Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn ngày xưa

0
1257

Nhắc đến các thú vui của dân tộc ta trong 3 ngày Tết mà không có mục xem ciné thì quả là một điều thiếu sót, cũng giống như cầu thủ bóng tròn ra sân cỏ mà trái banh bị bà xã ôm ở nhà vậy đó. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tiền lì- xì Tết được bao nhiêu là tôi cúng hết cho mấy ông chủ rạp hát bóng và mấy cha bầu cua cá cọp ráo trơn. Thú thật là tôi mê ciné từ lâu lắm rồi, khoảng một ngàn chín trăm hồi đó. Mấy công thức toán học, vật lý thì tôi ù ù cạc cạc chứ còn phim ảnh thì tôi rành 6 câu. Phim gì? Hãng nào? Ai đóng? Ai đạo diễn sản xuất? là tôi thuộc vanh vách. Thậm chí đến cả ngày giờ sanh của tài tử điện ảnh tôi cũng nằm lòng luôn, mặc dù đôi lúc tôi quên sinh nhật của ba má tôi và của cả… chính tôi nữa. Mấy tấm vách ở nhà tôi dán đầy những posters của Gary Cooper, John Wayne, Burt Lancaster, Robert Mitchum, Kirk Douglasà, Ava Gardner, Yvonne de Carlo, Susan Hayward, Jane Russell, Rita Hayworth…

Thỉnh thoảng tôi “dợt le” với đám con nít lối xóm:

– Liz Taylor mới ly dị với Mike Todd.
– Nathalie Wood vừa làm đám cưới với Robert Wagner.
– Tuần rồi, James Dean bị tử nạn xe hơi.
– Phim Quo Vadis tổn phí tới 5 triệu Mỹ kim.

Nghe tôi thuyết trình, tụi nhỏ chỉ có há mồm trố mắt thán phục. Tụi nó cứ tưởng như tôi vừa đi Mỹ… Tho mới về (mà thực sự tôi là người Mỹ Tho chứ bộ). Dần dà, tôi được coi như là kim chỉ nam “hát bóng” của cả xóm. Hễ có tranh cãi nhau về điện ảnh là mọi người kéo đến gặp tôi để nhờ phân xử. Lẽ dĩ nhiên tôi tuyên bố vung vít (nghề của chàng mà lị) còn nếu có chỗ nào bí, tôi tự động phịa luôn thì cũng chẳng chết thằng Tây nào và cũng chẳng ma nào mà biết được. Tụi nhỏ có lúc mượn tên tôi để bảo đảm cho câu chuyện của chúng: “Anh Lộc, anh ấy nói dzậy đó”. Giá mà có cuộc thi kiến thức điện ảnh lúc bấy giờ thì “chưa chắc thằng này hơn thằng nào, đó nghe”.

Ấy chết, từ nãy giờ tôi đã đi lạc đề hơi xa, xin mời các bạn trở lại câu chuyện đầu năm rạp hát. Hôm nay nhân ngày Xuân nơi xứ lạnh quê người, chúng ta hồi tưởng lại “nước thanh bình 30 năm cũ” vào khoảng thập niên 5, 60, lúc mà lũ con cháu Hồ tặc chưa lê “đôi dép râu giẫm nát đời son trẻ” vào thủ đô Sài Gòn để chúng ta cùng du xuân một vòng quanh các rạp của Hòn Ngọc Viễn Ðông. Cũng xin thưa trước cùng các bạn là những sự việc được ghi ra đây theo trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của tôi nên nếu có gì sai sót thì xin các bạn đánh cho hai chữ đại xá. Thiện tai! Thiện tai!

Sài Gòn thân yêu của chúng ta lúc bấy giờ có 2 hệ thống rạp trình chiếu khác nhau:

1- Rạp thường lệ: có giờ xuất hẳn hoi, giống như các rạp ở Canada.

2- Rạp thường trực: chiếu liên tu bất tận, ai vô ra bất cứ lúc nào cũng được

Rạp thường trực có cái dở là có khi ta vừa vào rạp thì thấy thằng kép chính bị bắn gục rồi một lúc sau lại thấy nó hung hăng đấm đá tưng bừng, thật là mất sướng. Nhưng nó có ưu điểm là khán giả không phải sắp hàng chờ đợi giờ, xuất lôi thôi.

Ðể bắt đầu cho chuyến du xuân tưởng tượng, mời các bạn đi từ Chợ Lớn trước nhé.

Rạp hát đầu tiên chúng ta ghé thăm là rạp Hồng Liên, ở đường Minh Phụng (dưới dốc cầu Bình Tiên). Rạp này chuyên chiếu phim Tàu chuyển âm tiếng Việt và đặc biệt là con nít ở đâu mà tàu chở hổng hết. Lớp khóc đòi bú, lớp khóc vì nóng nực, lại có đám la hét cười giỡn om sòm khiến ta có cảm tưởng đi lạc vào nhà trẻ. Thôi thì phải “dĩ đào vi thượng” để tới rạp Victory Lê Ngọc ở đường Tổng Ðốc Phương (góc Nguyễn Trãi). Rạp này cũng thường chiếu phim Tàu (ngay trung tâm Chinatown mà lị) nhưng được cái tương đối sạch sẽ và có chút trật tự.

Quẹo xuống đường Ðồng Khánh về hướng Sài Gòn có một lô rạp Lido, Oscar, Hào Huê cũng thuộc loại khá. Vì ở lằn ranh giới giữa Sài Gòn Chợ Lớn, những rạp này chiếu phim Tây Tàu lẫn lộn.

Rẽ qua Xóm Củi, có rạp Huỳnh Long thuộc loại bình dân học vụ. Tuy nhiên tôi thích nhất cái màn xe ngựa uýnh trống tùng sình quảng cáo, 2 bên thành xe gắn 2 tấm paneau bành ky vẽ những cảnh action của phim đang trình chiếu. Xe chạy khắp phố phường, ngựa phi nhịp nhàng theo tiếng trống, trong khi đám con nít rượt theo 2 bên xe hò hét vang trời, xin cho được tờ giò-ram (programme) đủ màu xanh đỏ trắng vàng.

Ðến vùng chợ Thái Bình thì có 3 rạp:

– Rạp Quốc Thanh ở đường Nguyễn Trãi, bên hông Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.

– Rạp Khải Hoàn ngay góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão, thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh, ai vào xem cũng cứ muốn “yêu nhau cởi áo cho nhau” hết.

– Trên đường Phạm Ngũ Lão cạnh chợ Thái Bình có rạp Thanh Bình sau này sửa sang lại thật lịch sự.

– Rẽ ra đường Trần Hưng Ðạo có rạp Ðại Nam của ông Ưng Thi nổi tiếng sang trọng. Vào coi rạp này nên ăn mặc cho đàng hoàng một chút. Chứ áo thun quần cụt, còn chơi thêm đôi dép Nhật lủng la lủng lẳng như “Phánh ký Hủ tiếu” thì người ta cười cha mẹ mình.

Ðầu đường Nguyễn Thái Học (ngã ba Phạm Ngũ Lão) đổ xuống tận Cầu Ông Lãnh là nơi tọa lạc 2 rạp: Ðình Tân KiểngNam Tiến, dành cho những khán giả dễ tính, sau này chỉ để cho các đoàn cải lương, hát bộ, hồ quảng.

Xuống ngay downtown Sài Gòn, có rạp Vĩnh Lợi ở đường Lê Lợi gần bệnh viện đô thành. Vào xem phim ở đây có cái tiện lợi là nếu “thả dê” bậy bạ mà lỡ bị ăn guốc “phun máu đầu” thì chỉ cần mấy bước là tới nhà thương ngay. Rạp này thuộc loại trung bình. Coi phim xong rồi tạt vô quán Thanh Bạch đá một dĩa cơm rang “bổn tiệm” hay một ổ bánh mì gà thì thiệt là mát trời ông địa.

Xích lại đường Nguyễn Huệ, các bạn sẽ thấy ngay rạp Rex, rạp hát đầu tiên có thang cuốn (escalator) cũng của ông Ưng Thi (Ðại Nam). Ðây là rạp ‘deluxe’ nhất của thủ đô. Khán giả rất thanh lịch, ai lạng quạng thì ngài đô trưởng ở kế bên sẽ bước qua hỏi thăm sức khỏe liền. Giá vé mắc hơn các rạp khác nhưng money’s worth. Nghe tụi bạn nói trong ngày khai trương (chiếu phim Ben Hur với Charton Heston), có một người đẹp nọ đi thang cuốn lúc lên gần tới tầng lầu không hiểu quýnh quáng thế nào mà để cái thang “mắc dịch” nó cuốn luôn cái quần, chỉ còn độc cái quần lót nhỏ xíu. Thế là nhiều khán giả may mắn hôm đó được no con mắt với màn striptease 50%. Tôi chắc kiếp trước vụng đường tu, không có diễm phúc địa được hình ảnh “kêu gọi” này. Mà thèm thì nói vậy chứ nếu tôi có mặt ở đó trong giờ phút nghiêm trọng như vậy thì chắc bị tẩu hỏa nhập ma đến chết mất thôi!

Ðối điện rạp Rex là rạp Eden mà cho tới bây giờ nhắc đến là tôi vẫn còn “Ô Mê ly đời ta”. Số là trên lầu 3 của rạp này có chia từng ô riêng rẽ, rất ư là riêng biệt kín đáo để “bàn tay đưa anh vào cuộc đời” thả giàn. Kế tiếp, ta đi trên con đường Tự Do xuống tận bến Bạch Ðằng để vào xem phim ở rạp Majestic mà tây đầm coi cũng rất nhiều.

Tưởng cũng nói thêm là hầu hết các phim chiếu tại Sài Gòn lúc bấy giờ đều nói tiếng Pháp hoặc chuyển âm tiếng Pháp, phụ đề Việt ngữ. Phim nói tiếng Anh thì chỉ Xuân Thu nhị kỳ. Có lẽ các hãng phim nghĩ rằng Việt Nam là cựu thuộc địa của Pháp, nên cứ phạng cho cái Francophonie là tiện việc sổ sách.

Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn Thất Ðạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và nóng nực lắm. Cách đó không xa là rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Văn Sâm, (góc Hàm Nghi) tương đối còn mới và chiếu phim cũng “xịn” lắm.

Băng qua đường Pasteur gần ngã tư Lê Lợi, có rạp casino Sài Gòn thuộc loại trung bình. Tuy nhiên sau khi xem phim xong, dẫn đào tấp qua bên kia đường làm một dĩa bò bía đính kèm ly nước mía Viễn Ðông thì cũng có điểm với em lắm chứ bộ. Ði một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi), ta thấy rạp Asam mà dân Sài Gòn thường gọi là “Á sẩm”. Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên “Á sẩm” mất gốc quá, nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao Chỉ. Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này “ngang cơ” với casino Sài Gòn. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Ðông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

Nếu muốn thưởng thức văn hóa càri, mời bạn bước chân tới rạp Long Phụng ở đường Gia Long, nơi chuyên chiếu phim của hậu duệ ông Gandhi như Công Chúa Thủy Tề, Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ với các than hầm minh tinh: Ganeshan, Savitri…

Ðể xem nữ sinh Sài Gòn hấp dẫn cỡ nào, mời các bạn đến rạp Lê Lợi đường Lê Thánh Tôn. Ở đó bạn sẽ thấy rất nhiều nữ sinh với chiếc áo dài hoa xuân thướt tha, thân liễu dịu dàng trông bắt con mắt lắm. Chính vì thế mà dê thả vào rạp đông nghẹt đến đỗi không còn chỗ ngồi.

Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy? Thưa vì đó là mật khu của rệp. Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào restaurant, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào!

Ði dài theo đường Cao Thắng, bạn có thể vào coi rạp Việt Long (ngay ngã ba Trần Quý Cáp) cũng thuộc loại khá. Vào đầu thập niên 70, rạp được tân trang và đổi tên là Thăng Long. Tôi còn nhớ (vì chính tôi đi coi chứ ai) phim cuối cùng được chiếu trước khi bọn cướp ngày từ rừng rú về thành là phim “The French Connection” do tài tử Michael Caines đóng vai chính.

Gần cuối đường Cao Thắng (ngã tư Phan thanh Giản xéo chợ 20), có rạp Ðại Ðồng Sài Gòn rất ư là bình dân, chiếu toàn phim cũ, giá vé chỉ bằng giá một tô phở xe lửa. Nhưng được cái xe bò viên ngay ngay trước rạp thì tuyệt cú mèo. Quẹo qua đường Phan Thanh Giản về hướng ngã bảy, nơi tọa lạc rạp Long Vân thuộc loại kha khá. Rạp lúc nào cũng đông khán giả, chắc nhờ ở ngay trung tâm nhân mãn của Saigon: cư xá Bàn Cờ, cư xá Ðô Thành, chung cư Minh Mạng…

Phía bên kia ngã bảy, đường Vĩnh Viễn là rạp Thành Chung (Vườn Lài) mà khán giả vào xem có cái “thú đau thương” là nếu trời nóng thì tắm hơi, còn trời mưa thì tắm nước từ nóc rạp dột xuống.

Chiều Mồng Một Tết, ta kéo vài người bạn cùng tới đường Hồng Thập Tự (ngang tiệm bàn ghế Phan Văn Nhị) để đón Xuân bằng tô cháo vịt nóng hổi thơm lừng hành hương nước mắm gừng đậm đà rồi đưa cay một ly nước mắt quê hương. Sau đó ta băng qua đường vô rạp Olympic xem phim “Le Mirage de la Vie” do Sandra Dee đóng thì thấy ‘đời còn dễ thương’ lắm chứ. Rạp Olympic sau đó được đoàn Kim Chung từ Aristo, đường Lê Lai, tới bao rạp làm sân khấu thường trực.

Rời đường Hồng Thập Tự, bạn thừa thắng xông lên tới rạp Kinh Ðô đường Lê Văn Duyệt (ngã ba Huyền Trân Công chúa) ngang Tổng Liên Ðoàn Lao Công của bố già Trần Quốc Bửu. Có lẽ mang tên là Kinh Ðô, rạp rất sạch sẽ thanh lịch. Tiếc là rạp chỉ hoạt động có 4, 5 năm gì đó rồi đi chỗ khác chơi, nhường địa điểm lại cho cơ quan USAID của Mỹ.

Bây giờ mời bạn đàng trước – bước – tới ngã tư Trần Quý Cáp-Lê Văn Duyệt để vào xem rạp Nam Quang (chợ Ðũi), thuộc loại bình dân học vụ. Cũng nằm trên đường Lê Văn Duyệt, qua khỏi trung tâm nghỉ mát dài hạn tức là khám Chí Hòa thì có rạp Thanh Vân, cũng đại loại như rạp Nam Quang. Có điều cần lưu ý các bạn là các rạp này có nhiều Bê-Ðê lắm đó. Ðang ngồi xem phim mà bạn bỗng “giác ngộ” là có bàn tay năm ngón của thằng ngồi bên cạnh vượt biên vào vùng cấm địa của bạn để bấm nốt nhạc thì chính là nó đó. Nó định biểu diễn altosax. đó. Bạn chỉ còn có đi chỗ khác xem cho khỏi ngất ngư con tàu đi.

Ði một chút, tới đường Thoại Ngọc Hầu, rẽ vô chợ Ông Tạ bạn sẽ gặp ngay rạp Ðại Lợi, chiếu đủ thứ phim Âu Á. Sau ngày đứt phim 30-4, bọn VC sử dụng rạp Ðại Lợi (cũng như nhiều cơ sở khác) làm nhà tù. Quẹo xuống đường Trương Minh Giảng, có rạp Văn Lang không gì đặc biệt.

Và bây giờ mời bạn ghé vào Ðakao, xem rạp casino Ðakao (ngã ba Hiền Vương – Ðinh Tiên Hoàng). Rạp này chung một chain với rạp casino Sài Gòn nhưng kém thanh lịch, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, bạn có thể tự yên ủi bằng tô mì Cây Nhãn danh tiếng gần bên rạp. Ði trên đường Hai Bà Trưng qua khỏi Cầu Kiệu tới chợ Phú Nhuận bạn sẽ gặp rạp Văn Cầm Phú Nhuận chung một chủ với rạp Văn Cầm Chợ Quán (Nguyễn Biểu-Bến Hàm Tử). Theo tôi, đây là rạp nhỏ nhất Sài Gòn và giá vé rẻ nhất. Tiền nào của nấy đó các bạn ạ. Nếu không muốn vào xem rạp Văn Cầm, mời bạn quay trở về Tân Ðịnh để tới rạp Kinh Thành, bên hông chợ Tân Ðịnh. Rạp này rất xưa, dưới mức trung bình trên mọi phương diện.

Cách đó không xa, trên đường Trần Quang Khải có rạp Văn Hoa. Ðây là rạp mới nhất của thủ đô Sài Gòn nên màn ảnh, âm thanh tuyệt hảo, ambiance lại rất khang trang lịch sự, chiếu toàn phim mới. Sau đó, ta cùng hướng về Gia Ðịnh qua đường Bạch Ðằng (bên hông chợ Bà Chiểu) có rạp Cao Ðồng Hưng, còn đường Nguyễn Văn Học (ngã tư Bình Hòa) có rạp Ðại Ðồng Gia Ðịnh. Cả hai rạp dưới xa mức trung bình, nạn đứt phim rất thường xảy ra. Có điều là cạnh rạp Ðại Ðồng, quán cơm tấm bì ăn cũng phê lắm. Giờ thì bạn hãy đi dọc theo đường Lê Quang Ðịnh (Gia Ðịnh) để đến trạm cuối của cuộc du xuân là rạp Lạc Xuân nằm trên đường Gia Long (cạnh chợ Gò Vấp). Rạp này chiếu toàn phim cũ và cái projecteur chắc của Tây để lại, phim cứ sọc rằn làm nhức mắt người xem.

Thưa các bạn, sau khi đi một vòng các rạp chiếu bóng Sài Gòn, các bạn có thấy bồi hồi nhớ thương quê hương thân yêu của chúng ta hay không? Chắc hẳn là có vì không ai trong chúng ta không giữ trong tâm tư những hình ảnh, những kỉ niệm êm đềm của một thời hoa mộng. Có thể đó là một buổi tối đi bên người yêu giữa trời lất phất mưa dưới hàng me lá xanh rơi nhè nhẹ trên mái tóc em. Hay có thể cũng là một ngày về thăm quê Ngoại, ăn bữa cơm tép kho canh rau dền trong mái tranh nghèo bàng bạc khói lam chiều, bên dòng sông nước lững lờ đẩy đưa đám lục bình tim tím trôi giạt đến một phương trời vô định.

*

Nhưng cảm động nhất có lẽ là chuyến tháp tùng đoàn học sinh ngày đầu xuân đi thăm tiền đồn Dakto, Ben-Het. Ðến thăm để mà cảm thương cho cuộc đời chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa nơi rừng núi âm u, áo bạc màu chiến trận, thân dãi dầu phong sương, tay ghì chặt súng để sẵn sàng chiến đấu. Tất cả đã bỏ lại thành phố những người thân yêu mòn mỏi đợi chờ, những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân.

Ðối với lính, Xuân chỉ là:

“Ðón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền”
(Phiên Gác Ðêm Xuân, Nguyễn Văn Ðông)

hoặc:

“Ðồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa?”
(Ðồn Vắng Chiều Xuân – Trần Thiện Thanh)

hay chua xót hơn:

“Quà Xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ,
Ðời lính chiến lấy gì về tặng em”
(Phút Giao Mùa, Trần Thiện Thanh)

*

Trở lại chuyện coi phim Tết, ta không thể không nói đến bói tuồng đầu năm, một tập tục rất thú vị của dân tộc. Này nhé! Bạn đừng xem trước quảng cáo phim mà cứ đi thẳng tới một rạp nào đó rồi xem phim mà đoán vận mạng trong năm. Nếu gặp phim cao bồi đấm đá chẳng hạn như Gunfight at the O.K.Corral thì bảo đảm trong năm có chuyện thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Còn nếu xem nhằm phim bài bạc như Casino thì quanh năm sẽ ngồi sòng hơi nhiều. Nếu coi trúng phim travel như “Around the world in 80 days” thì cứ chuẩn bị mà đi du lịch. Nếu không đi Mỹ Tho thì cũng đi Tây Ninh hoặc Ðức Hòa vậy, còn như ai mà lỡ coi phải phim cấm trẻ em như Nam Nữ Y Học Bửu Giám “thì cầm chắc là phải tới nhà thuốc Võ Văn Vân mua một lô ‘Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn” nếu là quý ông, còn quý bà thì sao? Mắc cỡ gì mà hổng chịu xài “Dưỡng thai nhành mai”.

Cũng trong mục bói tuồng đầu năm, có một điều mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc là hồi Tết Ất Mão (1975), không hiểu có rạp nào chiếu phim “Chúng tôi muốn sống” (Lê Quỳnh, Mai Trâm, Thu Trang) hay “Ánh sáng miền Nam” (Lê Quỳnh, Khánh Ngọc) hay không và đa số đồng bào ta có xem không mà suốt năm phe ta ùn ùn xuống tàu, xuống ghe, xuống bè, xuống cả cần xé để vượt biên quá chừng chừng. Dĩ nhiên trong số những người “chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa” có cả bần bút nên mới có được ngày hôm nay ngồi viết lếu láo góp vui cùng các bạn trong ngày đầu Xuân Kỉ Mẹo và nhất là để chúng ta cùng hoài niệm về một “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”


Mục Giải Trí trên một nhật báo ở Sải Gòn trước 1975

Nguyên Trần

Nguồn: langchai.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.