Luật sư Phan Anh: Ký ức tháng Tám năm 1945

0
909

Sau cuộc đảo chính của quân đội Nhật Bản đêm mồng 9/3/1945, chủ quyền của Pháp ở Việt Nam không còn nữa. Và vua Bảo Đại đã cho mời một số nhân sĩ vào Huế để thăm dò ý kiến về thời cuộc. Luật sư Phan Anh và hai người nữa trong nhóm Thanh Nghị là Hoàng Xuân Hãn và Vũ Văn Hiền đã nhận được lời mời. Bà quả phụ của luật sư Phan Anh, Đỗ Thị Hồng Chỉnh, đã ghi lại lời kể của chồng mình về những ngày tháng đó.

Luật sư Phan Anh. Ảnh: A.V.

“Anh Phan (tức luật sư Phan Anh – người biên tập) kể rằng:

– Thời gian vào triều kiến Bảo Đại còn khoảng một tháng, nên anh tranh thủ nắm thêm tình hình, trước hết là lực lượng tiến bộ, những phần tử yêu nước, mà không tin vào Nhật, như bác sĩ Trần Văn Lai, Trần Hữu Chương, Trần Duy Hưng,… Tuy vậy, còn một tồn tại mà anh chưa cảm nhận đúng, đó là lực lượng to lớn của nhân dân đương tiến lên dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, của Bác Hồ.

Bác sĩ Trần Duy Hưng đã đồng tình cùng đi vào Huế với anh, hai người đã hẹn hò nhau: 5 giờ sáng ngày hôm sau, bác sĩ Trần Duy Hưng đến 74 phố Hàng Bạc để cùng lên đường. Nhưng, buổi chiều trước ngày lên đường, anh Dương Đức Hiền (lúc ấy cũng đã rút vào bí mật) gửi đến anh một lá thư với lời khuyên: “Anh không nên vào Huế”. Sáng hôm sau, anh Trần Duy Hưng cũng không đến. Nhưng, anh vẫn quyết định “cứ đi”.

Vào đến Huế, anh Phạm Khắc Hoè – Đổng lý Văn phòng của Bảo Đại ra đón và đưa cả ba người vào nghỉ ở khách sạn Morin. Những người mà vua Bảo Đại muốn tiếp kiến lúc đó, có cả những người có tuổi như Trần Văn Thông (Tổng đốc Nam Định), Bảo Đại tiếp kiến từng người một. Và, anh là người vào cuối cùng… Câu chuyện tiếp kiến này, xoay xung quanh vấn đề nhận định tình hình. Bảo Đại hỏi anh về thanh niên Việt Nam. Anh cho Bảo Đại biết rằng: Phong trào sinh viên là sôi nổi, đó là hoạt động của những thành phần yêu nước.

Đi vào phân tích tình hình xã hội nước ta, anh đã lưu ý Bảo Đại tới bọn thân Nhật, làm cho Bảo Đại thấy cần phải chú ý chặn tay bọn này. Vì, trong nước chúng có thể gieo nhiều tai họa cho đồng bào, gây nên cảnh “nồi da nấu thịt”. Và, trên trường quốc tế, chúng có thể câu kết với Nhật, đưa nước nhà đi đến chỗ phiêu lưu, chống lại Đồng Minh…

Anh cũng lưu ý Bảo Đại tới những người có quan điểm như nhóm Thanh Nghị, họ đi theo đường lối chống Pháp, giữ thái độ trung lập với Nhật (nghĩa là không ngoặc sâu với Nhật) để giữ thế giao hảo với Đồng Minh. Đề cập đến vấn đề chính phủ, Bảo Đại hỏi: “Nên như thế nào?”. Anh trả lời: “Vấn đề chủ yếu là giữ được thế trung lập, đặc biệt là không chống những người thuộc lực lượng “cánh tả” như Việt Minh”.

Đi sâu vào vấn đề này, Bảo Đại lại hỏi về vai trò của sinh viên. Anh nói: Nguyện vọng của sinh viên và thanh niên nói chung là chống sự quay trở lại của thực dân Pháp. Và, việc thành lập chính phủ cũng nhằm mục đích đó… Chính phủ chủ yếu là phải nhằm chính sách chống lại bọn cơ hội thân Nhật, chống cảnh nội chiến, và đặc biệt tránh mưu đồ của Nhật dùng thanh niên ta chống quân Đồng Minh”…

Nhân đây, tôi cũng muốn nói một chút về những người cộng sự mà gần gũi với anh là anh Hoàng Xuân Hãn,… (Tuy nhiên, cũng xin có một lưu ý, đó là chưa hỏi được hết về những người bạn của anh mà tôi muốn hỏi, thì anh đã đột ngột ra đi, nay đành phải bằng lòng với những cái gì mình đã có. Ví dụ như tôi đã hỏi được về anh Hoàng Xuân Hãn, anh Tạ Quang Bửu,…).

“Anh Phan kể:

– Anh biết anh Hoàng Xuân Hãn vào khoảng 1934 – 1935 là một trí thức có tiếng trong giới du học sinh ở Pháp về. Nhưng, chỉ biết thế thôi, không có quan hệ gì đặc biệt, vì mỗi người ở mỗi hoàn cảnh, mỗi người làm một nghề. Anh Hoàng Xuân Hãn là Giáo sư về toán học, còn Anh là sinh viên luật học và đi dạy văn học ở trường tư.

Anh Hoàng Xuân Hãn là công chức cao cấp, còn anh là sinh viên nghèo. Nhưng, có lẽ cái giống nhau lúc đó là ở chỗ: tinh thần yêu nước. Cái tinh thần đó, trước đã có ở các anh. Nghĩa là, anh Hoàng Xuân Hãn cũng như anh đã được hun đúc tinh thần yêu nước chống ngoại xâm trong các gia đình nhà Nho vùng Nghệ Tĩnh, nay càng rõ hơn và phát triển thêm để cùng nhau tìm cách làm một việc gì đó ngoài việc thực thi kế sinh nhai.

Khi anh làm luật sư, một nghề tự do và đã có kinh nghiệm hoạt động trong giới sinh viên và thanh niên, thì anh đã cùng một nhóm bạn lập ra Tạp chí Thanh Nghị, và anh Hoàng Xuân Hãn đã tham gia viết bài cho tạp chí đó. Từ cái quen thuộc bạn bè thường, tình bạn của hai bên đã hướng vào mục tiêu cụ thể hơn, đó là dùng ngòi bút để hoạt động chính trị…

Chính trong thời gian 1940-1944, thế giới đi vào chiến tranh và Việt Nam bị Nhật chiếm đóng. Cái ác cảm đối với “bọn quân phiệt Nhật”, cái nghi ngờ đối với “bọn cánh tả Pháp” là chỗ giống nhau giữa những người trí thức yêu nước, muốn nhân tình hình mới này, mà tìm cách thoát khỏi vòng nô lệ. Cái mẫu số chung đó của giới trí thức Hà Nội lại càng làm cho tình bạn giữa anh và anh Hoàng Xuân Hãn gắn bó hơn, thắm thiết hơn.

Và, cùng vì cái đồng thanh, đồng khí đó đã đưa anh Hoàng Xuân Hãn, anh và anh Vũ Văn Hiền trong nhóm Thanh Nghị tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim. Ba người cùng nhau đi một đoàn xe bí mật vào Huế để gặp nhà vua. Và, khi trao đổi ý kiến về việc chọn người cầm đầu Chính phủ là ông Trần Trọng Kim (lúc đó chưa có mặt ở Huế) thì ba anh em trong nhóm Thanh Nghị lại trở ra Hà Nội để theo dõi tình hình biến chuyển.

Gần một tháng ở Hà Nội, tình hình Nhật càng bị sa lầy và phải dựa vào bọn công chức Pháp để lấp chỗ trống. Nhóm Thanh Nghị, đứng trước nguy cơ Nhật giữ công chức Pháp ở lại các công sở để có con bài khi Nhật cần mặc cả, đã xác định đường lối phải gấp rút lập Chính phủ đòi đuổi Pháp ra khỏi các công sở, thay bằng người Việt Nam. Và, giữ thái độ trung lập giữa Nhật và Đồng Minh để đón thời cơ khi Đồng Minh thắng trận. Chủ trương đó đã được nhà vua tán thành.

Và, sau một tháng cuộc đảo chính Nhật thì Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập với thành phần là trí thức yêu nước từ Bắc đến Nam. Anh Hoàng Xuân Hãn giữ Bộ Giáo dục, anh Vũ Văn Hiền giữ Bộ Tài chính, anh giữ Bộ Thanh niên là một Bộ rất mới, mà nhiệm vụ chủ yếu là huy động thanh niên đấu tranh cho Độc lập. Anh Hoàng Xuân Hãn rất tâm đắc với anh về chủ trương này”.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới chiếc phong bì mà Bộ Giáo dục (Chính phủ Trần Trọng Kim) gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục là anh Hoàng Xuân Hãn (nhưng chưa được đóng dấu của Bưu điện). Tôi nghĩ, Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại có 4 tháng trong năm 1945 thôi, mà đã có nhiều cố gắng để khẳng định vai trò của mình trước Quốc tế (một Quốc tế có ý thức về pháp lý). Mục đích của Chính phủ Trần Trọng Kim là cái gì, thì chỉ qua chiếc phong bì này, cũng nói lên được một số điều đáng nói.

Một là, phần ghi nơi gửi đi, thì nghiêm túc là: Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam. Nói một cách khác: Chính phủ Trần Trọng Kim là Chính phủ lâm thời, nghĩa là Chính phủ ấy đã tự coi như một mắt xích tạm thời trong quá trình hành pháp phục vụ sự nghiệp giành độc lập. Bức thư từ Bộ Giáo dục gửi đi, mà lúc đó Bộ Giáo dục còn là Bộ Giáo dục và Lễ nghi.

Hai là, tem thư mang chân dung Bảo Đại (Bảo Đại không mặc Hoàng bào mà mặc Âu phục). Phía trên ảnh, trên hình một dải băng nơ, ghi dòng chữ: “Hoàng đế Bảo Đại”. Phía dưới ảnh Bảo Đại, trên tem thư là tiêu đề: “Việt Nam – Độc lập – Thống nhất”.

Như vậy, bước đi này của các anh không chỉ muốn tranh thủ Hoà bình về cho đất nước, với một nước cờ có giới hạn chính trị (so với chủ trương của Đảng ta – tiếp liền sau đó-). Nghĩ như vậy, tôi không có ý muốn nhắc nhở tới cuộc chiến tranh ba mươi năm mà nhân dân ta đã tiến hành. Vì, Đảng đã phán đoán chính xác, và cũng như anh Phan đã thấy: Đã là thực dân, thì không dễ gì thực dân trút bỏ cái mối lợi có thể tranh thủ được.

Ba là, phần ghi tên người nhận – “Ông Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Thạc sĩ – Hiệu bào chế Borgnis Desbonée – Hà Nội”. Như vậy, ai là người khẩn trương cho ra con tem này? Phải chăng đó cũng chính là anh Hoàng Xuân Hãn, đã chỉ đạo việc cho ra con tem mới và cũng chỉ kịp lưu giữ làm kỷ niệm.

Hỏi về người bạn cùng hội đồng thuyền anh Tạ Quang Bửu.

Anh Phan đáp:

– Nhận lãnh đạo Bộ Thanh niên, anh phải tìm người cộng sự. Hồi đó, anh ít quen biết giới trí thức ở kinh đô, chỉ có anh Lê Huy Vân là bạn học cũ ở Trường Bưởi làm công chức ở Huế và hai anh Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh là người cùng anh thành lập Hội Tân Việt Nam để ủng hộ phong trào Độc lập. Trong giới lão thành, anh có đến thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng và được gặp anh Tạ Quang Bửu ở đó.

Qua những cuộc tiếp xúc đó, anh đã nhận thấy anh Tạ Quang Bửu là một người trẻ, có thể cộng sự với mình và đã mời anh Tạ Quang Bửu làm cố vấn cho mình trong Bộ Thanh niên. Tuy mới biết nhau, nhưng anh và anh Tạ Quang Bửu đã hợp ý tâm đầu trên đường lối chống Pháp trở lại và trung lập giữa Nhật và Đồng Minh. Trường Thanh niên Tiền tuyến chọn anh Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng là do sáng kiến của anh Tạ Quang Bửu. Trường Thanh niên Tiền tuyến, trong quá trình hoạt động có quan hệ với Thanh niên Việt Minh, điều đó anh cũng biết. Thanh niên Tiền tuyến đã đóng góp một vai trò rất tích cực trong Cách mạng Tháng 8 ở Huế, sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức.

Còn tổ chức thanh niên ở các thành thị và nông thôn trong toàn quốc gọi là Thanh niên Xã hội, làm công tác xã hội, chủ yếu là làm công tác vận động thanh niên theo con đường yêu nước, theo đường lối độc lập với Nhật, là sáng kiến của anh. Sáng kiến này được anh Bửu tích cực ủng hộ, qua việc tổ chức một hội nghị ở Huế có đại diện các tỉnh, mỗi tỉnh có một đại diện lấy tên là Thủ lĩnh Thanh niên, mà một phần lớn thanh niên là của tổ chức Hướng đạo sinh.

Tất nhiên, có nhiều lực lượng thanh niên khác cũng tham gia ủng hộ, trong đó có thể có những lực lượng có cảm tình với Việt Minh. Một ví dụ là tỉnh Hà Tĩnh thì thủ lĩnh thanh niên là một người Việt Minh và đã cùng Việt Minh cướp chính quyền, đó là anh Phan Đăng Tài. Hoặc như, Chánh văn phòng Bộ Thanh niên lúc đó là anh Lê Duy Thước, người vừa là Hướng đạo sinh, vừa là Việt Minh (sau này anh Lê Duy Thước là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp).

Một đặc điểm của phong trào Thanh niên Xã hội là không có tổ chức.

Nghĩa là, nó chưa có điều lệ mà chỉ có một mục tiêu là vận động cho Độc lập đất nước. Chính vì vậy mà nó bao gồm mọi tầng lớp, nhưng chủ yếu là thanh niên học sinh, thanh niên yêu nước. Nó cũng chưa có một cái tên. Về sau, có người gọi là Thanh niên Phan Anh, vì Phan Anh là người thủ xướng ra nó

Đỗ Thị Hồng Chỉnh
Nguồn: CAND

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.