“Mùa thu rồi/ngày hăm ba/ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” – những ngày lâng lâng trong cơn say hứng khởi của Cách mạng Tháng Tám qua đi rất nhanh ở Sài Gòn. Từ tiếng súng đầu tiên ngay trong buổi lễ Độc lập 2-9-1945, những bóng đen lởn vởn đe dọa mùa thu hòa bình đã mau chóng tụ thành bão tố.
Đêm 22-9, các trụ sở chính của Ủy ban nhân dân Nam bộ non trẻ đã bị đánh úp. Súng lại nổ. Lần này, khác với khi thành Gia Định thất thủ ngày 17-2-1859, nhân dân Sài Gòn đã cùng nhau đồng lòng lặp lại một lời thề đã thấm vào tim óc họ từ non một tháng trước, ngày 25-8-1945.
Thề: “Độc lập hay là chết”.
Vẫn là những người dân ấy, vẫn lòng quyết tâm được thể hiện rất hồn nhiên ấy, mọi người lao vào cuộc giữ gìn nền độc lập với tất cả những gì họ có. Ủy ban kháng chiến Nam bộ ra lời hiệu triệu: “Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng”. Thật khó tưởng tượng một Sài Gòn như vậy nhưng lạ thay, những câu chuyện, những dấu tích của một Sài Gòn hoang tàn đầy đe dọa với quân Pháp ấy vẫn còn đến tận hôm nay.
Vườn xưa nền cũ
Hôm nay, Ủy ban kháng chiến kêu gọi: Ai không có phận sự được ủy ban giao phó hãy lập tức rời khỏi TP. Những người còn ở lại thì: không làm việc, không đi lính cho Pháp; không đưa đường, không báo tin cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp… Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.
(Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ sáng 23-9-1945) |
Đã 83 tuổi, dì Tư Nguyên (Lê Thị Lợi, ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) vẫn tươi tắn và nhanh nhẹn y như thời còn con gái. Ngày ngày dì vẫn phụ con dâu gói, luộc bánh tét bán ở chợ Bà Điểm, vẫn thoăn thoắt chăm sóc căn nhà đầy những món đồ xưa cũ, khu vườn rộng mà ba thiên trầu ngày xưa nay đã thay thế bằng cả một rừng chuối. Hôm tôi tới thấy dì còn đang chuẩn bị đi học trồng phong lan.
Ngày ấy, ông Lâm Văn Có – cha của dì – là chủ một cơ sở vận tải ở Khánh Hội, Sài Gòn. Xe tải của ông chở hàng từ ghe tàu ở bến cảng Khánh Hội đi khắp các chợ trong TP. Cất khu nhà ngang dọc lớn nhất khu vườn trầu cho vợ con ở, ông thường được gọi là “ông nhà giàu Bà Điểm”. Năm 1945, hai con gái của “ông nhà giàu” là Ba Của và Tư Nguyên cũng hăng hái tham gia thanh niên tiền phong cùng hàng ngàn người nắm tay thề hi sinh cho độc lập ở vườn ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn). Hôm nay dì Tư vẫn còn nhớ rõ những buổi mittinh, biểu tình năm ấy, những ngày tham gia phụ nữ cứu quốc, vào đội cứu thương và quyết tâm để “khắc phục nỗi sợ máu” thời con gái.
Nhưng câu chuyện về cái nền nhà cũ thì phải đợi đến khi bà Sáu Tự ở ấp Tiền Lân sang chơi nhắc lại thì dì mới “à” lên và dắt chúng tôi ra xem một khoảnh rộng ngoài vườn lổn nhổn những tảng đá xanh mà dì vẫn để trống, không trồng tỉa. “Đó là cái nền nhà cũ” – dì giải thích.
Nền nhà cũ? Chúng tôi theo dì đếm hàng chục bước chân theo chiều dọc của hàng đá xanh đến khu nhà sau còn nguyên những bức tường gạch thẻ tô ô dước, nền đá xanh, chỉ có mái ngói xưa đã được thay bằng tôn. “Đây là khu nhà bếp còn để lại để mấy anh em tui ở, nay cho thằng con trai. Khu nhà bên trái bị Tây đốt. Khu nhà trước lớn nhất thì mấy anh em đốt. Mấy anh dân quân chia các góc châm lửa, cả ông anh tôi đang bị lao phổi cũng ra tiếp tay. Rồi phải đốt trước mấy cái tủ, bàn để làm mồi, lửa cháy đỏ rực…” – dì kể, gương mặt rất tươi thoáng một chút tần ngần. Hỏi dì Tư còn tiếc căn nhà không, dì khoát tay gạt phắt: “Ngày đó tui là đứa con gái 17 tuổi rất tự hào về căn nhà đẹp của cha mẹ nhưng cũng không biết tiếc, cán bộ bảo đốt đi, độc lập rồi xây nhà to đẹp hơn. Giờ vẫn chưa có được nhà đẹp hơn nhưng cũng không tiếc, vì đất nước mà, bao nhiêu người hi sinh tánh mạng họ còn không kể, chút của cải sá gì”.
Hỏi mãi rồi dì Tư cũng ngần ngại lục tìm trong mớ giấy tờ nhàu nát ố vàng ra mấy tấm giấy viết tay. Trên ấy, ông Nguyễn Văn Hai ở ấp Tiền Lân viết: “Thời chín năm tôi làm dân quân xã Tân Thới Nhứt. Trong phong trào tiêu thổ kháng chiến, gia đình ông Lâm Văn Có hi sinh cái nhà trên cho anh em dân quân đốt (trong đó có tôi) vì sợ Tây lấy nhà đóng quân. Còn cái nhà dưới, trên trần nhà là chỗ trú ẩn của anh em du kích…”.
Ông Phan Văn Voi ở ấp Trung Lân viết: “Ngày Nam bộ kháng chiến tôi phụ trách ủy viên tiếp tế, tài chánh của lực lượng giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa. Do nhu cầu vận chuyển lương thực và quân đội, tôi mượn của ông Lâm Văn Có một chiếc xe tải hiệu Dodge. Đến tháng 4-1946, chiếc xe bị quân Pháp đốt cháy tại xã Hiệp Hòa, Đức Hòa. Mấy tháng sau có dịp công tác, tôi về báo với ông Lâm Văn Có việc chiếc xe thì ông vui vẻ bảo “không phải cho mượn mà là cống hiến cho cách mạng”, đồng thời ông còn gửi giúp giải phóng quân một số tiền nữa…”.
Nhà bị đốt, xe bị đốt, cơ sở vận tải cũng giải tán theo lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến”, các con gái của ông Có về Bà Điểm trồng trầu, tiếp tục nuôi giấu cán bộ cách mạng trên tầng laphông, thanh rui mè trong gian nhà cũ. Đến hôm nay, dì Tư Nguyên đã cắt dần những khoảnh đất cho con cháu cơi nới dựng nhà, còn trên cái nền cũ cỏ vẫn mọc đầy. Cắc cớ hỏi nếu hoàn cảnh yêu cầu đốt nhà lần nữa, dì có làm không? Dì Tư cười thoải mái: “Làm chớ, miễn là làm cho đất nước thì sao cũng phải làm, ba tui dạy vậy mà. Mà cũng không chỉ mình ba hay tui đâu, ai cũng vậy hết…”.
Sài Gòn trong bóng đêm
Quả là ai cũng vậy nên người dân Sài Gòn không còn nhận ra Sài Gòn sau ngày 23-9 ấy nữa. Sách Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn kháng chiến 1945-1975 sơ kết: “Một tuần lễ sau lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, quân dân Sài Gòn đã bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin, quyết liệt. 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 81 tàu lớn nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu bị đốt phá”.
Hỡi đồng bào Nam bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục mà lại đã chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam.
…Đồng bào phải kiên quyết, giữ vững sự tin ở tương lai và lập tức thi hành những lời thề quả quyết trong ngày độc lập. (Huấn lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gửi nhân dân Nam bộ ngày 27-9-1945) |
Trong giọng cười hà hà của ông Chín Lộc (Nguyễn Lộc, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) hôm nay – một tráng sinh trong đội thanh niên tiền phong năm xưa – vẫn còn nguyên những hứng khởi của ngày ông hăm hở cầm mồi lửa đi đốt hãng cưa ở Khánh Hội bằng nhiệt tâm “để tụi Pháp không có gỗ đóng tàu”.
GS Trần Văn Giàu vẫn còn tự hào vì lời hiệu triệu ông soạn trong đêm 22-9 giữa những phát súng đầu tiên đã được nhân dân Sài Gòn hưởng ứng gần như ngay lập tức: “Dân quân Sài Gòn ngay từ rất sớm ngày 23 đã phá nhà đèn, máy nước, các tổ nội thành bắt đầu chiến tranh du kích, dân chúng rời Sài Gòn, chợ búa không họp, tiệm đóng cửa…”.
Nhà báo Trần Tấn Quốc – một nhà báo kỳ cựu của Sài Gòn, chủ nhiệm báo Tiếng Dội đã tường thuật rất chi tiết những ngày ấy trong cuốn Sài Gòn, Septembre 1945: “Tối 23, đại tướng Gracey triệu tập họp báo. Chúng tôi họp trong âm thầm, không một ngọn đèn. Trong cảnh tối om ấy, mỗi người đều tự hỏi những gì đang xảy ra và đều đặt ra nhiều câu hỏi hối thúc.
Ở xa xa, nhiều đám cháy ngùn ngụt đỏ trời. Việt Minh chiếm đóng tất cả các khu vực ngoại ô… Mãi đến ngày 25, Sài Gòn vẫn chưa có điện nước, lại thêm không có lương thực. Người Pháp lâm vào cảnh túng cùng. Đại tá Cédille viết nhiều tuyên cáo kêu gọi người Việt Nam trở lại làm việc. Đáp lời, người Việt Nam kéo nhau ra khỏi TP…”.
Trong báo cáo ngày 24-9-1945 gửi về Mỹ, thiếu tá Albert Peter Dewey, trưởng phái đoàn OSS Mỹ (Office of strategic services – tổ chức tình báo Mỹ, tiền thân của CIA) ở miền Nam, nhận định: “Nam bộ đang bùng cháy”.
Một “vành đai đỏ” được thiết lập và từ từ thắt chặt xung quanh TP, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế. Các cuộc xung phong quyết tử liên tiếp diễn ra ở cầu Bông, cầu Kiệu, Thị Nghè, Ngã Sáu, Khánh Hội, Xóm Củi, chợ Thiếc, Hàng Xanh, ngã tư Verdun – Chasseloup Laubat (Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai), Gallieni (Trần Hưng Đạo), An Bình, Phú Nhuận… Phải đến tận cuối năm, khi quân đội viễn chinh Pháp do tướng Leclerc đứng đầu đổ bộ xuống, “vành đai đỏ” này mới bị phá vỡ, lấn dần sang Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Hôm nay, nhớ lại những ngày ấy dì Tư Nguyên cười vang: “Đã thề rồi mà, phải giữ chứ”. Những người Nam bộ hồn hậu như dì Tư Nguyên đã giữ vững lời thề trong ngày độc lập của mình như thế, một lời thề cho suốt 30 năm khói lửa tiếp sau đó.
PHẠM VŨ