BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.
Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 4
Chủ nhật ngày 29 tháng 6 năm 2008
Sáng nay, sau khi cả nhóm họp lại để xác định lại một lần nữa những việc cần làm khi xuống thực địa tiến hành các công cụ thu thập thông tin định tính thì buổi chiều tôi xuống địa bàn khu phố 3 để liên lạc tìm người nhằm tổ chức thảo luận nhóm và làm PRA.
Sau hơn một tháng trở lại địa bàn nghiên cứu, cảnh vật và con người ở đây nhìn cũng không thay đổi nhiều lắm, vẫn ngôi chợ nhỏ lúc nào cũng tấp nập người qua lại, vẫn những tốp công nhân nam, nữ đi bộ phủ lấp các con đường ngoằn ngoèo của các xóm trọ, mặc dù là chủ nhật nhưng vẫn không thiếu những bóng dáng áo xanh sau giờ tan ca.
Những bước chân của tôi dừng lại trước con hẻm quen thuộc – đường dẫn vào nhà trọ chị Hoài. Ngay từ đầu, tôi đã xác định người có thể tập hợp công nhân để tiến hành thảo luận nhóm là những người bạn trong phòng trọ chị Hoài.
Do đã báo trước với Huyền nên tôi không lo lắng vì sợ họ không có ở nhà. Huyền đón tiếp tôi bằng nụ cười niềm nở. Nhìn Huyền có vẻ ốm hơn cách đây một tháng. Câu đầu tiên Huyền nói với tôi: “chờ từ hồi sáng giờ, tưởng là Liên không đến chứ”… hôm nay chị Hoài và anh Hoà không có ở nhà vì đang vào ca ở công ty.
Sau một lúc nói chuyện, tôi ngỏ ý nhờ Huyền giúp đỡ tìm giúp tôi khoảng 20 công nhân, chưa lập gia đình và ưu tiên cho những người tham gia một hội nào đó bất kỳ. Huyền gật đầu vui vẻ đồng ý nhưng Huyền nói: “để mình tìm xem, chứ cũng không chắc chắn tìm được 20 người”. Tôi hỏi về thời gian và địa điểm để tiến hành thì Huyền nói là sẽ chọn phòng trọ này làm địa điểm tiến hành, còn thời gian thì chủ nhật tuần kế tiếp thì không được mà nên để tuần sau, vì đó là ngày nghỉ của toàn công ty, toàn công ty được nghỉ 3 ngày từ thứ sáu đến chủ nhật. Ngày chủ nhật tuần sau rất thuận lợi để tiến hành. Tôi đồng ý với phương án của Huyền. Ngoài ra, tôi cũng nhờ Thuyên (cùng phòng với Huyền) giúp đỡ, dù sao nhờ một lúc hai người cũng yên tâm hơn.
Nói chuyện phiếm với Huyền một lúc, tôi ra về vì lúc này cũng đã gần tối. Coi như việc liên hệ người là tạm ổn, khởi đầu như vậy là ổn rồi.
Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)