như thế nào, ông nội mất như thế nào, rồi ba mẹ tôi vào Nam như thế nào.”.
Những ngày điền dã tại thực địa, bà Huệ chia sẻ rất nhiều câu chuyện của làng dệt chiếu Bình An cho chúng tôi. Năm 1954, bà Huệ chưa sinh ra, nhưng những câu chuyện về lịch sử di cư của người dân được bà kể lại một cách chi tiết giống như bà cũng đã từng lênh đênh trên biển để trôi dạt từ Bắc vào miền đất xa xôi này vậy. Bà nhớ đến khoảng thời gian lúc bà được sáu tuổi, khi phân loại cói cùng với bà nội và mẹ, bà được người thân hướng dẫn cho cách làm thế nào để tách những sợi cói nhỏ, cói lớn riêng ra một cách nhanh nhất và giả thích cho bà biết tại sao lại phải tách chúng ra. Bên cạnh những hướng dẫn liên quan đến nghề chiếu, bà còn được bố kể cho nghe về cuộc vào Nam của chính ông và những người vào cùng đợt với ông.
Trong các gia đình hiện nay còn làm nghề dệt chiếu, những đứa bé trong gia đình họ không còn được nghe kể lại những câu chuyện của cộng đồng do nhiều nguyên nhân. Đứa cháu gái của bà Huệ cũng lớn lên trong xưởng cói nhà bà Xuyến cùng với mấy đứa trẻ nhỏ xung quanh. Nhưng bà Huệ kể rằng: “Bây giờ mấy đứa nhỏ ước mơ là bác sĩ, làm giáo viên, làm kĩ sư,… Chúng nó chỉ biết nhìn thôi chứ chẳng đứa nào muốn nghe. Mà cũng không có thì giờ vì chúng nó đâu ở nhà nhiều. Tuổi nhỏ bây giờ chơi với học được là tốt lắm rồi”. Cháu gái của bà Chính thường xem phim hoạt hình trong thời gian ở nhà với một cái ti vi đặt gần nơi hai bác gái của nó đang dệt chiếu. Bà Chính rất muốn chia sẻ những câu chuyện về quá khứ cho chúng tôi. Bà không kể với cháu gái, bà cho rằng: “Mỗi lần hai bà cháu nói chuyện thì chỉ đủ thời gian cho bà hỏi về việc học của cháu như thế nào, hay bạn bè trong lớp ra sao.”.
Những đứa trẻ ngày xưa, khi được lớn lên bên cạnh chiếc chiếu, được nghe kể những câu chuyện của cộng đồng thì họ tiếp nối truyền thống nghề nghiệp của cha ông và lưu giữ lại được tâm thức về nghề chiếu. Còn những đứa trẻ trong những gia đình đang làm nghề dệt chiếu hiện nay cũng trải qua thời gian tuổi thơ trên chiếc chiếu nhưng chúng không được nghe lại những câu chuyện về nghề chiếu và lịch sử của cộng đồng. Tôi luôn bâng khuâng với một câu hỏi: Sau này, khi những đứa trẻ này lớn lên thì chúng có được những ký ức như thế nào về nghề chiếu truyền thống đã từng một thời nuôi sống gia đình chúng?
Câu chuyện của những người đang còn làm nghề chiếu ở Bình An
Từ lâu, nghề chiếu phải là sự lựa chọn tốt nhất để đáp ứng cho những người dân ở làng dệt chiếu Bình An. Theo đánh giá của những người đã bỏ nghề như bà Mai, bà Lý và Bà Huệ thì: “Làm nghề dệt chiếu đủ sống nhưng không thể nào làm giàu được”. Nhưng hiện nay, ở Bình An vẫn còn hai hộ gia đình vẫn tiếp tục làm nghề dệt chiếu truyền thống cùng với những người dệt chiếu thuê. Đối với những gia đình này thì việc tiếp tục làm nghề dệt chiếu truyền thống không phải vì lý do kinh tế mà xuất phát từ những kỹ năng nghề nghiệp sẵn có và nặng tình cảm đối với nghề. Những tình cảm đó là: lòng tự hào về giá trị sử dụng của chiếc chiếu do chính họ làm ra; tình yêu đối với giá trị văn hóa truyền thống; cái ơn nghĩa đối với nghề và trách nhiệm truyền đạt lại lịch sử của cộng đồng.
Ông Giáp và bà Xuyến đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống làm nghề dệt chiếu từ khi còn ở miền Bắc. Khi mới vào Nam ông Giáp không làm nghề chiếu mà làm nghề gỗ ở Tây Ninh trong khi cha mẹ ông thì ở lại Bình An làm nghề dệt chiếu cói. Ông gặp bà Xuyến khi bà đang dạy học ở Tây Ninh. Đến lúc 20 tuổi, bà nghỉ dạy học, hai ông bà lấy nhau và trở về Bình An để làm nghề dệt chiếu. Ông bà có mười người con, và họ cũng giúp đỡ ông bà trong công việc làm chiếu từ khi còn nhỏ cho đến lúc lập gia đình. Khi ông đi lính, bà ở nhà cùng các con vừa trồng cói, dệt chiếu, vừa buôn bán cói. Khi các con của bà lớn lên, tách ra ở riêng và không làm nghề chiếu nữa, bà đã thuê những nghệ nhân dệt chiếu ngoài gia đình vào xưởng để dệt chiếu cho bà. Xưởng dệt chiếu của bà trong giai đoạn từ 1978 đến 1986 có trên mười giàn đay trải rộng ra diện tích 700 mét vuông. Nhưng từ sau năm 1986 trở về đây, số giàn đay ngày càng giảm và đến nay chỉ còn hai giàn.
Từ khi bắt đầu cho đến bây giờ, gia đình ông bà đã tròn năm mươi năm gắn bó với công việc này. Các con bà hiện nay đã trưởng thành, kinh tế hầu như đã ổn định, không có ai phải phụ thuộc vào kinh tế của cha mẹ. Trong số con bà có người làm giám đốc của một công ty ở Quận 1, còn người con út của ông bà là anh Lưu, hiện đang học đại học tại chức, nhưng không phụ thuộc vào kinh tế của ông bà. Bảy trăm mét vuông diện tích nhà xưởng trước đây của gia đình bà được cắt ra bốn trăm mét vuông để làm nhà trọ với trên bốn mươi phòng. Gía thuê mỗi phòng là sáu trăm đến tám trăm ngàn tùy theo chất lượng phòng. Do vậy, nguồn thu chủ yếu của ông bà là việc kinh doanh nhà trọ chứ không phải là công việc dệt chiếu.
Bà Thanh (65 tuổi, đang làm thuê cho gia đình bà Xuyến) cũng có những người con rất thành đạt, trong khi một ngày làm việc của bà chỉ có năm mươi ngàn đồng. Nơi bà ở gần với xưởng dệt chiếu của nhà bà Xuyến nên bà thường tới làm từ rất sớm (5 giờ 30 sáng). Theo bà: “Người già ở nhà một mình thì rất buồn chán, muốn làm một cái gì đó cho có ích với đỡ buồn”. Bà còn nói: “Bà làm nghề này đã mấy chục năm rồi nên quen tay, dễ làm. Hơn nữa, làm việc ở đây đông người nên rất vui.”.
Hai cô con gái của bà Chính cho rằng: Họ hoàn toàn có thể làm những công việc khác như bán nước mía, bán cà phê để kiếm sống. Những công việc đó không cần nhiều sức khỏe cũng có thể làm được và cho thu nhập cao hơn so với làm chiếu. Nhưng nghề chiếu là nghề mà họ đã gắn liền với nó gần 40 năm nay nên họ cảm thấy dễ làm hơn so với những công việc khác và chính vì vậy mà họ đã trở nên nặng tình với nó và không muốn bỏ nghề.
Trước giàn dệt chiếu của gia đình bà Chính có một chiếc ti vi, họ có thể vừa dệt chiếu vừa theo dõi những chương trình truyền hình mà những động tác vẫn linh hoạt. Tốc độ dệt chiếu chắc chắn bị chậm lại khi vừa làm vừa xem ti vi nhưng không cần nhìn họ cũng có thể dập go, bắt mép chiếu và văng cói rất chính xác.
Từ câu chuyện của gia đình bà Xuyến đến câu chuyện của người làm công cho nhà bà Xuyến và cả câu chuyện hai cô con gái dệt chiếu trong gia đình bà Chính có thể thấy: Những người làm nghề dệt chiếu còn lại ở Bình An hiện nay không vì mục đích làm kinh tế. Đối với gia đình bà Xuyến thì những mục đích làm nghề này được thể hiện rõ ràng hơn, đó là nặng tình đối với nghề.
Tình cảm đối với nghề trước hết được thể hiện ra từ niềm tự hào của những người làm nghề dệt chiếu truyền thống đối với sản phẩm chiếu do chính họ làm ra. Theo lời kể của những nghệ nhân đang làm chiếu ở gia đình bà Xuyến và gia đình bà Chính thì chiếc chiếu truyền thống của họ rất tốt và chất lượng: “Chiếc chiếu tre thì nặng, chiếc chiếu dệt bằng nilon thì nằm lâu ngày sẽ bị hư, chiếu dệt bằng máy thì sẽ bị tua đường viền”. Và vì chiếu được làm bằng nguyên liệu trực tiếp của tự nhiên nên tốt cho sức khỏe, không như loại chiếu được làm từ nhựa. Khi so sánh với những chiếc chiếu làm cùng chất liệu ở vùng Vĩnh Long, Cà Mau thì họ cho rằng: “Chiếu ở những vùng đó quá mỏng và chỉ nặng chừng bốn đến năm kilogam, còn chiếu của người Bình An làm ra nặng chừng bảy đến tám kilogam, nên tốt hơn chiếu ở những vùng đó”
Bên cạnh kĩ năng nghề nghiệp, thì tình cảm đối với chiếc chiếu còn được thể hiện ra qua cái ơn đối với nghề truyền thống. Mỗi khi nhớ đến cái ơn này, bà Xuyến không chỉ nhắc tới thời gian mà nghề chiếu đã giúp bà và những người dân Bình An có được một phương thức kiếm sống, thậm chí là làm giàu mà bà còn nhớ về nghề chiếu như là một nghề đã gắn bó với cuộc sống của những thế hệ trước của bà. Bà chia sẽ: “Bản thân bà đã mang ơn cái nghề này rồi cháu ạ! Khi ông phải đi tù, bà cũng vì nó mới có được nhiều của cải, mua được nhiều đất đai để lại cho con, cho cháu. Đó là chưa kể thời sau giải phóng, nghề chiếu đã nôi sống hầu như tất cả người dân Bình An mình” , rồi thì bà ngậm ngùi: “Cha ông của bà cũng nhờ nghề chiếu này mà sống được”.
Từ đó bà khẳng định: “Tôi không bỏ lúc nào hêt, lúc nào tôi cũng làm, nay không ai còn làm nữa nhưng riêng tôi vẫn làm, bởi vì sống chết với nghề truyền thống rồi, không có bỏ được, hơn nữa đây là nghề cha ông để lại – nghề cha truyền con nối”.
Theo bà Xuyến, nghề chiếu có ơn nghĩa sâu nặng không chỉ với bà mà còn với cả người dân Bình An. Cho nên con cháu bà không được phép quên đi nghề chiếu và những người dân Bình An cũng vậy. Bà quả quyết rằng chính bà phải có trách nhiệm lưu giữ lại nghề dệt chiếu cho đến khi bà qua đời. Bà giữ những niềm tin vào chiếc chiếu một thời bà đã miệt mài để làm ra nó với không ít những công đoạn để đưa nó đến khắp tay người tiêu dùng – những người cần nó cho giấc ngủ hằng đêm rằng Con cháu bà khi thấy chiếc chiếu, chúng sẽ thấy được thế hệ trước như thế nào; người dân Bình An khi thấy được chiếc chiếu họ sẽ nghĩ đến việc nghề chiếu đã từng nuôi sống bản thân họ, những người ở vùng khác khi cần sử dụng chiếc chiếu, họ sẽ nghĩ tới làng dệt chiếu Bình An.
Tóm tắt đề tài
Đề tài “Tâm thức của nghệ nhân trong việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống ở làng dệt chiếu (Nghiên cứu trường hợp làng chiếu Bình An, phường 6, Quận 8, TP. HCM)” đã minh chứng được rằng: Dù làng nghề dệt chiếu truyền thống ở Bình An đã biến mất nhưng tâm thức về nghề vẫn còn tồn tại trong đời sống của những người thợ thủ công nghề dệt chiếu. Tâm thức này là những tâm tư tình cảm của con người đối với một nghề truyền thống của ông cha, mà nghề đó đã trở thành một phương thức mưu sinh quan trọng đối với từng cá nhân và cộng đồng giáo xứ Bình An. Đối với phần lớn những người thợ dệt chiếu của năm xưa tâm thức này được giữ kín dù cho họ rất muốn chia sẻ và tưởng như mọi người đã quên đi tất cả những câu chuyện về quá khứ, nhưng khi mang đến cho họ một biểu tượng gì đó về cái nghề mà họ đã sử dụng để mưu sinh thì tất cả những ký ức đó được kể ra, với những câu chuyện lịch sử liên quan đến chính cuộc đời của họ.
Thông qua những câu chuyện được kể, cả một thời kỳ lịch sử lâu dài của phường Sáu được ghi nhận lại. Mở đầu là cuộc di dân năm 1954, với viết bao công cuộc mưu sinh để giành lấy cuộc sống của đồng bào công giáo đồng bằng Bắc bộ tới miền Nam. Qúa trình ra đi và mưu sinh ấy cũng gắn chặt với sự ra đời và phát triển của nghề chiếu cói ở Bình An. Cũng từ những ký ức của người trong cuộc nghề chiếu hiện ra với hầu hết các những đặc trưng và chức năng cơ bản của nó. Không những thế, nó còn cho thấy sự biến đổi liên hồi của những vai trò mà nghề chiếu đã từng mang lại cho người dân trong từng bối cảnh xã hội khác nhau. Từ những đặc điểm, vai trò cũng nhưng những bối cảnh xã hội mà tâm thức con người mang lại, những nguyên nhân về sự mất đi của nghề dệt chiếu truyền thống ở Bình An cũng dần dần lộ rõ. Đó không chỉ riêng là những nguyên nhân khách quan như là sức ép của vấn đề đô thị hóa sinh ra như dân số, nhà ở, việc làm, quy hoạch đô thị. Mà quan trọng, việc chạy đua theo sản phẩm trong những năm đầu của thập niên 1980, khiến cho chiếc chiếu bị mất thị trường tiêu thụ lớn, từ đó nghề chiếu không đáp ứng được những nhu cầu về kinh tế như trước. Do vậy quan điểm về nghề chiếu lại bị thay đổi từ nghề của đại đa số những người dân Bình An, đã chỉ còn là nghề của những người có sức lao động kém.
Trong những ký ức về thời kỳ hoàn kim của nghề dệt chiếu, một mối quan hệ xã hội cũng được khai mở. Ngoài thời gian để tới nhà thờ, những gia đình ngày đó cũng có mối liên hệ chặt chẽ hơn thông qua những buổi trao đổi về nghề nghiệp giữa những gia đình cùng làm nghề chiếu. Trong quan hệ gia đình có nhiều hơn sự chia sẻ giữa cha mẹ với con cái về truyền thống của cha ông, để từ đó những người con đó dù không được sinh ra tại Bắc bộ nhưng vẫn nhớ về nơi đó với tổ tiên nguồn cội, và cuộc di dân khó khăn của cha mẹ để tìm kế mưu sinh. Còn trong nhưng gia đình hiện nay thì khác, việc chia sẻ những ký ức lịch sử đó khó có thể thực hiện được bởi những người trẻ tuổi dành nhiều thời gian hơn cho những không gian riêng của họ.
Biểu hiện của tâm thức về nghề chiếu đối với một số những người thợ dệt chiếu ở Bình An còn là niềm tự hào, sự tri ân đối với nghề chiếu. Tình cảm với nghề càng được nhấn mạnh khi họ sử dụng một hình ảnh nhân hóa để nói về nó: “Nghề chiếu như một người Mẹ, một thời đã nuôi sống cả giáo xứ Bình An”. Từ đó nảy sinh trách nhiệm đối với nghề, trách nhiệm này lại định hướng hành động của họ, thôi thúc họ tiếp tục sản xuất để lưu giữ lại nghề truyền thống của cha ông.
Trong bối cảnh Bình An hiện nay, việc mất đi những thông tin lịch sử quý giá về văn hóa xã hội qua các thời kỳ khác nhau là điều đã và đang xảy ra. Qua phương pháp phỏng vấn lịch sử qua lời kể, đề tài đã thu thập được những câu chuyện quan trọng từ ký ức của nghệ nhân giai đoạn 1954 đến nay. Từ đó xây dựng lại lịch sử hình thành và phát triển của nghề chiếu, đồng thời tìm ra mối liên hệ của nghề chiếu với những bối cảnh xã hội rộng lớn hơn.
Do điều kiện nghiên cứu còn nhiều hạn chế nên đề tài chỉ được nhóm tác giả nghiên cứu ở làng chiếu Bình An, thuộc địa bàn phường Sáu, quận Tám, thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài chưa có điều kiện so sánh với một số làng nghề khác ở địa bàn thành phố Hố Chí Minh. Chính vì vậy nhóm tác giả có suy nghĩ đến một hướng nghiên cứu mới, mở rộng thêm việc nghiên cứu ở những làng dệt chiếu thủ công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để có thể so sánh, kiểm chứng những kết quả nghiên cứu của mình.
Nguyễn Quốc Việt
Lớp NH07, khoa Nhân học, ĐH. KHXH&NV TP.HCM