Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân (7)

0
940

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 7

Thứ ba ngày 08 tháng 7 năm 2008

Nhận thấy tình hình tập trung nhóm công nhân có vẻ không ổn lắm nên tôi đã xuống Hội đồng nhân dân phường Linh Trung để liên lạc với bên Đoàn thanh niên của phường. Đón tiếp tôi với thái độ khá niềm nở nên phần nào cũng khiến cho tôi đỡ “khớp”. Anh Tứ – phó bí thư Đoàn phường là người tiếp chuyện với tôi. Sau khi trình bày lý do tại sao tôi đến đây thì anh Tứ cho biết là anh không nhận được giấy giới thiệu nào (từ phía chúng tôi) vì thế về mặt pháp lý tôi không thể hợp pháp để thu thập thông tin ở phường này được. Tôi rất bất ngờ về thông tin này. Tôi nói anh xem xét xem vì chúng tôi đã gởi giấy giới thiệu này cũng đã khá lâu (khoảng hơn 2 tháng rồi). Lúc này thì đến lượt anh Tứ thốt lên: “vậy à, bởi vì phường này mới thay đổi Bí thư, cách đây hai tháng thì anh Tài làm bí thư còn bây giờ thì người khác làm rồi”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thì ra là vậy. Vậy là từ đây mọi vấn đề, mọi khúc mắc được giải quyết khi tôi trực tiếp gọi điện thoại để nói chuyện với anh Tài và được anh Tài xác định là đã nhận được giấy giới thiệu của chúng tôi. Tôi đã nêu rõ những gì tôi mong muốn Đoàn phường giúp đỡ vì tôi đang gặp khó khăn ở khu phố 2 khi mà chú Dân không đồng ý hợp tác với chúng tôi nữa, anh Tứ đã vui vẻ nhận lời và giới thiệu tôi với bí thư Đoàn khu phố 2. Trong khi chờ bí thư khu phố 2 lên văn phòng để gặp tôi, tôi ngồi nói chuyện với anh Tứ thì được biết ở phường này cũng tổ chức nhiều hoạt động dành cho công nhân, những hoạt động văn nghệ được tổ chức cho công nhân tại khu lưu trú. Tôi cũng còn được biết thêm một thông tin là ở đây vừa có một dự án cũng là tìm hiểu về đời sống công nhân đó là tổ chức phi chính phủ ENDA. Vừa qua tổ chức này đã tiến hành khảo sát thu thập số liệu tìm hiểu về cuộc sống của công nhân. Lát sau, anh Tứ có việc phải đi nên tôi ngồi một mình chờ Bí thư Đoàn khu phố 2. Khoảng 15 phút sau, bí thư Đoàn khu phố 2 cũng đã đến. Đó là Hương, là cô gái nhỏ nhắn, xông xáo và rất  nhiệt tình khi yêu cầu của tôi đưa ra để tập hợp công nhân đã được Hương sẵn sàng giúp đỡ ngay lập tức. Tôi rất vui vì điều đó. Tiếp xúc với Hương tôi được biết thêm những thông tin thú vị đó là không như tôi những tưởng là không có tổ chức nào cho công nhân tham gia mà ngược lại có những tổ chcứ đã được thành lập khá lâu và cũng đã có những hoạt động rất cụ thể. Hiện tại ở khu phố 2 có hai tổ chức được thành lập là “câu lạc bộ nữ thanh trọ” và “………” Nói chuyện với Hương một lát tôi xin phép ra về vì tôi còn phải qua phường Linh Xuân để gặp cô Thanh liên hệ số lượng công nhân cần tập hợp để làm thảo luận nhóm vì tôi nhận thấy việc nhờ công nhân tập hợp công nhân khó có thể thành công.

Qua khu phố 3 gặp cô Thanh và tôi cũng nói rõ mục đích của tôi hôm nay đến đây để làm gì thì được cô Thanh sẵn sàng nhận lời giúp đỡ và sẽ tập hợp công nhân giùm tôi  tuỳ thuộc vào thời gian chúng tôi sắp xếp. Và để thuận tiện cho công việc tôi quyết định làm thảo luận nhóm ở phường Linh Xuân vào buổi sáng chủ nhật và phường Linh Trung vào chiều, tối chủ nhật cùng ngày để tiết kiệm thời gian. Tôi cũng thăm dò cô Thanh xem ở khu phố này có tổ chức nào của chính quyền được thiết lập dành cho công nhân không, thì được cô cho biết là ở đây có một số công nhân tham gia sinh hoạt Đoàn và sinh hoạt trong câu lạc bộ “nữ thanh nhà trọ”. Thông qua cô tôi được biết vừa qua bên Đoàn thanh niên của phường đã tổ chức mấy bữa chiếu phim cho công nhân xem vào những tối cuối tuần ở mảnh đất trống trong khu này. Cô cũng cho biết thêm là hiện tại bên Đoàn phường đã uỷ thác cho cô một dàn Karaoke để tổ chức hoạt động văn nghệ cho công nhân. Nhưng vì nhà của cô quá chật hẹp nên không thể là nơi cho công nhân tụ tập để hát hò được, cô đang tìm một phương án khác hiệu quả hơn. Nghe những điều cô Thanh nói về những hoạt động của Đoàn thanh niên trong thời gian qua tôi cũng thấy vui, như vậy là đã có những tín hiệu đáng mừng cho công nhân.

Ngoài trời sắp mưa lớn nên tôi xin phép cô Thanh ra về. Trong lòng chợt thấy vui….

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.