Bản hiến pháp năm 1946: Bài 1

0
994

Trong nhiều thành tựu mà nhà nước cách mạng non trẻ đạt được sau khi giành chính quyền 1945 có một “tài sản” đặc biệt: Bản hiến pháp đầu tiên của một nhà nước độc lập được soạn thảo bởi những người mang tư tưởng tự do, bình đẳng, dân chủ, đồng thời là những người đầu tiên điều hành nhà nước. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều tư tưởng mang tầm thời đại của Hiến pháp 1946 vẫn được nghiên cứu, soi rọi. Không có tham vọng đánh giá toàn bộ văn bản này, loạt bài của Pháp Luật TP.HCM hy vọng như những lát cắt để người đọc hiểu thêm tầm vóc tư tưởng của những con người áo vải đã dám “tuyên bố với thế giới” về quyền bình đẳng của mình.

Nói về Hiến pháp 1946, rất nhiều người cho rằng đó là hiến pháp nhân bản nhất, dân chủ nhất và đoàn kết dân tộc nhất. Không chỉ thế, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam còn được hình thành, soạn thảo và thông qua trong một hoàn cảnh lịch sử đầy cam go, gian khổ nhưng vẫn đảm bảo tinh thần “dân là gốc”, dân là tất cả.

Dấu ấn Hồ Chí Minh

Theo PGS.NGND Lê Mậu Hãn, “nói tới Hiến pháp 1946 là phải nói tới Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử 1946”. Bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1946 nhưng tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ cộng hòa, một chính quyền của toàn dân thì đã hình thành từ rất lâu trước đó. Ngay từ năm 1919, khi gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles, Người đã thể hiện tư tưởng lập hiến của mình. Trong tám điều yêu sách, điều thứ bảy yêu cầu phải có hiến pháp cho nhân dân Việt Nam: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Việt Nam yêu cầu ca – diễn ca của bản yêu sách do Hồ Chí Minh soạn để tuyên truyền).

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới việc “phải có một hiến pháp dân chủ” và đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc dân đại hội xây dựng hiến pháp.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I trong lễ ra mắt cử tri tại Việt Nam học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội). (Ảnh tư liệu trong sách ảnh 60 năm chính phủ Việt Nam của Nhà xuất bản Thông Tấn)

Ngày 8-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh 14-SL nêu rõ: “… nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa”. Sắc lệnh cũng tuyên bố tiến hành Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử lịch sử

Và cuộc Tổng tuyển cử lịch sử (ngày 6-1-1946) – nơi ngọn nguồn phản ánh tinh thần Hiến pháp 1946 – đã diễn ra trong tình hình chính trị – kinh tế – xã hội cực kỳ khó khăn, trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài. Đó thực chất là một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt để bảo vệ quyền làm chủ của người dân, quyền tự quyết của dân tộc. Về đối nội, các tài liệu về lịch sử Quốc hội ghi lại: Các báo phản động như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm… (của hai đảng Việt Quốc, Việt Cách) nói xấu Việt Minh quyết liệt, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử vì cho là trình độ dân trí của nước ta còn thấp, quần chúng không đủ năng lực thực hiện quyền công dân, cần tập trung chống Pháp chứ không nên mất thì giờ vào bầu cử v.v…

Đáp lại, báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh số ra ngày 24-11-1945 khẳng định: “Chỉ Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ (…). Sau hết, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân…”.

Về đối ngoại, ở miền Bắc, Tàu Tưởng và tay sai ra sức gây rối, phá hoại Tổng tuyển cử (cướp hòm phiếu, hành hung tự vệ tại Hải Phòng). Ở Nam Bộ, thực dân Pháp khủng bố ác liệt, ném bom nhiều nơi. Hàng chục người đã chết và bị thương nhưng người dân vẫn đi bỏ phiếu lưu động, đổ xương máu thực hiện quyền tự do dân chủ. 89% cử tri trên cả nước đã đi bầu, có nhiều nơi tới 95%.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời như thế.

Các đại biểu Quốc hội khóa I (từ trái sang phải) Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng.

Chính Quốc hội này, vào sáng 2-3-1946, đã họp kỳ họp đầu tiên với thời gian ngắn kỷ lục: 4 tiếng đồng hồ, trong hoàn cảnh nền độc lập nước nhà bị thực dân Pháp lăm le xâm phạm. Tại đây, Quốc hội bầu ban dự thảo hiến pháp gồm 11 người: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Tất cả đều là những nhà trí thức, đại diện cho các đảng phái khác nhau (như Phạm Gia Đỗ là thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng, tức Việt Quốc).

Quyết liệt và dân chủ

Theo PGS-NGND Lê Mậu Hãn, những người soạn thảo Hiến pháp 1946 đều là trí thức xuất thân từ hệ thống đào tạo của Pháp, hấp thu tư tưởng phương Tây nên có thể nói bản hiến pháp có tinh thần dân chủ, pháp quyền rõ nét.

Ban dự thảo hiến pháp đã soạn bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam cũng trong một thời gian rất ngắn, chỉ có vài tháng và bắt đầu công bố trước Quốc hội từ ngày 2-11-1946. Đỗ Đức Dục là người thuyết trình. Đại diện của các đảng trong Quốc hội cho ý kiến đánh giá và phản biện: Hồ Đức Thành – đại diện Việt Nam Cách mạng đồng minh hội tức Việt Cách, Hoàng Văn Đức – đại diện nhóm dân chủ, Lê Thị Xuyến – đại diện nhóm xã hội, Nguyễn Đình Thi – đại diện Việt Minh, Trần Trung Dung – đại diện Việt Quốc, Trần Huy Liệu – đại diện nhóm mácxít.

Theo các tài liệu về lịch sử Quốc hội Việt Nam khóa I, quá trình tranh luận, tranh cãi để thông qua Hiến pháp 1946 diễn ra quyết liệt và dân chủ. PGS-NGND Lê Mậu Hãn cho biết bàn thảo căng thẳng nhất là ở việc quyết “một viện hay hai viện”. Chẳng hạn, Trần Trung Dung không đồng ý với chế độ một viện, sợ chế độ này không thích hợp với Việt Nam nơi dân chúng chưa được huấn luyện nhiều về chính trị. Phạm Gia Đỗ cũng phản đối chế độ một viện vì coi đó là “độc tài của đa số”. Tuy nhiên, phần đông đại biểu lại tán thành một viện. Đào Trọng Kim nói rằng một viện là phù hợp, “chế độ tập quyền và phân công rất thích hợp để có thể ứng phó mau lẹ với thời cuộc”…

Do chiến tranh nên chưa thi hành Hiến pháp 1946

Do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng nên Quốc hội khóa I kỳ họp thứ nhất, mặc dù thông qua hiến pháp (ngày 9-11-1946), đã quyết định không đưa hiến pháp ra trưng cầu dân ý, đồng thời biểu quyết chưa ban hành, thi hành hiến pháp ngay. Việc bầu Nghị viện nhân dân (Điều 24 quy định nghị viện do công dân Việt Nam bầu ra, ba năm một lần) cũng không thể tổ chức được.

Sau nhiều buổi thảo luận và tranh luận từng điều cụ thể, tới ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bản hiến pháp đầu tiên với 240/242 phiếu thuận. Hai phiếu không tán thành là của Nguyễn Sơn Hà và Phạm Gia Đỗ. Đại biểu Nguyễn Sơn Hà bỏ phiếu chống vì hiến pháp không có điều nói về tự do kinh doanh. Còn đại biểu Phạm Gia Đỗ bảo lưu việc phản đối chế độ một viện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Hơn 10 ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản hiến pháp”. Tuy “chưa hoàn toàn” nhưng nó “tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do (…), phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân”.

Đánh giá về Hiến pháp 1946, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định được soạn thảo và thông qua một cách dân chủ, bởi một Quốc hội được bầu ra một cách dân chủ, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp có rất nhiều giá trị. Nó khẳng định quyền tự do, quyền làm chủ đất nước của toàn dân, thể hiện sâu sắc tư tưởng giải phóng dân tộc, độc lập – tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn TS luật Phạm Duy Nghĩa, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, đã gọi đó là bản hiến pháp mà “mỗi câu chữ đều vang vọng tiếng dân”.

Đoan Trang
Nguồn: Pháp luật Tp.HCM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.