Kỷ vật của chiến sĩ đi B ra mắt công chúng

0
855

Chiếc khăn thêu, vở học, trang lý lịch viết tay của bác sĩ Đặng Thùy Trâm; chiếc áo mưa, bi đông, bật lửa mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng trong chiến trường B… Gần 300 hồ sơ và hàng nghìn kỷ vật về một thời chiến tranh gian khổ, đã ra mắt công chúng sáng nay.

Tại triển lãm Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, người xem tận mắt thấy những kỷ vật của bác sĩ, anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó là một chiếc bi đông đựng nước được chị Trâm đề tặng một đồng đội là bác sĩ Thúy Nhi, một chiếc khăn tay có thêu tên mình để tặng bạn, vở học khi chị còn là sinh viên y khoa, phiếu đăng ký hồ sơ cán bộ đi B được bác sĩ Đặng Thùy Trâm tự viết.

Di vật của Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Đoàn Loan

Phần lớn những kỷ vật này được gia đình bác sĩ Trâm giữ, đưa đến đóng góp cho triển lãm. Theo bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, trong số các di vật, quý giá nhất là chiếc bi đông mà bác sĩ Trâm từng sử dụng. Chiếc bi đông đã bị thất lạc thời gian dài, người anh của chị Thúy Nhi đã rất vất vả tìm lại được và trao tặng lại cho gia đình bác sĩ Trâm.

Hàng nghìn kỷ vật gợi lại cho người xem cuộc chiến tranh gian khổ, ý chí chiến đấu quật cường của dân tộc. Các chiến sĩ đã làm ra các vật dụng để phục vụ cuộc sống như chiếc ca từ vỏ ống phóng tên lửa, đèn dầu làm bằng ống pháo sáng, túi vải tự may để đựng tài liệu, chiếc gậy Trường Sơn bằng cây song rừng, tấm cói để bọc quần áo, nón dứa, võng bằng dây rừng, chiếc đàn Măng-đô-lin….

Người xem cũng có dịp tìm lại những hình ảnh lãng mạn trong chiến tranh như chiếc khăn rằm, khăn thêu gửi gắm tình cảm của người hậu phương tới người tiền tuyến, những chiếc khăn mùi xoa, chiếc áo của thiếu nữ miền Nam thêu tặng người ra Bắc tập kết.

Đặc biệt, người xem có thể hình dung về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giản dị qua những di vật đơn sơ như chiếc áo đi mưa, bàn chải răng, chiếc bật lửa và gương đã hoen gỉ…

Xúc động nhất là những trang quyết tâm thư, đơn xin tình nguyện vào Nam chiến đấu và hàng chục hồ sơ lý lịch của các chiến sĩ một thời vượt Trường Sơn đi cứu nước. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, anh Phùng Đức Niên, huyện Định Hóa, Bắc Thái, khi đang công tác tại Ty bưu điện Bắc Thái, viết những dòng tâm thư: “Tôi là một đoàn viên, có nghiệp vụ, sức khỏe, đi lên đường cùng đồng bào miền nam, gánh vác nhiệm vụ bảo vệ đất nước”.

Bồi hồi nhớ lại một thời gian khổ mà oanh liệt. Ảnh: Đoàn Loan

Khu trưng bày những kỷ vật này luôn thu hút khá đông người xem. Theo Đức Tâm, sinh viên K49, ĐH Xã hội nhân văn, em và các bạn rất xúc động khi xem những kỷ vật, những bức thư quyết tử và rất nể phục khi chứng kiến sự hy sinh của cha anh xưa kia. “Em không ngờ ở chiến trường gian khổ như vậy mà người chiến sĩ vẫn mong mỏi được ra trận và anh dũng chiến đấu”, Tâm nói.

Nhiều di vật này đã là vật chứng cho nhiều gia đình khi làm chế độ cho thân nhân. Ông Huỳnh Tùng, một cán bộ từng đi B, cho hay, qua 37 năm ông mới hoàn chỉnh được bộ hồ sơ liệt sĩ cho cha mình, nhờ bản lý lịch, giấy tiếp nhận tại trạm đón tiếp ở chiến trường B lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ.

Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, cuộc triển lãm này mới đưa ra một phần nhỏ trong tổng số gần 70.000 hồ sơ về các chiến sĩ đi B. Hiện, mới có hơn 4.400 người đến nhận kỷ vật và giải quyết chính sách. Tại triển lãm, người xem có thể tra cứu và tìm lại hồ sơ về người thân tại màn hình cảm ứng. Họ sẽ được nhận lại các di vật của thân nhân đang được lưu giữ.

Triển lãm Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ 14/12 đến 14/1.

Đoàn Loan (Nguồn: VnExpress)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.