BTKUXH – “Xe bus”, có lẽ hai từ này đã được xếp vào danh mục trong cuốn từ điển sống của tôi rồi. Xe bus gắn với tôi đã hơn hai năm nay, từ khi tôi trở thành sinh viên năm hai, bây giờ đã là sinh viên năm cuối rồi, xe bus vẫn là người bạn thiết thân nhất của tôi. Tôi phải công nhận rằng xe bus rất tiện đối với tôi: đi học bằng xe bus, đi chơi với bạn bè bằng xe bus, đi nhà thờ bằng xe bus… Nói chung, nó như là đôi chân của tôi vậy. Tuy nhiên, nhiều khi tôi cũng không cảm thấy vui gì khi phải đứng suốt trên xe bus trật trội, mà lại bị kẹt xe. Có lẽ tình trạng này thường xuyên hơn kể từ khi tôi chuyển địa điểm học, từ cơ sở Thủ Đức lên cơ sở ở Quận 1. Đặc biệt, tình trạng kẹt xe càng phố biến trong mùa mưa này, và hôm nay cũng không là một ngoại lệ.
Tôi thường đi xe bus số 3 từ ngã tư Phú Nhuận đến đường Hai Bà Trưng giao với Lê Duẩn, khi về thì đi ngược lại. Hôm nay rời trường khoảng 5h30, tôi đi bộ xuống đường Hai Bà Trưng để đón xe bus. Nói thực, khi đi bộ trên đường Lê Duẩn, tôi đã tưởng tượng ra cái cảnh đứng chen chúc trên xe bus và xe cộ thì xếp thành hàng dài thật dài. Thật ngán ngẩm. Nhưng về nhà thì vẫn phải về thôi, và tất nhiên là bằng xe bus, còn cách nào khác sao? Đúng như dự đoán, xe bus trật ních, người là người, và số tôi là số “được” đứng. Nếu như không kẹt xe thì chắc tôi chỉ tốn khoảng 20 phút là xuống khỏi xe bus, rồi lội bộ về nhà 10 phút thôi, nhưng với tình trạng kẹt xe như vầy thì tôi e là phải tốn hơn 1 tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Mỗi chiếc xe nhích từng chút, từng chút một. Oải quá!
Nhìn cảnh kẹt xe do nhiều người đi xe máy, xe ô tô không tuân thủ luật lệ giao thông, đèn đỏ mà cứ phóng, có người còn ác miệng, bực tức mắng: “Sao tụi nó ngu thế không biết, đèn đỏ không thấy sao mà cứ phóng hoài vậy. Mỗi người có ý thức một tí thì làm gì có kẹt xe.” Tôi nghĩ họ nói cũng đúng, chắc mỗi người phải tự ý thức để chấp hành tốt luật giao thông thôi. Tuy vậy, điều này có vẻ còn xa vời lắm vì “họ chỉ lo cho bản thân họ thôi, thời buổi này ai còn để ý đến lợi ích của người khác nữa. Cái tôi đã chi phối mọi hành động của họ rồi”. Tôi đứng mơ màng trên xe, nhìn đoàn người chen chúc, và nghĩ vu vơ như thế.
Bất chợt, trên xe, cô tiếp viên la lên “Anh [bác tài] ơi, thằng nhỏ nó bị sao nè, nó đứng không nổi rồi.” Bác tài cũng hốt hoảng, và nhiều người trên xe cũng nhao lên, nhìn về phía cô tiếp viên, và cậu bé bị ngất: “Trời sao nhìn nó xanh xao thế này?” Tôi cũng giật mình, thoát nhanh khỏi những mơ mộng, suy nghĩ lan man, mà nhìn về phía người bị ngất. Thì ra là một cậu sinh viên trường Cao đẳng Cao Thắng. Tôi nhìn không rõ mặt cậu sinh viên chỉ biết cậu học trường này qua chiếc áo xanh quen thuộc, đặc trưng của trường thôi.
Mọi người ai ai cũng lo cho cậu sinh viên này khiến cả xe trở nên náo động hẳn. Cùng một lúc nhiều tiếng nói vang lên “Ai đứng lên cho thằng bé ngồi đi” “Có ai có dầu không?” “Dầu đây, dầu đây”, “Mở cửa xe ra cho đỡ ngộp đi, nhìn nó xanh mét à”, “Rót cho nó ly nước đi cô bác ơi”. Có người hỏi cậu sinh viên: “Nhà em ở đâu?”, rồi chẳng nghe cậu sinh viên trả lời gì, mà chỉ thấy tiếng thốt lên: “Trời, ở tận Ngã Tư Ga hả? Xa quá!” “Trời, mấy đứa học sinh đi học cả ngày rồi, lên xe bus còn đứng thế này, làm sao chịu nổi”… Có vẻ như “các mẹ” vẫn là những người chu đáo nhất, lo lắng nhiều nhất. Cậu sinh viên được nhường chỗ, ngồi xuống, và được “các mẹ” bôi dầu cho. Vì sắp xuống trạm nên tôi cũng không đóng góp gì trong việc nỗ lực giúp cậu sinh viên khỏe lại, ngoài việc đổ hết chai nước của tôi vào cái ly nước của bác tài rồi cho cậu sinh viên này uống. Sau đó, tôi xuống chạm.
Trên đường đi từ Ngã tư về nhà, tôi cảm thấy trong lòng mình vui vui. Có lẽ chuyện không may là cậu sinh viên Cao Thắng bị ngất, nhưng đằng sau sự việc này tôi nhìn thấy một xã hội thu nhỏ, mọi người vẫn quan tâm, vẫn thể hiện lòng trắc ẩn của mình khi nhìn thấy người khác gặp nạn. Mọi người vẫn thường nói: xã hội càng hiện đại, con người càng bị suy đồi về đạo đức, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Nhưng chỉ với sự việc nhỏ này thôi, tôi cảm thấy vui hơn, yêu đời hơn vì biết rằng đằng sau những bộ mặt lạnh lùng, ít cười đó là những tấm lòng nhân ái, đầy tình thương.
Anh Vu
12.10.2010